NGƯỜI GIÁO DÂN VÀ SỨ VỤ CỦA DÒNG
Bề trên Tổng quyền Damian Byrne, 23-11-1987
Tổng Hội Avila đã thành lập một uỷ ban Đặc trách nghiên cứu vai trò của người giáo dân trong hoạt động tông đồ của chúng ta. Như vậy, Tổng Hội đã lưu tâm đến tầm quan trọng của người giáo dân trong Giáo hội đang gia tăng, đặc biệt sau Công Đồng Vaticanô II. Uỷ ban nói trên đã uỷ nhiệm cho vị Tổng Quyền "viết cho anh chị em và toàn thể Gia Đình Đa Minh về vai trò người giáo dân trong hoạt động tông đồ của chúng ta, và về người Giáo dân Đa Minh trong thế giới hôm nay" (số 95).
Lá thư này nhằm thi hành uỷ nhiệm của Tổng Hội. Đây là món quà gởi tặng toàn thể Gia Đình Đa Minh vì nhũng thành quả đã đạt được trong lãnh vực quan trọng này của Giáo hội, đồng thời cũng là lời mời gọi huynh đệ gởi đến mọi phần tử trong Gia Đình chúng ta, nhằm tăng cường sự quan tâm và hoạt động của mình trong thách đố mới mẻ này của Giáo hội.
1. SỰ THỨC TỈNH CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN, DẤU CHỈ MỚI TRONG GIÁO HỘI
Công Đồng Vaticanô II đã nói về một dấu chỉ mới trong Giáo hội, đó là sự thức Tỉnh của người giáo dân hướng về một giai đoạn mới là đồng trách nhiệm và ý thức cộng đoàn. Lời lẽ của Công Đồng bày tỏ sự công nhận và tán thưởng đối với giai đoạn mới này trong Giáo hội, đồng thời cũng mời gọi toàn thể Giáo hội tiếp tục theo hướng đó. Thượng Hội Đồng giám mục về giáo dân mới đây đã nhắc lại một lần nữa tiếng nói thẩm quyền của Công Đồng, và vạch ra những hướng đi cũng như những mục tiêu mới để tái củng cố ơn gọi và sứ vụ của người giáo dân trong Giáo hội.
Sự thức Tỉnh của người giáo dân để phục vụ và lãnh trách nhiệm trong Giáo hội là một thời điềm có ý nghĩa thần học sâu xa. Tuyên ngôn của Công Đồng và của Thượng Hội Đồng giám mục chỉ phản ánh một sự kiện lịch sử đang diễn ra khắp nơi trong mọi Giáo hội địa phương cũng như trong Giáo hội toàn cầu.
Xin anh chị em cùng tôi nhìn lại một số thực tại trong giai đoạn này của Giáo hội :
a. Các Giáo hội địa phương, đa số là Giáo hội trẻ, đang lấy lại được sức sống mãnh liệt, nhờ tinh thần đồng trách nhiệm tích cực của người giáo dân, nam cũng như nữ, ý thức về ơn gọi Ki-tô hữu, về sứ vụ và trách nhiệm tông đồ của mình. Các nỗ lực phục hồi sinh khí, cải tổ nội bộ, hội nhập văn hoá, canh tân tinh thần truyền giáo... thường đã được thúc đẩy và đem ra thực hành bởi người giáo dân trong sự đối thoại và hợp tác đối với các chủ chăn của họ.
b. Sự kiện người giáo dân càng ngày càng đảm nhận nhiều tác vụ trong các cộng đoàn Ki-tô hữu có một tầm quan trọng đặc biệt. Con số các giáo dân nhận thức và đảm trách những tác vụ đặc biệt (trong hoặc ngoài định chế) mỗi ngày mỗi gia tăng. Trong đa số trường hợp, các tác vụ đó đã được chủ chăn công nhận và tán thành. Cũng đang gia tăng con số các giáo dân tham gia vào việc giảng dạy giáo lý và loan báo Tin Mừng, suy tư và giảng dạy thần học, hướng dẫn và linh hoạt cộng đoàn, quản trị và công tác xã hội, đấu tranh cho công lý và hòa bình trên thế giới...các tác vụ đó đã được thực hiện do thiện chí thúc đẩy. Những người đứng ra đảm nhiệm cảm thấy cần phải được huấn luyện, chuẩn bị và thực tập thích đáng.
c. Xét về mặt thần học, Giáo hội và mục vụ, sự gia tăng con số giáo dân đóng vai trò lãnh đạo thật rất có ý nghĩa. Đây hoàn toàn không phải là công việc lãnh đạo để bù vào sự thiếu vắng linh mục hay thay thế các ngài. Đó chính là vai trò lãnh đạo của người giáo dân, nhờ đoàn sủng và ơn thánh đặc biệt, cảm thấy mình được mời gọi để trở thành những người làm sinh động các cộng đoàn Ki-tô hữu bằng cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa, và dấn thân vào các lãnh vực xã hội và chính trị ... Qua các hoạt động bác ái và chân lý. Nhũng người giáo dân lãnh đạo này đã vạch ra và khai mở một giai đoạn mới cả về quan niệm lẫn sự thực thi quyền bính trong cộng đoàn Ki-tô hữu.
d. Trong sự thức Tỉnh của người giáo dân, sự hiện diện của người phụ nữ sau nhiều thế kỷ im hơi lặng tiếng và đứng bên lề, có tầm quan trọng và đáng lưu ý đặc biệt. Các tài năng tự nhiên và đặc sủng của họ đã thổi một luồng sinh khí mới vào cộng đoàn Ki-tô hữu, và biểu lộ một bộ mặt mới của đời sống Ki-tô giáo. Nhận thức tinh tế của họ về thực tiễn, khả năng nhạy cảm của nữ tính, bản năng làm mẹ, sự kiên trì trước khó khăn... biểu lộ những khía cạnh tiềm tàng của Lời Chúa, của sự hiệp thông Ki-tô giáo và của kinh nghiệm Nước Thiên Chúa.
Những sự kiện trên đang diễn ra trong Giáo hội hôm nay đã tạo được sự hợp tác ngày càng gia tăng giữa giáo dân, tu sĩ và linh mục trong các lãnh vực khác nhau của đời sống Giáo hội. Các nam nữ tu sĩ càng ngày càng tham gia chia sẻ các dự phóng sinh hoạt và tông đồ với các tu sĩ khác và với các giáo dân nam cũng như nữ, có gia đình hoặc độc thân. Người giáo dân không còn đơn thuần là những người đón nhận sứ vụ của chúng ta; họ chia sẻ với chúng ta, và chúng ta chia sẻ với họ cùng một trách nhiệm trong cộng đoàn Ki-tô hữu.
Đứng trước sự kiện này của Giáo hội, chúng ta, các tu sĩ Đa Minh, cần tự đặt ra cho mình một số câu hỏi : chúng ta cảm nghiệm và phản ứng như thế nào trước sự thức Tỉnh của người giáo dân trong Giáo hội ? Chúng ta có làm ngơ các sự kiện đó vì tự mãn không ? Chúng ta có phủ nhận các sự kiện đó vì những sợ hãi giả tạo không ? Chúng ta có thái độ và phản ứng thế nào khi đối diện với người giáo dân ? Người giáo dân có vị trí nào trong tác vụ tông đồ của chúng ta, trong việc soạn thảo và thực hiện các dự phóng tông đồ của chúng ta ? Đồng cảm với Giáo hội hôm nay có nghĩa là, ngoài các việc khác, chúng ta phải tự đặt ra cho mình những câu trả lời trên và trả lời một cách chân thành.
2. NHỮNG CƠ SỞ THẦN HỌC CHO SUY TƯ KI-TÔ GIÁO
Suy tư thần học ngày nay nhìn vào những thời điểm để đọc, để giải thích và nhận ra những đòi hỏi của Lời Chúa và của kinh nghiệm Ki-tô giáo, nghiên cứu thần học hay giảng thuyết là đặt Lời Chúa tiếp cận với những hoàn cảnh lịch sử của con người. Sự trung thành với truyền thống thần học phong phú của chúng ta đòi hỏi chúng ta chăm chú lắng nghe và phân định về phương diện thần học dấu chỉ thời đại mới mẻ này của Giáo hội. Ta không thể quên rằng chính các anh em trong Dòng, với tư cách là những nhà thần học trong Công Đồng Vaticanô II, đã triển khai nền thần học về người giáo dân và về tác vụ trong cộng đoàn Ki-tô hữu.
a) Cơ sở đầu tiên để suy tư về người giáo dân và về sứ vụ của họ trong Giáo hội đã được trình bày cho chúng ta qua giáo thuyết về Giáo hội của Công Đồng Vaticanô II. Giáo thuyết này đã thay đổi cách nhìn từ một định nghĩa Giáo hội theo thể chế pháp lý sang một quan điểm và định nghĩa Giáo hội có tính cách thần học. Phạm trù tranh luận trong định nghĩa mới này là Dân Thiên Chúa : Giáo hội là dân mới của Thiên Chúa, được quy tụ do niềm tin vào Chúa Phục Sinh, và được ghi dấu nhờ phép Rửa nhân danh Chúa Giêsu Ki-tô. Ngày nay, có người lại khẳng định rằng chính sự hiệp thông mới diễn tả bản chất Giáo hội thích hợp hơn. Dù sao đi nữa, Công Đồng Vaticanô II và truyền thống cố cựu đã thiên về định nghĩa Giáo hội là Dân Thiên Chúa : Tất cả những người đã chịu phép Thánh Tẩy đều được trọn quyền tham dự vào ơn gọi sứ vụ này. Tất cả đều là Dân Thiên Chúa, là những thành phần năng động và có trách nhiệm trong Giáo hội để thi hành sứ vụ của Giáo hội.
b) Quan niệm của Công Đồng về Giáo hội đưa chúng ta tới một quan niệm mới về tác vụ nói chung và các tác vụ trong Giáo hội. Mọi tác vụ và đoàn sủng đều là hồng ân Thiên Chúa ban qua cộng đoàn, và đây là cơ sở quan trọng thứ hai cho suy tư thần học của chúng ta : chủ đề của tác vụ là cộng đoàn Ki-tô hữu. Mỗi người đã chịu phép Thánh Tẩy đều chia sẻ triệt để chiều kích tác vụ đó, còn các thừa tác vụ khác nhau chỉ là cách diễn tả chiều kích trong cộng đoàn.
c) Cơ sở thứ ba cho suy tư thần học đòi buộc chúng ta xét lại nền thần học truyền thống về tác vụ. Tôi muốn nói tới các tiêu chuẩn để đánh giá và xếp hạng các tác vụ đó. Tính cách thiêng liêng của các tác động phụng vụ và sự liên kết chặt chẽ giữa tác vụ linh mục và quyền bính trong Giáo hội buộc chúng ta dựa vào quan điểm thánh thiện và phụng vụ để đánh giá các tác vụ này. Theo chiều hướng đó, thì các chức năng và tác vụ có liên hệ với phượng tự chiếm chỗ cao nhất trong hệ thống giá trị thần học của chúng ta. Còn các tác vụ có tính thế tục hơn bị xếp vào hạng thứ yếu. Điều này cần phải thay đổi. Nhớ đến khuyến cáo của thánh Phaolô gửi cho các tín hữu Côrintô, chúng ta phải lấy lại những tiêu chuẩn về cộng đoàn để đánh giá và xếp hạng ưu tiên cho đoàn sủng và tác vụ. Các đoàn sủng và tác vụ trở nên quan trọng hơn đối với người Ki-tô hữu tùy theo chúng góp phần xây dựng cộng đoàn đến mức nào.
Cơ sở thần học thứ ba này giúp chúng ta vượt qua chủ trương nhị nguyên truyền thống và, trong nhiều trường hợp, vượt qua được sự đối lập giả tạo giữa hàng linh mục và giáo dân. Nên nhắc lại ở đây những lời của cha Yves Congar về vấn đề này :
"Giáo hội không chỉ được xây dựng nhờ hoạt động của các thừa tác viên chính thức trong hàng linh mục, nhưng còn do nhiều loại phục vụ bền vững hay tạm thời, tự nguyện hay đã được thừa nhận, một số được thánh hiến nhờ bí tích Truyền Chức. Những việc phục vụ đó vẫn tồn tại, ngay cả khi không được nói đến với danh nghĩa là tác vụ, những tác vụ không có một vị trí và một quy chế đích thực trong giáo thuyết về Giáo hội... Như thế, chúng ta thấy yếu tố kép có tính cách quyết định không phải là linh mục và giáo dân, nhưng là phục vụ và cộng đoàn."
Điều đó giúp chúng ta hiểu được tính đa dạng và việc phân phối các đoàn sủng và tác vụ, giữa mọi phần tử trong cộng đoàn, người có chức thánh hoặc giáo dân, nam hay nữ. Cuối cùng, quan trọng hơn hết, điều đó giúp chúng ta nhận thức ý nghĩa Ki-tô giáo sâu xa về các tác vụ do những người đã chịu phép Thánh Tẩy thi hành trong việc tìm kiếm một xã hội nhân bản hơn, huynh đệ hơn và công bằng hơn : thăng tiến, hỗ trợ, và bảo vệ nhân quyền...
Những cơ sở thần học trên đây phải khích lệ việc suy tư và phân định của chúng ta trong đời sống hoạt động mục vụ và Giáo hội của chúng ta.
Thần học ngày nay cung cấp cho chúng ta những điểm chắc chắn và những điểm cần tranh luận xoay quanh vấn đề tác vụ. Sứ vụ của các tu sĩ Đa Minh là cống hiến cho cộng đoàn Ki-tô hữu kiến thức thần học và tác vụ về đoàn sủng, nếu chúng ta muốn trung thành với truyền thống. Tuy nhiên, suy tư thần học sẽ kém phong phú, nếu tách rời hoạt động của Ki-tô hữu, của Giáo hội, và hoạt động tông đồ của chúng ta.
3. NHỮNG THÁCH ĐỐ VÀ DẤN THÂN ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH ĐA MINH
Trọng tâm của đoàn sủng Đa Minh phải là việc giảng thuyết, là loan báo Lời Chúa. Là tu sĩ Đa Minh chính là nhà giảng thuyết. Đây là điều quan trọng nhất trong dự phóng Đa Minh. Tuy nhiên, việc loan báo này không phải chỉ là những bài giảng giáo lý, giải thích Tin Mừng hoặc giảng dạy thần học, mà phải thể hiện trong bất cứ lời nói hoặc thực tiễn lịch sử nào nói lên biến cố cứu độ trong lịch sử nhân loại. Chỗ gặp gỡ đặc biệt giữa tu sĩ Đa Minh chính là đoàn sủng và tác vụ giảng thuyết. Gia Đình Đa Minh được mời gọi để trở nên cộng đoàn giảng thuyết, trong đó các anh chị em, các tu sĩ và giáo dân đều là những thành viên tích cực và đồng trách nhiệm, với những đặc sủng và tác vụ khác nhau.
Dòng đã ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử Giáo hội có khủng hoảng, nhưng đồng thời lại có sức sống phi thường. Đó là giai đoạn có sự thức Tỉnh của các phong trào giáo dân, sự thức Tỉnh này đã ảnh hưởng đến sự khai sinh và dự phóng căn bản của các Dòng hành khất, và đã tạo nên một quan niệm mới về Giáo hội, vượt ra ngoài ranh giới giáo xứ và Giáo phận. Trong lịch sử Dòng, có những kinh nghiệm đầy ý nghĩa có thể giúp chúng ta hiểu và đảm nhận thời đại mới của giáo dân : việc sáp nhập Dòng Ba vào dự phóng Đa Minh, việc phát huy các chức năng và tác vụ của anh em trợ sĩ, việc nhiều Dòng nữ sáp nhập vào sứ vụ của Dòng. Nhắc lại những sự kiện này là gợi ra một thách đố cho thời đại mới.
Mặc dầu điều đó đôi khi khó khăn, nhưng ở đây chúng ta còn có thể áp dụng được một số điểm. Tôi nghĩ rằng, ngày nay, các cộng đoàn của chúng ta được mời gọi để khai mở và củng cố những động mới của Giáo hội nhằm đưa người giáo dân vào cộng tác trong sứ vụ của Giáo hội. Việc cầu nguyện chung với giáo dân sẽ đem lại cho họ sự phong phú của lời cầu nguyện đã từng là sức mạnh trong nhiều thế kỷ, đồng thời chính việc cầu nguyện chung này cũng đem lại sự mới mẻ và tươi mới nhờ những kinh nghiệm mới trong Ki-tô giáo. Một số cộng đoàn của chúng ta sẽ tăng thêm sinh lực nếu chia sẻ việc cầu nguyện với giáo dân. Quả thực, trong Dòng chúng ta có những bằng chứng rõ ràng về việc đổi mới kiểu này.
Cũng cần phải bắt đầu và tăng cường những hình thức mới trong việc nghiên cứu học hỏi có giáo dân cộng tác. Việc này không thể đi theo một chiều duy nhất như thể chúng ta là thày, còn giáo dân là môn sinh, nhưng là việc học hỏi của cả cộng đoàn. Lời Chúa không bị trói buộc, mà mở ra cho tâm trí mọi tín hữu đang quan tâm lắng nghe. Nhờ nghiên cứu thần học, chúng ta có thể cống hiến sự phong phú, nhưng chúng ta cũng phải biết lắng nghe để được thêm phong phú nhờ việc đối thoại với các tín hữu.
Công việc tông đồ của chúng ta cũng phải được xét lại và định hướng lại trong cái nhìn về tác vụ mới của giáo dân, để có thể đáp ứng cách thích đáng cho một tương quan mới giữa Giáo hội với người giáo dân. Những công việc này đòi hỏi một hình thức thi hành quyền bính và lãnh đạo mới, có tính cách tập đoàn hơn. Chúng ta phải tìm những đường lối để chia sẻ việc soạn thảo các dự phóng tông đồ, để phân chia các chức năng và các tác vụ trong hoạt động tông đồ của chúng ta... Việc phục vụ Tin Mừng phải giữ ưu tiên, vượt trên những thói quen, những tiện nghi và những nỗi sợ sệt của chúng ta. Một cộng đoàn Đa Minh trong tư thế thi hành sứ vụ và lữ hành là một cộng đoàn mở ra với hiện tại và tương lai của Giáo hội và của xã hội.
Tổng Hội Avila (số 85A) đã đề cập tới những trăn trở còn tồn tại nơi Giáo dân Đa Minh. Trong lúc này, họ thường gặp một khó khăn đặc biệt : các Huynh đoàn thiếu vắng lớp người trẻ, và do đó, thiếu sức sống. Phải chăng một phần là do thiếu hiểu biết những giáo huấn của Giáo hội từ Công Đồng Vaticanô II liên quan tới vấn đề này, và do đó phải hứng chịu thất bại khi thực hành.
Vấn đề đã được phân tích trong hội nghị Giáo dân Đa Minh nhóm họp tại Montréal 1985. Đứng trước tình trạng này, chúng ta phải suy nghĩ và định hướng cho người Giáo dân Đa Minh, sao cho phù hợp với những sinh hoạt mới của Giáo hội và những cơ sở thần học mới liên quan đến vị trí và sứ vụ của người giáo dân trong Giáo hội và trong thế giới.
4. ĐƯỜNG DẪN TỚI TƯƠNG LAI
Anh chị em chúng ta đang dần dần quen với những kiểu cách mới khi thi hành sứ vụ Đa Minh để phục vụ Giáo hội mới đang vươn lên. Nhiều người đã thực sự bắt đầu và đã trở thành những nhân tố trong toàn thể Gia Đình Đa Minh. Lối sống mới của họ làm cho ơn gọi Đa Minh trở nên đáng tin cậy hơn. Đây là cơ hội thuận tiện để canh tân Dòng chúng ta. Sự thức Tỉnh của người giáo dân đem lại cho chúng ta một biên cương mới. Muốn vượt qua biên cương này, chúng ta phải có can đảm.
Tương lai của Giáo hội và của Gia Đình Đa Minh đòi hỏi nhiều nơi chúng ta. Những lý lẽ đổi mới có thể tạo cho chúng ta một sự yên ổn giả tạo, nhưng như thánh Gioan Tẩy giả, vị giảng thuyết tiên khởi về Đức Giêsu Ki-tô đã nhắc nhở :" Tôi phải nhỏ đi, để Người lớn lên" (Ga 3,30). Cũng như Chúa Giêsu, ân sủng Thiên Chúa sống nơi mỗi người tín hữu tăng triển khi họ loan báo ân sủng đó cho đến tận cùng trái đấ?.
Ước mong kỷ niệm về thánh phụ Đa Minh đem lại cho chúng ta lòng can đảm để dấn thân vào dấu chỉ mới của Giáo hội.
Bề trên Tổng quyền Damian Byrne, OP.
23-11-1987