Món quà Giáng Sinh của Chúa Hài Đồng Giêsu
Phép lạ tại Bệnh Viện St Martha
Cô ta có vẻ như đã cầm chắc cái chết trước ngày Noel. Thế nhưng một chuyện kỳ lạ bắt đầu xảy ra.
Tháng chạp năm đó, cuối cùng tôi đã phải nói cho cô ta biết. Về phương diện y khoa, chúng tôi đã bị bại trận. Kết cuộc của trận chiến này đang ở trong tay Thượng Đế. Cô ta đã lắng nghe và chấp nhận điều tôi nói một cách lặng lẽ, nằm đó nhưng sự sống của cô đang bị bào mòn dần, cô ta chỉ mới 23 tuổi và là mẹ của một đứa bé một tuổi.
Tôi xin được gọi cô ta là Ý Liên. Ý Liên là một phụ nữ ngoan đạo và can đảm. Ý Liên có mái tóc nâu đỏ và có lẽ đã là cô gái có nhan sắc, nhưng lúc này thì khó có ai mà nghĩ như vậy: cô ta đã quá gần với cái chết vì bệnh lao. Và bây giờ thì chính Ý Liên đã biết mình gần kề cái chết, cô ta chỉ có một thỉnh cầu.
Ý Liên nói với tôi một cách chậm rãi. “Thưa bác sĩ, nếu tôi vẫn còn sống trong đêm Giáng Sinh, tôi muốn bác sĩ hứa với tôi là sẽ cho tôi về nhà ăn Noel.”
Tôi hơi bối rối. Tôi biết là cô ta không nên về nhà. Thùy dưới của lá phổi bên phải của cô ta có một cái khoang đầy dẫy vi trùng lao đang nảy sinh, đường kính của cái khoang này khoảng 2 phân rưỡi. Cô bị cái mà bọn bác sĩ chúng tôi gọi là “lao mở”, cô ta có thể phát tán vi trùng lao khắp mọi nơi khi ho.
Thế nhưng tôi đã hứa với Ý Liên và, thú thật, tôi hứa chỉ vì tôi đã quá chắc chắn là cô ta sẽ chết trước đêm Noel. Trong tình huống đó, có lẽ tôi chẳng có thể làm gì thêm được nữa. Thế nhưng nếu tôi không có lời hứa đó thì hôm nay tôi đã không có câu chuyện này để kể.
Chồng của Ý Liên đã mang mầm bệnh khi anh ta trở về nhà sau khi phục vụ cho thế chiến thứ II ở ngoại quốc. Một trường hợp nhẹ và anh ta đã không biết mình bệnh. Trước khi bệnh được phát hiện và được khám, họ làm đám cưới. Ý Liên bị lây và cơ thể không đủ miễn nhiễm để chống bệnh. Bệnh lao đã đến quá lẹ và vi trùng tích tụ ở một chỗ quá hiểm, nó đánh gục mọi bác sĩ nào cố gắng giúp cô.
Rất hiếm khi một khoang lao lại cư ngụ ở thùy dưới của phổi. Khi Ý Liên được nhập viện vào viện điều dưỡng của tỉnh, vấn đề chính mọi người dần dà thấy rõ là làm sao để xử lý cái khoang này. Giá mà nó ở thùy trên thì các bác sĩ phẩu thuật có thể làm thoracoplasty bao gồm việc lấy ra vài xương sườn ở phần trên để làm sụp thùy và phần phổi đó được tạm ngưng làm việc. Thế nhưng phẩu thuật này không thể làm được ở thùy dưới bởi vì như thế có nghĩa là phải tháo xương sườn ở phần dưới, mà xương sườn phần dưới này cần phải tồn tại để nâng đỡ cơ thể.
Các bác sĩ phải gạt bỏ việc làm thoracoplasty và thử làm một thủ thuật y khoa để gây ra chứng tràn khí ngực "giả" hay là artificial pneumothorax. Không khí được bơm qua một cái kim để tạo áp suất buộc phổi phải sụp. Mặc dù chúng tôi thử mấy lần, cách này cũng chẳng hiệu lực; mấy đợt viêm màng phổi đã làm phổi của Ý Liên dính với thành ngực, và không khí không thể lưu thông.
Cuối cùng, các bác sĩ nghĩ đến việc lấy toàn bộ lá phổi ra ngoài (khá hiếm vào thời đó) - nhưng rồi bỏ ý định bởi vì Ý Liên đã quá yếu để mà có thể chịu nổi cuộc giải phẩu, và mỗi ngày cô ta mỗi yếu thêm. Hoàn toàn không còn cách nào khác nữa để đối phó, các bác sĩ của Ý Liên miễn cưỡng xếp trường hợp của cô vào loại "không còn hy vọng" và gửi trả cô ta về bệnh viện nơi địa phương của cô.
Lúc cô về đến viện, tôi mới 30 tuổi. Tốt nghiệp trường Y năm 1942, tôi đã gia nhập binh chủng không quân, và lúc đó tôi đã được đào tạo xong để trở thành chuyên viên gây mê khi chiến tranh chấm dứt. Tôi chấp nhân nhiệm sở của tôi tại bệnh viện St Martha, nơi tôi có nhiệm vụ gây mê và đáp ứng những nhu cầu về y học cho các sinh viên y khoa tại hai trường đại học của địa phương. Tôi cũng được yêu cầu chăm nom bộ phận Lao của bịnh viện, với khoảng 40 bệnh nhân, hầu hết bị bệnh kinh niên với hy vọng quá mong manh hoặc không còn hy vọng được chữa khỏi. Đó là cái duyên mà Ý Liên trở thành bệnh nhân của tôi vào năm 1947.
Trước đó cô ta nặng 56 ký rưỡi, nhưng khi tôi gặp Ý Liên lần đầu, cô ta đã nhẹ hơn 40 kí-lô. Cô ta sốt cao, khoảng 39 độ. Cô ta rất yếu và nhìn rất bệnh hoạn. Thế nhưng cô ta vẫn cười. Tôi sẽ không quên được điều đó. Chỉ cần tử tế với Ý Liên một tí xíu thôi là cô sẽ cười.
Có lẽ điều đó đã khích lệ tôi thật nhiều. Tôi không biết. Nhưng tôi biết tôi phải cố gắng giúp Ý Liên. Tôi điện thoại cho một bác sĩ ở Nữu Ước, vị bác sĩ này đang thí nghiệm một phương pháp mới gọi là pneumoperitoneum hay tràn khí phúc mạc.
Phương pháp này gao gồm việc bơm khí vào khoang màng bụng để đẩy cơ hoành đè lên lá phổi. Nếu chúng tôi có thể gây áp lực vào thùy dưới, chúng tôi có thể đóng cửa được cái ổ lao. Nếu làm được điều này cái khoang có cơ hội để tự lành khi vách khoang phát triển cùng một lúc.
Cuộc giải phẩu đã diễn ra ngày hôm sau. Chúng tôi bơm không khí vào khoang màng bụng, và suýt tí nữa chúng tôi đã giết Ý Liên. Sự thật quá rõ ràng là lượng không khí mà cô ta có thể chịu đựng nổi chẳng giúp ích được gì hết. Các bác sĩ trong phòng đều đồng ý là chúng tôi không nên thử lần thứ hai. Khả năng của chúng tôi đã tận.
Đó là lúc mà tôi nói cho Ý Liên biết Y Học ngày nay đã chỉ đạt được đến trình độ như thế. Tôi nói cho cô ta biết Đấng Tạo Hóa của cô sẽ cho lời phán xét cuối cùng và có thể đó không là kết quả mà chúng tôi hoặc Ý Liên muốn, nhưng trong tình huống như vậy, biết đâu đó là điều tốt nhất cho bản thân cô. Ý Liên gật gù và đã xin được lời hứa đó của tôi.
ST