22 Tháng Tư 20245:35 CH(Xem: 30)
Nguồn: Internet Thánh Gioan John Vianney và quyền năng của Áo Đức Bà Mầu Nâu.
22 Tháng Tư 20245:32 CH(Xem: 36)
Năm 2004, tôi đã dịch và viết nhiều sách trong năm này. Một trong những tác phẩm mà tôi đã dịch và sưu tầm có tên là 50 Tuần Cửu Nhật Gõ Cửa Thiên Đàng. Sau đây là bản dịch mà tôi đã cố gắng dịch thuật, bản chính ở phía dưới bằng tiếng Anh là từ Cố LM Don Dolindo Ruotolo. Ngài là một nhà thần bí người Ý. Những lời cầu này là do Chúa Giêsu ban cho Cố LM...
18 Tháng Tư 20249:08 CH(Xem: 64)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Cố LM Don Dolindo có những cảm nghiệm rất hay. Khi còn nhỏ, ngài chịu nhiều sự bách hại và khổ đau. Bằng cách nào mà ngài đã cố gắng ngửng đầu cao lên khỏi bể nước và luôn vui vẻ? Chúa Thánh Thần đã khơi nguồn cảm hứng cho ngài với lời cầu nguyện đơn sơ như sau:
18 Tháng Tư 20248:35 CH(Xem: 53)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Lúc gần đây có nhiều người biết đến hiện tượng: "Padre Pio of Naples", đó là điều mô tả về cố linh mục Don Dolindo Ruotolo. Ngài qua đời vào năm 1970, chỉ hai năm sau khi Padre Pio qua đời vào năm 1968. Ngài đang làm việc một cách hữu hiệu từ Thiên Đàng. Ngài an ủi, dỗ dành, chữa lành cho rất nhiều người khỏi chứng bịnh lo âu,
18 Tháng Tư 20247:58 CH(Xem: 42)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Có một gương sáng lớn nhất, đó là chính Chúa Giêsu. Kẻ dữ độc ác đã đóng đinh Chúa Giêsu, Con Chí Thánh của Chúa Cha ở trên cây thánh giá. Lúc đó, Satan nghĩ rằng hắn đã chiến thắng. Nhưng sự thật thì trái lại. Đó là bởi vì Chúa đã biến đổi sự dữ ấy thành sự thiện.
18 Tháng Tư 20243:58 CH(Xem: 51)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Sr. Emmanuel viết: Có một phụ nữ gõ cửa nhà tôi. Trông cô ấy thật là quá đau khổ, xuống sắc và thiểu não. Đôi mắt, đôi má và cái miệng của cô trông rất là buồn thảm và héo hắt. Cô bắt đầu kể lể về mọi nỗi thống khổ của mình.
17 Tháng Tư 20249:07 CH(Xem: 48)
https://luisapiccarreta.com/other-category/cristina-montella-sister-rita-of-the-holy-spirit-the-little-girl-of-padre-pio/ 1. Thời thơ ấu Nữ tu Cristina Montella được sinh ra tại vùng Cercola (Naples) vào ngày 3/4/1920. Khi cô bé được 2 tuổi, cô đang ở chơi nhà một người cô thì nhìn thấy một bức hình của Thánh Gerard Majella,
17 Tháng Tư 20244:44 CH(Xem: 51)
Đức Mẹ Guadalupe hiện ra ở Tepeyac, Mexico City, nước Mễ Tây Cơ từ ngày 9/12/1531 đến ngày 12/12/1531 và chữa lành rất nhiều người, dù rằng người ta đã chết nhưng vẫn được Mẹ cho sống lại.
17 Tháng Tư 20241:58 CH(Xem: 43)
Tồi vừa được xem một video clip tiếng Anh ngắn. Cậu bé chừng 6 tuổi mơ thấy mình lên Thiên Đàng. Sáng hôm sau, cậu kể câu chyện mẹ mình: -Mẹ ơi, con gặp một người chị của con ở Thiên Đàng. -Ủa, con chỉ có một người chị ở đây thôi mà.
13 Tháng Tư 20249:23 CH(Xem: 64)
Cảm nghiệm của một thanh niên làm nghề taxi: Con gặp khó khăn trong việc làm nên con quyết định làm nghề tài xế taxi.

CÙNG NHAU THI HÀNH SỨ VỤ

08 Tháng Ba 20179:46 CH(Xem: 2922)
CÙNG NHAU THI HÀNH SỨ VỤ

Bề trên Tổng quyền Damian Byrne, 1987
     Logo Daminh
         Tài liệu hội nghị Bologne (1983) khẳng định rằng : "Nguyên uỷ và dấu chỉ duy nhất của Gia Đình Đa Minh là vị Tổng Quyền, người kế vị thánh Đa Minh (HP số 396). Chính vị Tổng Quyền là người có thẩm quyền kết nạp vào Dòng, và, ngoài Tổng Hội, vị Tổng Quyền là người bảo đảm và nâng đỡ lòng trung tín với tinh thần thánh Đa Minh ". (Analecta 1983, tr. 95-97). Theo cách diễn tả về vai trò của Bề trên Tổng quyền như thế, tôi muốn chia sẻ với anh chị em cái nhìn của tôi về Gia Đình Đa Minh. Để mở đầu, tôi sẽ giải thích ba khía cạnh trong điều đã được khẳng định trên đây, tức là duy nhất tính, sự kết nạp và lòng trung tín.

DUY NHẤT TÍNH

Trong thời gian khoảng 7 năm trở lại đây, tôi đã gặp gỡ nhiều anh chị em Đa Minh, tu sĩ cũng như giáo dân, hầu như ở mọi nơi trên thế giới. Tôi đã có thể đánh giá duy nhất tính của Gia Đình Đa Minh thực tế như thê nào, và Gia Đình này đã coi vị Tổng Quyền như là nguyên uỷ của duy nhất tính trong việc tìm kiếm đoàn sủng Đa Minh như thế nào. Là người phục vụ anh chị em, tôi đã tự xác định cho mình công việc chính yếu là cổ võ lòng trung thành với tinh thần của thánh Đa Minh, như Công vụ của các Tổng Hội đã trình bày. Tôi có cảm tưởng rằng các ngành khác trong Gia Đình Đa Minh đôi khi lại tỏ ra trung thành hơn các anh em, về một số khía cạnh trong đời sống Đa Minh. Về điểm này, với cương vị là người có quyền kết nạp vào Dòng, tôi nghĩ là tôi có đủ thẩm quyền để cùng với anh chị em suy tư về những vấn đề trên đây.

Lá thư của tôi về đời sống cộng đoàn được gợi hứng từ một cuộc thăm viếng các chị em ở Phi châu năm 1984. Tôi đã xúc động sâu xa trước sự kiện các chị em gắn bó với những yếu tố cốt thiết của đời sống chung, mặc dầu vẫn hăng hái dấn thân vào việc tông đồ. Điều này đã khiến tôi phải suy nghĩ về cách thức mới để tiếp cận với những giá trị thiết yếu của đời sống chung, và, trong những tình huống nhất định, về nhu cầu cần có những cấu trúc mới liên quan đến cá nhân và cộng đoàn, để duy trì và phát triển những giá trị đó. Lòng trung thành với dự phóng của thánh Đa Minh biểu lộ nơi một số khá đông chị em, họ đã coi khía cạnh này hoặc khía cạnh khác trong đoàn sủng Đa Minh là trọng tâm đời sống cộng đoàn của họ. Chúng ta suy nghĩ về những Hội Dòng hiến thân cho việc giáo dục, chăm sóc bệnh nhân, rao giảng Tin Mừng ... không đủ sao ? Tôi thấy nơi các chị em có mối bận tâm liên kết 3 ưu tư lớn của thánh Đa Minh : người nghèo khổ, người bị bỏ rơi, và người tội lỗi. Các chị em là đại diện cho một bộ phận đông đảo nhất trong Gia Đình Đa Minh. Họ có mặt nhiều hơn anh em trong tác vụ tông đồ ở các biên cương, nhạy cảm hơn đối với nhu cầu của các dân tộc, đặc biệt là đối với những người nghèo và người bị áp bức, và cũng thường khéo léo hơn trong việc cổ võ nhân quyền. Bằng những cách thức khác nhau, các chị em đã đối phó với thách đố trong sự huấn luyện trường kỳ một cách nghiêm túc hơn chúng ta.
 

KẾT NẠP VÀO DÒNG

Giáo hội đã chấp thuận cho các Hội Dòng nữ tu quyền độc lập riêng của họ theo pháp lý. Mối dây liên kết họ với các anh em là ở lời tuyên khấn chung như một tu sĩ Đa Minh. Trong trường hợp của Dòng, những mối dây này đặt nền trên cùng một lòng yêu mến thánh Đa Minh, và trên việc chấp nhận các dự phóng của người, một dự phóng mà theo tôi, đã được các Tổng Hội gần đây, kể từ Tổng Hội Quezon City 1977, quan tâm một cách đặc biệt.

Theo tôi, hình như sự thông hiệp vào đời sống nội tại của Gia Đình Đa Minh đòi hỏi tất cả chúng ta, giáo dân, nữ tu, nữ đan sĩ, và anh em, phải thấu triệt những chân lý ấy trong truyền thống của Dòng, và trong việc chấp nhận đường hướng tông đồ của chúng ta. Không còn vấn đề Dòng nhất, Dòng nhì, hay Dòng Ba. Tất cả chúng ta đều là Đa Minh.
 
TRUNG TÍN

Tôi nghĩ rằng sự am hiểu duy nhất tính của Gia Đình Đa Minh như trên đòi hỏi tôi phải giải thích về cách thức Dòng xem xét trách vụ hôm nay của mình, dựa trên ánh sáng của truyền thống. Một dự phóng kiểu đó dẫn đưa chúng ta đến một duy nhất tính rộng lớn hơn, và một nhiệt tâm tông đồ sâu xa hơn nơi đời sống nội tại của tất cả các ngành thuộc Gia Đình Đa Minh.

Năm 1968, khi trả lời một cuộc điều tra về vị trí của nữ tu Đa Minh toàn thế giới đối với Dòng, cha Aniceto Fernandez viết như sau : "Đã đến lúc phải xem xét kỹ lưỡng những mối tương quan của chúng ta. Trong thế giới hiện đại này, thế giới mà Thiên Chúa đã sai phái chúng ta đến để cùng nhau thi hành trách vụ lớn lao, chúng ta được mời gọi để cùng nhau đảm nhận tinh thần và truyền thống mà thánh Đa Minh đã uỷ thác cho chúng ta, để cùng nhau tìm kiếm và cùng nhau xây dựng cộng đoàn anh em và chị em, hầu phục vụ Giáo hội".

Cha Fernandez nói về các nữ tu như là những người bình đẳng với chúng ta, và như những người mà cha mời gọi cùng với các anh em tìm kiếm những phương thế tốt hơn để cùng nhau theo đuổi sứ vụ của nhà giảng thuyết. Chúng ta có thể khẳng định là chúng ta vẫn trung tín với thách đố đó không ?
 

CÁC TỔNG HỘI TỪ 1977 ĐẾN 1989

Từ năm 1977, đã có tới năm Tổng Hội đã khẳng định rằng việc giảng thuyết là ưu tiên số một của chúng ta, và việc giảng thuyết của chúng ta ngày nay phải lưu ý tới điều mà người ta gọi là "bốn ưu tiên" : thần học, Phúc Âm hóa, công lý và truyền thông. Chính đó là mối bận tâm đã bám rễ sâu trong truyền thống của chúng ta. Hơn nữa, mỗi Tổng Hội đều đã khai triển khía cạnh này hoặc khía cạnh khác trong tác vụ giảng thuyết của chúng ta. Chẳng hạn, Tổng Hội Avila (1986, số 22) đã cho chúng ta một tài liệu về "năm biên cương", ứng dụng hai trong số các ưu tiên, là công lý và sứ vụ.

Tổng Hội Oakland 1989 mới đây (số 68,4) đã đặc biệt lưu ý chúng ta rằng bốn ưu tiên, không những bắt nguồn sâu xa trong truyền thống, mà còn đan kết với nhau một cách chặt chẽ. Không thể giữ cái này mà lơ là cái khác. Chúng tuỳ thuộc lẫn nhau, và tất cả phải gắn bó với nhau trong những mối bận tâm tông đồ của mỗi người Đa Minh. Ta có thể xác định các chuyên viên trong mỗi lãnh vực sứ vụ, nhưng mỗi chuyên viên, truyền thông chẳng hạn, cũng phải là một nhà thần học vừa ưu tư về chân lý, vừa bận tâm về các đối tượng của sứ vụ. Người không phải là chuyên viên cũng phải thể hiện nơi sứ vụ của mình một điều gì đó trong mỗi một ưu tiên.

GIẢNG THUYẾT
chathanh
Tông huấn "Loan báo Tin Mừng" (Evangelii Nuntiandi) của Đức Phaolô VI đã trở nên hiến chương của nhà giảng thuyết. Khi Đức Giáo hoàng nói đến việc "rao giảng Tin Mừng bằng chứng tá, bằng lời nói và truyền thông Tin Mừng cách cá nhân từ người này sang người khác", tôi có cảm tưởng là Đức Giáo hoàng mô tả kế hoạch của thánh Đa Minh. Thực vậy, thánh Đa Minh hằng lo lắng đến nhu cầu làm chứng. Chúng ta thấy thánh nhân rao giảng cho người có đạo cũng như cho người lạc giáo, trong nhà thờ hoặc trên đường phố, vừa tiếp xúc với cá nhân, vừa tiếp xúc với đoàn nhóm. Việc các anh em tiên khởi nhận thánh nữ Catarina thành Alêxanria, vừa là sinh viên, vừa là giáo sư triết học, làm bổn mạng của Dòng, thực là có ý nghĩa. Trong lịch sử của Dòng có một số rất lớn các nữ giảng viên : Catarina Xiêna, Rôsa Lima, Magarita Hallahan và nhiều chị em sáng lập các Hội Dòng nữ tu. Hiến pháp của anh em nhấn mạnh rằng toàn thể cộng đoàn làm thành một nhóm giảng thuyết :

"Trong những buổi thảo luận huynh đệ, anh em hãy bàn với nhau về những kinh nghiệm và kế hoạch tông đồ để cùng nhau nghiên cứu chung, và hợp lực thành những nhóm chuyên biệt để có thể thi hành sứ vụ hữu hiệu hơn" (HP 100, IV).

Bởi thế, ở đâu anh em và chị em làm việc chung với nhau, thì việc giảng thuyết của anh chị em có thể sinh ích lợi từ việc anh chị em cùng suy tư chung về Tin Mừng. Các nữ đan sĩ cũng có vai trò của họ :

"Đời sống chiêm niệm Đa Minh được gợi hứng từ đường hướng của Dòng về việc rao giảng Tin Mừng trọn vẹn. Các nữ đan sĩ cũng là thành phần hữu cơ của Dòng, không chỉ bằng sự trợ giúp nhờ kinh nguyện của họ hợp nhất với các vị giảng thuyết, mà hơn thế, còn bằng sự tham dự để kiến tạo một ý thức Đa Minh về thực tại những chân lý được giảng dạy... Đời chiêm niệm Đa Minh thể hiện trong việc nghiền ngẫm và thấu triệt tất cả mầu nhiệm đức tin, là toàn bộ tổng hợp riêng của việc giảng thuyết Đa Minh " (Anselm Moynihan, O.P.).

Tổng Hội Walberberg 1980 và Tổng Hội Rôma 1983 cũng nhấn mạnh nhiều đến tầm quan trọng của việc các chị em thi hành sứ vụ giảng thuyết. Tổng Hội Walberberg đề nghị anh em lập những nhóm giảng thuyết chung với các chị em : "Bằng cách này, việc giảng thuyết của chúng ta có thể giúp gặp gỡ con người toàn diện dễ dàng và hữu hiệu hơn" (số 77). Chúng ta được mời gọi thành lập những nhóm giảng thuyết, không phải chỉ để giúp đỡ lẫn nhau, nhưng còn để cho việc giảng thuyết của chúng ta hiệu quả hơn trong đời sống các dân tộc.

Tổng Hội Rôma khuyến khích chúng ta cổ võ sự cộng tác chặt chẽ và thường xuyên hơn nữa giữa các anh chị em trong công tác tông đồ, đặc biệt là giảng thuyết, dạy thần học (số 66). Tổng Hội viết tiếp (số 67) : "Chúng tôi đặc biệt khuyến khích chị em lợi dụng một cách hữu hiệu những khả năng giảng thuyết dành cho chị em trong dịp tĩnh tâm, canh tân mục vụ giáo xứ, cử hành phụng vụ Lời Chúa và thăm viếng các gia đình".

Thông thường, chúng ta có thể tổ chức đọc kinh sáng và tối tại các gia đình.

Sự cộng tác giữa các anh chị em tự nó làm thành một chứng tá, một lời giảng. Thời sơ khai của Dòng, mỗi tu viện được gọi là một trung tâm thánh thuyết; ngày nay, cách gọi này diễn tả chính xác sứ vụ tông đồ chung của toàn thể Gia Đình Đa Minh.

Chúng ta vẫn thường xuyên nói đến phẩm giá phụ nữ, nhưng lời nói của chúng ta sẽ không có giá trị chút nào bao lâu Dòng còn chưa cổ võ cách làm việc chung giữa người nam và người nữ, trong sự tôn trọng và tín nhiệm nhau hoàn toàn. Khi ấy, điều này sẽ thực sự là "một thế giới nhập thể, một nền thần học nhập thể". Tôi nghĩ là hữu ích khi thú nhận rằng cuộc hành trình vẫn còn dài, vì phần lớn vấn đề còn nằm trong não trạng giáo sĩ được phóng đại bởi một số anh em thực sự không chấp nhận việc giảng thuyết chung với phụ nữ.

Theo giáo luật, bài giảng trong Thánh Lễ vẫn dành cho linh mục hoặc phó tế. Đối với một số người, điều đó có vẻ là phân biệt đối xử, hoặc tồi tệ. Thế nhưng chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội để rao giảng. Việc rao giảng của chúng ta phải có tính sáng tạo và uyển chuyển. Nếu như thánh nữ Catarina Xiêna đã nhận sự Linh hướng của thánh Râymunđô Capua, thì ngược lại, thánh nữ cũng là người hướng dẫn thánh Râymunđô.

Người nữ tu Đa Minh giảng Lời Chúa từ kinh nghiệm của một người phụ nữ. Trong vài năm nữa, linh mục rất có thể bị đóng khung trong các thánh vụ, phải giới hạn ảnh hưởng của mình, trong khi đó các nữ tu sẽ được đón nhận như những Ki-tô hữu không có gì khác hơn để trao tặng ngoài chính bản thân mình và Tin Mừng.

Vấn đề ai có quyền cho phép giảng thuyết vẫn còn quan trọng. Cụ thể, các tu sĩ nam nữ phải có phép của giám mục địa phương. Ở buổi đầu của Dòng, do đòi hỏi của thánh Đa Minh, Tổng Hội có trách nhiệm quyết định xem Thiên Chúa có ban ơn giảng thuyết cho người này người kia hay không (xem Hiến pháp năm 1241, phần II, chương 12).

Các nữ tu Hoa Kỳ đã xuất bản một tập nghiên cứu quan trọng về vấn đề này. Những ví dụ về việc nữ tu giảng thuyết do các Tổng Hội mới đây đan cử : như giảng dạy trong các đại học của Dòng, tham gia một vài phong trào như phong trào Parable ở Hoa Kỳ, giảng thuyết cổ động ở Anh quốc do các anh em, chị em Đa Minh, giáo dân và các tu sĩ khác tổ chức. Tất cả những sự kiện đó làm cho mọi người chúng ta thêm hứng khởi.
 

SUY TƯ THẦN HỌC

"Khi thánh Đa Minh có ý muốn đào tạo anh em để họ đảm nhận việc giảng thuyết, trước hết người gửi anh em đi học". Người tuyển lựa môn đệ ở các đại học, rồi lại gửi họ đến các đại học để họ chuẩn bị sứ vụ giảng thuyết. Thánh Đa Minh muốn rằng các nhà giảng thuyết phải vừa khôn ngoan vừa tài giỏi. Cha Guillaume de Monferat kể lại rằng cha và thánh Đa Minh có dự tính sang Bắc Âu "khi thánh Đa Minh đã tổ chức xong cơ cấu của Dòng, và tôi đã học xong hai năm thần học."

Một truyền thống học tập và suy tư thần học như thế - học không phải để học, nhưng học vì ơn cứu độ bản thân và tha nhân - vẫn luôn tồn tại trong Dòng. Điều đó không có nghĩa là tất cả mọi người Đa Minh đều phải giỏi hơn các tu sĩ khác, hay mỗi người Đa Minh phải là một nhà thần học chuyên môn, nhưng có nghĩa là việc học hỏi chân lý phải là mối ưu tư của mỗi người Đa Minh nam cũng như nữ. Các nữ tu hoàn toàn ý thức về điều này. Tổng Hội Oakland nói thêm : "Lắng nghe, theo tinh thần Đa Minh, giả thiết rằng anh chị em cùng nhau chia sẻ một dự phóng đời sống " (số 43).

Càng ý thức rõ ràng hơn về các thực tại chung của chúng ta, tức là lòng sùng kính thánh Đa Minh, và như thấu hiểu hơn nữa sứ vụ giảng thuyết của chúng ta trong Giáo hội, tôi càng tin rằng chúng ta sẽ quan tâm nhiều hơn để tổ chức chương trình huấn luyện chính thức chung " (x. Quezon City số 71 và 79).

Dự phóng này liên quan đến các Tỉnh Dòng và Phụ Tỉnh, các hiệp hội và hội đồng nữ đan sĩ cũng như các Hội Dòng nữ tu, là những đơn vị có thể thực hiện được dự phóng. Chúng tôi đã thấy một vài điển hình : 2 Hội Dòng nữ tu và một nhóm anh em ở Bôlivia, 2 Phụ Tỉnh ở Vênêduêla, học viện ở Pêru, tập viện liên Dòng ở Saint Louis bên Hoa Kỳ, chương trình đào tạo chung ở Salomon, Hiệp hội các nữ đan sĩ ở Mêhicô, ở Áchentina, và Tây Ban Nha.

Tôi nghĩ rằng, dù trong hoàn cảnh Dòng phát triển và tăng số ơn gọi, hay ở những nơi mà số anh em giảm sút, chúng ta vẫn nên cố gắng.
 


TRUYỀN THỐNG TRUYỀN GIÁO

Từ rất sớm, một số đông anh em Đa Minh lắng nghe lời kêu gọi xưa đã được gửi đến ông Ápraham :" Hãy bỏ xứ sở và nhà cửa của cha ngươi để đi đến miền đất Ta sẽ chỉ cho " (St 12). Chính thánh Đa Minh đã rất mong muốn đi đến với những người Cumans. Nhiều đồ đệ của người đã chia sẻ mộng ước đó; một số anh em chuyên tâm học hỏi ngôn ngữ và phong tục những người mà anh em sắp đến với họ. Anh em Đa Minh đã là những người đầu tiên đặt chân lên Tân thế giới, và năm 1587, một Tỉnh Dòng truyền giáo đã được thành lập ở Tây Ban Nha, đặc biệt để đáp lời mời gọi của Đông phương. Nhiều Hội Dòng nữ tu được thành lập nhằm thoả mãn khía cạnh này trong đoàn sủng của thánh Đa Minh.

Ngày xưa, vai trò của các nhà truyền giáo là thiết lập Giáo hội địa phương. Còn ngày nay, phải làm cho Giáo hội địa phương thêm phong phú nhờ đoàn sủng riêng của mỗi Dòng. Nhân cuộc viếng thăm mới đây tại Phi Châu, tôi rất ngạc nhiên vì nhiều giám mục yêu cầu chúng ta gởi đến cho các ngài những nhà thần học và giảng thuyết. Ở Kenia chẳng hạn, tôi biết một giám mục đã nâng đỡ một nhóm giảng thuyết gồm hai nữ tu và một anh em.

Tổng Hội Avila nhấn mạnh đến ba khía cạnh của sứ vụ, đó là thách đố của các tôn giáo lớn, thách đố của các ý thức hệ thế tục, và thách đố của các giáo phái.

Tại hội nghị truyền giáo lần thứ hai của Dòng ở Arbresle, khi nói về những môi trường thi hành sứ vụ, có người đã ghi nhận như sau : " Chúng ta không cần tìm môi trường mới trong sứ vụ của chúng ta. Các môi trường có đấy, nhưng chính chúng ta thì lại vắng mặt". Khái niệm về việc đi truyền giáo ở ngoại quốc đã biến chuyển, nhưng nhu cầu thì vẫn còn. Thách đố chính yếu của thời đại chúng ta là ước vọng trở thành một người rao giảng Tin Mừng ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Chúng ta phải tỏ ra là những người sáng tạo, như thánh Đa Minh, như các chị em đã sáng lập ra những Hội Dòng nữ .
 

CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH

Ở đây, tôi lấy ví dụ về các thừa sai tiên khởi ở Tân thế giới làm khởi điểm. Một năm sau khi anh em đến nơi ngày nay là đảo Santo Domingo , anh em đã lên tiếng bênh vực phẩm giá của dân bản xứ. Ba yếu tố trong cách anh em tiếp cận vấn đề vẫn còn có thể soi sáng cho chúng ta ngày nay :

1- Khi người ta than phiền với cha tu viện trưởng Pedro de Cordoba về nội dung bài giảng của cha Montesino, cha tu viện trưởng đã trả lời rằng : "Không phải là cha Montesino giảng, mà là toàn thể cộng đoàn. Chính cộng đoàn đã phản kháng sự bất công, và cha Montesino chỉ là phát ngôn viên của cộng đoàn".

2- Ảnh hưởng của các anh em rất đáng kể, vì khắp nơi, anh em được kính trọng như những nhà thần học và những tu sĩ Đa Minh gương mẫu.

3- Các anh em đã chú ý báo cáo chính xác cho các bạn bè ở đại học Salamanca bên Tây Ban Nha, nhờ đó mà cha Francis de Vitoria đã có thể soạn thảo bản hiến chương đầu tiên về nhân quyền.

 Bài học từ những sự kiện đó là : chúng ta phải hành động như một cộng đoàn chứ không như một cá nhân, như một cộng đoàn Đa Minh chứ không như những nhóm độc lập. Cần hiểu rằng sự đóng góp của chúng ta vào việc phát triển Tin Mừng sẽ chỉ có ý nghĩa nếu đóng góp đó có tính cách thần học. Chúng ta phải biết khi nào thì cần sự giúp đỡ từ bên ngoài, như về tài chính, về tâm lý xã hội. Thực vậy, bàn luận về những đề tài chuyên môn và về những hoàn cảnh cụ thể, mà thiếu hiểu biết thực tế thì chỉ là một sự phục vụ tệ hại đối với Giáo hội và đối với toàn Dòng.

Trong những năm gần đây, Dòng có hai người nỗi tiếng bênh vực công lý hòa bình : Cha Dominique Pire, người đã nhận được giải Nôben hòa bình vì các hoạt động cho dân tỵ nạn, và cha Louis Lebret với những hoạt động và tác phẩm của mình. Tôi cũng nghĩ tới Ita Ford, Maura Clarke, Dorothy Kazel, và nữ thừa sai giáo dân trẻ tuổi Jean Donovan đã cống hiến đời mình để bênh vực công lý ở Salvador .

Sinh thái học thường đi liền với việc bênh vực công lý. Ở thời đại chúng ta, Công Đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh đến giá trị của công trình sáng tạo. Người ta khẳng định rằng đánh giá của chúng ta về thế giới là đáng khen, và rằng thế giới đã được tiền định để biến hình đổi dạng nhờ vinh quang Thiên Chúa. Đừng quên rằng Dòng đã được thành lập để bênh vực lý tưởng đó. Bởi vậy, ta đừng ngạc nhiên khi thấy từ ngữ sinh thái học (écologie) trong Công vụ Tổng Hội 1983 (số 33).

Trong toàn bộ vấn đề công lý, chúng ta phải rao giảng bằng hành động nhiều hơn lời nói. Ích gì nếu chúng ta lo lắng đến vấn đề bất công, trong khi chính chúng ta lại đối xử bất công với những người làm công, hoặc khi chúng ta thờ ơ với vấn đề môi sinh, hoặc lãng phí trong việc sử dụng những tài nguyên giới hạn của chúng ta, khi chúng ta lơ là với thách đố của xã hội tiêu thụ, hay của văn hóa thời đại.

Chỉ rao giảng về công lý mà thôi chưa đủ. Còn cần phải làm chứng về điều đó trong quan hệ của chúng ta với chị em. Chúng ta vẫn đánh giá cao sự trợ lực của chị em để duy trì những ưu tiên của chúng ta, hoặc để hoàn thành những dấn thân tông đồ. Nhưng chúng ta không thể giảng thuyết về công lý một cách hữu hiệu nếu chúng ta không tỏ ra công bằng với những người chung quanh chúng ta.
 

Back to Top

CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG

Ưu tiên thứ tư, cũng được gọi bằng ngôn ngữ hiện đại là "các phương tiện truyền thông", có nguồn gốc sâu xa trong truyền thống của chúng ta. Cha John Mills ghi nhận : hai thế kỷ trước cuộc cách mạng ngành ấn loát, anh em Đa Minh đã đóng vai trò quan trọng khi biến sách vở thành phương tiện truyền thông thông thường.

Thế kỷ của chúng ta chứng kiến một cuộc cách mạng to lớn về các phương tiện truyền thông. Chúng ta phải làm quen với các ngôn ngữ của phương tiện truyền thông đại chúng, và "dùng ngôn ngữ hiện đại trong việc giảng thuyết, thứ ngôn ngữ của những người đồng thời với chúng ta, cho phép chúng ta trở nên những nhà giảng thuyết của thời đại" ( Avila số 72).

Các phương tiện truyền thông đại chúng tự nó là phương tiện tuyệt hảo để khám phá thứ ngôn ngữ này. Các phương tiện ấy cũng tiêu biểu cho một nguồn mạch thông tin quan trọng về thế giới chúng ta. Nhưng chúng ta phải biết đánh giá các phương tiện ấy một cách sáng suốt, khai triển sự tôn trọng khả năng cũng như những giới hạn của chúng, và ý thức rõ rệt về những khuynh hướng lạm dụng các phương tiện ấy. Đừng quên những bài học thiết thực cũng như những khả năng mà các phương tiện truyền thông có thể đem lại cho việc giảng thuyết của chúng ta trong thế giới. Chúng ta không thể cùng nhau theo đuổi toàn bộ những suy tư này một cách có hiệu quả sao ?
 

VIỆC QUẢN TRỊ DÒNG

Một trong những nét đặc biệt của Dòng là hệ thống quản trị, mà những nguyên tắc căn bản đã do chính thánh Đa Minh để lại cho chúng ta. Các Hội Dòng nữ tu, được thành lập vào những thế kỷ mới đây, không sở hữu được tất cả những yếu tố trong việc quản trị ấy, dù thế, họ cho rằng hình thức quản trị Đa Minh vẫn thiết yếu cho đời sống của họ.

Hiến pháp của chúng ta bảo đảm quyền lợi của cá nhân và của cộng đoàn. Cách thức đạt đến quyết định bằng công hội (hội nghị các anh em đã khấn trọng) là tuyệt đối cần thiết cho việc quản trị, và không hề xâm phạm đến quyền bính hợp pháp của các Bề trên hoặc ban cố vấn.

Trong tác phẩm "Can đảm hướng về tương lai", cha Vincent de Couesnongle viết :

"Luật cơ bản của nền dân chủ, đó là luật đa số. Trong Dòng thì không thế, dù có nhiều cuộc đầu phiếu. Luật của chúng ta đúng ra là luật của đồng tâm nhất trí (unanimité). Trong Tu viện hội, Tỉnh Hội hay Tổng Hội, Bề trên đừng bằng lòng với một cuộc bỏ phiếu vội vàng, nhưng phải có thời gian thông tin rộng rãi, tạo nên một cuộc tìm kiếm chung, khơi dậy tranh luận, làm sao để đi đến một ý kiến nhất trí bao nhiêu có thể. Việc tìm kiếm sự nhất trí này, dù rằng không khi nào đạt được, vẫn bảo đảm sự hiện diện của Thiên Chúa và Thánh Thần, và cũng chính nhờ sự kiện này, việc tìm kiếm sẽ hướng dẫn chúng ta khám phá ra ý định của Thiên Chúa một cách chắc chắn hơn. Trong Công Đồng Vaticanô II cũng vậy, Đức Phaolô VI đã trì hoãn một vài lần bỏ phiếu để khuyến khích sự nhất trí rộng rãi hơn, và để tránh quyết định đơn thuần là của đa số. Khỏi cần nhấn mạnh rằng, mỗi anh em và toàn thể cộng đoàn phải tìm kiếm một sự nhất trí như thế".

Phải lắng nghe tiếng nói của thiểu số. Tiếng nói đó có thể có những điểm quan trọng. Những điểm ấy có thể biến đổi hoặc thay đổi toàn bộ lập trường. Khi một cuộc bỏ phiếu nhanh chóng làm im tiếng phe thiểu số, thì hệ thống quản trị của chúng ta đã mất giá trị. Đừng quên rằng việc quản trị trong Dòng còn nhằm để phục vụ việc rao giảng Tin Mừng.

Đó là một vài ý tưởng tôi muốn chia sẻ với tất cả anh chị em. Hiện nay chúng ta có 40.000 nữ tu, 4.000 nữ đan sĩ, 6.900 anh em, và khoảng 120.000 giáo dân đang dấn thân trong nhiều tác vụ khác nhau. Cộng tác với nhau thì còn có gì mà chúng ta không thể làm được ?

Bề trên Tổng quyền Damian Byrne, OP. 1989