18 Tháng Tư 20243:58 CH(Xem: 2)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Sr. Emmanuel viết: Có một phụ nữ gõ cửa nhà tôi. Trông cô ấy thật là quá đau khổ, xuống sắc và thiểu não. Đôi mắt, đôi má và cái miệng của cô trông rất là buồn thảm và héo hắt. Cô bắt đầu kể lể về mọi nỗi thống khổ của mình.
17 Tháng Tư 20249:07 CH(Xem: 20)
https://luisapiccarreta.com/other-category/cristina-montella-sister-rita-of-the-holy-spirit-the-little-girl-of-padre-pio/ 1. Thời thơ ấu Nữ tu Cristina Montella được sinh ra tại vùng Cercola (Naples) vào ngày 3/4/1920. Khi cô bé được 2 tuổi, cô đang ở chơi nhà một người cô thì nhìn thấy một bức hình của Thánh Gerard Majella,
17 Tháng Tư 20244:44 CH(Xem: 22)
Đức Mẹ Guadalupe hiện ra ở Tepeyac, Mexico City, nước Mễ Tây Cơ từ ngày 9/12/1531 đến ngày 12/12/1531 và chữa lành rất nhiều người, dù rằng người ta đã chết nhưng vẫn được Mẹ cho sống lại.
17 Tháng Tư 20241:58 CH(Xem: 18)
Tồi vừa được xem một video clip tiếng Anh ngắn. Cậu bé chừng 6 tuổi mơ thấy mình lên Thiên Đàng. Sáng hôm sau, cậu kể câu chyện mẹ mình: -Mẹ ơi, con gặp một người chị của con ở Thiên Đàng. -Ủa, con chỉ có một người chị ở đây thôi mà.
13 Tháng Tư 20249:23 CH(Xem: 56)
Cảm nghiệm của một thanh niên làm nghề taxi: Con gặp khó khăn trong việc làm nên con quyết định làm nghề tài xế taxi.
13 Tháng Tư 20248:37 CH(Xem: 55)
“Thầy đây. Đừng sợ!” Trong tác phẩm “When All Hell Breaks Loose,” tạm dịch, “Khi Tất Cả Đổ Vỡ,” Steven J. Lawson viết, “Có thể bạn đang ở trong một cơn bão. Chúa có mục đích khi dẫn bạn vào đó. Ngài thừa sức bảo vệ bạn qua cơn bão; và Ngài có một kế hoạch, để cuối cùng, dẫn bạn ra khỏi đó. Hãy hướng mắt về Ngài!” Kính thưa Anh Chị em, “Hãy hướng mắt về Ngài!”
13 Tháng Tư 20248:26 CH(Xem: 54)
Nguồn: Spiritdaily.com 1. Có một câu chuyện kể rằng một vị chỉ huy vào cuối ngày, ông nhìn thấy mặt trời lặn trước khi ông ta có thể chiến thắng nơi chiến trường. Ông ta bèn quỳ xuống cầu nguyện với Đức Mẹ Maria để cầu xin Mẹ ngừng mặt trời lặn trong ngày hôm ấy lại để ông và quân đội của ông có thể chiến thắng. Thế là mặt trời bỗng dưng đứng lại...
12 Tháng Tư 20249:28 CH(Xem: 64)
Nguồn: Spiritdaily.com và Forums of the Virgin Mary Đức Mẹ Maria đã từng can thiệp và thay đổi tình hình thế giới và tình hình giáo hội trong 500 năm trở lại đây. Thế giới luôn chiến đấu để chống nạn đói khát và bịnh tật. Những người Hồi Giáo đã chiếm đóng nước Tây Ban Nha trong nhiều thế kỷ. Họ cũng đã từng kiểm soát vùng Đất Thánh.
12 Tháng Tư 20249:57 SA(Xem: 53)
Nguồn: Spiritdaily.com Những nơi trú ẩn ở đâu khi có cơn thử thách lớn? Đâu là những nơi trú ẩn dành cho những người còn sống sót? Sẽ có một cuộc thanh tẩy rất lớn để thanh lọc thế giới này. Nhân loại đã rời xa Thiên Chúa và đã xúc phạm nặng nề đến Ngài. Vậy các tín hữu của Chúa sẽ ra sao? Liệu họ có phải chịu sự thống khổ như những người khác không?
11 Tháng Tư 20242:08 CH(Xem: 54)
Nguồn: Spiritdaily.com Thị Nhân Estela Ruiz kể tiếp về các thông điệp mà Đức Mẹ Maria ban cho bà...

LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY THỨ BẢY TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN SỐNG LỜI CHÚA Bài đọc : Bài đọc 1 : Ep 4,7-16

24 Tháng Mười 20206:25 SA(Xem: 748)

gieuLỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY

THỨ BẢY TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

SỐNG LỜI CHÚA

Bài đọc :

Bài đọc 1 : Ep 4,7-16

Đức Ki-tô là Đầu. Chính Người làm cho toàn thân lớn lên.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

7 Thưa anh em, mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Ki-tô ban cho. 8 Vì thế, có lời Kinh Thánh nói : Người đã lên cao, dẫn theo một đám tù ; Người đã ban ân huệ cho loài người.


9 Người đã lên nghĩa là gì, nếu không phải là Người đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất ? 10 Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn. 11 Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. 12 Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô, 13 cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô.


14 Như vậy, chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường. 15 Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là Đầu. 16 Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái.


Đáp ca : Tv 121,1-2.3-4a.4b-5 (Đ. x. c.1)


Đ. Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa.

1Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi :
“Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa !”
Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi,
2cửa nội thành, ta đã dừng chân.


Đ. Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa.

3Giê-ru-sa-lem khác nào đô thị
được xây nên một khối vẹn toàn.
4aTừng chi tộc, chi tộc của Chúa,
trẩy hội lên đền ở nơi đây.


Đ. Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa.

4bĐể danh Chúa, họ cùng xưng tụng,
như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en.
5Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử,
ngai vàng của vương triều Đa-vít.


Đ. Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa.

Tung hô Tin Mừng : Ed 33,11

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đức Chúa phán : Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống. Ha-lê-lui-a.

TIN MỪNG : Lc 13,1-9

Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.


1 Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. 2 Đức Giê-su đáp lại rằng : “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao ? 3 Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao ? 5 Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này : “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7 nên bảo người làm vườn : ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất ?’ 8 Nhưng người làm vườn đáp : ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. 9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi’.”

SUY NIỆM-HOÁN CẢI NGAY

Thánh Têrêsa Lisieux nghe biết Pranzini sẽ bị tử hình vì đã giết ba mạng người, nên ngài đã cầu nguyện để anh được ơn hoán cải trước khi chết. Trước khi án tử được thi hành, Pranzini vẫn không chịu xưng tội. Lên đoạn đầu đài, chuẩn bị giơ đầu cho máy chém, bỗng nhiên, anh quay lại cầm lấy cây Thánh Giá do một linh mục đang giơ lên. Anh hôn ba lần những vết thương thánh.

Đức Giêsu đã bác bỏ lối suy nghĩ sai lầm của người Do Thái rằng những người bị bệnh tật, hay bị tại nạn là những người có nhiều tội lỗi. Những biến cố xảy đến với người này, với người kia, hay với chính ta, đều như một lời cảnh báo mọi người: Hãy nhìn lại bản thân, để nhận ra lầm lỗi và mau chóng hoán cải.

Thiên Chúa luôn cho chúng ta thời gian để hoán cải. Chúng ta có thêm một ngày sống nghĩa là được thêm một cơ hội để hoán cải.

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa, xin cho mọi người luôn được ơn hoán cải theo thánh ý Chúa. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

ĐTC Phanxicô: Nói yêu Chúa nhưng lại thù ghét tha nhân là vô thần thực hành

Các Thánh vịnh nhắc chúng ta rằng lời cầu nguyện phải bao trùm mọi khía cạnh của cuộc sống của chúng ta trên thế giới này. Đôi khi, lời cầu nguyện bắt đầu trong nhà thờ của chúng ta nhưng sau đó dẫn chúng ta đến việc phục vụ người khác trên các con đường của thành phố. Đôi khi lời cầu nguyện bắt nguồn từ công việc hàng ngày của chúng ta, và sau đó được hoàn thành trong phụng vụ của Giáo Hội. Các Thánh vịnh dạy chúng ta cầu nguyện cho chính mình và cho cả ơn cứu độ của tha nhân và thế giới.

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 21/10, tiếp tục nói về việc cầu nguyện trong sách Thánh vịnh. Trong sách Thánh vịnh, cầu nguyện là điều thiết yếu của một đời sống tốt lành và thật sự nhân bản. Các Thánh vịnh hướng dẫn chúng ta bước đi theo thánh ý Chúa và dạy chúng ta tránh những cạm bẫy của sự ác. Lời cầu nguyện thật sự giúp chúng ta, ngay cả trong những lúc khốn cùng, có thể nhìn thấy thực tại bằng đôi mắt của Thiên Chúa và nhìn anh chị em của chúng ta với lòng trắc ẩn và tôn trọng.

Mở đầu bài giáo lý Đức Thánh Cha lưu ý rằng trong sách Thánh vịnh có một nhân vật tiêu cực, là “kẻ gian ác”, người sống như thể không có Thiên Chúa. Đó là người không hề nghĩ đến cõi siêu việt, không kiềm chế sự kiêu ngạo của mình, người không sợ những phán xét về những gì mình nghĩ và những gì mình làm.

Cầu nguyện là sự cứu rỗi của con người

Ngược với thái độ của kẻ gian ác, sách Thánh Vịnh trình bày việc cầu nguyện thật sự như một thực tế cơ bản của cuộc sống. Đức Thánh Cha giải thích: Việc quy chiếu đến tuyệt đối và siêu việt – điều mà các bậc thầy tu đức gọi là “sự kính sợ thánh thiêng đối với Thiên Chúa” - là điều khiến chúng ta hoàn toàn là con người, là giới hạn cứu chúng ta khỏi chính mình, bằng cách ngăn cản chúng ta lao vào cuộc sống này theo cách săn mồi và phàm ăn. Cầu nguyện là sự cứu rỗi của con người.

Kiểu cầu nguyện giả dối: muốn được người khác ngưỡng mộ

Nhưng Đức Thánh Cha nhận định rằng cũng có một cách cầu nguyện giả dối, cách cầu nguyện được thực hiện chỉ để được người khác ngưỡng mộ. Có những người đi dự Thánh lễ chỉ để chứng tỏ rằng họ là người Công giáo hoặc để khoe mốt mới nhất mà họ đã mua, hoặc để làm một nhân vật xã hội tốt. Họ cầu nguyện giả dối. Chúa Giêsu đã khiển trách nặng nề về điều này (x. Mt 6, 5-6; Lc 9,14). Nhưng khi tinh thần cầu nguyện thực sự được đón nhận cách chân thành và đi vào trái tim, thì nó khiến chúng ta chiêm ngưỡng thực tại bằng chính đôi mắt của Thiên Chúa.

Khi cầu nguyện, các anh chị em trở nên quan trọng

Theo Đức Thánh Cha, khi chúng ta cầu nguyện như thế, mọi điều đều đạt đến “chiều sâu”, như thể Thiên Chúa cầm lấy nó và biến đổi nó. Việc phụng tự tồi tệ nhất mà chúng ta có thể dâng cho Chúa và cho cả con người, là cầu nguyện cách mệt mỏi, theo thói quen. Cầu nguyện như vẹt. Không. Xin hãy cầu nguyện bằng trái tim. Cầu nguyện là trung tâm của cuộc sống. Nếu có cầu nguyện, thì ngay cả một người anh em, một người chị em, thậm chí là kẻ thù, cũng trở nên quan trọng. (Evagrius Ponticus, Luận về Cầu nguyện, n.123). Ai thờ phượng Thiên Chúa thì yêu thương con cái của Người. Ai tôn kính Thiên Chúa thì tôn trọng con người.

Cầu nguyện không phải là liều thuốc an thần

Đức Thánh Cha nói tiếp: Và vì vậy, cầu nguyện không phải là liều thuốc an thần để xoa dịu những lo lắng trong cuộc sống; kiểu cầu nguyện này chắc chắn không phải là của Ki-tô giáo. Đúng hơn, cầu nguyện làm cho con người có trách nhiệm. Chúng ta thấy rõ điều này trong “Kinh lạy Cha” mà Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ của Người.

Để học cách cầu nguyện theo cách này, sách Thánh vịnh là một trường học tuyệt vời. Chúng ta đã thấy cách các Thánh vịnh không luôn luôn sử dụng ngôn ngữ tinh tế và nhẹ nhàng, và cách chúng thường bày tỏ những vết sẹo của cuộc sống. Tuy nhiên, tất cả những lời cầu nguyện này lần đầu tiên được sử dụng trong Đền thờ, và sau đó là trong các hội đường; ngay cả những lời cầu nguyện sâu kín và cá nhân nhất. Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo diễn đạt như thế này: “Nhiều hình thức cầu nguyện của sách Thánh Vịnh hình thành cả trong phụng vụ Đền thờ và trong tâm hồn con người” (n. 2588).

Lời cầu nguyện xuất phát từ bóng giáo đường, đến các đường phố

Theo cách này, Đức Thánh Cha khẳng định: lời cầu nguyện cá nhân xuất phát từ và được nuôi dưỡng trước hết bằng lời cầu nguyện của dân Israel, sau đó là lời cầu nguyện của Giáo hội. Ngay cả những Thánh vịnh ở ngôi thứ nhất số ít, bày tỏ những suy tư và vấn đề sâu kín nhất của một cá nhân, cũng là một gia sản tập thể, đến mức chúng được mọi người cầu nguyện và cầu nguyện cho mọi người.

Lời cầu nguyện của Ki-tô hữu có “hơi thở” này, “sự căng thẳng” tâm linh này liên kết đền thờ và thế giới lại với nhau. Lời cầu nguyện có thể bắt đầu trong bóng tối của nhà thờ, nhưng sẽ kết thúc trên đường phố thành phố. Và ngược lại, nó có thể nảy sinh trong các hoạt động hàng ngày và đạt đến sự hoàn thiện trong phụng vụ. Cửa nhà thờ không phải là rào cản, mà là các “màng” thấm nước, sẵn sàng đón nhận tiếng kêu than của mọi người.

Cầu nguyện cho người nghèo

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Thế giới luôn hiện diện trong lời cầu nguyện được tìm thấy trong sách Thánh vịnh. Ví dụ, các Thánh vịnh nói lên lời hứa cứu độ của Thiên Chúa dành cho những người yếu đuối nhất: “Chúa phán rằng: ‘Trước cảnh người nghèo bị áp bức, kẻ khốn cùng rên siết thở than, giờ đây Ta đứng dậy, ban ơn giải thoát cho kẻ mong chờ.” (12,6). Hoặc các Thánh vịnh cảnh báo về nguy hiểm của sự giàu sang thế gian bởi vì “Dù sống trong danh vọng, con người cũng không hiểu biết gì; thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết.” (49,21). Hoặc chúng cho thấy cái nhìn của Thiên Chúa về lịch sử: “Chúa đảo lộn chương trình muôn nước, Người phá tan ý định chư dân. Chương trình Chúa ngàn năm bền vững, ý định của lòng Người vạn kiếp trường tồn” (33, 10-11).

Không thể cầu nguyện với Thiên Chúa mà không yêu thương anh em

Đức Thánh Cha kết luận: Tóm lại, ở đâu có Thượng đế, thì con người cũng phải ở đó. Sách Thánh phân loại: “Chúng ta yêu thương, vì Người đã yêu chúng ta trước. Nếu ai nói, ‘Tôi yêu Chúa,’ và ghét anh em mình, thì người đó là kẻ nói dối; vì ai không yêu anh em người mình nhìn thấy, thì không thể yêu Thiên Chúa là Đấng họ không nhìn thấy. “Nếu bạn đọc nhiều kinh Mân Côi mỗi ngày nhưng lại nói xấu người khác, lại mang lòng giận dữ, thù ghét người khác, thì đây là giả dối, không phải là chân lý.” Và chúng tôi nhận điều răn này từ Người, đó là ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng phải yêu thương anh em mình” (1Ga 4, 19-21).

Vô thần thực hành: Không nhận ra tha nhân là hình ảnh Thiên Chúa

Kinh Thánh nhìn nhận trường hợp một người dù thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng không bao giờ gặp được Người; Kinh Thánh cũng khẳng định rằng không bao giờ được chối bỏ nước mắt của người nghèo, nếu không sẽ không gặp được Thiên Chúa. Thiên Chúa không ủng hộ chủ nghĩa “vô thần” của những người phủ nhận hình ảnh Thiên Chúa đã in sâu trong mỗi con người. Thái độ vô thần đó có ở mọi thời đại: tôi tin Thiên Chúa nhưng tôi xa lánh tha nhân và tôi cho phép mình thù ghét người khác. Đây là vô thần thực hành. Không nhận ra con người là hình ảnh Thiên Chúa thì đó là một sự phạm thánh, một sự ô uế, một hành vi xúc phạm tồi tệ nhất mà người ta có thể làm đối với đền thờ và bàn thờ.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha cầu chúc rằng lời cầu nguyện trong các Thánh vịnh giúp chúng ta không rơi vào sự cám dỗ của “kẻ gian ác”, nghĩa là sống, và có lẽ cầu nguyện, như thể Thiên Chúa không hiện hữu, và như thể người nghèo không tồn tại.

Hồng Thủy - Vatican News