04 Tháng Năm 20245:02 CH(Xem: 9)
Nguồn: The Glories of Mary Thánh Alphonsus Liguori kể lại cảm nghiệm lạ lùng này: Năm 1228 có một vị linh mục đang cử hành Thánh Lễ vào ngày Thứ Bẩy để vinh dang Đức Mẹ Maria. Bỗng có một lực lượng lạc giáo Albigensian xuất hiện rồi chúng cắt đi cái lưỡi của vị linh mục.
04 Tháng Năm 20244:41 CH(Xem: 6)
(Những ai còn xa Mẹ và Giáo hội của Con Mẹ, cần mau trở về) Trong lịch sử kiến lập nhà dòng Chúa Giêsu ở Neapoli, có kể truyện một nhà quí phái trẻ tuổi người Tô cách lan, tên là Guliemô Elphinstone, hoàng thân của hoàng đế Giacôbê. Sinh trưởng trong bè rối, ông đã nhiễm lây tất cả học thuyết của lạc giáo. Nhưng một ánh sáng trên trời cho ông dần dần...
04 Tháng Năm 20244:38 CH(Xem: 6)
Có 36 Truyện từ Sách Vinh Quang Đức Mẹ Maria của Thánh Anphongsô Liguori, CSsr. Tác giả: Thánh Anphongsô Liguori Dịch giả: Phạm Duy Lễ Nếu chưa bị chết sa hỏa ngục thì không ai không thể trở về cùng Chúa, không thể được Chúa thương, nếu họ kêu xin Mẹ cứu giúp (Lời Đức Mẹ phán với thánh nữ Brigitta) Những truyện sau đây chứng minh cho sự thật trên.
04 Tháng Năm 20242:55 CH(Xem: 9)
Nguồn: Fr. Livio’s Blog Sẽ có hai điều bí mật đầu tiên xẩy ra và đem lại nỗi thống khổ cho nhân loại nhưng lại cần thiết cho linh địa Medjugorje 1. Thư của đọc giả gửi cho cha Livio:
03 Tháng Năm 20241:29 CH(Xem: 33)
Nguồn: Forums of the Virgin Mary và www.spiritdaily.com 1. Cuộc thị kiến mà ĐGH Leo XIII đã có trong lúc ngài dâng Thánh Lễ vào năm 1884 Khi ấy ngài nhìn thấy ma quỷ đang cố gắng đánh phá thành phố vĩnh cửu là thành phố Roma. Ngài cũng được nghe thấy Satan xin Chúa cho hắn thử thách Giáo Hội trong vòng 100 năm.
03 Tháng Năm 202412:40 CH(Xem: 34)
Nguồn: Forums of the Virgin Mary và www.spiritdaily.com 1. Dấu hiệu thời đại đó là cuộc thanh tẩy được Đức Mẹ báo tin Có một số người trên thế giới chưa nhận thức rằng thế giới và cuộc đời của chúng ta đang ở trong tình trạng chưa từng xẩy ra. Cũng có nhiều người không thể hiểu được lý do tại sao lại có vấn đề này xẩy ra.
03 Tháng Năm 202411:41 SA(Xem: 31)
Nguồn: Internet Câu chuyện này xẩy ra tại nước Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey): Có một anh chàng người Thổ Nhĩ Kỳ rượt đuổi một anh chàng người Hy Lạp.
03 Tháng Năm 202411:13 SA(Xem: 31)
Một nữ tu kể chuyện: Anh là một vị bác sĩ người Phật Giáo còn chị là một kế toán viên người Công Giáo. So ra thì họ cũng là môn đăng hộ đối. Tuy nhiên gia đình anh không muốn cho anh lấy vợ người Công Giáo và họ tìm mọi cách để ngăn cản đám cưới ấy.
03 Tháng Năm 20245:33 SA(Xem: 33)
Hôm nay tôi nghe một tin buồn: Người chồng hơn 70 tuổi của người bạn tôi đã qua đời tại Saigon vì không thể thở nổi. Nếu anh còn sống ở California thì với điều kiện có Medicare, anh sẽ được bịnh viện chăm sóc y tế thì anh không chết mau lẹ như thế...
30 Tháng Tư 20248:44 CH(Xem: 57)
Nguồn: Spiritdaily.com Tại làng San Giovanni còn có một nhà thần bí thứ hai, ngoài cha Padre Pio ra. Ngôi làng nhỏ này đã trở nên nổi tiếng vì có cha Padre Pio, kể từ sau Thánh Phanxico thành Assisi.

THỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH Thánh nữ Zedislava de Lemberk, giáo dân. Lễ nhớ (Phụng vụ Dòng Đaminh)

03 Tháng Giêng 20228:17 CH(Xem: 484)

4-1sTHỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH

Thánh nữ Zedislava de Lemberk, giáo dân. Lễ nhớ (Phụng vụ Dòng Đaminh)
SỐNG LỜI CHÚA

BÀI ĐỌC

Bài đọc 1 : 1 Ga 4,7-10

Thiên Chúa là tình yêu.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ.

7Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau,
vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra,
và người ấy biết Thiên Chúa.
8Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa,
vì Thiên Chúa là tình yêu.

9Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta
được biểu lộ như thế này :
Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian
để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.
10Tình yêu cốt ở điều này :
không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa,
nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta,
và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.

Đáp ca : Tv 71,1-2.3-4ab.7-8 (Đ. x. c.11)

Đ. Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.

1Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,
2để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.

Đ. Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.

3Núi đem lại cảnh hoà bình trăm họ,
đồi rước về nền công lý vạn dân.
4abNgười sẽ bảo toàn quyền lợi dân cùng khổ,
ra tay cứu độ kẻ khó nghèo.

Đ. Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.

7Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị
tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.
8Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.

Đ. Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.

Tung hô Tin Mừng : Lc 4,18

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa đã sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha. Ha-lê-lui-a.

TIN MỪNG : Mc 6,34-44

Khi hoá bánh ra nhiều, Đức Giê-su tỏ mình là ngôn sứ.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

34 Khi ấy, Đức Giê-su thấy một đoàn người đông đảo, thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. 35 Vì bấy giờ đã khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa : “Nơi đây hoang vắng và giờ đã khá muộn. 36 Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn.” 37 Người đáp : “Chính anh em hãy cho họ ăn đi !” Các ông nói với Người : “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao ?” 38 Người bảo các ông : “Anh em có mấy cái bánh ? Đi coi xem !”. Khi biết rồi, các ông thưa : “Có năm cái bánh và hai con cá.” 39 Người ra lệnh cho các ông bảo mọi người ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh. 40 Họ ngồi xuống thành từng đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm mươi. 41 Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người. 42 Ai nấy đều ăn và được no nê. 43 Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư. 44 Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông.

SUY NIỆM-TÌNH YÊU ĐƯỢC TRAO BAN

Trong lời bài hát Kinh Hòa Bình: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Quả thật, tình yêu chỉ mang lại ý nghĩa đích thực trong tương quan hai chiều kích: chiều kích của kẻ lãnh nhận và ngược lại đến từ người trao ban.

Phép lạ hóa bánh ra nhiều xuất phát từ lòng thương xót của Đức Giêsu. Người chạnh lòng thương vì dân chúng giống như bầy chiên không người chăn dắt. Việc hóa bánh ra nhiều của Người không chỉ là cho dân chúng được ăn uống thoả thuê nhờ vào những của ăn chóng hư nát, nhưng là muốn hướng tới của ăn thần linh mang lại sự sống vĩnh cửu, qua việc trao ban chính Người trên cây thập giá. Chính Máu Thánh của Đức Giêsu đổ ra sẽ giao hoà tội lỗi con người với Thiên Chúa và mang lại ơn cứu độ cho nhân loại.

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa Giêsu, xin hướng dẫn chúng con biết yêu thương tha nhân như Ngài đã yêu, biết trao ban như Ngài đã trao ban chính mình hầu chúng con có thể được hưởng sự sống đời đời. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

Thánh nữ Zedislava de Lemberk, giáo dân (1220 – 1252)
Lễ nhớ

Zedislava Berka, sinh khoảng năm 1220, tại Krizanov (Moravia, Czech), là con đầu lòng của một gia đình điền chủ giàu có và tốt lành. Thân phụ của chị, ông Prybislav, là vương hầu thành Veveri và Brno, đồng thời là vị đại diện của vua Wenceslaus I (Venxétlao). Ông đã lập một nhà thương, tu viện và đan viện cho các anh em Hèn Mọn ở Brno (Brơnô), và đan viện Xitô ở Zoár (Dô-a). Thân mẫu chị, bà Sibilla, từng hầu cận hoàng hậu Ba Lan là thánh nữ Kuneguda.

Năm 20 tuổi, Zedislava kết hôn với vị vương hầu thành Lemberk là Havel Markvartice. Ông rất được nhà vua tín cẩn và là người đi chinh phục miền nam Bohemia cho Ba Lan. Thừa hưởng một gia sản tinh thần phong phú, Zedislava đã thể hiện di sản tốt lành ấy trong đời sống gia đình cũng như tại những nơi chị hiện diện. Những người được hưởng lợi trước hết là phu quân và bốn người con của chị, rồi đến các gia nhân, đồng bào và những ai nghèo khổ bệnh tật. Cùng với chồng, chị chăm lo cho việc truyền bá Tin Mừng bằng cách cộng tác vào hoạt động của các anh em Giảng Thuyết và xây dựng cho anh em các tu viện ở Giablonae.

Chị Zedislava qua đời tại Giablonae năm 1252 và được mai táng trong nhà thờ thánh Lôrenxô của anh em Đa Minh. Nhà thờ này được nâng lên hàng vương cung thánh đường để kỷ niệm biến cố Đức Gioan Phaolô II tôn phong chị lên hàng hiển thánh vào ngày 21 tháng 5 năm 1995, ở Olomouc (Moravia). Các sử gia thời trung cổ đã gọi chị là “Lệnh bà của đời sống thánh thiện”, ca tụng đức ái giàu hoa trái và lòng chung thuỷ hôn nhân của chị. Từ nhiều thế kỷ qua, dân chúng Czech đã tôn 49 kính chị như vị bổn mạng của đất nước, gương mẫu của các bà mẹ và là vị thánh hằng rộng rãi thi ân giáng phúc.

Phụng vụ Dòng Anh Em Giảng Thuyết

Thánh Êlizabeth Anna Sitôn

“Mẹ Sitôn” là danh hiệu mà mọi người đều biết khi Êlizabeth qua đời ngày mùng 4 tháng Giêng năm 1821 ở Emmitsbơ, Maryland. Cuộc sống đầy những ngạc nhiên bất ngờ đã trao tặng thánh nữ danh hiệu đó.

Êlizabeth sinh ngày 28 tháng Tám năm 1774 tại thành phố Niu Gioóc. Thân sinh của ngài, ông Richard Bơlây, là một bác sĩ danh tiếng. Thân mẫu của Êlizabeth, là bà Catarina, đã lìa đời khi Êlizabeth còn rất trẻ. Êlizabeth là một tín hữu theo đạo Tin lành, thuộc giáo phái Epiocopan. Khi còn là thiếu nữ, Êlizabeth đã làm nhiều việc tốt để giúp đỡ những người nghèo khổ.

Năm 1794, Êlizabeth kết hôn với William Sitôn. Ông là một lái buôn giàu có và là chủ của một đoàn tàu. Êlizabeth, William và năm người con cùng chung sống hạnh phúc bên nhau. Nhưng đột nhiên chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, William mất hết gia sản và sức khỏe ông bị suy giảm. Người vợ của ông nghe nói khí hậu ở bên nước Ý có thể giúp ông khá hơn. Vì vậy, Êlizabeth, William và Anna, đứa con gái lớn nhất của họ, đã đáp tàu sang Ý. Nhưng sau đó ít lâu, William qua đời. Êlizabeth và Anna ở lại Ý như những người khách của gia đình Filicchi. Những người trong gia đình này rất tử tế, tốt bụng. Họ cố gắng xoa dịu nỗi đau đớn của Êlizabeth và Anna bằng cách chia sẻ cho hai người nghe biết về tình yêu thâm sâu của họ trong đức tin Công giáo. Êlizabeth trở về nhà ở Niu Gioóc với ý định sẽ trở nên một tín hữu Công giáo. Gia đình và bạn bè của ngài không hiểu được điều đó nên họ rất lấy làm khó chịu; thế nhưng với lòng can đảm, Êlizabeth cứ tiến hành điều mình đã quyết định. Êlizabeth đã gia nhập Giáo hội Công giáo ngày 4 tháng Ba năm 1805.

Ít năm sau, người ta mời Êlizabeth đến mở một trường nữ sinh ở Baltimo. Ở đó, Êlizabeth đã quyết định sống như một nữ tu. Cũng có nhiều chị em đến gia nhập nhóm của ngài, gồm cả cô em gái và người chị dâu nữa. Các con của Êlizabeth, Anna và Catarina cũng lần lượt tham gia nhóm ấy. Họ trở thành hội Nữ Tu Bác Ái Người Mỹ và người ta tôn tặng cho Êlizabeth tước hiệu “Mẹ Sitôn.” Êlizabeth trở nên nổi tiếng. Ngài đã thiết lập nhiều trường học Công giáo và một số viện mồ côi. Êlizabeth cũng dự tính sẽ lập một bệnh viện và viện này đã được khai trương sau khi ngài qua đời.

Êlizabeth yêu thích việc viết lách và ngài đã chuyển dịch một số sách giáo khoa từ tiếng Pháp sang tiếng Anh. Nhưng đặc biệt nhất là thánh nữ thích việc viếng thăm những người nghèo khổ, đau yếu.

Đức thánh cha Phaolô VI đã tôn phong Êlizabeth lên bậc hiển thánh ngày 14 tháng Chín năm 1975.

Nếu có điều gì xảy ra làm thay đổi cuộc sống của chúng ta từ hạnh phúc sung sướng sang khó khăn bế tắc, chúng ta hãy quay ánh nhìn về Thiên Chúa như Mẹ Sitôn và kêu xin Người giúp đỡ. Thiên Chúa có thể giúp chúng ta nhận thấy rằng những khó khăn đó có thể làm sáng tỏ những tài năng ẩn giấu bên trong chúng ta như thế nào. Và rồi chúng ta sẽ hoàn thành được điều chúng ta chẳng bao giờ mơ tới.

http://www.paolinevn