18 Tháng Tư 20243:58 CH(Xem: 8)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Sr. Emmanuel viết: Có một phụ nữ gõ cửa nhà tôi. Trông cô ấy thật là quá đau khổ, xuống sắc và thiểu não. Đôi mắt, đôi má và cái miệng của cô trông rất là buồn thảm và héo hắt. Cô bắt đầu kể lể về mọi nỗi thống khổ của mình.
17 Tháng Tư 20249:07 CH(Xem: 22)
https://luisapiccarreta.com/other-category/cristina-montella-sister-rita-of-the-holy-spirit-the-little-girl-of-padre-pio/ 1. Thời thơ ấu Nữ tu Cristina Montella được sinh ra tại vùng Cercola (Naples) vào ngày 3/4/1920. Khi cô bé được 2 tuổi, cô đang ở chơi nhà một người cô thì nhìn thấy một bức hình của Thánh Gerard Majella,
17 Tháng Tư 20244:44 CH(Xem: 23)
Đức Mẹ Guadalupe hiện ra ở Tepeyac, Mexico City, nước Mễ Tây Cơ từ ngày 9/12/1531 đến ngày 12/12/1531 và chữa lành rất nhiều người, dù rằng người ta đã chết nhưng vẫn được Mẹ cho sống lại.
17 Tháng Tư 20241:58 CH(Xem: 21)
Tồi vừa được xem một video clip tiếng Anh ngắn. Cậu bé chừng 6 tuổi mơ thấy mình lên Thiên Đàng. Sáng hôm sau, cậu kể câu chyện mẹ mình: -Mẹ ơi, con gặp một người chị của con ở Thiên Đàng. -Ủa, con chỉ có một người chị ở đây thôi mà.
13 Tháng Tư 20249:23 CH(Xem: 56)
Cảm nghiệm của một thanh niên làm nghề taxi: Con gặp khó khăn trong việc làm nên con quyết định làm nghề tài xế taxi.
13 Tháng Tư 20248:37 CH(Xem: 55)
“Thầy đây. Đừng sợ!” Trong tác phẩm “When All Hell Breaks Loose,” tạm dịch, “Khi Tất Cả Đổ Vỡ,” Steven J. Lawson viết, “Có thể bạn đang ở trong một cơn bão. Chúa có mục đích khi dẫn bạn vào đó. Ngài thừa sức bảo vệ bạn qua cơn bão; và Ngài có một kế hoạch, để cuối cùng, dẫn bạn ra khỏi đó. Hãy hướng mắt về Ngài!” Kính thưa Anh Chị em, “Hãy hướng mắt về Ngài!”
13 Tháng Tư 20248:26 CH(Xem: 54)
Nguồn: Spiritdaily.com 1. Có một câu chuyện kể rằng một vị chỉ huy vào cuối ngày, ông nhìn thấy mặt trời lặn trước khi ông ta có thể chiến thắng nơi chiến trường. Ông ta bèn quỳ xuống cầu nguyện với Đức Mẹ Maria để cầu xin Mẹ ngừng mặt trời lặn trong ngày hôm ấy lại để ông và quân đội của ông có thể chiến thắng. Thế là mặt trời bỗng dưng đứng lại...
12 Tháng Tư 20249:28 CH(Xem: 64)
Nguồn: Spiritdaily.com và Forums of the Virgin Mary Đức Mẹ Maria đã từng can thiệp và thay đổi tình hình thế giới và tình hình giáo hội trong 500 năm trở lại đây. Thế giới luôn chiến đấu để chống nạn đói khát và bịnh tật. Những người Hồi Giáo đã chiếm đóng nước Tây Ban Nha trong nhiều thế kỷ. Họ cũng đã từng kiểm soát vùng Đất Thánh.
12 Tháng Tư 20249:57 SA(Xem: 53)
Nguồn: Spiritdaily.com Những nơi trú ẩn ở đâu khi có cơn thử thách lớn? Đâu là những nơi trú ẩn dành cho những người còn sống sót? Sẽ có một cuộc thanh tẩy rất lớn để thanh lọc thế giới này. Nhân loại đã rời xa Thiên Chúa và đã xúc phạm nặng nề đến Ngài. Vậy các tín hữu của Chúa sẽ ra sao? Liệu họ có phải chịu sự thống khổ như những người khác không?
11 Tháng Tư 20242:08 CH(Xem: 54)
Nguồn: Spiritdaily.com Thị Nhân Estela Ruiz kể tiếp về các thông điệp mà Đức Mẹ Maria ban cho bà...

LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN, NĂM A SỐNG LỜI CHÚA TIN MỪNG : Mt 5,13-16

09 Tháng Hai 20205:09 CH(Xem: 1587)

CHALICELỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN, NĂM A
SỐNG LỜI CHÚA
TIN MỪNG : Mt 5,13-16

Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.

“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”

SUY NIỆM-PHẨM GIÁ KITÔ HỮU

Khi ngỏ lời với một cộng đoàn những người được thanh tẩy vào dịp lễ Giáng sinh, thánh Lêô Cả (+461) đã nói: “Hỡi người Kitô hữu, hãy nhận ra phẩm giá của mình.”


Sau khi công bố các mối phúc, Đức Giêsu nói tiếp: “Chính anh em là muối cho đời”, “chính anh em là ánh sáng cho trần gian”. Những lời này được ngỏ với đám đông đang lắng nghe Người, nhưng đồng thời qua họ, đó cũng là lời ngỏ với các Kitô hữu khắp mọi nơi, mọi thời.


Điều này có nghĩa là gì? Muối cho đời, ánh sáng cho trần gian… Ngoài ý nghĩa theo bình diện tự nhiên, những vật thể này còn có ý nghĩa sâu xa theo Kinh Thánh. Muối được coi là dấu chỉ của giao ước nên được rải trên mọi lễ vật dâng lên Thiên Chúa, và được con người thời xưa gán cho vai trò làm phì nhiêu. Về ánh sáng, tại Israel, nó biểu trưng cho mặc khải cứu thế vượt thắng mọi bóng tối nơi dân ngoại. Vì thế, người Kitô hữu, là dân Israel mới, nhận lãnh sứ mạng trước mặt thế giới: nhờ đức tin và tình yêu, họ thúc đẩy và làm phong phú nhân loại.


Quả thật, cả muối lẫn ánh sáng không được tạo nên vì chính chúng. Người ta không chỉ ăn riêng muối, và cũng không nhìn thẳng vào mặt trời. Muối để thêm vào các món ăn như một thứ gia vị. Ánh sáng để làm nổi lên những sắc màu. Cũng thế, người môn đệ Đức Kitô không sống cho riêng mình, nhưng sống vì người khác. Điều chúng ta đã lãnh nhận là để trao tặng. Phải gạt bỏ lối sống cho riêng bản thân, phải ra khỏi mình để trở thành mọi sự cho người khác.


Là muối hay ánh sáng có nghĩa là chúng ta không sống cho riêng mình, nhưng là sống để phục vụ người khác. Ở một chỗ khác trong Tin Mừng, Đức Giêsu nói về nắm men (Lc 13,21) cũng theo một ý tưởng như thế. Như Đức Kitô đã ra khỏi Chúa Cha để làm cho toàn thế giới dậy men (chỗi dậy), người Kitô hữu cũng phải ra khỏi chính mình để phục vụ thế giới, để loan báo Tin Mừng. Đó chính là sứ mạng, là phẩm giá Kitô hữu.

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)


LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa, xin dùng con như khí cụ bình an và yêu mến của Chúa, để con luôn cố gắng dùng lời nói và hành động nhằm góp phần canh tân người khác và thế giới, như sứ mệnh Chúa đã trao cho con. Amen.


TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

Đức tin là ánh sáng hay là đêm tối?

Thông điệp của đức thánh cha ban hành trong Năm Đức tin (2013) mang tựa đề là “Anh sáng đức tin” (Lumen fidei). Nhưng thánh Gioan Thánh Giá cũng nói đến “đêm tối đức tin”. Như vậy, đức tin là ánh sáng hay là đêm tối?


Đức tin là một thực trạng đa diện, có thể nhìn từ nhiều góc cạnh. Có thể nhìn từ phía Thiên Chúa hay từ phía con người; về phía con người thì cũng có thể nhìn từ phía lý trí hay từ phía ý chí. Chính vì vậy mà thần học dùng nhiều thuật ngữ khác nhau, mỗi thuật ngữ muốn diễn tả một khía cạnh nào đó. Chẳng hạn như mỗi ngày trong Thánh lễ, chúng ta nghe công bố “đây là mầu nhiệm đức tin”, và chúng ta liên tưởng đến điều gì mà mắt không thể nhìn thấy, giác quan không thể cảm nghiệm, nhưng chúng ta chấp nhận vì dựa vào lời của Chúa. Như vậy ở đây “đức tin” được nhìn từ phía con người, như là một hành vi của lý trí và ý chí, chấp nhận một điều vượt qua tầm khả năng tri thức tự nhiên. Còn khi nói đến “ánh sáng đức tin” thì lại hiểu cách khác, nghĩa là nhìn từ phía Thiên Chúa: Ngài ban ánh sáng để chúng ta nhìn các sự vật dưới một viễn tượng mới. Có thể nói được rằng đây là khía cạnh mà thông điệp Lumen fidei muốn đề cập; dĩ nhiên đó chỉ là một khía cạnh chứ không phải là tất cả.


Cụm từ “ánh sáng đức tin” là do Đức thánh cha đặt ra hay sao?


Không phải. Cụm từ này đã có từ lâu rồi, bắt nguồn từ Kinh thánh, và đã được các nhà thần học sử dụng với nhiều nghĩa khác nhau. Chúng ta hãy lấy vài bản văn Tân ước, và cụ thể hơn nữa, chúng ta khởi đi từ Đức Kitô. Ngay từ tự ngôn, thánh Gioan đã giới thiệu Đức Kitô như là ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người (Ga 1,9), “ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối không diệt được ánh sáng” (Ga 1,5). Sang chương 3, trong cuộc đàm đạo với ông Nicođêmô, tác giả cho chúng ta một khái niệm về sự đối chọi ấy khi liên kết sự sáng với chân lý: “Anh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3,19-21).


Đề tài này được khai triển hơn nữa ở chương 7, câu 12, với lời mặc khải của chính Đức Giêsu: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ được nhận ánh sáng đem lại sự sống”. Đức Giesu được gọi là “ánh sáng” vì ngài mạc khải cho chúng ta sự thật về Thiên Chúa và về con người. Thánh Luca cũng nói đến đề tài này ngay từ những chương đầu, qua các bài thánh thi được sử dụng mỗi ngày vào Kinh Sáng và Kinh Tối, khi đức Kitô được chúc tụng như là “Vầng Đông từ chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần” hoặc như là “ánh sáng soi đường cho dân ngoại (lumen gentium), vinh quang của Israel Dân Ngài”.

Từ chỗ tuyên xưng Đức Giêsu là ánh sáng, các tác giả Tân ước tiến thêm một bước nữa, đó là tuyên bố rằng những ai đón nhận Đức Giêsu thì sẽ nhận được ánh sáng; và dĩ nhiên việc đón nhận này được biểu lộ qua đức tin. Như vậy, ta thấy sự chuyển ý nghĩa: từ chỗ ánh sáng theo nghĩa khách thể và phổ quát là Đức Giê-su, đến chỗ ánh sáng hiểu như sự soi sáng được Chúa ban riêng cho mỗi người để nhìn nhận Đức Giêsu như là Đấng thiên sai và Con Thiên Chúa. Chúng ta có thể lấy vài đoạn văn tiêu biểu, chẳng hạn trong tin mừng Matthêu, chương 11,25; chương 16,17 (lời của Đức Giêsu nói với ông Simon Phêrô); Cv 16,14; 2Cr 4,4-6; Ep 1,17; 3,17-19.

Dựa theo những tư tưởng ấy, các nhà thần học thời Trung cổ như thánh Tôma Aquinô đã nói đến một ân ban đặc biệt của Thiên Chúa ban cho người để có thể chấp nhận đức tin, được đặt tên là “ánh sáng đức tin”.

Chức năng của ánh sáng đức tin là gì?


Chúng ta có thể kể ra hai chức năng chính: thứ nhất là giúp cho lý trí chấp nhận những chân lý vượt quá tầm hiểu biết tự nhiên; thứ hai, giúp cho lý trí nhìn các sự vật dưới một nhãn giới mới. Vai trò thứ nhất dựa trên sự phân tích bản tính lý trí. Thông thường, lý trí chỉ chấp nhận những điều thấy được rõ ràng, có chứng cớ hẳn hoi. Điều này được áp dụng cách riêng trong lãnh vực khoa học. Nhà khoa học không thể tin theo bất cứ điều gì được truyền miệng, hoặc đồn thổi. Ông ta cần kiểm chứng thực hư như thế nào. Điều gì không thể chứng minh được thì cũng không thể chấp nhận. Đây là một yêu sách của người khôn ngoan, không phải bạ đâu tin đó. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta có thể chấp nhận nhiều điều không phải vì thấy nó rõ ràng minh bạch, nhưng vì được một người có uy tín xác nhận. Điều này xảy ra hầu như thường ngày. Chẳng hạn như khi tôi đi vào một tiệm thuốc để mua thuốc theo toa của bác sĩ, thì tôi tin rằng bác sĩ là người hiểu biết công dụng của thuốc để chữa bệnh cho tôi; chứ không lẽ tôi lại đem thuốc ra để nhờ một phòng thí nghiệm phân tích lần nữa. Dĩ nhiên, sự khôn ngoan đòi hỏi tôi phải đến với ông bác sĩ chuyên môn, chứ đừng tới ông lang băm.

Trong lãnh vực đang bàn cũng vậy: có những chân lý vượt quá tầm hiểu biết của lý trí, nhưng chúng ta chấp nhận vì dựa vào uy tín của Thiên Chúa, chẳng hạn như chúng ta tin rằng trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu thực sự hiện diện, mặc dầu chúng ta chỉ thấy một tấm bánh giống như bao nhiêu tấm bánh khác. Để có chấp nhận các chân lý như vậy, chúng ta cần đến ơn thánh của Chúa, tăng cường sức mạnh của lý trí và ý chí: ơn đó được gọi là “ánh sáng đức tin”. Điều này áp dụng ngay đối với một chân lý đức tin sơ khởi nhất là Thiên Chúa hiện hữu: chúng ta không thấy Thiên Chúa đâu cả! Nhờ có ánh sáng đức tin, chúng ta mới nhận ra sự hiện hữu của ngài. Chức năng thứ hai là nhờ có đức tin, chúng ta nhận được một ánh sáng mới, nhờ đó chúng ta nhận ra sự thật về các thực tại chung quanh ta. Nói cách khác, đức tin giúp chúng ta đánh giá mọi sự vật theo cái nhìn của Chúa, chứ không như cái nhìn thiển cận của ta. Người ta nói rằng đó là nhìn mọi vật với “cặp mắt đức tin”.

Chẳng hạn như tất cả chúng ta đều ham tiền, bởi vì ai cũng cần có tiền thì mới có thể kiếm những điều cần thiết để sống. Tuy nhiên, chúng ta dễ rơi vào cảnh tôn sùng tiền bạc đến nỗi coi đó là cứu cánh của cuộc đời. Đức tin dạy cho ta biết ý nghĩa đích thực của tiền bạc: chúng chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Đức tin được ví như ánh sáng vì chúng vạch cho ta thấy ý nghĩa và giá trị đích thực của mọi sự trên đời này, và quan trọng hơn cả là đức tin soi sáng cho chúng ta về chính ý nghĩa của cuộc đời: ta sống để làm gì? Chết rồi đi đâu? Đức tin cũng soi sáng cho chúng ta biết ý nghĩa của đau khổ, của hy sinh, những điều mà bản tính chúng ta muốn tránh né.

Nếu đức tin là ánh sáng cho ta thấy bộ mặt thật của cuộc sống, thì tại sao lại có người nói đến “đêm tối đức tin”?

Tuy Kinh thánh không nói đến “đêm tối đức tin” nhưng phần nào cũng cung cấp dữ liệu để tạo ra cụm từ ấy. Trong thư thứ nhất gửi Corintô, chương 13, thánh Phaolô viết: “bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt”. Thánh Tông đồ so sánh tình trạng cảm nghiệm thần linh hiện nay của chúng ta. Tuy hiện thời, chúng ta đã có cảm nhận về Thiên Chúa nhờ đức tin và đức mến, nhưng đó mới chỉ là tia sáng lờ mờ sánh với điều chúng ta còn ước mơ, đó là được nhìn thấy Chúa nhãn tiền, chứ không chỉ là nghe thấy tiếng Chúa nói mà thôi. Lúc ấy mới thực là ánh sáng rực rỡ. Và trong thư gửi người Do thái, chương 11, tác giả nhiều lần mô tả thực trạng của đức tin như là xác tín những điều không thấy, nắm chắc những điều thuộc tương lai. Đức tin được ví như một cuộc lữ hành, mà ông Abraham là một nhân vật điển hình: ông được Chúa hứa sẽ dành cho ông một tương lai huy hoàng, nhưng ông không biết chừng nào lời hứa sẽ thành tựu, và bằng cách thức nào. Thế nhưng ông cứ nhắm mắt ra đi, phó thác đời mình trong tay Chúa.

Bởi vì nhắm mắt phó thác, cho nên đức tin được ví là đêm tối phải không?

Một phần nào đúng như vậy. Tuy nhiên thuật ngữ “đêm tối đức tin” có thể hiểu theo hai nghĩa chính: thứ nhất, lý trí con người vẫn còn chiều theo khuynh hướng lập luận tự nhiên của mình, cho nên dễ có cảm tưởng rằng đức tin dạy điều phi lý, hay nói theo thánh Phaolô là “điên rồ của thập giá”, chẳng hạn như: tại sao Thiên Chúa nhân lành lại để cho người hiền phải gặp hoạn nạn, đang khi kẻ bất lương cứ lộng hành? Điều này khiến ta đặt ra câu hỏi: thế thì Chúa ở đâu rồi? Ra như Thiên Chúa vắng mặt. Và từ đó, con người dễ buông xuôi, sống dường như không có Chúa trên đời này. Đây là thử thách của tất cả mọi tín hữu.

Nghĩa thứ hai, được thánh Gioan Thánh giá hiểu cách riêng cho những cuộc thanh luyện linh hồn trong tiến trình trọn lành. Linh hồn bị tước đoạt những an ủi, cảm thấy khô khan khi cầu nguyện. Linh hồn trải qua cảm nghiệm giống như Đức Giêsu trong vườn Cây dầu, và thậm chí ra như bị Thiên Chúa bỏ rơi trên thập giá. Linh hồn trải qua một đêm tối, như một hầm âm u không lối thoát. Như vậy “đêm tối đức tin” là một ngôn ngữ đặc biệt của khoa thần bí, để phân tích cảm nghiệm của một số linh hồn trong tiến trình kết hiệp với Thiên Chúa.

Nhưng mà tôi thích hiểu theo một nghĩa đơn giản thế này. Tuy dù đức tin đã mang lại cho ta ánh sáng, nhờ vậy ta nhận ra chân lý về Thiên Chúa và vạn vật. Nhưng ánh sáng đó còn vượt xa tầm hiểu biết của chúng ta, giống như các em bé mẫu giáo mà nghe một giáo sư đại học thuyết trình. Bài học của ông thầy trở nên tối tăm khó hiểu. Dù vậy, chúng ta không bỏ cuộc, nhưng khiêm tốn xin Chúa tiếp tục dạy dỗ chúng ta cho đến khi hiểu thấu bài học, nghĩa là khi được đối diện Chúa nhãn tiền. Thánh Tôma liên kết lumen fidei với lumen gloriae: ánh sáng đức tin hiện nay chỉ mới là mào đầu cho ánh sáng rực rỡ vinh quang trên thiên đàng mai sau. Lúc ấy, chúng ta sẽ hiểu biết Thiên Chúa, hiểu biết đường lối của Ngài, hiểu biết ý nghĩa của dòng lịch sử.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

PHÚC ÂM: Mt 5, 13-16

“Các con là sự Sáng thế gian”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn sử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó.

“Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”.

Đó là lời Chúa.

Suy niệm Lời Chúa

Trong Tin Mừng thánh Mathêu hôm nay, Chúa Giêsu dùng hai hình ảnh là muối và ánh sáng để nói lên bản chất và sứ mệnh của người môn đệ trong xã hội trần thế.

Như hạt muối hòa tan, thấm nhập vào mọi thực phẩm, để giữ cho nó khỏi hư hoại và thêm đậm đà hương vị, Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ trở thành những người giữ cho xã hội khỏi hư hỏng tội lỗi, và biến đổi xã hội loài người ngày một tốt đẹp hơn theo Thánh Ý Thiên Chúa. Muốn được như thế, người kitô hữu cũng được mời gọi sống tinh thần khiêm hạ, xóa mình đi và dâng hiến chính bản thân mình để phục vụ cho đời thêm hương vị tình yêu và sức sống tươi mới.

Nhưng Chúa cũng nói rằng nếu muối mà nhạt đi, nghĩa là thứ muối bị biến chất, không còn vị mặn nữa, thì nó sẽ trở nên vô dụng. Người Kitô hữu cũng vậy, một khi không giữ được bản chất đức tin, và thể hiện ra bằng những việc bác ái yêu thương, làm cho cuộc sống thêm đậm đà hương vị của tình Chúa và tình người, thì chắc chắn không còn ích gì cho mình và cho người khác nữa.

"Các con là ánh sáng cho trần gian” Xem ra sứ mạng của người môn đệ thật lớn lao; vì chỉ có Thiên Chúa là Ánh sáng thật, và Đức Kitô là Ánh sáng đã đến thế gian. Người kitô hữu phải tiếp nhận nguồn sáng thật là chính Thiên Chúa hầu có thể phản chiếu ánh sáng cho mọi người. Với sứ mạng là ánh sáng, sự hiện diện của Kitô hữu sẽ đẩy lui bóng tối.

Cuộc đời này có biết bao mảng tối tăm của nghèo đói, ngu dốt, bệnh tật, tệ nạn xã hội, chiến tranh, hận thù, giả dối… cần ánh sáng thật của Kitô hữu giúp đỡ để nhận diện, để có định hướng và có những bước đi, những hành động tích cực để đỡ nâng, để chữa lành nhằm đẩy lui và tiêu diệt bóng tối. Sứ mạng là ánh sáng của người Kitô hữu là tất yếu, là bản chất không thể thiếu của người môn đệ Đức Kitô.

Lạy Chúa Giê Su, xin cho mỗi người chúng con giữ được bản chất của mình như là muối luôn đầy chất mặn, như là cây đèn luôn cháy sáng rực và được đặt lên giá cao để soi sáng mọi thể vật trên thế gian này. Xin cho chúng con sống tinh thần Tám Mối Phúc Thật trọn vẹn để làm cho những giá trị Tin Mừng được thấm nhập vào môi trường xã hội chúng con đang sống. Amen.