Số 242: Thức Ăn Nhanh Cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul) by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R. thứ hai, ngày 22 tháng 5 năm 2023.
NHÂN ĐỨC ANH HÙNG
Bấy giờ Chúa Giêsu nói rằng: “Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm,
Phần ta, ta đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào”. (Gioan 10: 10)
Trong các nhân đức, chúng ta thấy có ba nhân đức Đối Thần: Tin, Cậy, Mến, và bốn nhân đức trụ: ơn khôn ngoan (prudence), ơn công bình (justice), ơn tiết độ (temperance), và ơn can đảm (courage). Trong thang về các nhân đức thông thường, chúng ta không thấy chỗ nào đề cập đến nhân anh hùng.
Nhân đức anh hùng là gì? “Nhân đức” là một đức tính tốt. “Anh hùng” được lấy từ hai chữ: anh và hùng. “Anh” loài hoa thơm và đẹp nhất trong các loài hoa. “Hùng” là loài thú mạnh nhất trong các loại thú. Do đó, “anh hùng” được hiểu là nét đẹp và mạnh mẽ nhất được kết hợp lại với nhau, ám chỉ rằng nét đẹp mạnh mẽ đan quyện nơi lối sống của một con người thì người đó được gọi là người anh hùng.
Thông thường, chúng ta nghĩ người anh hùng là những người làm nên những chuyện lớn lao, có khả năng đánh Đông, dẹp Tây, lập lên những công trạng hiển hách. Người có những đức tính phi thường, nhất là lòng can đảm xả thân vì những người khác. Điều này rất đúng, và không sai. Nhưng, trong đời sống thường nhật, đâu phải ai cũng có những dịp, những cơ hội, những khả năng để làm những việc lớn lao. Vậy, anh hùng trong những hoàn cảnh đời sống thường ngày là thế nào?
Thưa là người dám hy sinh những lợi ích của mình vì lợi ích chung, vì lợi ích cho người khác để làm thăng tiến xã hội, cộng đồng nơi mình đang sinh sống, cũng phải được gọi là những anh hùng vậy. Đoạn trích sau phần nào diễn tả được thế nào là người anh hùng trong đời sống mà chúng ta có thể gặp trên đường phố, trong đời thường.
Thế nào là anh hùng? Theo tôi, anh hùng là người can đảm cống hiến trong mọi hoàn cảnh dù là khó khăn nhất; là một cá nhân hành động không vị kỉ và luôn đòi hỏi bản thân mình phải tốt hơn so với mức kì vọng của mọi người, là người xem thường nghịch cảnh để kiên quyết thực hiện điều mình tin tưởng mà không hề sợ hãi. Anh hùng là người muốn cống hiến, sẵn sàng trở thành hình mẫu và sống thật với niềm tin xác quyết của mình. Anh hùng luôn xây dựng chiến lược để đảm bảo đạt được kết quả và theo đuổi đến khi thành quả mong muốn trở thành hiện thực; họ sẵn sàng thay đổi phương pháp nếu cần thiết và hiểu tầm quan trọng của những hành động nhỏ. Anh hùng không phải là mẫu người “hoàn hảo” vì chẳng có ai hoàn hảo. Chúng ta đều mắc sai lầm, nhưng điều đó không phủ nhận những cống hiến của chúng ta trong đời.[1]
Chúng ta thường than phiền là xã hội ngày nay nơi nào cũng loạn, nơi nào cũng có những bất công tràn lan. Đúng! Xã hội có quá nhiều điều bất ổn. Loạn, bất ổn là bản chất của mọi xã hội, mọi thời, mọi nơi. Chúng ta thấy các trang báo chí, TV, Youtube, các trang mạng xã hội…, chỗ nào cũng lên án, phê bình chỉ trích những cái xấu, dường như họ, những người loan tin, không phải là người đã trực tiếp, giáng tiếp đưa đến những cái xấu của xã hội. Họ dường như là người ngoài cuộc về những cái xấu này, và thản nhiên cho mình cái quyền lên án, [Ở đây không nói đến những người làm bổn phận trách nhiệm đưa thông tin]. Nhưng bổn phận và trách nhiệm của mỗi người chúng ta, sống trong một xã hội, là có bổn phận làm cho chính môi trường mình sinh sống triển nở hơn. Nếu chúng ta tự cho mình là những NGƯỜI TỐT, đang sống trong một xã hội, mà để những bất công cứ nhan nhản, mà ta không hành động để nó bớt đi, thì ta chính là người xấu nhất.
Chuyện Kể Rằng:
Một lần kia, Tử Cống hỏi Đức Khổng Phu Tử: Một người bị cả làng nói là xấu, có xấu không?
Đức Khổng Phu Tử trả lời: Chưa chắc!
Tử Cống tiếp tục hỏi: Một người được cả làng nói là tốt, có tốt không?
Đức Khổng Phu Tử cũng đáp lại: Chưa chắc!
Tử Cống lại hỏi:Vậy, làm thế nào để ta biết được người tốt, kẻ xấu?
Đức Khổng Phu Tử trả lời: Phải xem cái làng ấy là làng tốt hay xấu đã. Một làng xấu, thì người tốt nhất của làng ấy là kẻ xấu nhất.
Theo ý Đức Khổng Phu Tử: một xã hội, một cộng đồng có nhiều bất công, nhiều gian ác xảy đến, nếu như ta được cho là người đạo đức, công chính, và chẳng làm gì để cái xấu bớt đi, ta có thể là người tệ nhất, có thể là nguyên nhân xâu xa không làm mất đi những cái xấu đó.
Bổn phận trách nhiệm của mỗi người chúng ta hiện diện ở môi trường nào thì môi trường ấy phải trỗi lên sức sống, sự sống phải lan tràn. Chúa Giêsu khi đến trần gian, “bấy giờ Chúa Giêsu nói rằng: “Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, phần ta, ta đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào” (Gioan 10: 10). Sự hiện diện của chúng ta phải làm cho người khác “được sống, và sống dồi dào.” Khi chúng ta làm cho những người xung quanh được sống, sống dồi dào, thì cần lắm những đức tính anh hùng trong mọi cảnh huống đời thường. Xin ơn cho được sống như một anh hùng, và chết như một anh hùng.
Cùng Suy Nghĩ và Hành Động: Mời bạn, mở các trang báo, TV, hay bất cứ trang tin thời sự, dòng chính hay tin lá cải, tin bề lề, đếm xem giữa tin tốt và tín xấu, tin nào số lượng nhiều hơn? Khi thấy loan tin: Bắn nhau, tai nạn, tham nhũng, trộm cướp…, trong đầu bạn nảy lên ý tốt gì để làm bớt đi không? Bạn có đưa ra những hành động cụ thể như: góp chút tài chính, hay thời gian (như tình nguyện đi làm), hay viết những bài góp ý, phản biện hay thậm chí dâng một lời nguyện, một câu kinh cho những vấn đề đó. Thay vì, ngồi đọc, ngồi xem, rồi càm ràm, đưa đến những cái nhìn tiêu cực. Tôi làm một hành động cụ thể nào để bớt cái xấu trong môi trường sống xung quanh? Tôi tập một đức tính gì để phản ứng nhanh nhạy hơn trước cái xấu?
[1] Anthony Robbins, Đánh Thức Con Người Phi Thường Trong Bạn, NXB Tổng Hợp, Tp. HCM, 2019, tr. 397-8.
Fr. Quảng Trần, C.Ss.R.