04 Tháng Năm 20245:02 CH(Xem: 22)
Nguồn: The Glories of Mary Thánh Alphonsus Liguori kể lại cảm nghiệm lạ lùng này: Năm 1228 có một vị linh mục đang cử hành Thánh Lễ vào ngày Thứ Bẩy để vinh dang Đức Mẹ Maria. Bỗng có một lực lượng lạc giáo Albigensian xuất hiện rồi chúng cắt đi cái lưỡi của vị linh mục.
04 Tháng Năm 20244:41 CH(Xem: 22)
(Những ai còn xa Mẹ và Giáo hội của Con Mẹ, cần mau trở về) Trong lịch sử kiến lập nhà dòng Chúa Giêsu ở Neapoli, có kể truyện một nhà quí phái trẻ tuổi người Tô cách lan, tên là Guliemô Elphinstone, hoàng thân của hoàng đế Giacôbê. Sinh trưởng trong bè rối, ông đã nhiễm lây tất cả học thuyết của lạc giáo. Nhưng một ánh sáng trên trời cho ông dần dần...
04 Tháng Năm 20244:38 CH(Xem: 15)
Có 36 Truyện từ Sách Vinh Quang Đức Mẹ Maria của Thánh Anphongsô Liguori, CSsr. Tác giả: Thánh Anphongsô Liguori Dịch giả: Phạm Duy Lễ Nếu chưa bị chết sa hỏa ngục thì không ai không thể trở về cùng Chúa, không thể được Chúa thương, nếu họ kêu xin Mẹ cứu giúp (Lời Đức Mẹ phán với thánh nữ Brigitta) Những truyện sau đây chứng minh cho sự thật trên.
04 Tháng Năm 20242:55 CH(Xem: 21)
Nguồn: Fr. Livio’s Blog Sẽ có hai điều bí mật đầu tiên xẩy ra và đem lại nỗi thống khổ cho nhân loại nhưng lại cần thiết cho linh địa Medjugorje 1. Thư của đọc giả gửi cho cha Livio:
03 Tháng Năm 20241:29 CH(Xem: 43)
Nguồn: Forums of the Virgin Mary và www.spiritdaily.com 1. Cuộc thị kiến mà ĐGH Leo XIII đã có trong lúc ngài dâng Thánh Lễ vào năm 1884 Khi ấy ngài nhìn thấy ma quỷ đang cố gắng đánh phá thành phố vĩnh cửu là thành phố Roma. Ngài cũng được nghe thấy Satan xin Chúa cho hắn thử thách Giáo Hội trong vòng 100 năm.
03 Tháng Năm 202412:40 CH(Xem: 41)
Nguồn: Forums of the Virgin Mary và www.spiritdaily.com 1. Dấu hiệu thời đại đó là cuộc thanh tẩy được Đức Mẹ báo tin Có một số người trên thế giới chưa nhận thức rằng thế giới và cuộc đời của chúng ta đang ở trong tình trạng chưa từng xẩy ra. Cũng có nhiều người không thể hiểu được lý do tại sao lại có vấn đề này xẩy ra.
03 Tháng Năm 202411:41 SA(Xem: 36)
Nguồn: Internet Câu chuyện này xẩy ra tại nước Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey): Có một anh chàng người Thổ Nhĩ Kỳ rượt đuổi một anh chàng người Hy Lạp.
03 Tháng Năm 202411:13 SA(Xem: 40)
Một nữ tu kể chuyện: Anh là một vị bác sĩ người Phật Giáo còn chị là một kế toán viên người Công Giáo. So ra thì họ cũng là môn đăng hộ đối. Tuy nhiên gia đình anh không muốn cho anh lấy vợ người Công Giáo và họ tìm mọi cách để ngăn cản đám cưới ấy.
03 Tháng Năm 20245:33 SA(Xem: 40)
Hôm nay tôi nghe một tin buồn: Người chồng hơn 70 tuổi của người bạn tôi đã qua đời tại Saigon vì không thể thở nổi. Nếu anh còn sống ở California thì với điều kiện có Medicare, anh sẽ được bịnh viện chăm sóc y tế thì anh không chết mau lẹ như thế...
30 Tháng Tư 20248:44 CH(Xem: 63)
Nguồn: Spiritdaily.com Tại làng San Giovanni còn có một nhà thần bí thứ hai, ngoài cha Padre Pio ra. Ngôi làng nhỏ này đã trở nên nổi tiếng vì có cha Padre Pio, kể từ sau Thánh Phanxico thành Assisi.

BÀN TAY THẦN KỲ CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN NĂM B (11/02/2018) NGÀY QUỐC TẾ BỆNH NHÂN [Lv 13,1-2.45-46; 1 Cr 1, 10,31-11,1; Mc 1, 40-45]

01 Tháng Hai 20184:18 CH(Xem: 1569)
forgiveBÀN TAY THẦN KỲ  
CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN NĂM B (11/02/2018)
NGÀY QUỐC TẾ BỆNH NHÂN

[Lv 13,1-2.45-46; 1 Cr 1, 10,31-11,1; Mc 1, 40-45]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ        

Chỉ cần liếc qua bất cứ một tờ báo nào (báo giấy, báo mạng) chúng ta sẽ nhận ra ngay rằng: trong thế giới loài người có những bàn tay làm nên những kỳ công, nhưng cũng có những bàn tay gây ra những tội ác tầy trời; có những bàn tay sạch thì cũng có những bàn tay bẩn thỉu, nhơ nhớp; có những bàn tay xây dựng, kiến thiết thì cũng có những bàn tay phá hoại; có những bàn tay cứu sống thì cũng có những bàn tay giết hại; có những bàn tay chữa lành thì cũng có những bàn tay gây nên thương tổn cho tâm hồn hay thân xác người khác.        

Đọc các bài Thánh Kinh hôm nay chúng ta sẽ thấy bàn tay của Thiên Chúa và của Chúa Giê-su Ki-tô là BÀN TAY THẦN KỲ. Điều đó đem lại cho chúng ta niềm vui lớn lao vì chúng ta sẽ được bàn tay ấy đụng đến để chữa lành và vỗ về an ủi. Điều đó cũng thúc bách để chúng ta nối dài bàn tay của Thiên Chúa để xoa dịu và chữa lành bệnh hoạn, tật nguyền và khổ đau của những người xung quanh! Xã hội Việt Nam ta đang ở trong một tình trạng không thể tồi tệ hơn nữa, nên rất rất cần bàn tay của Thiên Chúa, của Chúa Ki-tô và của các Ki-tô hữu tốt lành thánh thiện đụng đến!

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

(1) Trong bài đọc 1 (Lv 13,1-2.45-46): Người mắc bệnh phong phải ở riêng ra ngoài trại

(1) Đức Chúa phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron như sau: (2) “Khi trên da thịt người nào phát ra nhọt, lác hoặc đốm, là những triệu chứng bệnh phong, thì phải đưa người ấy đến với tư tế A-ha-ron hoặc với một trong các tư tế, con của A-ha-ron. (44) Nếu mắc bệnh phong, thì người ấy trở thành ô uế. Tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế; vì người ấy bị vết thương ở đầu.

(45) Người mắc bệnh phong phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: "Ô uế! Ô uế!’ (46) Bao lâu còn mắc bệnh, người ấy sẽ còn là ô uế. Người ấy phải ở riêng ra, chỗ ở của họ là một nơi bên ngoài trại.

(2) Trong bài đọc 2 (1 Cr 10,31 - 11,1): Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô.

10 (31) Thưa anh em, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa. (32) Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là cho người Do Thái hay người ngoại, hoặc cho Hội Thánh của Thiên Chúa; (33) cũng như tôi đây, trong mọi hoàn cảnh, tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm ích lợi cho riêng tôi, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ.

11 (1) Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô.

(3) Trong bài Tin Mừng (Mc 1,40-45): Chứng phong hủi biến khỏi anh và anh được sạch.

(40) Khi ấy, có người bị phong đến gặp Đức Giê-su, anh ta quỳ xuống van xin rằng:  "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch."  (41) Đức Giê-su chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh hãy được sạch!" (42) Lập tức bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch. (43) Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, (44) và bảo anh: "Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế; và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, đễ làm chứng cho người ta biết." (45) Nhưng vừa đi khỏi, anh đã bắt đầu rao truyền và loan tin ấy khắp nơi, đến nỗi Đức Giê-su không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân dung của Thiên Chúa.     

1o) Trong đoạn sách Lv 13,1-2.44-46 là những quy định mà Thiên Chúa truyền cho ông Mô-sê để ông phổ biến cho dân chúng tuân giữ: Người mắc bệnh phong bị coi là ô uế nên phải ở riêng một nơi, tách xa khỏi cộng đồng. Đi đâu người ấy cũng phải hô lớn tiếng (là mình ô uế) để mọi người tránh xa. Thật chẳng có gì đau đớn và tủi nhục cho bằng! Nếu người mắc bệnh phong được khỏi bệnh, thì người ấy phải tìm đến trình diện với tư tế để được vị này nhìn nhận là sạch bệnh và cho phép tái nhập vào cộng đồng. Hiển nhiên là trước mặt Thiên Chúa thì người bệnh phong chẳng ô uế hơn người khác và chẳng ô uế chỉ vì mắc bệnh phong là thứ bệnh vế thể lý. Điều làm cho con người thành ô uế trước mặt Thiên Chúa là tội lỗi chứ không phải là bệnh này bệnh nọ. Chúng ta có thể hiểu mệnh lệnh của Thiên Chúa ở đây có ý nghĩa “ngừa bệnh” cho cộng đồng và ám chỉ những người ô uế thực sự (là tội nhân) cần phải tách ra khỏi cộng đồng.

2o) Trong đoạn thư 1 Cr 10,31 - 11,1 Thánh Phao-lô không đề cập trực tiếp đến Thiên Chúa, nhưng qua các lời khuyên của ngài, chúng ta hình dung ra được Thiên Chúa là Đấng nào, có vị trí ra sao trong cuộc sống của Phao-lô và các tín hữu.

Trước hết Thiên Chúa của Phao-lô là Đấng đáng được tôn vinh bằng/qua mọi việc làm của người tín hữu. Kế đến Thiên Chúa của Phao-lô là Đấng làm cho mọi người có giá trị và đáng được người khác trân trọng và phục vụ. Sau cùng Thiên Chúa của Phao-lô là mẫu mực mà Phao-lô và mọi tín hữu (phải) noi gương bắt chước.

Nếu nối kết bài Thánh Thư này với bài Phúc Âm thì chúng ta có thể nói một cách cụ thể là Thánh Phao-lô đã noi gương bắt chước Thiên Chúa là Đấng yêu thương hết mọi người. Thánh Phao-lô đã bắt chước Chúa Giê-su Con-Một-Thiên-Chúa-xuống-thế-làm-người là Đấng chạnh lòng thương người mắc bệnh phong khốn khổ. Người không chỉ chạnh lòng thương mà Người còn ra tay cứu vớt, còn đụng tay tới người phong mà không sợ bị lây cái ô uế. Thánh Phao-lô đã bắt chước Chúa Giê-su là Đấng không tìm lợi ích hay vinh danh riêng cho mình mà chỉ tìm lợi ích hay vinh danh cho con người, nhất là cho những người bị khinh chê hay bị quên lãng trong xã hội. Vậy thì các tín hữu - trong đó có chúng ta - cũng hãy noi gương bắt chước Phao-lô mà trở nên giống Thiên Chúa, giống Chúa Giê-su Ki-tô!

3o) Thiên Chúa mà Thánh Mác-cô muốn giới thiệu với chúng ta trong đoạn Mc 1,40-45 là Đức Giê-su Na-da-rét với quyền năng đặc biệt là chữa lành bệnh tật của con người, kể cả những bệnh nan y (theo trình độ y tế thời bấy giờ) như bệnh phong. Đức Giê-su chỉ cần muốn người bệnh được lành là người ấy được khỏi. Nhưng Đức Giê-su đã có một cử chỉ hết sức dễ thương là đụng tay đến người bệnh phong. Cử chỉ này chẳng ai dám làm vì ai nấy đều sợ hãi, kinh tởm và tránh xa người bệnh.

Nhưng không chỉ có thế. Thánh Mác-cô muốn cho chúng ta nhìn sâu vào tâm hồn của Đức Giê-su để thấy tấm lòng của Người nhạy bén và rung cảm trước nỗi khổ của người bệnh như thế nào. Người bệnh phong vừa khổ vừa nhục cầu cứu Chúa đã khiến Chúa chạnh lòng thương và chạm tay vào anh để chữa lành anh.

Hơn nữa chúng ta còn thấy Chúa Giê-su là người tuân giữ những quy định của lể luật Mô-sê khi bảo người bệnh phong trình diện tư tế.... để được nhìn nhận là đã được khỏi bệnh (sạch) và được tái nhập vào cộng đồng con cái nhà Ít-ra-en.

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa.     

Sứ điệp của Lời Chúa dành cho chúng ta hôm nay gồm 2 ý:

* Ý thứ nhất là dù yếu đuối, u mê, tội lỗi chúng ta hãy để cho bàn tay chữa lành của Thiên Chúa, của Chúa Giê-su Ki-tô đụng đến chúng ta. Chắc chắn chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ, thông sáng và thanh sạch.

* Ý thứ hai là chúng ta hãy học cùng Thánh Phao-lô mà noi gương  bắt chước Thiên Chúa và Chúa Giê-su Ki-tô mà yêu thương và cứu chữa những người đang đau khổ về tinh thần cũng như về thể xác ở chung quanh, trong cộng đồng chúng ta.

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY

4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng quyền năng và giầu lòng xót thương; ngài đã chạm tay vào những con người bệnh hoạn, tật nguyền, đau khổ để chữa lành họ.

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa

Để thực thi sứ điệp Lời Chúa Chúa nhật VI Thường Niên Năm B này, chúng ta cần tiến hành những bước như sau:

- Trước hết, trước mặt Chúa và trước lương tâm mình, chúng ta tự hỏi:

* Trong tâm hồn và cuộc sống của riêng tôi, còn có những ngõ ngách nào tăm tối, nhớp nhơ cần được bàn tay chữa lành của Thiên Chúa và của Chúa Giê-su Ki-tô đụng vào để tôi được hoàn toàn lành mạnh?  

* Chung quanh tôi, bên cạnh tôi hiện nay, ai là người đáng được tôi yêu thương, chăm sóc chữa lành? Phải chăng đó là những bệnh nhân HIV-AIDS? Là những phụ nữ lỡ đường lạc lối? Là các cô gái mang thai mà không muốn giữ con? Là các cháu sơ sinh bị cha mẹ từ chối? Là các ông bà già không ai chăm sóc yêu thương? Là những anh chị em từ các tỉnh và nông thôn chạy về thành phố để lao động kiếm sống? Là chính người nào đó trong gia đình tôi?

* Trong giáo phận, giáo xứ, cộng đồng, hội đoàn tông đồ của tôi hiện nay có những công việc nào mà tôi coi thường và trốn tránh không muốn đụng tay vào, trong  khi đáng lẽ ra tôi phải vén tay áo và nhúng tay đảm nhận những công việc ấy cho giáo phận, giáo xứ, cộng đồng, hội đoàn tông đồ lành mạnh và phát triển hơn nữa?  

- Sau khi xác định được ngõ ngách nào còn tăm tối, nhớp nhơ trong tâm hồn và cuộc sống của mình, chúng ta hãy để cho Thiên Chúa và Chúa Giê-su Ki-tô đụng tay chữa lành chúng ta! Sau khi đã xác định được đối tượng cần được chăm sóc và công việc cần được làm rồi, chúng ta hãy hành động như Chúa Giê-su Ki-tô của chúng ta!

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH  

5.1 «Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.» Lạy Thiên Chúa là Đấng Toàn Trí Toàn Năng và lạy Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng chạnh lòng thương những con người khốn khổ, xin Chúa hãy dơ tay chạm đến những thân xác và tâm hồn tan nát vì đau khổ, bất công và tủi nhục để chữa lành họ.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.2 «Đức Giê-su chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh hãy được sạch!»  Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê-su Ki-tô và là Cha của chúng con, chúng con xin Cha ban cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ nam nữ, một tấm lòng yêu thương con người, để các ngài dấn thân cứu giúp và chữa lành những người bệnh hoạn, tật nguyền và đau khổ xác hồn.  
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.3 «Thưa anh em, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.» Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê-su Ki-tô và là Cha của chúng con, chúng con xin dâng lời cầu xin Cha ban ơn trợ giúp mọi giáo hữu thuộc cộng đoàn giáo xứ chúng con, nhất là những người tham dự Thánh Lễ này, để họ biết làm vinh danh Cha trong mọi công việc lớn nhỏ.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.4 «Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô.» Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê-su Ki-tô và là Cha của chúng con, chúng con cầu xin Cha cho tất cả các Ki-tô hữu dấn thân trên cánh đồng truyền giáo, để ai nấy biết noi gương bắt chước Chúa Giê-su Ki-tô như Thánh Phao-lô Tông Đồ.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.  
Sàigòn ngày 02 tháng 02 năm 2018