28 Tháng Ba 20241:20 CH(Xem: 18)
Sáng nay là Thứ Năm Tuần Thánh, tôi nhận được một cú điện thoại viễn liên của cô Agnes. Cô Agnes xin tôi cho cô địa chỉ một Dòng tu nào đó để cô xin 30 lễ cầu nguyện cho linh hồn Giuse là ba của cô vừa qua đời.
28 Tháng Ba 202412:51 CH(Xem: 22)
Ngày 26/3/2024 vừa qua, vợ chồng tôi đã tham dự buổi cầu nguyện cho linh hồn cụ Giuse, ba của cô Kim Anh. Cô Kim Anh lúc trước là xướng ngôn viên của Radio Giờ Của Mẹ. Cụ Giuse năm nay 89 tuổi. Một điều lạ lùng trong đời cụ là
28 Tháng Ba 202412:16 CH(Xem: 18)
Nguồn: Spiritdaily.com Khi Chúa Giêsu chết trên cây thánh giá thì trời đất bỗng trở nên tối đen. Đó là dấu hiệu Thiên Tính của Ngài. Tin Mừng Thánh Mattheu 27: 54 nói rằng:
26 Tháng Ba 20249:00 CH(Xem: 39)
Có một thanh niên trong giáo xứ đã chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống hôn nhân. Anh ngậm đắng nuốt cay vì người vợ của anh rất hay nóng giận và hung dữ. Chị luôn nói những lời nặng nề khi chị không hài lòng về một điều gì đó.
23 Tháng Ba 20249:13 CH(Xem: 57)
Nguồn: Spiritdaily.com Cô Yamilexis Fernandez chia sẻ cảm nghiệm là cô nhận được ơn lành tìm thấy Chúa và được Chúa giải thoát khỏi tà thuật.
22 Tháng Ba 20245:00 CH(Xem: 62)
https://mysticpost.com/vincent-claims-he-was-dead-and.../ Điều quan trọng nhất là hãy yêu thương. Ông Vincent nói rằng điều chính yếu nhất là cần yêu thương mọi người dù là ở trong bất cứ trường hợp nào. Trên hết mọi sự là hãy ở trong tình yêu Thiên Chúa.
22 Tháng Ba 20244:12 CH(Xem: 54)
https://mysticpost.com/vincent-claims-he-was-dead-and-was-told-what-was-about-to-hit-earth-put-your-phones-away/ Ông Vincent tuyên bố rằng ông ấy đã từng chết rồi. Ông được báo cho biết về tình hình của trái đất. Ông bảo: "Hãy đặt điện thoại của bạn xuống!"
22 Tháng Ba 202412:05 SA(Xem: 66)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. LỜI CẦU NGUYỆN DÂNG ĐỜI SỐNG Lạy Chúa Giêsu kính yêu, trước sự Hiện Diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, trước Nhan Thánh của Đức Mẹ Thiên Đàng và Triều Thần Thiên Quốc trên Trời, con xin dâng cuộc đời con theo như ý chỉ của Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẫu Tâm Vô Nhiễm Mẹ Rất Thánh Maria.
21 Tháng Ba 20246:41 CH(Xem: 74)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie dâng hiến cuộc đời và những lời hứa của Thiên Đàng Trong năm Thánh Mẫu (1983-1984) Đức Trinh Nữ Maria nói với tôi rằng:
21 Tháng Ba 20245:09 CH(Xem: 71)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie không được nhiều người trong Giáo Hội biết đến Nữ tu Natalie gửi những thông điệp cứng rắn đến cho Giáo Hội Công Giáo tại nước Hung Gia Lợi. Đó là những lời khuyên mọi người hãy rời khỏi những cung điện. Hãy làm việc thống hối. Hãy phân phát những của cải cho người...

LỜI CHÚA THỨ HAI TUẦN IV MÙA CHAY SỐNG LỜI CHÚA BÀI ĐỌC Bài đọc 1 : Is 65,17-21

27 Tháng Ba 20226:55 CH(Xem: 621)

28-3bLỜI CHÚA THỨ HAI TUẦN IV MÙA CHAY

SỐNG LỜI CHÚA

BÀI ĐỌC

Bài đọc 1 : Is 65,17-21

Sẽ không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

17 Đức Chúa phán như sau :

“Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới,
không còn ai nhớ đến thuở ban đầu
và nhắc lại trong tâm trí nữa.
18Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan
vì những gì chính Ta sáng tạo.
Phải, này đây Ta sẽ tạo Giê-ru-sa-lem nên nguồn hoan hỷ
và dân ở đó thành nỗi vui mừng.

19Vì Giê-ru-sa-lem, Ta sẽ hoan hỷ, vì dân Ta, Ta sẽ nhảy mừng.
Nơi đây, sẽ không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la.
20Nơi đây, sẽ không còn trẻ sơ sinh chết yểu
và người già tuổi thọ không tròn ;
vì trăm tuổi mà chết là chết trẻ,
và chưa tròn trăm tuổi mà chết là bị nguyền rủa.
21Người ta sẽ xây nhà và được ở,
sẽ trồng nho và được ăn trái.”

Đáp ca : Tv 29,2 và 4.5-6.11-12a và 13b (Đ. c.2a)

Đ. Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt.

2Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt,
không để quân thù đắc chí nhạo cười con.
4Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên,
tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.

Đ. Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt.

5Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa,
cảm tạ thánh danh Người.
6Người nổi giận, giận trong giây lát,
nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.
Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,
hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.

Đ. Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt.

11Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con,
lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ.
12aKhúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu.
13bLạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,
xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu.

Đ. Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt.

Tung hô Tin Mừng : x. Am 5,14

Hãy tìm điều lành chứ đừng tìm điều dữ, rồi anh em sẽ được sống ; và Chúa sẽ ở cùng anh em.

TIN MỪNG : Ga 4,43-54

Ông cứ về đi, con ông sống.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

43 Khi ấy, sau hai ngày lưu lại Sa-ma-ri, Đức Giê-su đi Ga-li-lê. 44 Chính Người đã quả quyết : ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình. 45 Khi Người đến Ga-li-lê, dân chúng trong miền đón tiếp Người, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giê-ru-sa-lem trong dịp lễ, bởi lẽ chính họ cũng đã đi dự lễ.

46 Vậy Đức Giê-su trở lại Ca-na miền Ga-li-lê, là nơi Người đã làm cho nước hoá thành rượu. Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Ca-phác-na-um. 47 Khi nghe tin Đức Giê-su từ Giu-đê đến Ga-li-lê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết. 48 Đức Giê-su nói với ông : “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu !” 49 Viên sĩ quan nói : “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất !” 50 Đức Giê-su bảo : “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về. 51 Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi. 52 Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp : “Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt.” 53 Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giê-su đã nói với mình : “Con ông sống”, nên ông và cả nhà đều tin. 54 Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giê-su đã làm, khi Người từ miền Giu-đê đến miền Ga-li-lê.

SUY NIỆM-CỨ TIN THÌ SẼ ĐƯỢC

Có một gia đình nọ sống giữa đồng không mông quạnh. Vào đêm kia, nhà bốc cháy dữ dội. Cha mẹ, con cái vội vã chạy ra ngoài. Bỗng mọi người nhận ra thiếu đứa con bé nhất, nó vẫn kẹt ở trên lên lầu. Lửa bốc lên cao, cậu bé đứng trên lầu khóc inh ỏi. Cha cậu bé gọi lớn: “Con nhảy xuống đây đi”. Cậu bé nhìn xuống dưới chỉ thấy khói và lửa, liền trả lời: “Ba ơi, con không thấy ba đâu hết”. Người cha trả lời: “Cứ nhảy đi, có ba trông thấy con là đủ rồi”. Và cậu bé nhảy xuống, rơi vào vòng tay yêu thương của cha mình cách an toàn.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, nhờ tin vào lời của Đức Giêsu, viên quan cận vệ đã được chứng kiến dấu lạ Đức Giêsu thực hiện cho con ông. Trong đời sống, đôi khi chúng ta cũng bị thử thách về đức tin khi phải đối diện với những sự dữ và nghịch cảnh, chúng ta thường dễ tuyệt vọng và ngã lòng.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có thái độ tin tưởng tuyệt đối như viên quan cận vệ, rồi chúng ta sẽ nhận ra những việc diệu kì Chúa thực hiện trong cuộc đời chúng ta.

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa xin cho con biết đặt trọn niềm tin nơi Ngài, luôn phó thác và cậy trông vào Chúa trong mọi biến cố và mọi giây phút đời con. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

Người già giữ vai trò không thể thay thế trong việc trao truyền đức tin

Đức Thánh Cha nói rằng trong một thế giới đôi khi tìm cách hủy bỏ các khía cạnh của lịch sử và văn hóa, hoặc thay thế sự thật bằng tin tức hoặc tuyên truyền giả mạo, chúng ta rất cần sự khôn ngoan và kinh nghiệm của những người cao tuổi để giúp các thế hệ mới hiểu biết về Giáo hội, để sống một cuộc sống trung thành với Lời Chúa, để kiên trì trong hy vọng giữa những thử thách, và bày tỏ tình yêu thương nhân từ đối với tất cả anh chị em của chúng ta.

Tiếp tục loạt bài giáo lý về ý nghĩa và giá trị của tuổi già, được nhìn dưới ánh sáng của Lời Chúa, sáng thứ Tư 23/3/2022, trong buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha đã trình bày về ơn gọi đặc biệt của người già trong việc chuyển trao cho các thế hệ mới kinh nghiệm của họ về đức tin của Giáo hội.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha dựa trên trình thuật trong sách Đệ Nhị Luật về sự qua đời của ông Môse, với “Bài ca của ông Môsê”, chúc thư thiêng liêng của ông vào cuối cuộc xuất hành, viết lại kinh nghiệm của chính ông về đức tin vào Thiên Chúa, Đấng luôn trung thành với những lời hứa của Người. Kinh nghiệm đức tin này được chuyển trao cho các thế hệ con cháu. Việc “chuyển trao” kinh nghiệm đức tin này là bản chất của Truyền thống sống động của Dân Chúa.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng trong thời đại của chúng ta, những nỗ lực của Giáo Hội nhằm truyền giáo, dạy giáo lý, truyền dạy và giải thích đức tin của mình chắc chắn diễn ra với sự trợ giúp của sách báo, phim ảnh và các nguồn tài liệu khác, nhưng không gì có thể thay thế được chứng tá trực tiếp giữa người với người về một kinh nghiệm lâu dài gần gũi với Thiên Chúa trong đức tin.

Do đó, Đức Thánh Cha cảnh giác rằng trong một thế giới mà đôi khi tìm cách hủy bỏ các khía cạnh của lịch sử và văn hóa, hoặc thay thế sự thật bằng tin tức hoặc tuyên truyền giả mạo, chúng ta rất cần sự khôn ngoan và kinh nghiệm của những người cao tuổi để giúp các thế hệ mới hiểu biết về Giáo hội, để sống một cuộc sống trung thành với Lời Chúa, để kiên trì trong hy vọng giữa những thử thách, và bày tỏ tình yêu thương nhân từ đối với tất cả anh chị em của chúng ta.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em.

Trong Kinh Thánh, di chúc thiêng liêng của cụ Môsê, được gọi là “Bài ca của ông Môsê”, được đặt trước tường thuật về cái chết của ông. Bài thánh thi này trước hết và trên hết là một lời tuyên xưng đức tin tuyệt đẹp: “Này tôi xưng tụng thánh danh Đức Chúa/ trời đất hãy suy tôn Thiên Chúa ta thờ!/ Người là Núi Đá: sự nghiệp Người hoàn hảo,/ vì mọi đường lối Người đều thẳng ngay./ Chúa tín thành, không mảy may gian dối,/ Người quả là chính trực công minh” (Đnl 32,3-4).

Di sản kinh nghiệm lâu dài về cuộc sống và đức tin

Nhưng bài ca đó cũng là ký ức về lịch sử đã trải qua với Thiên Chúa, về những cuộc phiêu lưu của dân tộc được hình thành từ niềm tin vào Thiên Chúa của Ápraham, Isaác và Giacóp. Và rồi ông Môsê cũng nhớ lại những cay đắng và thất vọng của chính Thiên Chúa: lòng trung thành của Người không ngừng bị thử thách bởi sự bất trung của dân Người.

Khi ông Môsê công bố lời tuyên xưng đức tin này, ông đang ở ngưỡng cửa của đất hứa, và cũng là lúc ông từ giã cõi đời, vì theo tường thuật, ông đã một trăm hai mươi tuổi, “nhưng mắt ông không mờ” (Đnl 34,7). Sức sống trong ánh nhìn của ông là một món quà quý giá: nó giúp ông có thể truyền lại di sản của kinh nghiệm lâu dài của cuộc sống và đức tin của mình, cách rõ ràng.

Không phương tiện nào có thể thay thế cách trao truyền đức tin giữa người với người

Một tuổi già với sự minh mẫn này là một món quà quý giá cho thế hệ sau này. Lắng nghe một cách cá nhân và trực tiếp câu chuyện về đức tin được sống, với tất cả những đỉnh cao và nét trầm của nó, là điều không thể thay thế được. Đọc về nó trong sách, xem nó trong phim, tham khảo nó trên internet, dù hữu ích đến đâu, sẽ không bao giờ là điều giống nhau. Việc trao truyền này - điều là truyền thống đúng đắn và phù hợp! - ngày nay đang rất thiếu đối với các thế hệ mới, một sự thiếu vắng đang tiếp tục gia tăng. Có một giọng điệu và phong cách giao tiếp để kể chuyện trực tiếp, giữa người với người mà không phương tiện khác nào có thể thay thế được. Một người lớn tuổi, đã sống lâu và nhận được ơn minh mẫn và chứng tá say mê về lịch sử của mình, là một điều may mắn không gì thay thế được. Chúng ta có khả năng nhận ra và tôn vinh món quà này không? Ngày nay, việc truyền trao đức tin - và ý nghĩa cuộc sống - có đi theo con đường này không?

Trong nền văn hóa quá ‘chính xác theo cách chính trị’ của chúng ta, con đường này dường như bị cản trở bởi nhiều cách: trong gia đình, ngoài xã hội, trong chính cộng đoàn Kitô hữu. Một số người thậm chí còn đề xuất bãi bỏ việc giảng dạy lịch sử, vì cho rằng thông tin thừa về các thế giới không còn phù hợp nữa, điều gây tốn phí nguồn lực dành cho việc hiểu biết hiện tại.

Việc truyền trao đức tin phải có niềm đam mê với lịch sử đức tin

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Mặt khác, việc truyền trao đức tin thường thiếu niềm đam mê của một lịch sử đã được trải nghiệm”. Và như vậy, làm sao nó có thể lôi kéo người ta lựa chọn tình yêu mãi mãi, trung thành với lời đã trao, kiên trì cống hiến, lòng trắc ẩn đối với những khuôn mặt bị thương và thất vọng? Tất nhiên, những câu chuyện của cuộc sống phải được chuyển thành chứng tá, và chứng tá phải trung thành. Một hệ tư tưởng bẻ cong lịch sử theo những kế hoạch của chính nó chắc chắn là không trung thành; một lối tuyên truyền phỏng theo lịch sử để quảng bá cho nhóm của mình là không trung thành; khi biến lịch sử thành một toà án, trong đó quá khứ bị lên án và bất kỳ tương lai nào cũng không được khuyến khích cũng không trung thành. Trung thành là thuật lại lịch sử như nó là, và chỉ ai đã trải qua lịch sử mới có thể thuật lại nó cách trung thành. Vì thế lắng nghe người già, lắng nghe ông bà là điều quan trọng. Chớ gì các trẻ em biết trò chuyện với họ.

Đức tin được chuyển trao trong cách nói quen thuộc

Chính các sách Phúc âm đã kể lại một cách chân thực lịch sử của Chúa Giêsu, không hề giấu giếm những sai sót, hiểu lầm và thậm chí là sự phản bội của các môn đệ. Đây là lịch sử, đây là sự thật, đây là chứng tá. Đây là món quà ký ức mà các “bô lão” của Giáo hội chuyển trao, ngay từ thời sơ khai, truyền “tay nhau” cho thế hệ sau. Sẽ thật tốt cho chúng ta khi tự hỏi: chúng ta đánh giá thế nào về cách truyền trao đức tin này, trong việc thông truyền chứng tá giữa những người lớn tuổi trong cộng đồng và những người trẻ đang hướng đến tương lai? Và ở đây tôi nghĩ đến một điều mà tôi đã nói nhiều lần, nhưng tôi muốn nhắc lại. Chúng ta chuyển trao đức tin như thế nào? “Ah, đây có một cuốn sách, hãy học nó”. Không. Như thế chúng ta không thể truyền trao đức tin. Đức tin được chuyển trao bằng ngôn ngữ bình dân, tức là trong cách nói quen thuộc, từ ông bà sang cháu chắt, giữa cha mẹ với con cái. Đức tin luôn được trao truyền bằng ngôn ngữ bình dân, bằng ngôn ngữ quen thuộc và được sử dụng qua năm tháng. Đây là lý do tại sao đối thoại trong một gia đình rất quan trọng, đối thoại của trẻ em với ông bà là những người có sự khôn ngoan của đức tin.

Kiến thức về Giáo hội từ chứng tá lịch sử của đứa tin và của đời sống cộng đoàn

Đôi khi, tôi suy nghĩ về sự bất thường kỳ lạ này. Ngày nay sách giáo lý khai tâm Kitô giáo dựa trên Lời Chúa rất nhiều và truyền tải thông tin chính xác về các tín điều, về luân lý đức tin và về các bí tích. Tuy nhiên, nó thường thiếu kiến thức về Giáo hội, là điều có được từ việc lắng nghe và từ chứng tá lịch sử thực sự của đức tin và của đời sống của cộng đoàn Giáo hội, từ thuở sơ khai cho đến ngày nay. Khi còn nhỏ, chúng ta học Lời Chúa trong các lớp học giáo lý; nhưng học về Giáo hội - chúng ta được “học” về Giáo hội từ khi còn bé, trong các lớp học và trong các phương tiện thông tin toàn cầu.

Tường thuật đức tin gợi lại ân sủng của Chúa và nhắc nhớ khuyết điểm của chúng ta

Kết thúc bài giáo lý, Đức Thánh Cha nói: Tường thuật về lịch sử của đức tin phải giống như Bài ca của ông Môsê, giống như chứng tá của các sách Phúc âm và sách Công vụ Tông đồ. Đó là, một câu chuyện có khả năng gợi lại những phúc lành của Thiên Chúa với cảm xúc và những khuyết điểm của chúng ta cách chân thành. Thật là tốt nếu ngay từ đầu, trong các hành trình giáo lý chúng ta có thói quen nghe, từ kinh nghiệm sống của người già, lời tuyên xưng rõ ràng về các phúc lành nhận được từ Thiên Chúa, những điều mà chúng ta phải gìn giữ, và chứng tá trung thành về sự bất trung của chúng ta, điều mà chúng ta phải thống hối và sửa chữa.

Người già bước vào miền đất hứa, điều mà Thiên Chúa mong muốn cho mọi thế hệ, khi họ trao cho những người trẻ sự khởi đầu tốt đẹp của chứng tá của họ và truyền tải lịch sử đức tin, bằng ngôn ngữ địa phương, quen thuộc, ngôn ngữ của người già cho người trẻ. Sau đó, được Chúa Giêsu hướng dẫn, người già và người trẻ cùng nhau bước vào Vương quốc của sự sống và tình yêu của Người. Nhưng tất cả cùng nhau. Mọi người trong gia đình, với kho báu lớn này là đức tin được truyền trao bằng ngôn ngữ quen thuộc.

Hồng Thủy - Vatican News