Wednesday, April 16, 20258:13 PM(View: 34)
Nguồn: Spiritdaily.com Đức Mẹ lại hiện ra nhiều lần nữa với bà thị nhân Pierina vào năm 1966. Lần này thì Đức Mẹ hiện ra ở vùng Fontanelle, nước Ý. Sự hiện ra này kéo dài trong nhiều năm.
Wednesday, April 16, 20257:42 PM(View: 38)
Nguồn: Spiritdaily.com Đức Mẹ hiện ra với tước hiệu Hoa Hồng Mầu Nhiệm tại vùng Montichiari, nước Ý. Vào năm 2024, Toà Thánh Vatican đã chấp nhận cuộc hiện ra ngày của Đức Mẹ là sự thật.
Tuesday, April 15, 20252:34 PM(View: 54)
https://www.ncregister.com/features/our-lady-s-golden-heart-heals-a-baby-s-heart Cha Madison Hayes kể một câu chuyện về thánh tượng cao 4 feet có tên là Đức Mẹ Beauraing. Tượng Đức Mẹ này được cha chính xứ mua từ thập niên 1980. Nay tượng đặt tại sân nhà thờ St. Bernard Catholic Church ở vùng Talkeetna, toạ lạc dưới chân núi Mount Denali. Núi này là một trong những ngọn núi cao...
Monday, April 14, 20259:35 PM(View: 57)
https://www.ncregister.com/features/our-lady-s-golden-heart-heals-a-baby-s-heart Đức Mẹ Maria đã chữa lành trái tim bịnh tật của một em bé. Điều này đã làm cho cả một gia đình xúc động. Ông bà Eric và Andrea Paul cùng với con trai là bé Bruce đã được Đức Mẹ chữa lành tại nhà thờ Bernard Catholic...
Sunday, April 13, 20257:47 PM(View: 70)
Theo thống kê thì khi về hưu, người ta cảm thấy yếu nhược hẳn đi bởi vì người ta không còn thấy đời mình có mục đích hay có ý nghĩa nữa. Để có thể sống thọ hơn thì cuộc đời của con người phải có mục đích, phải có các thói quen tốt và có sự liên lạc với cộng đồng nơi mình sống. Một số người nói rằng để có thể sống thọ thì người ta không nên về hưu sớm.
Saturday, April 12, 20257:41 PM(View: 74)
Tác giả Matt C. Abbott kể: Một tác giả cũng là một người làm về truyền thanh Công Giáo và rao giảng Tin Mừng là ông Jesse Romero. Ông đã cho tôi thêm tin tức về LM John Corapi.
Saturday, April 12, 20256:55 PM(View: 61)
Có những biến cố như các phép lạ và các phép chữa lành đã xẩy ra nhưng không phải là do tình cờ hay là do sự may mắn mà đó là những phúc lành mà Chúa cho phép xẩy ra để đem lại kết quả thiêng liêng cho những ai nhận được ơn lành này.
Saturday, April 12, 20252:51 PM(View: 81)
Nguồn: Spiritdaily.com "Tôi đã có cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu với tốc độ 130 cây số trong một giờ."
Saturday, April 12, 20252:23 PM(View: 77)
Nguồn: Spiritdaily.com Một người lính sau này trở thành linh mục đã kể cảm nghiệm của đời mình như sau: "Tôi là một người con thiêng liêng của Padre Pio. Tôi là linh mục Jean Derobert, trước đây tôi vốn là một người lính bị một đội quân nhắm bắn chết. Một buổi sáng, tôi là Jean nhận được một tờ giấy báo tin của Padre Pio như sau:
Friday, April 11, 20256:30 PM(View: 72)
Nguồn: Spiritdaily.com Thánh Bede kể về một cảm nghiệm mà người chứng đó sinh sống ở nước Anh. Đó là một người đã chết nhưng ông ta được sống lại mà ăn năn, thống hối. Đây là trường hợp của một người đàn ông có đạo. Sau khi lâm bịnh nặng thì ông ta chết. Gia đình ông canh xác của ông suốt một đêm.

LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY THỨ BA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Tuesday of the Fourteenth Week in Ordinary Time https://www.youtube.com/watch?v=ohsLzWvjM3I 5 Phút Lời Chúa - Thứ Ba Tuần 14 Mùa Thường Niên. Chương Trình của TRUNG TÂM MỤC VỤ ĐA MINH Tại Houston, Texas. Hoa Kỳ Phụ Tỉnh Thánh VINH SƠN LIÊM DÒNG ĐA MINH

Monday, July 8, 20249:00 PM(View: 167)

cacthanhLỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY

THỨ BA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN

Tuesday of the Fourteenth Week in Ordinary Time
https://www.youtube.com/watch?v=ohsLzWvjM3I

5 Phút Lời Chúa - Thứ Ba Tuần 14 Mùa Thường Niên.
Chương Trình của TRUNG TÂM MỤC VỤ ĐA MINH Tại Houston, Texas. Hoa Kỳ Phụ Tỉnh Thánh VINH SƠN LIÊM DÒNG ĐA MINH.
www.youtube.com


SỐNG LỜI CHÚA

CÁC BÀI ĐỌC :

Ca nhập lễ : Tv 47,10-11


Lạy Thiên Chúa, giữa nơi đền thánh,

chúng con hồi tưởng lại tình Chúa yêu thương.

Danh thánh Chúa gần xa truyền tụng,

tiếng ngợi khen Ngài khắp cõi lừng vang ;

tay hữu Chúa thi hành công lý.


Bài đọc 1 : Hs 8,4-7.11-13

Chúng gieo gió thì phải gặt bão.

Bài trích sách ngôn sứ Hô-sê.


4Đức Chúa phán thế này :
Con cái Ít-ra-en phong vương người mà Ta không chọn,
tôn làm lãnh tụ kẻ Ta không biết,
dùng bạc vàng làm ra ngẫu tượng, để rồi bị đập tan.
5Hỡi Sa-ma-ri, hãy gạt bỏ con bê của ngươi
- chúng làm Ta nổi giận.
Chúng không chịu để cho Ta thanh tẩy mãi cho tới bao giờ ? -
6Vì con bê đó là do Ít-ra-en làm ra,
do một nghệ nhân sản xuất, nó đâu phải là thần !
Chắc chắn con bê của Sa-ma-ri sẽ như thể mùn cưa.

7Chúng gieo gió thì phải gặt bão.
Chúng là cây lúa không làm đòng, là hạt lúa lép không có bột,
nhưng giả như có bột, thì ngoại bang cũng sẽ nuốt hết.
11Khi Ép-ra-im đua nhau dựng bàn thờ, thì các bàn thờ ấy
chỉ làm cho chúng phạm tội thêm.
12Luật lệ của Ta, Ta có viết cho nó cả ngàn,
thì nó cũng coi là xa lạ.

13Hy lễ dâng Ta thì chúng cứ dâng,
chúng cứ ăn thịt đã sát tế,
nhưng Đức Chúa sẽ chẳng đoái hoài.
Giờ đây Người sẽ nhớ lại sự gian ác của chúng,
chúng đã phạm tội thì chúng sẽ phải đền :
chúng sẽ phải trở về Ai-cập..
Đáp ca : Tv 113B,3-4.5-6.7ab-8.9-10 (Đ. c.9a)


Đ. Nhà Ít-ra-en, hãy tin cậy Chúa.

3Thiên Chúa chúng ta ở trên trời,
muốn làm gì là Chúa làm nên.
4Tượng thần chúng chỉ là vàng bạc,
chỉ do tay người thế tạo thành.


Đ. Nhà Ít-ra-en, hãy tin cậy Chúa.
5Có mắt có miệng, không nhìn không nói,
6có mũi có tai, không ngửi không nghe.


Đ. Nhà Ít-ra-en, hãy tin cậy Chúa.
7abCó hai tay, không sờ không mó
có hai chân, không bước không đi.
8Ước gì kẻ làm ra hoặc tin ở tượng thần
cũng giống như chúng vậy.


Đ. Nhà Ít-ra-en, hãy tin cậy Chúa.
9Nhà Ít-ra-en, hãy tin cậy Chúa,
chính Chúa độ trì, làm thuẫn đỡ khiên che.
10Nhà A-ha-ron, hãy tin cậy Chúa,
chính Chúa độ trì, làm thuẫn đỡ khiên che.


Đ. Nhà Ít-ra-en, hãy tin cậy Chúa.

Tung hô Tin Mừng : Ga 10,14

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi. Ha-lê-lui-a.


Tin Mừng : Mt 9,32-38

Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.


32 Khi ấy, người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỷ ám. 33 Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Dân chúng kinh ngạc, nói rằng : “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ !” 34 Nhưng người Pha-ri-sêu lại bảo : “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”

35 Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

36 Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. 37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng : “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. 38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”


Ca hiệp lễ : Tv 33,9


Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy,

hạnh phúc thay ai trông cậy nơi Người.


SUY NIỆM-LÒNG TRẮC ẨN


Trong thánh lễ tại nhà nguyện thánh Mácta ngày 17/09/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Lòng trắc ẩn giống như lăng kính của trái tim, giúp chúng ta hiểu được các chiều kích của thực tại. Đó cũng là ngôn ngữ của Thiên Chúa, còn nhiều khi ngôn ngữ của con người là thờ ơ”.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mátthêu cho chúng ta thấy hình ảnh sống động về Đức Giêsu đầy lòng trắc ẩn. Người đã đồng cảm đối với những ai nghèo khổ, bệnh tật, những người bị áp bức, bị gạt ra ngoài lề của xã hội. Chính vì lòng thương xót mà Người đã đến với muôn dân để dạy dỗ và chữa lành họ khỏi mọi bệnh tật.

Là một môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta cũng được sai đi thực thi lòng bác ái chân thật với tha nhân, một lòng bác ái được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực và xuất phát từ tình yêu dành cho Thiên Chúa cũng như cho mọi người.

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa là Thiên Chúa của Lòng Thương xót, xin dùng Thánh Thần tình yêu của Chúa mà biến đổi tâm hồn chúng con để chúng con biết mở lòng ra với anh chị em mình. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

Đức Thánh Cha dâng Thánh Lễ tại Trieste: scandal của đức tin

Cũng trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Trieste, sau khi tham dự Hội nghị Tuần lễ Xã hội Công giáo lần thứ 50, Đức Thánh Cha đã đến Quảng trường Thống nhất Ý, để cử hành Thánh Lễ với khoảng 8.500 tín hữu.

Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật thứ 14 thường niên. Có 98 giám mục và 260 linh mục đồng tế với Đức Thánh Cha. Ngoài ra còn có sự hiện diện của các giám mục và mục sư từ các Giáo hội Chính thống Serbia, Chính thống giáo Hy Lạp và Tin lành Luther.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Để đánh thức lại niềm hy vọng của những tấm lòng tan vỡ và trợ giúp những khó khăn trên hành trình, Thiên Chúa luôn cho xuất hiện những vị ngôn sứ trong dân Người. Tuy nhiên, như Bài đọc 1 hôm nay kể cho chúng ta về các biến cố của ngôn sứ Êdêkien, các ngôn sứ thường gặp những dân nổi loạn, “những đứa con cứng đầu cứng cổ” (Ed 2,4), và các ngôn sứ đã bị loại trừ.

Chúa Giêsu cũng trải qua kinh nghiệm tương tự như các ngôn sứ. Người trở về quê hương Nazareth, giữa những người cùng lớn lên với Người, nhưng Người không được nhìn nhận, thậm chí còn bị từ chối: “Người đã đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu trở thành “scandal” đối với họ (Mc 6,3), nhưng từ “scandal” không ám chỉ điều gì thô tục hay khiếm nhã như chúng ta dùng ngày nay; “scandal” có nghĩa là “một tảng đá chắn đường”, tức là một cản vật, một trở ngại, một điều gì đó ngăn trở bạn tiến xa hơn. Chúng ta hãy tự hỏi: đâu là cản vật ngăn trở chúng ta tin vào Chúa Giêsu?

Lắng nghe những lời bàn tán của bà con lối xóm với Người, chúng ta thấy rằng họ chỉ dừng lại ở lịch sử trần thế, nguồn gốc gia đình của Người và do đó, họ không thể giải thích được làm sao con bác thợ mộc Giuse, một người bình thường, lại có sự khôn ngoan và cả khả năng làm những phép lạ như thế. Khi đó, scandal là nhân tính của Chúa Giêsu. Trở ngại ngăn cản những người này nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu là sự thật rằng Đức Giêsu là con người, chỉ đơn giản là con ông Giuse thợ mộc: làm sao Thiên Chúa, Đấng toàn năng, có thể tỏ mình nơi thân xác mỏng dòn của một con người? Làm sao một Thiên Chúa toàn năng và mạnh mẽ, Đấng đã tạo dựng trời đất và giải thoát dân Người khỏi ách nô lệ, lại có thể trở nên yếu đuối đến mức nhập thể nơi thân xác và cúi xuống rửa chân cho các môn đệ? Đây là scandal – là điều gây cản trở.

Anh chị em thân mến, đức tin được xây trên một Thiên Chúa con người, Đấng hạ mình xuống trước nhân loại, chăm sóc nhân loại, cảm động trước những vết thương của chúng ta, gánh lấy sự mệt mỏi của chúng ta, và tự bẻ mình ra cho chúng ta. Người là vị Thiên Chúa mạnh mẽ và quyền năng luôn ở bên tôi và làm thoả lòng tôi; Người cũng là vị Thiên Chúa yếu đuối, một Thiên Chúa chết trên thập giá vì tình yêu và cũng xin tôi vượt qua mọi ích kỷ và hiến dâng cuộc sống cho phần rỗi của thế giới; và đây là một scandal.

Tuy nhiên, khi đặt mình trước Chúa Giêsu và nhìn vào những thách đố đang chất vấn chúng ta, về nhiều vấn đề xã hội và chính trị cũng được thảo luận trong Tuần lễ Xã hội này, về đời sống cụ thể của dân tộc chúng ta và về những khó nhọc của nó, chúng ta có thể nói rằng ngày nay chúng ta chính xác cần scandal này. Chúng ta cần scandal của đức tin. Chúng ta không cần một tôn giáo khép kín, ngước mắt lên trời mà không quan tâm đến những gì xảy ra trên trái đất, và cử hành các phụng vụ trong đền thờ trong khi quên đi bụi bặm bay trên các con đường của chúng ta. Ngược lại, chúng ta cần scandal của đức tin, một đức tin bắt nguồn từ Thiên Chúa làm người, và do đó, một đức tin nhân bản, một đức tin xác thịt, đi vào lịch sử, chạm đến đời sống con người, một đức tin chữa lành những con tim tan vỡ, một đức tin trở thành men hy vọng và hạt mầm của một thế giới mới.

Đó là một đức tin đánh thức lương tâm khỏi tình trạng hôn mê của họ, đặt ngón tay vào những vết thương, vào những vết thương của xã hội, vốn rất nhiều, một đức tin đặt ra những câu hỏi về tương lai của con người và lịch sử; đó là một đức tin không tĩnh tại, và chúng ta cần sống một cuộc sống không tĩnh tại, một đức tin chuyển động từ trái tim này sang trái tim khác, một đức tin đón nhận những vấn đề của xã hội từ bên ngoài, một đức tin không tĩnh tại giúp vượt qua sự tầm thường và lười biếng của trái tim, trở thành một cái gai đâm vào da thịt của một xã hội thường bị chủ nghĩa tiêu thụ làm tê liệt và choáng váng.

Và tôi muốn dừng ở vấn đề này một chút... Nói rằng xã hội của chúng ta bị chủ nghĩa tiêu thụ làm cho tê liệt và choáng váng, bạn hãy nghĩ xem liệu chủ nghĩa tiêu thụ có đi vào trái tim bạn không? Nỗi lo lắng về việc có, có nhiều thứ, có nhiều hơn nữa, và nỗi lo về việc lãng phí tiền bạc. Chủ nghĩa tiêu thụ là một bệnh dịch, một căn bệnh ung thư: nó làm con tim bạn phát bệnh, nó khiến bạn trở nên ích kỷ, nó khiến bạn chỉ biết nhìn vào chính mình. Anh chị em thân mến, trên hết, chúng ta cần một đức tin thay thế những toan tính ích kỷ của con người, một đức tin tố cáo sự ác, chỉ ra những bất công, làm xáo trộn âm mưu của những kẻ núp dưới bóng quyền lực, lợi dụng kẻ yếu đuối. Và có bao nhiêu người - như chúng ta biết - sử dụng đức tin để bóc lột con người. Đó không phải là đức tin.

Một nhà thơ ở thành phố này, mô tả trong lời bài hát khi ông trở về nhà hằng đêm, rằng ông băng qua một con phố hơi tối tăm, một nơi xuống cấp nơi con người và hàng hóa của bến cảng chỉ là “những mảnh vụn”, nghĩa là rác thải của nhân loại; tuy nhiên ngay tại đây, ông viết thế này: “Khi đi ngang qua, tôi tìm thấy sự vô hạn trong sự khiêm nhường”, bởi vì cô gái điếm và người thủy thủ, người phụ nữ đang cãi vã và người lính, “đều là những thụ tạo của cuộc đời và nỗi đau; Chúa hoạt động trong họ, cũng như trong tôi” (U. SABA, “Città Vecchia”, trong Tập bài hát (1900-1954) bản sau cùng, Turino, Einaudi, 1961).

Chúng ta đừng quên điều này: Thiên Chúa ẩn mình trong những góc tối của cuộc sống của thành phố chúng ta, anh chị em có nghĩ đến điều này không? Đến những góc tối trong cuộc sống của thành phố chúng ta? Sự hiện diện của Thiên Chúa được bộc lộ nơi chính những khuôn mặt bị phờ phạt vì đau khổ và nơi mà sự suy đồi dường như đang chiến thắng. Sự vô hạn của Thiên Chúa ẩn giấu trong nỗi khốn khổ của con người, Chúa hoạt động và hiện diện, và Người hiện diện thân thiết ngay trong thân xác bị thương tích của những người rốt cùng, những người bị lãng quên và bị loại bỏ. Nơi đó, Chúa thể hiện chính mình. Và chúng ta đôi khi bị sốc một cách vô ích bởi nhiều điều nhỏ nhặt.

Ngược lại chúng ta nên tự hỏi: tại sao chúng ta không bị sốc khi đối diện với sự ác đang lan rộng, với cuộc sống bị sỉ nhục, với những vấn đề về công việc, những đau khổ của người di cư? Tại sao chúng ta vẫn thờ ơ và dửng dưng trước những bất công của thế giới? Tại sao chúng ta không bận tâm đến hoàn cảnh của các tù nhân, cũng đang vang lên từ thành phố Trieste này như một tiếng kêu đau khổ? Tại sao chúng ta không chiêm ngắm những nỗi khốn cùng, sự đau đớn, sự gạt bỏ của biết bao người dân trong thành phố? Chúng ta sợ, chúng ta sợ gặp Chúa Kitô ở đó.

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đã sống lời tiên tri của cuộc sống thường nhật trong chính thân xác của mình, Người đi vào cuộc sống và câu chuyện đời thường của con người, thể hiện lòng thương xót trong các sự việc, và Người đã tỏ cho thấy Thiên Chúa, Đấng có lòng thương xót. Và vì lý do đó, người ta đã vấp ngã vì Người. Người trở thành một chướng ngại vật, bị khước từ đến mức bị xét xử và kết án; tuy nhiên, Người vẫn trung thành với sứ mạng của mình, không ẩn sau thái độ nước đôi, không chấp nhận logic của quyền lực chính trị và tôn giáo. Với cuộc sống mình, Người đã hiến dâng tình yêu cho Chúa Cha. Chúng ta những Kitô hữu cũng vậy: chúng ta được mời gọi trở thành những ngôn sứ và những chứng nhân của Nước Thiên Chúa, trong mọi hoàn cảnh sống, ở mọi nơi chúng ta sống.

Anh chị em thân mến, từ thành phố Trieste này, nhìn về Châu Âu, nơi giao nhau của các dân tộc và văn hóa, một vùng đất biên cương, chúng ta nuôi dưỡng giấc mơ về một nền văn minh mới được xây dựng trên hòa bình và tình huynh đệ; xin vui lòng, đừng sốc về Chúa Giêsu, nhưng trái lại, chúng ta hãy phẫn nộ trước tất cả những tình huống trong đó cuộc sống bị chà đạp, bị thương tích và giết chết; chúng ta mang theo lời ngôn sứ của Tin Mừng trong xác thịt chúng ta, bằng những chọn lựa của chúng ta, thậm chí trước cả lời nói. Đó là sự nhất quán giữa chọn lựa và lời nói.

Và với Giáo Hội Trieste này, tôi muốn nói: hãy tiến bước! Hãy tiếp tục dấn thân ở tiền tuyến để loan truyền Tin Mừng hy vọng, đặc biệt đối với những người đến từ tuyến đường Balkan và với tất cả những người, về thể xác hay tinh thần, cần được khuyến khích và an ủi. Chúng ta hãy cùng nhau dấn thân: để khi tái khám phá ra rằng chính mình được Chúa Cha yêu thương, chúng ta có thể sống như tất cả là anh chị em. Tất cả là anh chị em, với nụ cười chào đón và sự bình an trong tâm hồn. Xin cảm ơn.

Vatican News