Chữa người câm điếc(09.09.2018 – Chúa Nhật XXIII Thường Niên năm B)Lời Chúa: Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7, 31-37Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô31 Khi ấy, Đức Giê-su bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. 32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. 33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. 34 Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói : Ép-pha-tha, nghĩa là : hãy mở ra ! 35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. 36 Đức Giê-su cấm họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, họ càng đồn ra. 37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói : “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả : ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”
Chữa người câm điếc
Người có miệng mà không thể nói, có tai mà chẳng thể nghe chi thật khổ và bức bí trong cuộc sống. Có cô bé kia bị câm điếc đến nhà tôi, chúng tôi thăm hỏi và sẻ chia với nhau thật khó, cứ phải tìm cách minh họa bằng cử chỉ khua chân múa tay. Em hỏi thăm sức khỏe, tôi ra hiệu mình hay bị ngã, em dùng tay ra hiệu như bưng chén cơm lên miệng rồi và lấy và để. Mãi tôi mới tự dịch ra là tôi phải gắng ăn nhiều cho khỏe kẻo bị ngã. Cũng vì điếc, nên lần kia em đạp xe qua đường xe lửa, vì không nghe tiếng còi báo, nên em bị tai nạn xe lửa và chết thảm… Giá như em không bị câm điếc thì đâu đến nỗi?…
Trong Tin Mừng hôm nay, Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. Anh như bị cách biệt giữa những người thân, bị cắt mất phương thế giao tiếp với tha nhân, vì lưỡi thì bị buộc lại, tai thì không nghe và hiểu được chuyện gì, thật khó để diễn tả tâm tư ý muốn của mình. Còn gì là niềm vui trong cuộc đời anh? Bệnh câm điếc về thể lý đã khổ cực như vậy, nhưng nếu bị câm điếc tâm linh thì sẽ ra sao đây? “Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao?” (Mc 8,18). Có tai mà không muốn nghe Lời thì như điếc, sống tự do buông thả, “điếc không sợ súng” mà! Có tai mà chỉ để nghe những ồn ào huyên náo thế trần lấn át, đủ thứ âm thanh tạp nham, không còn phân biệt chuyện hay dở, tốt xấu, bưng tai trước lời chỉ giáo, có khi coi điếc kiểu này lại thấy an thân. Miệng thì không biết ca ngợi Chúa, không can đảm bênh vực, nói lên sự thật thì không chỉ ngọng mà còn bị câm nữa.
Người chữa anh với phương pháp thời đó, mà ngày nay ta thấy có vẻ phiền hà, mất vệ sinh, không đơn giản như những ca khác. Nhưng kỳ diệu thay! “lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.” (Mc 7,35). Nỗi bất hạnh của anh trở thành niềm vui hạnh phúc tràn bờ, dân chúng thì hết sức kinh ngạc, nên Người càng cấm, thì họ càng loan truyền khắp nơi: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.” (Mc 7,37). Đó chính là lời Ngôn sứ Isaia đã tiên báo về Đấng Cứu Thế trong bài đọc I: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được.” (Is 35,5).
“Người kéo anh ra khỏi đám đông”, chỉ khi tôi được tách riêng ra khỏi đám đông ồn ào, đi vào cõi tĩnh lặng âm thầm trong cầu nguyện, sẽ được bàn tay Chúa đụng chạm và chữa lành những câm điếc tâm linh. Vì “không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”.
Chúa ơi! Chính Chúa là Tình Yêu, chẳng có tình yêu nào cao quý hơn Tình Yêu cao cả của Chúa, yêu cho đến cùng và chết vì yêu. Hôm nay Chúa mở tai, mở miệng cho người điếc ngọng cũng chỉ vì tình yêu thương cứu độ. Ngày nay Tình Yêu Chúa vẫn thể hiện nơi phố chợ, nương đồng, xưởng thợ, trong gia đình chúng con. Ước gì con tim của chúng con luôn rung lên những nhịp đập của yêu thương và cảm thông, để mở ra mà trao ban, nâng đỡ, sẻ chia, cảm nhận và làm nên những phép lạ của Tình Yêu Chúa.
Én Nhỏ