LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY
THỨ HAI TUẦN VI PHỤC SINH
https://www.youtube.com/watch?v=M-bnK37DHaQ
5 Phút Lời Chúa - Thứ Hai Tuần 6 Mùa Phục Sinh.
Chương Trình của TRUNG TÂM MỤC VỤ ĐA MINH Tại Houston, Texas. Hoa Kỳ Phụ Tỉnh Thánh VINH SƠN LIÊM DÒNG ĐA MINH.
www.youtube.com
SỐNG LỜI CHÚA
CÁC BÀI ĐỌC :
Ca nhập lễ : Rm 6,9
Từ cõi chết, Đức Ki-tô đã phục sinh,
không bao giờ Người chết nữa,
cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Ha-lê-lui-a.
Bài đọc 1 : Cv 16,11-15
Chúa mở lòng cho bà Ly-đi-a để bà chú ý đến những lời ông Phao-lô nói.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
11 Hồi ấy, chúng tôi xuống tàu ở Trô-a, đi thẳng đến đảo Xa-mốt-ra-kê, rồi hôm sau đến Nê-a-pô-li. 12 Từ đó chúng tôi đi Phi-líp-phê là thị trấn quan trọng nhất trong hạt ấy của tỉnh Ma-kê-đô-ni-a, và là thuộc địa Rô-ma. Chúng tôi ở lại thành đó mấy ngày. 13 Ngày sa-bát, chúng tôi ra khỏi cổng thành, men theo bờ sông, đến một chỗ chúng tôi đoán chừng có nơi cầu nguyện. Chúng tôi ngồi xuống nói chuyện với những phụ nữ đang họp nhau tại đó. 14 Có một bà tên là Ly-đi-a, quê ở Thy-a-ti-ra, chuyên buôn bán vải điều. Bà là người tôn thờ Thiên Chúa ; bà nghe, và Chúa mở lòng cho bà để bà chú ý đến những lời ông Phao-lô nói. 15 Sau khi bà và cả nhà đã chịu phép rửa, bà mời chúng tôi : “Các ông đã coi tôi là một tín hữu Chúa, thì xin các ông đến ở nhà tôi.” Và bà ép chúng tôi phải nhận lời.
Đáp ca : Tv 149,1-2.3-4.5-6a và 9b (Đ. c.4a)
Đ. Chúa mến chuộng dân Người.
1Hát lên mừng Chúa một bài ca mới,
ngợi khen Người trong cộng đoàn những kẻ hiếu trung !
2Hỡi Ít-ra-en, nào hoan hỷ,
vì có Chúa là Đấng tạo thành ngươi.
Con cái Xi-on, hãy nhảy mừng,
vì được Chúa làm Vua hiển trị.
Đ. Chúa mến chuộng dân Người.
3Mừng Thánh Danh, nào dâng điệu vũ,
nhịp trống hoạ đàn theo khúc hoan ca.
4Bởi vì Chúa mến chuộng dân Người,
ban cho kẻ nghèo hèn được vẻ vang chiến thắng.
Đ. Chúa mến chuộng dân Người.
5Kẻ hiếu trung hãy vui mừng rạng rỡ,
nào phủ phục mà cất tiếng reo hò,
6amiệng vang lời tán dương Thiên Chúa.
9bĐó là niềm vinh dự cho mọi kẻ trung hiếu với Người.
Đ. Chúa mến chuộng dân Người.
Tung hô Tin Mừng : x. Ga 15,26b.27a
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Thần Khí sự thật sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng về Thầy.” Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Ga 15,26 - 16,4a
Thần Khí sự thật sẽ làm chứng về Thầy.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
15 26 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. 27 Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.
16 1 “Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. 2 Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. 3 Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. 4a Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.”
Ca hiệp lễ : Ga 20,19
Chúa Giê-su đứng giữa các môn đệ và nói :
“Chúc anh em được bình an !” Ha-lê-lui-a.
SUY NIỆM-SỨ MỆNH LÀM CHỨNG
Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh Đức Giêsu tiên báo về sự ra đi của Người; và những ghét bỏ, bách hại mà các môn đệ sẽ phải đối mặt vì Danh Người.
Tuy nhiên, Người cũng đảm bảo với các môn đệ rằng các ngài sẽ không cô đơn, vì sẽ có một “Đấng bảo trợ” đến và làm chứng về Người – Đấng ấy chính là Chúa Thánh Thần. Vì Người biết, không có Người, các môn đệ sẽ trở nên hoang mang, hụt hẫng và sẽ bị các thế lực trần gian xâu xé, hạ gục. Vì thế, Người muốn các môn đệ được đầy tràn “Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha”. Để nhờ đó, các môn đệ sẽ là những người đầu tiên làm chứng về ơn cứu độ Người mang đến trong thế gian này, dù cho có phải chịu nhiều gian lao.
Qua Bí tích Thánh Tẩy, mọi Kitô hữu chúng ta được mời gọi tham dự vào sứ vụ làm chứng của Giáo Hội bằng đời sống tốt lành của mình.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Xin Chúa cho chúng con luôn biết ý thức, sống đời sống theo Tin Mừng, để làm chứng cho Ngài giữa thế gian này. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Kẻ thù đầu tiên của đức tin không phải là trí tuệ mà là sự sợ hãi
Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 1/5/2024, Đức Thánh Cha đã chia sẻ với các tín hữu hiện diện tại đại thính đường Phaolô VI về nhân đức tin, là một trong ba nhân đức đối thần. Ngài mời gọi các tín hữu, giống như các môn đệ trên thuyền giữa bão táp, hãy hướng về Chúa Giêsu mỗi ngày và cầu xin Người: “Lạy Chúa, xin gia tăng đức tin cho chúng con!” (Lc 17,5).
Sách Giáo lý dạy rằng nhờ đức tin, chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta, và tự do phó thác chính mình hoàn toàn cho Thiên Chúa (x. số 1814).
Trong bài giáo lý, Đức Thánh Cha đã trình bày một số gương mẫu đức tin đã được thuật lại trong Kinh Thánh. Trước hết là tổ phụ Ápraham, rồi đến ông Môsê và Đức Trinh Nữ Maria, những người đã dấn thân vào những con đường chưa được khám phá, đầy rẫy hiểm nguy, trong khi phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa. Đức Thánh Cha cũng nhắc rằng ngay cả giữa những người có đức tin, cũng có những lúc đức tin có thể lung lay và nỗi sợ hãi xâm chiếm. Do đó chúng ta phải nhớ rằng đức tin là một hồng ân, một hồng ân phải được cầu xin với lòng tin tưởng vào sức mạnh ân sủng của Thiên Chúa để mang lại sự ổn định và sức mạnh cho cuộc sống của chúng ta.
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu, giống như các môn đệ trên thuyền giữa bão táp, hãy hướng về Chúa Giêsu mỗi ngày và cầu xin Người: “Lạy Chúa, xin gia tăng đức tin của chúng con!” (Lc 17,5).
Vào đầu buổi tiếp kiến các tín hữu cùng lắng nghe đoạn Tin Mừng Thánh Gioan (9,35-38):
Khi gặp lại [người mù mà ngài đã chữa cho thấy lại được], Đức Giêsu hỏi: "Anh có tin vào Con Người không?" Anh đáp: "Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?" Đức Giêsu trả lời: "Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây". Anh nói: "Thưa Ngài, tôi tin". Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.
Và Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay tôi muốn nói về nhân đức đức tin. Cùng với đức ái và đức cậy, nhân đức này được gọi là nhân đức “đối thần”. Ba nhân đức đối thần là: tin, cậy và mến. Tại sao các nhân đức này được gọi là nhân đức đối thần? Bởi vì chúng ta chỉ có thể sống các nhân đức này nhờ hồng ân của Thiên Chúa. Ba nhân đức đối thần này là những hồng ân cao cả mà Thiên Chúa ban cho năng lực luân lý của chúng ta. Không có các nhân đức này, chúng ta có thể khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ, nhưng chúng ta sẽ không có đôi mắt nhìn được ngay cả trong bóng tối, chúng ta sẽ không có trái tim yêu thương ngay cả khi nó không được yêu, chúng ta sẽ không có một niềm hy vọng dám chống lại mọi niềm hy vọng.
Các gương mẫu đức tin trong Kinh Thánh
Đức tin là gì? Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo giải thích cho chúng ta rằng đức tin là hành vi qua đó con người tự do phó thác chính mình cho Thiên Chúa (số 1814). Trong đức tin này, ông Ápraham là người cha vĩ đại. Khi chấp nhận rời bỏ mảnh đất của tổ tiên để hướng tới vùng đất mà Thiên Chúa đã chỉ cho ông, có lẽ ông đã bị cho là điên rồ: tại sao lại bỏ cái đã biết vì cái chưa biết, điều chắc chắn vì điều không chắc chắn? Nhưng ông Ápraham lên đường, như thể ông đã nhìn thấy điều không thấy. Và chính điều không rõ về tương lai này sẽ khiến ông đi lên núi cùng với con trai mình là Isaac, người con trai duy nhất của lời hứa, người con mà chỉ được thoát khỏi bị hiến tế vào giây phút cuối cùng. Với đức tin này, ông trở thành cha của một dòng dõi lâu đời.
Ông Môsê là một người có đức tin khi, đón nhận tiếng gọi của Thiên Chúa ngay cả khi nhiều mối nghi ngờ có thể khiến ông lay động, ông đã tiếp tục kiên định và tin tưởng vào Chúa, và thậm chí còn bảo vệ dân tộc rất thường thiếu đức tin.
Đức Trinh Nữ Maria là một người phụ nữ có đức tin khi, đón nhận lời loan báo của Thiên thần, điều mà nhiều người có thể coi là quá đòi hỏi và mạo hiểm, Mẹ đã trả lời: “Này tôi là tôi tớ Chúa: xin hãy thực hiện cho tôi như lời ngài phán” (Lc 1,38). Với trái tim tràn đầy tin tưởng vào Thiên Chúa, Đức Maria dấn thân trên con đường mà Mẹ không biết về nó và không biết cả những nguy hiểm.
Đức tin là nhân đức làm nên người Kitô hữu
Đức tin là nhân đức làm nên người Kitô hữu. Bởi vì là Kitô hữu trên hết không phải là chấp nhận một nền văn hóa, với những giá trị đi kèm với nó, nhưng là Kitô hữu nghĩa là đón nhận và duy trì sự liên kết, một sự liên kết với Thiên Chúa: Thiên Chúa và tôi; con người tôi và khuôn mặt đáng yêu của Chúa Giêsu. Sự liên kết này là điều làm cho chúng ta trở thành Kitô hữu.
Kẻ thù lớn nhất của đức tin là sự sợ hãi
Nói về đức tin, chúng ta nhớ đến một đoạn trong Tin Mừng. Các môn đệ của Chúa Giêsu đang băng qua hồ và bất ngờ gặp bão tố. Họ nghĩ rằng họ có thể vượt qua bằng sức mạnh của đôi tay, bằng kinh nghiệm, nhưng con thuyền bắt đầu bị tràn nước và họ hoảng sợ (xem Mc 4,35-41). Họ không nhận ra rằng họ đã có giải pháp trước mắt: Chúa Giêsu ở đó với họ trên thuyền, giữa cơn bão, và đang ngủ. Cuối cùng, sợ hãi và thậm chí tức giận vì Chúa có thể để họ bị chết, họ đánh thức Người dậy; Chúa Giêsu trách họ: “Sao các con sợ? Các con vẫn chưa có đức tin sao?” (Mc 4,40). Do đó, kẻ thù lớn nhất của đức tin: không phải là trí thông minh, không phải là lý trí, như một số người tiếp tục lặp lại một cách ám ảnh, nhưng kẻ thù lớn nhất của đức tin là sự sợ hãi.
Cần cầu xin ơn đức tin hằng ngày
Vì lý do này, đức tin là ơn đầu tiên được đón nhận trong đời sống Kitô hữu: một ơn phải được đón nhận và cầu xin hàng ngày, để nó được canh tân trong chúng ta. Rõ ràng đây là một ơn sủng nhỏ nhưng là thiết yếu. Khi chúng ta được đưa đến giếng rửa tội, sau khi tuyên bố tên đã chọn cho chúng ta, cha mẹ chúng ta được linh mục hỏi: “Anh chị em xin Giáo Hội của Thiên Chúa điều gì?”. Và họ trả lời: “Thưa tôi xin đức tin, phép rửa tội!”.
Đối với các cha mẹ Kitô giáo, ý thức được ân sủng đã được ban cho mình, đó cũng là ân sủng họ cầu xin cho con cái mình: đức tin. Với đức tin, cha mẹ biết rằng ngay cả giữa những thử thách của cuộc sống, con mình sẽ không chìm trong sợ hãi. Như vậy, kẻ thù là sự sợ hãi. Họ cũng biết rằng khi đứa con không còn cha mẹ ở trần gian này thì sẽ tiếp tục có Thiên Chúa Cha ở trên trời, Đấng sẽ không bao giờ bỏ rơi con họ. Tình yêu của chúng ta thật mong manh, chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới chiến thắng được cái chết.
“Lạy Chúa, xin gia tăng đức tin của chúng con”.
Tất nhiên, như Thánh Tông đồ nói, đức tin không phải của tất cả mọi người (xem 2 Tx 3:2), và ngay cả chúng ta, những người có đức tin, cũng thường nhận ra rằng mình có rất ít đức tin. Chúa Giêsu thường khiển trách chúng ta, như Người đã khiển trách các môn đệ, là “những người kém đức tin”. Nhưng đó là món quà hạnh phúc nhất, nhân đức duy nhất mà chúng ta được phép ghen tị. Bởi vì những ai có đức tin đều có sức mạnh không chỉ của con người; thực ra, đức tin “kích hoạt” ân sủng trong chúng ta và mở tâm trí hướng đến mầu nhiệm của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã từng nói:
“Nếu các con có đức tin bằng hạt cải, các con có thể nói với cây dâu này: ‘Hãy nhổ rễ đi mà trồng xuống biển’, nó sẽ vâng lời các con” (Lc 17,6). Vì thế, cả chúng ta, cũng như các môn đệ, hãy lặp lại với Người: Lạy Chúa, xin gia tăng đức tin của chúng con! (xem Lc 17,5). Đây là một lời cầu nguyện thật đẹp! Tất cả chúng ta cùng nhau nói điều đó? “Lạy Chúa, xin gia tăng đức tin của chúng con”. “Lạy Chúa, xin gia tăng đức tin của chúng con”. Cảm ơn anh chị em.
Vào cuối buổi tiếp kiến, sau khi chào các tín hữu thuộc một số nhóm ngôn ngữ, Đức Thánh Cha đã cùng các tín hữu hát Kinh Lạy Cha bằng tiếng Latinh và sau đó ngài ban phép lành cho tất cả mọi người.
Vatican News