28 Tháng Ba 20241:20 CH(Xem: 13)
Sáng nay là Thứ Năm Tuần Thánh, tôi nhận được một cú điện thoại viễn liên của cô Agnes. Cô Agnes xin tôi cho cô địa chỉ một Dòng tu nào đó để cô xin 30 lễ cầu nguyện cho linh hồn Giuse là ba của cô vừa qua đời.
28 Tháng Ba 202412:51 CH(Xem: 14)
Ngày 26/3/2024 vừa qua, vợ chồng tôi đã tham dự buổi cầu nguyện cho linh hồn cụ Giuse, ba của cô Kim Anh. Cô Kim Anh lúc trước là xướng ngôn viên của Radio Giờ Của Mẹ. Cụ Giuse năm nay 89 tuổi. Một điều lạ lùng trong đời cụ là
28 Tháng Ba 202412:16 CH(Xem: 11)
Nguồn: Spiritdaily.com Khi Chúa Giêsu chết trên cây thánh giá thì trời đất bỗng trở nên tối đen. Đó là dấu hiệu Thiên Tính của Ngài. Tin Mừng Thánh Mattheu 27: 54 nói rằng:
26 Tháng Ba 20249:00 CH(Xem: 33)
Có một thanh niên trong giáo xứ đã chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống hôn nhân. Anh ngậm đắng nuốt cay vì người vợ của anh rất hay nóng giận và hung dữ. Chị luôn nói những lời nặng nề khi chị không hài lòng về một điều gì đó.
23 Tháng Ba 20249:13 CH(Xem: 56)
Nguồn: Spiritdaily.com Cô Yamilexis Fernandez chia sẻ cảm nghiệm là cô nhận được ơn lành tìm thấy Chúa và được Chúa giải thoát khỏi tà thuật.
22 Tháng Ba 20245:00 CH(Xem: 60)
https://mysticpost.com/vincent-claims-he-was-dead-and.../ Điều quan trọng nhất là hãy yêu thương. Ông Vincent nói rằng điều chính yếu nhất là cần yêu thương mọi người dù là ở trong bất cứ trường hợp nào. Trên hết mọi sự là hãy ở trong tình yêu Thiên Chúa.
22 Tháng Ba 20244:12 CH(Xem: 53)
https://mysticpost.com/vincent-claims-he-was-dead-and-was-told-what-was-about-to-hit-earth-put-your-phones-away/ Ông Vincent tuyên bố rằng ông ấy đã từng chết rồi. Ông được báo cho biết về tình hình của trái đất. Ông bảo: "Hãy đặt điện thoại của bạn xuống!"
22 Tháng Ba 202412:05 SA(Xem: 66)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. LỜI CẦU NGUYỆN DÂNG ĐỜI SỐNG Lạy Chúa Giêsu kính yêu, trước sự Hiện Diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, trước Nhan Thánh của Đức Mẹ Thiên Đàng và Triều Thần Thiên Quốc trên Trời, con xin dâng cuộc đời con theo như ý chỉ của Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẫu Tâm Vô Nhiễm Mẹ Rất Thánh Maria.
21 Tháng Ba 20246:41 CH(Xem: 74)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie dâng hiến cuộc đời và những lời hứa của Thiên Đàng Trong năm Thánh Mẫu (1983-1984) Đức Trinh Nữ Maria nói với tôi rằng:
21 Tháng Ba 20245:09 CH(Xem: 69)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie không được nhiều người trong Giáo Hội biết đến Nữ tu Natalie gửi những thông điệp cứng rắn đến cho Giáo Hội Công Giáo tại nước Hung Gia Lợi. Đó là những lời khuyên mọi người hãy rời khỏi những cung điện. Hãy làm việc thống hối. Hãy phân phát những của cải cho người...

SỐNG LỜI CHÚA BÀI ĐỌC Bài đọc 1 : Is 58,1-9a Phải chăng đó là cách ăn chay mà ta ưa chuộng ?

03 Tháng Ba 20229:52 CH(Xem: 547)

5banh2caSỐNG LỜI CHÚA

BÀI ĐỌC

Bài đọc 1 : Is 58,1-9a

Phải chăng đó là cách ăn chay mà ta ưa chuộng ?

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

1 Đức Chúa là Thiên Chúa phán như sau :

“Cứ lấy hết gân cổ mà kêu lên, đừng kìm hãm,
kêu lớn tiếng lên như tù và,
báo cho dân Ta hay tội ác của chúng,
cho nhà Gia-cóp biết những lỗi lầm đã phạm.
2Ngày lại ngày chúng kiếm tìm Ta,
chúng ao ước biết đường lối của Ta,
như thể một dân tộc vẫn thực hành sự công chính
và không bỏ luật pháp của Thiên Chúa mình.
Chúng xin Ta ban những điều luật công minh,
chúng ước ao được đến gần Thiên Chúa.
3Chúng nói : ‘Chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy,
chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay ?’
Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi,
vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình.
4Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã,
để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn.
Chính ngày các ngươi muốn ăn chay
để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm,
thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách.
5Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng
trong ngày con người phải thực hành khổ chế ?
Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau,
nằm trên vải thô và tro bụi,
phải chăng như thế mà gọi là ăn chay
trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa ?
6Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao :
mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,
trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm ?
7Chẳng phải là chia cơm cho người đói,
rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ ;
thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục ?
8Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông,
vết thương ngươi sẽ mau lành.
Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước,
vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi.
9aBấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời,
ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại : ‘Có Ta đây !’”

Đáp ca : Tv 50,3-4.5-6a.18-19 (Đ. c.19b)

Đ. Lạy Thiên Chúa, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.

3Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.
4Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.

Đ. Lạy Thiên Chúa, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.

5Vâng, con biết tội mình đã phạm,
lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
6aCon đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
dám làm điều dữ trái mắt Ngài.

Đ. Lạy Thiên Chúa, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.

18Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm,
con có thượng tiến lễ toàn thiêu,
Ngài cũng không chấp nhận.
19Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát,
một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.

Đ. Lạy Thiên Chúa, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.

Tung hô Tin Mừng : x. Am 5,14

Hãy tìm điều lành chứ đừng tìm điều dữ, rồi anh em sẽ được sống ; và Chúa sẽ ở cùng anh em.

TIN MỪNG : Mt 9,14-15

Khi chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

14 Khi ấy, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng : “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ?” 15 Đức Giê-su trả lời : “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.”

SUY NIỆM-LUẬT YÊU THƯƠNG

“Sự ăn năn hối cải của con không phải là hát cải lương, khóc lóc não nùng xong rồi hết tuồng hạ màn và đâu lại vào đó.” (Đường Hy Vọng, số 893)

Tuy nhiên, hôm nay, khi các môn đệ của Gioan đến hỏi Đức Giêsu về việc: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”, nhân cơ hội này, Đức Giêsu mặc khải cho biết ý nghĩa đích thực của việc ăn chay. Ăn chay là để chờ đón Chúa đến, nhưng Người đang ở giữa họ thì không có lý do gì để ăn chay nữa. Ăn chay lúc này là mâu thuẫn, chẳng khác gì lấy vải mới vá áo cũ, hay rượu mới đổ vào bầu da cũ vậy!

Ý nghĩa chính yếu của việc giữ chay chính là đền tội, hãm dẹp những khuynh hướng xấu xa, sống liên đới, yêu thương, tha thứ, giúp đỡ người nghèo..., và nhất là tin vào Tin Mừng.

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa, xin Chúa giúp sức, để mỗi người chúng con biết sống tinh thần của Mùa Chay thật sốt sắng và ý nghĩa, ngõ hầu chúng con hưởng trọn vẹn niềm vui Phục Sinh. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

ĐTC Phanxicô: Cần sống chậm lại để có giờ đối thoại giữa các thế hệ

Đức Thánh Cha mong muốn chúng ta nhận ra tầm quan trọng của người cao tuổi ở giữa chúng ta, và học hỏi từ họ rằng nhịp sống đích thực là nhịp sống của mối quan hệ hài hòa giữa các thế hệ.

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 2/3/2022 Đức Thánh Cha tiếp tục về chủ đề ý nghĩa và giá trị của tuổi già, được nhìn dưới ánh sáng của Lời Chúa. Cụ thể, ngài suy tư về đóng góp của người cao tuổi cho sự phát triển của một xã hội thực sự nhân văn, trong đó mỗi lứa tuổi có sự đóng góp của mình.

Đức Thánh Cha nói rằng người già có nhiều điều để dạy chúng ta về ý nghĩa của cuộc sống; sự khôn ngoan của họ, trưởng thành theo thời gian, có thể giúp chúng ta đối mặt với những câu hỏi và thách đố luôn mới do xã hội đang phát triển nhanh chóng ngày nay đặt ra. Ngài cũng nhấn mạnh rằng sự liên kết giữa người trẻ và người già - điều không thể thiếu cho một cuộc sống xã hội lành mạnh - có thể giúp chúng ta, giữa nhịp sống điên cuồng ngày nay, nhớ rằng, như những con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi có một cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống chung của chúng ta, tái khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta và quan tâm đến nhu cầu của anh chị em chúng ta.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong tường thuật của Kinh Thánh về các gia phả tổ tiên, người ta ngay lập tức bị ấn tượng với tuổi thọ quá cao của họ: các gia phả nói rằng họ sống hàng thế kỷ! Chúng ta đặt câu hỏi: trong các gia phả này, khi nào tuổi già bắt đầu? Đâu là ý nghĩa của việc những người cha thời cổ đại này sống rất lâu sau khi đã sinh con cái? Những người cha và các con sống với nhau hàng thế kỷ! Thời gian hàng thế kỷ này, được thuật lại theo văn phong nghi lễ, mang lại một ý nghĩa biểu tượng rất sâu sắc cho mối quan hệ giữa tuổi thọ và gia phả.

Cần thời gian để khám phá những trải nghiệm và bí ẩn của cuộc sống

Như chúng ta thấy, việc trao truyền sự sống con người, điều rất mới mẻ trong vũ trụ được tạo dựng, đòi hỏi một sự bắt đầu từ từ và kéo dài. Mọi thứ đều mới mẻ, vào khởi đầu lịch sử của một thụ tạo, là tinh thần và sự sống, ý thức và tự do, sự nhạy cảm và trách nhiệm. Sự sống mới - sự sống con người - bị lồng trong sự căng thẳng giữa nguồn gốc của nó “theo hình ảnh và giống với” Thiên Chúa, và sự mong manh của thân phận con người của nó, là một điều mới lạ cần được khám phá. Và nó đòi hỏi một khoảng thời gian bắt đầu lâu dài, trong đó sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các thế hệ là điều không thể thiếu để giải mã những trải nghiệm và đối mặt với những bí ẩn của cuộc sống. Trong thời gian dài này, phẩm chất thiêng liêng của con người cũng từ từ được trau dồi.

Mỗi thế hệ có những câu hỏi về cuộc sống

Theo một nghĩa nào đó, mỗi giai đoạn trong lịch sử loài người lại mang đến cảm giác này: cứ như thể chúng ta phải bắt đầu lại từ đầu, một cách bình tĩnh, những câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống, khi viễn cảnh về thân phận con người dường như tràn đầy những trải nghiệm mới và các câu hỏi cho đến nay chưa được giải đáp. Chắc chắn, việc tích lũy ký ức văn hóa giúp có thêm sự quen thuộc cần thiết để đối mặt với những giai đoạn mới. Thời gian chuyển trao giảm đi, nhưng thời gian để hoà nhập luôn đòi hỏi sự kiên nhẫn. Lối sống quá vội, điều hiện đang ám ảnh mọi giai đoạn của cuộc đời chúng ta, khiến mọi trải nghiệm trở nên hời hợt hơn và ít “hữu ích” hơn. Những người trẻ tuổi là nạn nhân vô thức của sự phân chia này giữa thời gian trên đồng hồ, cần phải gấp gáp, và thời gian của cuộc sống, đòi hỏi một “sự dậy men” thích hợp. Tuổi thọ cao cho phép trải nghiệm những khoảng thời gian dài và nhận ra những thiệt hại của sự vội vàng.

Nhịp điệu chậm của tuổi già mở ra không gian về ý nghĩ của cuộc sống

Đức Thánh Cha nhận xét: Tuổi già chắc chắn có những nhịp độ chậm hơn: nhưng đó không chỉ đơn thuần là những thời gian chậm chạp ù lì. Thật vậy, thước đo của những nhịp điệu này mở ra, cho tất cả, những không gian về ý nghĩa của cuộc sống, những không gian không biết đến nỗi ám ảnh về tốc độ. Việc mất liên lạc với nhịp sống chậm hơn của tuổi già đóng lại những không gian này đối với tất cả mọi người. Chính từ chiều kích này, tôi đã mong muốn thiết lập Ngày Ông Bà, vào ngày Chúa Nhật cuối cùng của tháng 7. Sự liên minh giữa hai thế hệ ở hai thái cực - trẻ em và người già - cũng giúp hai thế hệ còn lại - người trẻ và người lớn - gắn kết với nhau để làm cho cuộc sống của mọi người trở nên phong phú hơn trong nhân loại.

Cần đối thoại giữa các thế hệ

Chúng ta cần đối thoại giữa các thế hệ: nếu không có đối thoại giữa người trẻ và người già, giữa những người lớn, mỗi thế hệ sẽ bị cô lập và không thể truyền tải thông điệp. Hãy suy nghĩ: một người trẻ không kết nối với nguồn gốc của mình, là ông bà, thì không nhận được sức mạnh, như một cái cây không nhận được sức mạnh từ gốc rễ và phát triển èo ọt, bệnh tật, phát triển mà không có điểm quy chiếu. Đây là lý do tại sao chúng ta cần tìm kiếm, như một nhu cầu của con người, sự đối thoại giữa các thế hệ. Và cuộc đối thoại này, chính xác là giữa ông bà và các cháu, những người thuộc hai thái cực, là điều quan trọng.

Lối sống quá vội sẽ nghiền nát cuộc sống

Chúng ta hãy tưởng tượng một thành phố trong đó sự chung sống của các lứa tuổi khác nhau tạo thành một phần không thể thiếu trong quy hoạch tổng thể về cuộc sống của nó. Chúng ta hãy suy nghĩ về sự hình thành của các mối quan hệ tình cảm giữa tuổi già và tuổi trẻ, điều thể hiện trên phong cách tổng thể của các mối quan hệ. Sự chồng chéo của các thế hệ sẽ trở thành nguồn năng lượng cho một chủ nghĩa nhân văn thực sự hữu hình và đáng sống. Thành phố hiện đại có xu hướng thù địch với người già (và không phải ngẫu nhiên, cả với trẻ em). Xã hội với tư tưởng vất bỏ này: loại bỏ nhiều trẻ em không được mong muốn và loại bỏ những người già; nó loại bỏ họ vì họ không có ích với lương hưu, cho việc hồi phục...

Lối sống vội sẽ đặt chúng ta vào một cái máy ly tâm và nó cuốn chúng ta đi như những cánh hoa giấy. Chúng ta hoàn toàn đánh mất tầm nhìn tổng thể. Mỗi người nắm giữ mảnh nhỏ của riêng mình, điều trôi theo dòng chảy của thị trường-thành phố, điều khiến những nhịp điệu sống chậm hơn bị cuốn mất và tốc độ chính là tiền bạc. Lối sống quá vội sẽ nghiền nát cuộc sống, không làm cho nó trở nên mãnh liệt hơn.

Cần “mất thời gian”

Và để có sự khôn ngoan chúng ta cần “mất thời gian”. Khi bạn về nhà và nhìn thấy con trai, con gái của bạn và “bạn mất thời gian”, nhưng trong cuộc trò chuyện này, là điều cơ bản cho xã hội, bạn cần “mất thời gian” với các con; và khi bạn về nhà, có ông bà - có thể không còn minh mẫn lắm hoặc đã mất đi một chút khả năng nói -, và bạn ở với ông hoặc bà, bạn “mất thời gian”, nhưng sự “lãng phí thời gian” này củng cố gia đình nhân loại. Cần phải dành thời gian, một khoảng thời gian không sinh ra tiền bạc, với trẻ em và người già, bởi vì họ cho chúng ta một khả năng khác để nhìn cuộc sống.

Tương quan giữa người già và người trẻ phục hồi niềm hy vọng

Tiếp tục bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhận định: Đại dịch, trong đó chúng ta vẫn buộc phải sống, đã bắt sự sùng bái lối sống vội phải dừng lại. Và trong thời gian này, các ông bà đã đóng vai trò như một bờ đê chống lại “sự khô cằn” tình cảm nơi những người trẻ nhất. Liên minh hữu hình của các thế hệ, điều giúp hài hòa thời gian và nhịp điệu, trả lại cho chúng ta niềm hy vọng không sống cuộc sống vô ích. Và nó khôi phục cho mỗi người chúng ta tình yêu đối với những sự sống dễ bị tổn thương của chúng ta, chặn đứng con đường dẫn đến nỗi ám ảnh về sống vội, thứ vốn chỉ đơn giản là tiêu thụ. Từ khóa cho mỗi người trong các bạn, tôi nghĩ: bạn có biết mất thời gian không, hay bạn luôn vội vã chạy theo tốc độ?

“Không, tôi đang vội, tôi không thể ...”? Bạn có thể mất thời gian với ông bà, với người già không? Bạn có thể dành thời gian chơi với con cái của bạn, với lũ trẻ không? Hãy suy nghĩ một chút. Và điều này mang lại cho mọi người tình yêu đối với cuộc sống dễ bị tổn thương của chúng ta, ngăn chặn - như tôi đã nói - con đường dẫn đến nỗi ám ảnh về tốc độ, thứ đơn giản chỉ là sự tiêu thụ. Nhịp điệu của tuổi già là một nguồn lực không thể thiếu để hiểu được ý nghĩa của cuộc sống được đánh dấu bởi thời gian. Người già có nhịp điệu của họ, nhưng đó là những nhịp điệu giúp ích cho chúng ta. Nhờ sự trung gian này, mục đích của cuộc sống - gặp gỡ với Thiên Chúa - trở nên đáng tin cậy hơn: đó là một dự án được ẩn giấu trong việc tạo dựng con người “theo hình ảnh của Người và giống với Người” và được đóng ấn trong Con Thiên Chúa làm người.

Ý nghĩa của cuộc sống

Ngày nay tuổi thọ của con người cao hơn. Điều này cho chúng ta cơ hội gia tăng sự liên kết giữa mọi thời đại của cuộc sống; và với ý nghĩa của cuộc sống một cách trọn vẹn. Ý nghĩa của cuộc sống không chỉ ở tuổi trưởng thành, từ 25 đến 60; không. Ý nghĩa của cuộc sống là tất cả, từ khi sinh ra đến khi chết đi và bạn phải có khả năng nói chuyện với mọi người, có những mối quan hệ tình cảm với mọi người, như vậy sự trưởng thành của bạn sẽ phong phú hơn, mạnh mẽ hơn. Và nó cũng cung cấp cho chúng ta ý nghĩa cuộc sống, đó là tất cả.

Vẻ đẹp của nhịp điệu cuộc sống

Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta trí thông minh và sức mạnh để thực hiện sự thay đổi này. Sự lấn át của thời gian của đồng hồ phải được chuyển đổi thành vẻ đẹp của nhịp điệu cuộc sống. Đây là sự cải cách mà chúng ta phải thực hiện trong lòng mình, trong gia đình và xã hội. Hãy biến đổi sự lấn át của thời gian, thứ luôn hối thúc chúng ta, thành nhịp điệu của cuộc sống. Sự liên minh của các thế hệ là điều cần thiết. Trong một xã hội mà người già không nói chuyện với người trẻ, người trẻ không nói chuyện với người già, người lớn không nói chuyện với người già hoặc với người trẻ, đó là một xã hội vô sinh, không có tương lai, một xã hội không nhìn về phía chân trời nhưng chỉ ngắm nhìn chính mình. Và trở nên đơn độc. Xin Chúa giúp chúng ta tìm ra thứ âm nhạc phù hợp cho sự hòa hợp này của các độ tuổi khác nhau: trẻ nhỏ, người già, người lớn, tất cả cùng nhau: một bản giao hưởng đối thoại tuyệt đẹp.

Hồng Thủy - Vatican News