22 Tháng Tư 20245:35 CH(Xem: 30)
Nguồn: Internet Thánh Gioan John Vianney và quyền năng của Áo Đức Bà Mầu Nâu.
22 Tháng Tư 20245:32 CH(Xem: 36)
Năm 2004, tôi đã dịch và viết nhiều sách trong năm này. Một trong những tác phẩm mà tôi đã dịch và sưu tầm có tên là 50 Tuần Cửu Nhật Gõ Cửa Thiên Đàng. Sau đây là bản dịch mà tôi đã cố gắng dịch thuật, bản chính ở phía dưới bằng tiếng Anh là từ Cố LM Don Dolindo Ruotolo. Ngài là một nhà thần bí người Ý. Những lời cầu này là do Chúa Giêsu ban cho Cố LM...
18 Tháng Tư 20249:08 CH(Xem: 64)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Cố LM Don Dolindo có những cảm nghiệm rất hay. Khi còn nhỏ, ngài chịu nhiều sự bách hại và khổ đau. Bằng cách nào mà ngài đã cố gắng ngửng đầu cao lên khỏi bể nước và luôn vui vẻ? Chúa Thánh Thần đã khơi nguồn cảm hứng cho ngài với lời cầu nguyện đơn sơ như sau:
18 Tháng Tư 20248:35 CH(Xem: 53)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Lúc gần đây có nhiều người biết đến hiện tượng: "Padre Pio of Naples", đó là điều mô tả về cố linh mục Don Dolindo Ruotolo. Ngài qua đời vào năm 1970, chỉ hai năm sau khi Padre Pio qua đời vào năm 1968. Ngài đang làm việc một cách hữu hiệu từ Thiên Đàng. Ngài an ủi, dỗ dành, chữa lành cho rất nhiều người khỏi chứng bịnh lo âu,
18 Tháng Tư 20247:58 CH(Xem: 42)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Có một gương sáng lớn nhất, đó là chính Chúa Giêsu. Kẻ dữ độc ác đã đóng đinh Chúa Giêsu, Con Chí Thánh của Chúa Cha ở trên cây thánh giá. Lúc đó, Satan nghĩ rằng hắn đã chiến thắng. Nhưng sự thật thì trái lại. Đó là bởi vì Chúa đã biến đổi sự dữ ấy thành sự thiện.
18 Tháng Tư 20243:58 CH(Xem: 51)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Sr. Emmanuel viết: Có một phụ nữ gõ cửa nhà tôi. Trông cô ấy thật là quá đau khổ, xuống sắc và thiểu não. Đôi mắt, đôi má và cái miệng của cô trông rất là buồn thảm và héo hắt. Cô bắt đầu kể lể về mọi nỗi thống khổ của mình.
17 Tháng Tư 20249:07 CH(Xem: 48)
https://luisapiccarreta.com/other-category/cristina-montella-sister-rita-of-the-holy-spirit-the-little-girl-of-padre-pio/ 1. Thời thơ ấu Nữ tu Cristina Montella được sinh ra tại vùng Cercola (Naples) vào ngày 3/4/1920. Khi cô bé được 2 tuổi, cô đang ở chơi nhà một người cô thì nhìn thấy một bức hình của Thánh Gerard Majella,
17 Tháng Tư 20244:44 CH(Xem: 51)
Đức Mẹ Guadalupe hiện ra ở Tepeyac, Mexico City, nước Mễ Tây Cơ từ ngày 9/12/1531 đến ngày 12/12/1531 và chữa lành rất nhiều người, dù rằng người ta đã chết nhưng vẫn được Mẹ cho sống lại.
17 Tháng Tư 20241:58 CH(Xem: 43)
Tồi vừa được xem một video clip tiếng Anh ngắn. Cậu bé chừng 6 tuổi mơ thấy mình lên Thiên Đàng. Sáng hôm sau, cậu kể câu chyện mẹ mình: -Mẹ ơi, con gặp một người chị của con ở Thiên Đàng. -Ủa, con chỉ có một người chị ở đây thôi mà.
13 Tháng Tư 20249:23 CH(Xem: 64)
Cảm nghiệm của một thanh niên làm nghề taxi: Con gặp khó khăn trong việc làm nên con quyết định làm nghề tài xế taxi.

LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY THỨ BA TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN SỐNG LỜI CHÚA Bài đọc : Bài đọc 1 : 1 Tx 5,1-6.9-11

31 Tháng Tám 20211:16 CH(Xem: 574)

31-8cLỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY

THỨ BA TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

SỐNG LỜI CHÚA

Bài đọc :

Bài đọc 1 : 1 Tx 5,1-6.9-11

Đức Giê-su đã chết vì chúng ta, để dầu thức hay ngủ, chúng ta cùng sống với Người.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.

1 Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. 2 Vì chính anh em đã biết rõ : ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm. 3 Khi người ta nói : “Bình an biết bao, yên ổn biết bao !”, thì lúc ấy tai hoạ sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được.

4 Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. 5 Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. 6 Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ.

9 Vì Thiên Chúa đã không định cho chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ, nhưng được hưởng ơn cứu độ, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, 10 Đấng đã chết vì chúng ta, để dầu thức hay ngủ, chúng ta cùng sống với Người. 11 Vì thế, anh em hãy an ủi nhau và xây dựng cho nhau, như anh em vẫn làm.

Đáp ca : Tv 26,1.4.13-14 (Đ. c.13)

Đ. Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc Chúa ban
trong cõi đất dành cho kẻ sống.

1Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,
tôi còn sợ người nào ?
Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi,
tôi khiếp gì ai nữa ?

Đ. Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc Chúa ban
trong cõi đất dành cho kẻ sống.

4Một điều tôi kiếm tôi xin,
là luôn được ở trong đền Chúa tôi
mọi ngày trong suốt cuộc đời,
để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang,
ngắm xem thánh điện huy hoàng.

Đ. Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc Chúa ban
trong cõi đất dành cho kẻ sống.

13Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc Chúa ban
trong cõi đất dành cho kẻ sống.
14Hãy cậy trông vào Chúa,
mạnh bạo lên, can đảm lên nào !
Hãy cậy trông vào Chúa.

Đ. Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc Chúa ban
trong cõi đất dành cho kẻ sống.

Tung hô Tin Mừng : Lc 7,16

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Ha-lê-lui-a.

TIN MỪNG : Lc 4,31-37

Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

31 Khi ấy, Đức Giê-su xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng. 32 Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền.

33 Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng : 34 “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !” 35 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. 36 Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau : “Lời ấy là thế nào ? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất !” 37 Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.

SUY NIỆM-LỜI QUYỀN NĂNG CỦA THIÊN CHÚA

Trong Tin Mừng theo thánh Matthêu (Mt 8,5-12), viên đại đội trưởng vốn là một người có quyền hành. Ông có thể sai khiến cấp dưới của ông rất dễ dàng. Lời nói của ông rất uy lực. Tuy vậy, khi một đày tớ của ông bị ốm nặng, ông lại phải đến xin Đức Giêsu: “nói một lời là đày tớ tôi được khỏi bệnh”.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng chữa lành cho một người bị quỷ ám bằng một “lời”. Người quát mắng và ra lệnh cho quỷ xuất khỏi chàng thanh niên, và quỷ đã xuất khỏi mà không làm hại gì anh ta.

Con người có quyền lực thường dùng lời để ra lệnh. Còn Đức Giêsu thì dùng lời quyền năng để giảng dạy, mời gọi, và chữa lành. Khi gặp khó khăn, đau khổ, con người vẫn phải chạy đến cậy nhờ lời chuyển cầu quyền năng của Đức Giêsu lên Thiên Chúa. Mỗi lần cầu nguyện là chúng ta lại lặp lại “Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con”.

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con siêng năng cầu nguyện, biết năng tìm đến với lời quyền năng của Ngài. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

Kinh Truyền Tin (29/8): Không đổ lỗi nhưng học cách nhận lỗi

Trưa Chúa nhật, 29/8/2021, Đức Thánh cha Phanxicô chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với hơn 3.000 tín hữu hành hương tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng theo thánh Maccô, phụng vụ Chúa nhật XXII thường niên năm B, thuật lại việc Chúa Giêsu khiển trách một số người Pharisêu và kinh sư coi trọng những nghi lễ bên ngoài.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha:

Phải đưa đức tin trở lại trung tâm

Tin Mừng Chúa nhật tuần XXII Thường niên cho thấy một số người Pharisêu và kinh sư ngạc nhiên trước thái độ của Chúa Giêsu. Họ lấy làm chướng mắt khi thấy các môn đệ dùng bữa nhưng không thực hiện các nghi thức truyền thống. Họ nghĩ cách làm này của các môn đệ là trái với thực hành tôn giáo. Chúng ta cũng có thể tự hỏi: nhưng tại sao Chúa Giêsu và các môn đệ bỏ qua các truyền thống này? Về cơ bản những truyền thống này không xấu, nhưng chỉ là những tập quán nghi lễ tốt, rửa tay sạch trước khi dùng bữa. Nhưng tại sao Chúa Giêsu không chú ý đến điều này? Bởi vì đối với Chúa điều quan trọng là phải đưa đức tin trở lại trung tâm của nó. Trong Tin Mừng chúng ta luôn thấy điều này: đưa đức tin trở lại trung tâm. Hãy tránh rơi vào nguy cơ này, đối với các kinh sư cũng với chúng ta, đó là: tuân giữ các nghi thức bên ngoài trong khi đặt trọng tâm của đức tin ở vị trí thứ yếu. Chúng ta cũng hay trang điểm cho linh hồn… theo hình thức bên ngoài và không quan tâm đến trọng tâm của đức tin. Đó là nguy cơ của một tôn giáo bề ngoài: tỏ ra tốt đẹp bên ngoài, nhưng lại bỏ qua việc thanh tẩy tâm hồn. Luôn có cám dỗ thực hiện một số việc sùng kính bên ngoài, nhưng Chúa Giêsu không hài lòng với việc thờ phượng này. Chúa không muốn hình thức bên ngoài, Chúa muốn một đức tin chạm đến con tim.

Thực vậy, ngay sau đó, Chúa gọi đám đông dân chúng để nói một chân lý tuyệt vời: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được” (c 15). Nhưng “từ bên trong, từ lòng người” (c 21) phát xuất những ý định xấu. Những lời này mang tính cách mạng, bởi vì vào thời đó, tâm thức con người cho rằng một số thức ăn hoặc sự tiếp xúc bên ngoài làm cho người ta ra ô uế. Chúa Giêsu lật đổ quan điểm đó: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra là cái làm cho con người ra ô uế.

Dành thời gian để đổ lỗi cho người khác là lãng phí thời gian

Anh chị em thân mến, điều này cũng có liên quan đến chúng ta. Thường chúng ta nghĩ rằng điều xấu chủ yếu đến từ bên ngoài: từ cách cư xử của người khác, từ những người nghĩ xấu về chúng ta, từ xã hội. Nhiều lần chúng ta đổ lỗi cho người khác, cho xã hội, cho thế giới, cho tất cả những gì xảy ra với chúng ta! Lỗi luôn là của “người khác”: của dân chúng, của người lãnh đạo, của rủi ro. Các vấn đề dường như luôn đến từ bên ngoài. Và chúng ta dành thời gian để đổ lỗi; nhưng dành thời gian để đổ lỗi cho người khác là lãng phí thời gian. Điều này làm cho chúng ta giận dữ, chua ngoa và làm con tim chúng ta xa Chúa. Giống như những người trong Tin Mừng, họ than phiền, gây cớ vấp phạm, tranh luận và không đón tiếp Chúa Giêsu. Chúng ta không thể là Kitô hữu luôn than phiền: giận dữ, oán hận và buồn chán đóng cửa lòng trước Chúa.

Để chiến thắng cái ác: bắt đầu chinh phục nó bên trong chính mình

Hôm nay chúng ta cầu xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi việc đổ lỗi cho người khác. Chúng ta cầu xin ân sủng để không lãng phí thời gian làm ô nhiễm thế giới với những lời phàn nàn, bởi vì đây không phải là Kitô hữu. Tốt hơn, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào cuộc sống và thế giới khởi đi từ tâm hồn chúng ta. Nếu chúng ta nhìn vào bên trong, chúng ta sẽ thấy hầu hết mọi thứ chúng ta ghét, nó không ở bên ngoài. Và nếu chúng ta thành tâm cầu xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta, thì chúng ta sẽ bắt đầu làm cho thế giới trong sạch hơn. Bởi vì có một cách không thể sai lầm để chiến thắng cái ác: bắt đầu chinh phục nó bên trong chính mình.

Khi các Giáo phụ, các đan sĩ được hỏi: “Đâu là con đường nên thánh? Tôi phải bắt đầu như thế nào?”. Các vị trả lời: Bước đầu tiên là phải nhận lỗi về mình. Có bao nhiêu người trong chúng ta, vào lúc nào đó trong ngày hoặc trong tuần, có khả năng tự nhận lỗi về mình? Đây là sự khôn ngoan: học nhận lỗi về mình. Anh chị em hãy cố gắng làm điều này, nó sẽ làm anh chị em tốt hơn.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã thay đổi lịch sử nhờ sự tinh tuyền của tâm hồn, giúp chúng ta thanh tẩy chính mình, trước hết là vượt qua việc đổ lỗi cho người khác và phàn nàn về mọi thứ.

Ngọc Yến - Vatican News