
(Muốn nghe AUDIO, xin mở file đính kèm)
HỌC LẮNG NGHE, ĐỂ CÓ THỂ NÓI ĐÚNG
“Ông Phêrô không biết mình đang nói gì.” (Lk 9: 34)
Chuyện kể rằng một lần kia lên núi cầu nguyện, Chúa Giêsu đem theo với Ngài ba đồ đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Đang khi cầu nguyện thì Chúa Giêsu biến hình, và có ông Moisen và Elia hiện ra đàm đạo với Chúa Giêsu. Thấy cảnh đó thì ba môn đệ đang ngái ngủ liền bừng tỉnh giấc. Sau đó, đang lúc Moisen và Elia từ biệt Chúa Giêsu thì ông Phêrô nói nhảm: sẽ làm ba cái lều cho các đấng… và tác giả Tin Mừng viết “ông Phêrô không biết ông đang nói gì.”
Tại sao ông Phêrô không hiểu mình đang nói gì? Có nhiều cách suy diễn khác nhau. Người viết đơn giản nghĩ rằng ông không nghe được những gì Chúa Giêsu cùng với Moisen và Elia đàm đạo, nên ông không hiểu, không đi vào câu chuyện ba đấng đang nói. Nói theo ngôn ngữ chúng ta vẫn nói: ông nói gà, bà nói vịt. Nghĩa là Phêrô đang đối thoại với Chúa Giêsu mà không ăn nhập gì với đề tài của Chúa Giêsu vừa bàn luận.
Theo y khoa thì thường một người bị điếc sẽ dẫn đến bị câm, chứ không phải một người bị câm sẽ dẫn đến bị điếc: điếc câm chứ không phải câm điếc. Điếc đi trước câm theo sau. Điều này phần nào được chứng thực bằng việc học các ngôn ngữ nước ngoài (và có lẽ, cả tiếng mẹ đẻ cũng vậy: bằng chứng có nhiều vùng nói L và N trong tiếng Việt, vì có lẽ khi sinh ra đã nghe nói vậy nên tự dưng…) dạy cho chúng ta biết rằng, nếu nghe được thì sẽ nói được, nếu nghe chuẩn thì sẽ nói chuẩn.
Để không nói nhảm, nói mà không hiểu mình đang nói gì thì chúng ta cần phải tập nghe. Trong một thế giới phẳng, với các phương tiện thông tin tràn ngập từ nơi riêng tư nhất ra đến công cộng, đến xã hội…lúc nào cũng ra rả những dòng thông tin chằng chịt… ta nghe gì đây?
Ta nghe tiếng Chúa Giêsu: “Từ trong đám mây có tiếng phán rằng: Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” (Lk 9: 35).
Ta nghe thế nào? Để Chúa Giêsu dẫn ta lên núi và cầu nguyện với Người như Người đã làm với Phêrô, Giacôbê và Gioan.
Làm thế nào để “lên núi” trong đời sống thường ngày của ta giữa những ôn ào, bổn phận của cuộc sống ? Núi là nơi vắng vẻ, thanh vắng. Hãy tìm thời gian thinh lặng cho lòng mình (mấy phút trước khi ra khỏi giường, mấy phút trước khi đi ngủ, ngồi nhắm mặt lại, định tâm trí lại, để nghe Chúa nói qua tiếng lương tâm). Nhìn sâu vào lòng mình thì sẽ nghe được tiếng Chúa muốn ta làm gì, hành động ra sao.
Lên núi để làm gì? Lên núi để cầu nguyện.
Cầu nguyện thế nào? Cha Anthony de Mello, một linh mục Dòng Tên, đã viết:
Một ông cụ già có thói quen ngồi bất động hàng giờ ở ghế phía cuối của nhà thờ. Ngày kia, cha sở đến hỏi xem Chúa nói với ông cụ. Ông cụ trả lời:
-“Chúa không nói gì cả, Ngài chỉ nghe.”
-“Vậy ông nói gì với Chúa?”
-“Con cũng chẳng nói gì, con cũng chỉ nghe.”
Bốn cấp độ của cầu nguyện:
1. Tôi nói Chúa nghe.
2. Chúa nói, tôi nghe.
3. Không ai nói, cả hai đều nghe.
4. Không ai nói, chẳng ai nghe: Thinh lặng.
Cùng Suy Nghĩ và Hành Động: Có phải tôi đang nghe Radio, TV, Computer, Laptop, Ipad, phone quá nhiều không? Có phải tôi đang nói nhiều hơn nghe những người xung quanh không? Có phải tôi đang lơ là, không nghe tiếng Chúa nói trong tâm trí tôi không? Từ bây giờ tôi có muốn mỗi ngày dành ra mấy phút để nghe tiếng Chúa trong thinh lặng không?
@ [Về TÁC QUYỀN: Với ý thức: “anh em đã được lãnh nhận như không thì hãy trao ban như không” (Mt 10: 8). Quý vị được TỰ DO (free) CHIA SẺ (share), SAO CHÉP (copy) những bài THỨC ĂN NHANH CHO TÂM HỒN của Linh Mục Quảng Trần, C.Ss.R., NHƯNG Trừ Trường Hợp LIÊN QUAN TỚI TIỀN, KINH DOANH và cắt xén bài viết PHẢI được sự đồng ý của tác giả.]
Fr. Quảng Trần, C.Ss.R.