25 Tháng Tư 20247:09 SA(Xem: 12)
Nguồn: Spiritdaily.com 1. Một người kể cảm nghiệm như sau: “Khi chúng tôi đang ở vùng Cyprus thì chúng tôi đi du lịch ở xa nên thuê xe hơi đi. Khi đi được một lúc thì chúng tôi bị lạc vào một con đường khác và bị mất phương hướng. Lúc đó khoảng 2:00 g sáng.
24 Tháng Tư 20249:29 CH(Xem: 15)
8 ĐIỀU HỨA CỦA ĐỨC MẸ KHI MẶC ÁO ĐỨC BÀ MẦU NÂU Áo Đức Bà Mầu Nâu làm một Á Bí Tích của người Công Giáo. Khi mặc áo Đức Bà Mầu Nâu thì Đức Mẹ Maria sẽ bảo vệ chúng ta khỏi mọi sự dữ. Sau đây là 12 điều hứa của Đức Mẹ khi ta mặc Áo Đức Bà. 1. Những ai chết mà mặc Áo Đức Bà Mầu Nâu thì sẽ không rớt vào lửa hoả ngục đời đời.
22 Tháng Tư 20245:35 CH(Xem: 53)
Nguồn: Internet Thánh Gioan John Vianney và quyền năng của Áo Đức Bà Mầu Nâu.
22 Tháng Tư 20245:32 CH(Xem: 63)
Năm 2004, tôi đã dịch và viết nhiều sách trong năm này. Một trong những tác phẩm mà tôi đã dịch và sưu tầm có tên là 50 Tuần Cửu Nhật Gõ Cửa Thiên Đàng. Sau đây là bản dịch mà tôi đã cố gắng dịch thuật, bản chính ở phía dưới bằng tiếng Anh là từ Cố LM Don Dolindo Ruotolo. Ngài là một nhà thần bí người Ý. Những lời cầu này là do Chúa Giêsu ban cho Cố LM...
18 Tháng Tư 20249:08 CH(Xem: 75)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Cố LM Don Dolindo có những cảm nghiệm rất hay. Khi còn nhỏ, ngài chịu nhiều sự bách hại và khổ đau. Bằng cách nào mà ngài đã cố gắng ngửng đầu cao lên khỏi bể nước và luôn vui vẻ? Chúa Thánh Thần đã khơi nguồn cảm hứng cho ngài với lời cầu nguyện đơn sơ như sau:
18 Tháng Tư 20248:35 CH(Xem: 64)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Lúc gần đây có nhiều người biết đến hiện tượng: "Padre Pio of Naples", đó là điều mô tả về cố linh mục Don Dolindo Ruotolo. Ngài qua đời vào năm 1970, chỉ hai năm sau khi Padre Pio qua đời vào năm 1968. Ngài đang làm việc một cách hữu hiệu từ Thiên Đàng. Ngài an ủi, dỗ dành, chữa lành cho rất nhiều người khỏi chứng bịnh lo âu,
18 Tháng Tư 20247:58 CH(Xem: 51)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Có một gương sáng lớn nhất, đó là chính Chúa Giêsu. Kẻ dữ độc ác đã đóng đinh Chúa Giêsu, Con Chí Thánh của Chúa Cha ở trên cây thánh giá. Lúc đó, Satan nghĩ rằng hắn đã chiến thắng. Nhưng sự thật thì trái lại. Đó là bởi vì Chúa đã biến đổi sự dữ ấy thành sự thiện.
18 Tháng Tư 20243:58 CH(Xem: 62)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Sr. Emmanuel viết: Có một phụ nữ gõ cửa nhà tôi. Trông cô ấy thật là quá đau khổ, xuống sắc và thiểu não. Đôi mắt, đôi má và cái miệng của cô trông rất là buồn thảm và héo hắt. Cô bắt đầu kể lể về mọi nỗi thống khổ của mình.
17 Tháng Tư 20249:07 CH(Xem: 60)
https://luisapiccarreta.com/other-category/cristina-montella-sister-rita-of-the-holy-spirit-the-little-girl-of-padre-pio/ 1. Thời thơ ấu Nữ tu Cristina Montella được sinh ra tại vùng Cercola (Naples) vào ngày 3/4/1920. Khi cô bé được 2 tuổi, cô đang ở chơi nhà một người cô thì nhìn thấy một bức hình của Thánh Gerard Majella,
17 Tháng Tư 20244:44 CH(Xem: 58)
Đức Mẹ Guadalupe hiện ra ở Tepeyac, Mexico City, nước Mễ Tây Cơ từ ngày 9/12/1531 đến ngày 12/12/1531 và chữa lành rất nhiều người, dù rằng người ta đã chết nhưng vẫn được Mẹ cho sống lại.

SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA NĂM C (26/12/2021) SỐNG TƯ CÁCH LÀ CON THIÊN CHÚA [Hc 3,3-7.14-17a; Cl 3,12-21; Lc 2,41-52]

23 Tháng Mười Hai 20219:39 SA(Xem: 769)

14-9SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA NĂM C (26/12/2021)

SỐNG TƯ CÁCH LÀ CON THIÊN CHÚA

[Hc 3,3-7.14-17a; Cl 3,12-21; Lc 2,41-52]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Để xây dựng cộng đồng nhân lọai thành gia đình của Thiên Chúa, Con Một Thiên Chúa đã xuống thế làm người và sống trong một gia đình nhỏ bé của dân tộc Israel là Thánh Gia Thất Nagiaret. Chân lý ấy tăng cường và nâng cao giá trị của kế hoạch Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ. Vì thế mà Lễ Thánh Gia có ý nghĩa đặc biệt và hôn nhân gia đình có sứ mạng cao cả.

Các Bài Sách Thánh của Lễ Thánh Gia Nagiarét nêu cao những giá trị nhân bản và thần học của gia đình Kitô giáo theo kế hoạch của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nghiên cứu và thực hành để biến gia đình chúng ta thành Hội Thánh nhỏ, thành Hội Thánh tại gia.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Bài đọc 1 (Hc 3,3-7.14-17a): "Ai kính sợ Chúa, thì thảo kính cha mẹ" Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ.

Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi.

2.2 Bài đọc 2 (Cl 3,12-21): "Về đời sống gia đình trong Chúa" Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện.

Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em. Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.

Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt.

2.3 Bài Tin Mừng (Lc 2,41-52): "Hai Ông Bà gặp Chúa Giêsu đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ". Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết.

Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại.

Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: "Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con". Người thưa với hai ông bà rằng: "Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?" Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.

Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân dung Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)

3.1.1 Bài đọc 1 (Hc 3,1-7.14-17a) là những lời để cao những giá trị căn bản của gia đình: thương yêu, tôn trọng, vâng lời, hiếu thảo. Những giá trị này là trường cửu, không bao giờ thay đổi. Con người càng sa sút đạo đức thì càng cần phải duy trì và phát huy những giá trị nhân linh ấy.

3.1.2 Bài đọc 2 (Cl 3,12-21) là những lời khuyên của Thánh Phaolô Tông đồ để các Kitô hữu nói chung, các gia đình công giáo nói riêng sống “từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau.” Những giá trị của gia đình Kitô giáo này càng cần thiết trong bối cảnh đạo đức gia đình đang sa sút của Việt Nam.

3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 2,41-52) là tường thuật về một biến cố “bất thường” đã xẩy ra trong thời niên thiếu của Chúa Giêsu. Biến cố này lại xẩy ra tại Đền Thờ Giêrusalem là nơi phượng thờ Thiên Chúa của dân tộc Israel, nên có một ý nghĩa đặc biệt. Qua đoạn Phúc Âm Lc 2,41-52 này, Chúa Giêsu bộc lộ cho chúng ta biết Cha thật của Ngài là chính Thiên Chúa và vì thế mà Ngài có nghĩa vụ phải chu toàn công việc mà Cha Ngài giao phó. Biến cố này được xem như một tia chớp, hé mở cho chúng ta thấy mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Mầu nhiệm khôn lường ấy được Con Thiên Chúa che giấu một cách tài tình bằng một cuộc sống âm thầm, ẩn dật ở Nagiarét, vâng phục cha mẹ là Đức Maria và Thánh Giuse. Điều mà Phúc âm Lu-ca muốn chúng ta lưu ý là cậu bé Giêsu không ngừng phát triển về mọi mặt: thể lý, trí tuệ và tâm linh tức mối tương quan với Thiên Chúa và với mọi người xung quanh.

3.2 Sứ điệp Lời Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?)

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là Con Một Thiên Chúa đã xuống thế làm người, sinh ra và lớn lên trong khung cảnh một gia đình, được nuôi dưỡng và giáo dục bởi các bậc cha mẹ đạo đức thánh thiện. Trong khung cảnh đầm ấm của gia đình và nhờ công ơn dưỡng dục của cha mẹ, Con Một Thiên Chúa lớn lên và trưởng thành trong các mối tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính bản thân mình.

Đó là mô hình mẫu của hết mọi người con, của hết mọi gia đình Kitô giáo.

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa Cha là Đấng trân trọng gia đình và tin tưởng các bậc làm cha làm mẹ khi giao phó con cái của Ngài cho họ. Sống với Chúa Hài Nhi và Con Trẻ Giêsu là Đấng đã sống thương yêu và vâng phục cha mẹ, đã phát triển về mọi mặt: thể lý, trí tuệ và tâm linh, trong khung cảnh thánh gia thất Nagiarét.

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa

Để thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay, chúng ta thử nhìn lại xem chúng ta coi trọng gia đình như thế nào và chúng ta đã và đang làm gì cho các gia đình, nhất là cho các gia đình gặp khó khăn, để giúp họ chu toàn trọng trách dưỡng dục con cái mà Thiên Chúa trao cho họ.

Chúng ta cũng thử nhìn lại xem chúng ta coi trọng các bậc cha mẹ sinh thành của chúng ta như thế nào và chúng ta đã và đang làm những gì để tỏ lòng thảo hiếu với họ.

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

5.1 «Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các dân tộc trên thế giới ngày nay, để mọi người biết tôn trọng yêu mến ông bà cha mẹ và thảo hiếu với những bậc sinh thành.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!


5.2 «Anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục và Linh Mục, để các ngài tích cực giúp các gia đình Công giáo sống yêu thương và tha thứ như Thánh Phaolô đã khuyên dậy.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!


5.3 «Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các bậc làm cha làm mẹ, để họ biết giáo dục con cái thành những người con hiếu thảo đối với Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng và là Cha của mọi người.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!


5.4 «Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các bạn trẻ và các cháu thiếu nhi trong giáo xứ chúng ta, để các em biết noi gương bắt chước cậu bé Giêsu mà yêu mến vâng phục cha mẹ và lớn lên trong ơn nghĩa với Thiên Chúa và trong tình quý mến cùa mọi người xung quanh.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!


Sàigon ngày 23 tháng 12 năm 2021
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.