“Các con là muối đất!”.
Muối được quân đội chiến thắng dùng để trừng phạt một đất nước bại trận. Quân đội sẽ giẫm muối vào đất, muối sẽ ngăn cản sự phát triển của mùa màng trong nhiều năm. Chúa Giêsu cho biết, nếu muối mất hương vị và không được sử dụng cách tích cực, nó sẽ chịu sử dụng cách tiêu cực; bấy giờ, trở nên tai hoạ! Trong quá trình này, bản thân muối sẽ bị giẫm đạp dưới chân!
Kính thưa Anh Chị em,
Trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ giữ cho ‘muối Kitô’ luôn mặn nồng, hầu không trở nên “tai hoạ” cho thế gian. ‘Vị mặn Kitô’ ‘cần được nhìn và nghe thấy!’. Thật ý nghĩa, hai dụ ngôn hôm nay nằm ngay sau các mối phúc; điều đó muốn nói, các mối phúc không chỉ được sống cách tích cực, mà còn phải “được nhìn thấy để sống!”.
Kitô giáo không của riêng ai, Kitô giáo luôn có một tầm nhìn nhằm thay đổi thế giới. Và không nghi ngờ, nó đã làm được điều đó ở một mức độ lớn! Chúa Giêsu muốn các môn đệ trở nên muối cho đời; điều Ngài nhấn mạnh là hương vị đặc biệt của nó. Bằng cuộc sống tập trung vào Phúc Âm, Kitô hữu mang lại hương vị Kitô cho thế giới; nó sẽ thấm nhuần vào lòng thế giới, đổi mới nó và làm chậm lại sự suy đồi về mặt xã hội và đạo đức của thế giới.
Như muối chỉ phát huy tác dụng khi hoà quyện hoàn toàn với thức ăn; cũng thế, cuộc sống Kitô hữu chỉ có thể thực sự hữu hiệu khi họ hoàn toàn là một thành viên của xã hội, mang lại một hương vị không thể nhầm lẫn và không thể thiếu cho xã hội đó. Trong các bữa ăn phương Tây, người ta thường đặt muối bên cạnh; hình ảnh này khác nào một Kitô hữu có nhiều khả năng, nhưng sống bên lề và không gây ảnh hưởng gì đến xã hội.
Điều này rất dễ xảy ra khi chúng ta chỉ biết gia đình mình, cộng đoàn mình và chỉ quan tâm đến nó mà không nỗ lực vươn xa. Có nhiều bộ phận trong xã hội, đặc biệt lĩnh vực chính trị, thương mại, công nghiệp và giải trí, nơi mà Giáo Hội hoàn toàn vắng bóng. Một thái cực khác là khi một Kitô hữu hoàn toàn chìm đắm trong xã hội thế tục, nhưng không có gì để cho. Điều này khác nào muối vô vị vốn chẳng ích gì!
Chúa Kitô ‘cần được nhìn và nghe thấy’. Nhưng nhìn thấy gì? Các giáo đoàn như viện bảo tàng? Các nhà thờ tráng lệ như kiệt tác kiến trúc? Các chuyến bay chở khách hành hương đến Rôma, Đất Thánh, Lộ Đức, Fatima, Mễ Du…? Những điều này là tốt, nhưng chúng không được đề cập trong các bài đọc hôm nay. Isaia đề nghị, “Loại bỏ xiềng xích, cử chỉ hăm doạ!”; và có lẽ chúng xem ra ‘khá chính trị’, nên cụ thể hơn, Isaia nói thêm, “Hãy chia bánh của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; gặp một người trần truồng, hãy cho họ đồ mặc!”. Phaolô trong bài đọc hai thì khiêm tốn hơn, “Chính trong sự yếu hèn, sợ hãi và run rẩy mà tôi đã đến với anh em”. Khi đó, và chỉ khi đó, chúng ta mới thực sự là muối.
Anh Chị em,
“Các con là muối đất!”. Nhưng hãy là muối được sử dụng “tích cực”, chứ không “tiêu cực”; nghĩa là không bao giờ “trở nên tai hoạ cho thế giới!”. Hãy để ‘vị mặn Kitô’ thấm nhuần thế giới; những việc tốt lành của chúng ta ‘cần được nhìn và nghe thấy!’. Bấy giờ, mọi người sẽ nói, “Người Công Giáo thật tuyệt vời!”. Vậy mà, bạn và tôi chỉ trở thành muối và ánh sáng cho người khác khi nên giống Chúa Kitô. Bởi lẽ, mục đích duy nhất của chúng ta trong việc sống Tin Mừng với tầm nhìn tối đa là hướng mọi người về Chúa Kitô, Đấng yêu thương họ; hạnh phúc tột cùng của họ chỉ có nơi Ngài. Mục đích của bạn và tôi là thúc giục mọi người cùng hoạt động, ướp mặn thế giới, một thế giới Chúa muốn chúng ta có; một thế giới tăm tối mà chúng ta là ánh sáng như nhận định của Thánh Vịnh đáp ca, “Trong u tối, người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, thế giới ‘cần được nhìn và nghe thấy’ một Giêsu sống động nơi con. Cho con đừng trở nên tai hoạ, nhưng là phần phúc cho thế giới, một người mà ít nhiều nó mang ơn!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)