Câu chuyện xảy ra tại một hải đảo thuộc nước Italia, dân chúng qui định: nếu một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, người ta sẽ buộc cổ người đàn bà này vào một tảng đá lớn, và quẳng xuống biển cho chết chìm.
Vào một ngày nọ, có một người đàn bà bị bắt quả tang về tội này, bà sẽ bị xử theo qui định. Nhưng đến ngày xử mà người chồng vẫn còn đang đánh cá ở ngoài khơi, cho nên dân làng phải gia hạn thêm vài ngày nữa. Người ta đã gia hạn nhiều lần nhưng vẫn không thấy người chồng trở về. Cuối cùng, họ phải đưa người đàn bà ấy đến một vùng biển sâu, cột một tảng đá lớn vào cổ bà, rồi đẩy bà xuống nước.
Nhưng lạ lùng thay, hôm sau mọi người đều kinh ngạc thấy người đàn bà xuất hiện trong làng.
Thì ra, người chồng đã hay biết tất cả những gì xảy ra cho vợ mình. Thay vì trở về chứng kiến bản án khắc nghiệt, ông ta tìm cách ở lại ngoài khơi, với hy vọng kéo dài cuộc sống cho vợ. Và đến ngày xử án, ông đã đến núp sau một ghềnh đá lớn. Khi người ta vừa ném bà xuống biển, ông đã đến đón lấy bà, tháo gỡ tảng đá ra và đưa bà về nhà.
Câu chuyện này gợi lại cho chúng ta phiên tòa xét xử người phụ nữ ngoại tình của những người không có lòng xót thương. Họ hí hửng khi bắt gặp người đàn bà đang phạm tội ngoại tình và dùng bà để đưa Chúa Giêsu vào bẫy. “Thưa Thầy, trong sách Luật, ông Mô-sê truyền dạy chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà này. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Hành động của những ngưòi bắt và tố cáo người phụ nữ này, thoạt nhiên có vẻ như là đang làm chuyện đúng đắn, bảo vệ thuần phong mỹ tục. Nhưng đây chỉ là cái bẫy giăng ra để tìm cách hại Đức Giê-su. Này nhé, chiếu theo luật Mô-sê, thì người ngoại tình và tòng phạm phải xử tử bằng hình phạt ném đá (Lv 20: 10, Đnl 22:22-24). Nhưng theo luật của chính quyền thống trị Rô-ma thì người Do thái không có quyền lên án tử hình.
Vậy, nếu Đức Giê-su đồng ý với các kinh sư và luật sĩ, thì ngài sẽ gặp rắc rối với chính quyền Rô-ma. Còn nếu ngài không tuyên án, thì ngài bị coi là một vị thầy rab-bi giả hiệu, vì hễ là rab-bi chân chính thì đương nhiên chẳng phá Luật . Nhóm chống đối Đức Giê-su rất hả hê vì họ nắm chắc phần thắng. Đằng nào cũng chết. Ra lệnh ném đá thì bị mang tiếng là bất nhân bất nghĩa, nói một đàng làm một nẻo. Còn tha bổng thì lại là bất trung bất tín, đi ngược lại với giáo huấn của Mô-sê. Giữa luật Rô-ma và luật Mô-sê, ngài phải chọn đường nào?
Đúng là một chiếc ná bắn hai con chim. Người phụ nữ bị bắt chẳng qua chỉ là cái cớ để họ xét xử Đức Giê-su. Đức Giê-su chẳng buồn đáp lại câu hỏi khiêu khích của họ. Ngài im lặng cúi xuống viết trên đất. Viết những gì? Có người cho rằng, Đức Giê-su đã vạch tội của họ trên nền đất. Người khác nghĩ rằng, Đức Giê-su im lặng ngồi vẽ lung tung là thờ ơ với âm mưu của họ.
Dù sao, sự im lặng này làm tất cả mọi người đều hồi hộp. Rõ ràng là Đức Giê-su đang tỏ thái độ bất hợp tác. Vì họ cứ hỏi mãi, nên ngài ngẩng đầu lên và bảo : “Ai trong các ông sạch tội, cứ lấy đá ném chị này trước đi!” Và rồi chuyện kể rằng, mọi người lần lượt bỏ đi, đám đông tự giải tán.
Chỉ có hai cách để trả lời câu chất vấn của Đức Giê-su. Một là nhận lỗi và xin tha thứ. Hai là lẳng lặng rút lui. Vì đám đông không dám hoặc không muốn đối diện với tình trạng tội lỗi của mình, họ đã từng người một quay lưng bỏ đi. Họ không có lòng thương xót người phụ nữ lầm lỡ nên họ đã mất đi một cơ hội chứng kiến lòng xót thương của Đức Giê-su. Thánh Âu-tinh nhận xét : Tất cả những kẻ tố cáo đều rút lui. Chỉ còn lại hai người : một con người yếu hèn và một Đấng đầy lòng thương xót.
Đúng ra họ nên ở lại. Người phụ nữ đã ở lại, và chị nhận được lòng thương xót. Đức Giê-su, với sự cảm thông cho thân phận yếu hèn của con người, đã ban cho chị ơn tha thứ và bình an. Người phụ nữ không phải là vô tội. Đúng theo Luật, chị đáng phải chết. Nhưng Đức Giê-su không xử với chị bằng lý, nhưng bằng tình : “Chị về đi; từ nay đừng phạm tội nữa!” Chính cách đối xử nhân ái đầy tình người đó đã động viên chị và cho chị một khởi đầu mới.
Hình phạt có thể làm người ta sợ. Công lý có thể làm cho người ta e dè. Nhưng chỉ có tình thương mới biến đổi phận ngưòi. Chỉ có lòng thương xót cảm thông mới cho con người động lực đứng lên sau bao lần quỵ ngã. Đức Giê-su đã dùng tình thương chứ không phải công lý để cảm hóa người phụ nữ kia, cũng như ngài đã từng làm với Za-kêu, với Lê-vi, và bao người tội lỗi khác. Ngài đã nhìn họ với ánh mắt xót thương, thông cảm, chứ không phải bằng ánh mắt xét nét, bắt bẻ.
Ngoại trừ Đức Giê-su, chẳng ai có tư cách để ném đá người phụ nữ kia. Thế nhưng, ngài đã chọn để gánh lấy tội của người phụ nữ ngoại tình, và chết thay cho chị trên thập giá. Ngài cũng chọn để gánh lấy tội của bạn và tôi, và tha bổng cho chúng ta bằng chính giá máu của ngài. Ôi tình yêu cao cả! Ôi lòng thương xót tuyệt vời!
Ước gì chúng ta biết chạy đến cùng Giê-su trong sự vấp ngã của chúng ta. Ước gì lòng thương xót của ngài thay đổi cuộc sống chúng ta. Ước gì sự thông cảm của ngài là động lực giúp chúng ta vươn lên, vượt thắng cám dỗ và tội lỗi.
Lạy Chúa, tất cả chúng con cũng như người phụ nữ này. Tất cả là những người tội lỗi không có tư cách cầm đá ném kẻ khác. Xin tha tội chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con. Xin Chúa thanh tẩy chúng con trong tình thương của Ngài để chúng con một lần nữa được thoát khỏi ràng buộc của tội lỗi và có sức mạnh để chống trả cám dỗ. Xin đổi mới trái tim chúng con để chúng con biết xót thương nâng đỡ anh em mình như Chúa đã thương xót chúng con. Amen!
Antôn Bảo Lộc