Không phải thứ gì cũng an toàn trong lò vi sóng
Lò vi sóng đặt trong một gian phòng.
Năm 1945, Percy Spencer, một kỹ sư tự học đã nhận được bằng sáng chế cho phát minh mang tính đột phá của mình: lò vi sóng.
Việc nấu nướng không còn giống như xưa kể từ khi thiết bị cực kỳ tiện lợi này được tung ra thị trường. Tuy nhiên, ngay cả sau 80 năm tiến bộ công nghệ, các nhà sản xuất vẫn chưa tìm ra cách làm cho một số vật dụng tưởng chừng như vô hại có thể sử dụng an toàn trong lò vi sóng. Thực tế, có những thứ tuyệt đối không được dùng trong lò vi sóng. Một số thứ có thể gây ra những vấn đề đau đầu hoặc thậm chí nguy hiểm như phát lửa, cháy nổ.
1. Thức ăn không đậy nắp
Ở nhiệt độ cao, các món ăn lỏng như súp, cà ri, lasagna – sẽ sôi và nổi bọt. Điều này càng dễ xảy ra hơn trong lò vi sóng, nơi vừa cung cấp một môi trường khép kín vừa làm tăng nhiệt. Nếu thức ăn tràn ra ngoài và văng tung tóe, bạn sẽ gặp thảm họa khắp bên trong lò.
Đậy nắp sẽ ngăn được tình trạng này, nên hé nắp một chút để hơi thoát ra ngoài không gây nổ.
2. Vật dụng bằng kim loại
Mọi người sử dụng lò vi sóng đều biết không được để vật dụng như chén, đĩa, muỗng bằng kim loại vào lò vi sóng. Nhưng ngay cả bát đĩa có sơn hoặc đồ trang trí bằng kim loại cũng có thể phát lửa trong lò vi sóng. Sóng phóng xạ tạo nên tên gọi của lò vi sóng làm nóng thức ăn bên trong thiết bị.
Những vi sóng này có chứa các electron, tương tác với các phân tử nước trong thực phẩm của bạn. Khi hơi nước thoát ra từ thức ăn, những electron này cũng được thải ra. Tuy nhiên, khi kim loại được đưa vào hỗn hợp (đặc biệt là kim loại bị uốn cong hoặc nhăn nheo như lá thiếc), các electron có thể bị nhiễu loạn.
3. Hộp xốp
Bạn không phải lo lắng nếu bữa ăn của bạn được giao trong hộp xốp. Nhưng nếu bạn cho hộp xốp đó vào lò vi sóng, nhiệt từ lò vi sóng làm tan chảy các hộp xốp và tạo ra các hóa chất từ bọt polystyrene. Styrene là một hợp chất có liên quan đến các vấn đề về hệ thần kinh và thậm chí là ung thư. Mặc dù các nghiên cứu về chủ đề này liên quan đến trường hợp làm việc với nhựa như styrene, chứ không phải việc ăn một lượng nhỏ. Nhưng dù sao đi nữa, với thông tin này, chắc chắn bạn không còn thoải mái khi cho Styrofoam vào trong lò vi sóng, trừ khi hộp xốp có nhãn cho biết rằng nó an toàn với lò vi sóng. Nhãn an toàn với lò vi sóng trông giống như một chuỗi sóng nước, có hình ảnh một cái bát hoặc một cái lò vi sóng trên đó. Nếu bạn không nhìn thấy biểu tượng này, hãy hâm nóng thức ăn thừa trong hộp đựng an toàn, chẳng hạn như bát thủy tinh có nắp.
4. Cơm
Những người yêu thích món ăn châu Á rất thường làm nóng cơm trắng hoặc cơm chiên còn sót lại bằng lò vi sóng. Nhưng từ góc độ an toàn thực phẩm, việc nấu món ăn giàu tinh bột này trong lò vi sóng có thể gặp rủi ro.Thức ăn thừa đôi khi chứa một loại vi khuẩn có tên là Bacillus cereus. Và ngay cả việc hâm nóng cũng không tiêu diệt được những vi trùng nguy hiểm, đó là lý do tại sao nhiều nguồn cảnh báo không nên cho cơm cũ vào lò vi sóng.
Thay vào đó, có một số bước bạn có thể thực hiện để tránh rủi ro này.
Đầu tiên, hãy luôn nấu cơm ở nhiệt độ đủ cao và bảo quản cơm ở nhiệt độ đủ thấp để ngăn chặn vi khuẩn. Theo USDA, nhiệt độ từ 40 độ đến 140 độ F là “vùng nguy hiểm.” Phạm vi này khuyến khích sự phát triển của vi khuẩn, vì vậy, dù bạn nấu cơm trên bếp hay sử dụng nồi cơm điện, hãy nấu cơm thật nóng, sau đó bảo quản thức ăn thừa trong tủ lạnh ở nhiệt độ đủ thấp. Cơm đã nấu chỉ nên để ngoài tủ lạnh trong một giờ hoặc ít hơn. Sau đó, bạn sẽ mở ra khả năng phát triển của vi khuẩn.
Khi cơm đã được cho vào tủ lạnh, đừng để cơm lâu hơn một ngày. Nếu bạn không thể dùng hết vào ngày hôm sau, hãy vứt nó đi. Khi hâm cơm trong lò vi sóng, hãy hâm ít nhất ba hoặc bốn phút hoặc cho đến khi cơm đủ nóng.
5. Xúc xích, cà rốt
Nếu thử cho loại rau này vào lò vi sóng, bạn có thể thấy một loạt đèn nhấp nháy đáng báo động bên trong lò. Điều này là do cà rốt có chứa các khoáng chất kim loại, chẳng hạn như magiê, sắt, đồng và selen. Cải xoăn, nho thái lát, ớt chuông, rau bina và thậm chí cả xúc xích đều nằm trong số những thực phẩm có thể làm lò vi sóng của bạn phát sáng. Đối với xúc xích, muối và chất phụ gia trong thịt có thể gây ra tia lửa.
6. Để lò trống
Để lò vi sóng không bị hỏng quá sớm, thậm chí bắt lửa, bạn chỉ nên chạy lò khi có thức ăn bên trong.
Nếu bạn làm nóng lò vi sóng trống, thiết bị của bạn có thể ngừng hoạt động – hoặc có thể bắt đầu cháy. Nếu vô tình chạy lò vi sóng mà không có gì bên trong quá vài giây, bạn cần kiểm tra thiết bị để bảo đảm thiết bị vẫn an toàn khi sử dụng bằng cách cho vào lò vi sóng một cái gì đó đơn giản như một cốc nước. Nếu lò hoạt động tốt, không có hiện tượng bất thường như có tia lửa điện thì có thể sử dụng được. Nếu nó không hoạt động hoặc hoạt động không đúng cách, bạn có thể đã làm hỏng nó.
Bạn có thể sửa chữa lò vi sóng của mình và tiếp tục sử dụng nó, nhưng tốt nhất bạn không nên khám phá khả năng đó. Luôn phải có thức ăn hoặc chất lỏng trong lò vi sóng khi lò đang chạy, cho dù bạn hâm nóng trà hay dùng nước chanh để làm sạch bên trong.
(theo Chowhound)