Bài đọc :
Ca nhập lễ : Tv 111,4
Giữa tối tăm đã bừng lên ánh sáng
chiếu rọi kẻ ngay lành :
Đó là Chúa từ bi, nhân hậu và công chính.
Bài đọc 1 : 1 Ga 5,5-13
Thần Khí, nước và máu.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ.
5Anh em thân mến,
ai là kẻ thắng được thế gian,
nếu không phải là người tin rằng
Đức Giê-su là Con Thiên Chúa ?
6Chính Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu ;
không phải chỉ trong nước mà thôi,
nhưng trong nước và trong máu.
Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật.
7Có ba chứng nhân :
8Thần Khí, nước, và máu.
Cả ba cùng làm chứng một điều.
9Chúng ta vẫn nhận lời chứng của người phàm,
thế mà lời chứng của Thiên Chúa còn cao trọng hơn,
vì đó là lời chứng của Thiên Chúa,
lời Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Người.
10Ai tin vào Con Thiên Chúa,
người đó có lời chứng ấy nơi mình.
Ai không tin Thiên Chúa,
thì coi Thiên Chúa là kẻ nói dối,
vì kẻ ấy không tin vào lời Thiên Chúa
đã làm chứng về Con của Người.
11Lời chứng đó là thế này :
Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời,
và sự sống ấy ở trong Con của Người.
12Ai có Chúa Con thì có sự sống ;
ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống.
13Tôi đã viết những điều đó cho anh em
là những người tin vào danh Con Thiên Chúa,
để anh em biết rằng anh em có sự sống đời đời.
Đáp ca : Tv 147,12-13.14-15.19-20 (Đ. c.12a)
Đ. Giê-ru-sa-lem hỡi, nào tôn vinh Chúa !
12Giê-ru-sa-lem hỡi, nào tôn vinh Chúa !
Này Xi-on, hãy ca ngợi Thiên Chúa của ngươi !
13Then cửa nhà ngươi, Chúa làm cho thêm chắc,
con cái trong thành, Người giáng phúc thi ân.
Đ. Giê-ru-sa-lem hỡi, nào tôn vinh Chúa !
14Cõi biên cương, Người thiết lập hoà bình,
và cho ngươi no đầy lúa mì tinh hảo.
15Người tống đạt lệnh truyền xuống đất,
lời phán ra, hoả tốc chạy đi.
Đ. Giê-ru-sa-lem hỡi, nào tôn vinh Chúa !
19Chúa bày tỏ lời Người cho nhà Gia-cóp,
chiếu chỉ luật điều cho Ít-ra-en.
20Chúa không đối xử với dân nào như vậy,
không cho họ biết những điều luật của Người.
Đ. Giê-ru-sa-lem hỡi, nào tôn vinh Chúa !
Tung hô Tin Mừng : x. Mc 9,7
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Các tầng trời mở ra, và có tiếng Chúa Cha phán dạy : Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Mc 1,7-11
Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
7 Khi ấy, ông Gio-an rao giảng rằng : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. 8 Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.”
9 Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. 10 Vừa lên khỏi nước Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người. 11 Lại có tiếng từ trời phán : “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”
Ca hiệp lễ : 1 Ga 4,9
Đây là cách Thiên Chúa biểu lộ tình yêu đối với chúng ta : Người đã sai Con Một giáng trần, để nhờ Con của Người mà chúng ta được sống.
SUY NIỆM-LỜI CHỨNG CỦA GIOAN
Vào một đêm trăng, Đức Thích Ca đàm đạo với các đệ tử. Ngài lấy ngón tay chỉ mặt trăng và nói: “Kia là mặt trăng. Cứ ngó theo ngón tay Ta thì thấy, nhưng đừng tưởng ngón tay của Ta là mặt trăng.”
Lời chứng của Gioan trong Tin Mừng hôm nay đã xác nhận Đức Giêsu là Đấng phải đến. Công việc của Gioan chỉ là dọn đường cho Chúa và khi Người đến thì sứ vụ của Gioan cũng hoàn thành. Bằng lời nói và bằng việc làm, Gioan Tẩy Giả đã làm tròn sứ mạng dọn đường cho Chúa Cứu Thế.
Là những môn đệ của Đức Kitô, mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm sống ơn gọi chứng tá cho Chúa trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh. “Không ai có thể nhìn thấy Chúa”, nhưng người Kitô hữu có bổn phận thể hiện dung mạo Thiên Chúa qua đời sống của mình để giới thiệu cho anh chị em chung quanh.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin cho con luôn sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Thánh Lễ an táng Đức Biển Đức XVI
Trong bài giảng Thánh Lễ an táng Đức cố Giáo hoàng Biển Đức XVI, Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu bằng những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá: "Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha". Và suy tư của ngài tập trung vào hình ảnh Chúa Kitô, cũng như toàn bộ cuộc đời của Ratzinger đã tập trung vào Chúa Kitô, cho đến hơi thở cuối cùng.
Bài giảng Đức Thánh Cha
Lễ An táng Đức cố Giáo hoàng Biển Đức XVI
“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46). Đó là những lời cuối cùng Chúa đã nói trên Thánh giá. Có thể nói, lời thì thào cuối cùng của Người đã tóm tắt toàn bộ cuộc đời của Người: một sự trao phó liên lỉ trong tay Cha. Bàn tay tha thứ và cảm thương, chữa lành và thương xót, bàn tay xức dầu và chúc lành, đã thúc đẩy Người cũng trao nộp chính mình vào tay anh em mình. Chúa, mở lòng đón nhận những câu chuyện Người gặp trên đường, đã để mình uốn nắn theo thánh ý Thiên Chúa khi gánh lấy mọi hệ quả và khó khăn của Tin Mừng đến độ cho thấy đôi tay của mình bị thương tích vì yêu: “Hãy nhìn xem tay Thầy”, Người đã nói như thế với Tôma (Ga 20,24), và Người cũng nói điều đó với mỗi người chúng ta. Đôi bàn tay thương tích giang rộng và không ngừng trao ban, để chúng ta nhận biết tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta và tin vào tình yêu đó (x. 1 Ga 4,16).
“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Đây là lời mời gọi và chương trình sống mà Người âm thầm khơi dậy nơi chúng ta. Giống như người thợ gốm (x. Is 29,16), Người muốn uốn nắn trái tim của mục tử, cho đến khi họ có được những tâm tình như chính Chúa Giê-su Ki-tô (x. Pl 2,5). Sự hiến dâng với lòng biết ơn trong việc phục vụ Chúa và Dân Ngài phát sinh từ việc đón nhận một món quà hoàn toàn nhưng không: “Con thuộc về Ta… con thuộc về họ”, Chúa thì thầm; “con đang ở dưới sự bảo vệ của bàn tay Ta, dưới sự bảo vệ của trái tim Ta. Hãy ở lại trong bàn tay của Ta và trao cho Ta bàn tay của con”. Đây là sự hạ mình và gần gũi của Thiên Chúa, Đấng sẵn sàng đặt mình vào bàn tay mỏng dòn của các môn đệ để nuôi dưỡng Dân Người và nói với họ: Anh em hãy cầm lấy mà ăn, hãy cầm lấy mà uống, này là Mình Thầy hiến dâng vì anh em (x. Lc 22,19).
Sự dâng hiến trong tâm tình kinh nguyện, được hình thành và tinh luyện cách âm thầm giữa trăm chiều thử thách mà người mục tử phải đối diện (x. 1 Pr 1,6-7) và lời mời gọi tín thác để chăm sóc đoàn chiên (x. Ga 21,17). Giống như Thầy, người mục tử mang trên vai mình sức nặng của việc chuyển cầu và sự hao mòn của việc xức dầu cho dân của Người, nhất là ở những nơi mà lòng tốt phải đấu tranh để vượt thắng và những nơi phẩm giá của anh chị em chúng ta bị đe dọa (x. Dt 5: 7-9).
Trong việc chuyển cầu này, Chúa âm thầm ban cho tinh thần nhu mì giúp hiểu biết, chào đón, hy vọng và mạo hiểm vượt lên trên những hiểu lầm có thể xảy ra. Đây là nguồn gốc của những hoa trái vô hình và không thể hiểu, phát sinh từ việc biết mình đã đặt niềm tin vào ai (x. 2Tim 1:12). Một sự tin tưởng cầu nguyện và tôn thờ, có khả năng giải thích các hành động của người mục tử và làm cho trái tim và các quyết định của ngài tương hợp với những thời khắc của Thiên Chúa (x. Ga 21,18): “Chăn dắt đoàn chiên có nghĩa là yêu thương, và yêu thương cũng có nghĩa là sẵn sàng chịu đau khổ. Yêu thương có nghĩa là: trao ban cho đoàn chiên sự tốt lành đích thực, là lương thực về chân lý của Thiên Chúa, lương thực về Lời Chúa, lương thực về sự hiện diện của Người.”
Sự dâng hiến được nâng đỡ bởi sự an ủi của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn đi trước ngài trong sứ vụ: bằng sự cố gắng hết mình để thông truyền vẻ đẹp và niềm vui của Tin Mừng (x. Tông huấn Gaudete et exsultate, 57), bằng chứng tá phong nhiêu của những người, như Mẹ Maria, ở lại dưới chân Thánh giá bằng nhiều cách khác nhau, ở lại trong sự bình an đau đớn nhưng mạnh mẽ đó, mà không phẫn nộ cũng không quỵ luỵ; và trong niềm hy vọng gan lì nhưng kiên nhẫn rằng Chúa sẽ thực hiện lời hứa của Người, như Người đã hứa với tổ phụ chúng ta và với con cháu Người đến muôn đời (x. Lc 1,54-55).
Chúng ta cũng vậy, được gắn chặt với những lời cuối cùng của Chúa và với chứng tá đánh dấu cuộc đời của Người, chúng ta muốn, với tư cách là một cộng đoàn Giáo hội, theo chân Người và phó thác người anh em của chúng ta trong vòng tay Chúa Cha. Ước gì bàn tay thương xót của ngài cầm lấy ngọn đèn cháy sáng bằng dầu Tin Mừng mà ngài đã gieo rắc và làm chứng trong suốt cuộc đời mình (x. Mt 25,6-7).
Thánh Grêgôriô Cả, ở cuối Quy tắc Mục vụ, đã thúc giục một người bạn giúp ngài việc đồng hành thiêng liêng này: “Giữa những giông tố của cuộc đời, xin cho tôi được an ủi khi tin rằng bạn sẽ giữ tôi trên bàn cầu nguyện của bạn, và nếu gánh nặng lỗi lầm của tôi quật ngã và làm nhục tôi, bạn sẽ giúp tôi bằng công đức của bạn để nâng tôi dậy”. Vị mục tử ý thức rằng ngài không thể gánh vác một mình điều mà thực tế là ngài không bao giờ có thể gánh vác một mình, và do đó, ngài biết phó thác cho lời cầu nguyện và sự chăm sóc những người được ủy thác cho ngài.
Chính Dân trung thành của Thiên Chúa, quy tụ cùng nhau, đồng hành và phó dâng sự sống của người đã từng là mục tử của họ. Giống như những phụ nữ bên ngôi mộ trong Tin Mừng, chúng ta ở đây với dầu thơm của lòng biết ơn và dầu hy vọng để một lần nữa bày tỏ với ngài về một tình yêu không hề mất; rằng chúng ta muốn làm điều này với cùng sự xức dầu, sự khôn ngoan, dịu dàng và tận tụy mà ngài đã trao ban cho chúng ta trong nhiều năm qua. Chúng ta muốn cùng nhau thưa: “Lạy Cha, chúng con xin phó thác linh hồn của ngài trong tay Cha”.
Thưa Đức Biển Đức, người bạn trung thành của Chàng Rể, ước gì niềm vui của ngài được trọn vẹn khi nghe tiếng của Chàng Rể, bây giờ và mãi mãi!
https://www.vaticannews