17 Tháng Tư 20249:07 CH(Xem: 6)
https://luisapiccarreta.com/other-category/cristina-montella-sister-rita-of-the-holy-spirit-the-little-girl-of-padre-pio/ 1. Thời thơ ấu Nữ tu Cristina Montella được sinh ra tại vùng Cercola (Naples) vào ngày 3/4/1920. Khi cô bé được 2 tuổi, cô đang ở chơi nhà một người cô thì nhìn thấy một bức hình của Thánh Gerard Majella,
17 Tháng Tư 20244:44 CH(Xem: 9)
Đức Mẹ Guadalupe hiện ra ở Tepeyac, Mexico City, nước Mễ Tây Cơ từ ngày 9/12/1531 đến ngày 12/12/1531 và chữa lành rất nhiều người, dù rằng người ta đã chết nhưng vẫn được Mẹ cho sống lại.
17 Tháng Tư 20241:58 CH(Xem: 8)
Tồi vừa được xem một video clip tiếng Anh ngắn. Cậu bé chừng 6 tuổi mơ thấy mình lên Thiên Đàng. Sáng hôm sau, cậu kể câu chyện mẹ mình: -Mẹ ơi, con gặp một người chị của con ở Thiên Đàng. -Ủa, con chỉ có một người chị ở đây thôi mà.
13 Tháng Tư 20249:23 CH(Xem: 55)
Cảm nghiệm của một thanh niên làm nghề taxi: Con gặp khó khăn trong việc làm nên con quyết định làm nghề tài xế taxi.
13 Tháng Tư 20248:37 CH(Xem: 54)
“Thầy đây. Đừng sợ!” Trong tác phẩm “When All Hell Breaks Loose,” tạm dịch, “Khi Tất Cả Đổ Vỡ,” Steven J. Lawson viết, “Có thể bạn đang ở trong một cơn bão. Chúa có mục đích khi dẫn bạn vào đó. Ngài thừa sức bảo vệ bạn qua cơn bão; và Ngài có một kế hoạch, để cuối cùng, dẫn bạn ra khỏi đó. Hãy hướng mắt về Ngài!” Kính thưa Anh Chị em, “Hãy hướng mắt về Ngài!”
13 Tháng Tư 20248:26 CH(Xem: 50)
Nguồn: Spiritdaily.com 1. Có một câu chuyện kể rằng một vị chỉ huy vào cuối ngày, ông nhìn thấy mặt trời lặn trước khi ông ta có thể chiến thắng nơi chiến trường. Ông ta bèn quỳ xuống cầu nguyện với Đức Mẹ Maria để cầu xin Mẹ ngừng mặt trời lặn trong ngày hôm ấy lại để ông và quân đội của ông có thể chiến thắng. Thế là mặt trời bỗng dưng đứng lại...
12 Tháng Tư 20249:28 CH(Xem: 64)
Nguồn: Spiritdaily.com và Forums of the Virgin Mary Đức Mẹ Maria đã từng can thiệp và thay đổi tình hình thế giới và tình hình giáo hội trong 500 năm trở lại đây. Thế giới luôn chiến đấu để chống nạn đói khát và bịnh tật. Những người Hồi Giáo đã chiếm đóng nước Tây Ban Nha trong nhiều thế kỷ. Họ cũng đã từng kiểm soát vùng Đất Thánh.
12 Tháng Tư 20249:57 SA(Xem: 53)
Nguồn: Spiritdaily.com Những nơi trú ẩn ở đâu khi có cơn thử thách lớn? Đâu là những nơi trú ẩn dành cho những người còn sống sót? Sẽ có một cuộc thanh tẩy rất lớn để thanh lọc thế giới này. Nhân loại đã rời xa Thiên Chúa và đã xúc phạm nặng nề đến Ngài. Vậy các tín hữu của Chúa sẽ ra sao? Liệu họ có phải chịu sự thống khổ như những người khác không?
11 Tháng Tư 20242:08 CH(Xem: 54)
Nguồn: Spiritdaily.com Thị Nhân Estela Ruiz kể tiếp về các thông điệp mà Đức Mẹ Maria ban cho bà...
11 Tháng Tư 20241:43 CH(Xem: 55)
Nguồn: Spiritdaily.com Thị Nhân Estela Ruiz đang cư ngụ tại miền Nam của thành phố Phoenix, tiểu bang Arizona và đã bắt đầu nghe và nhìn thấy Đức Mẹ vào năm 1988.

Giáo Huấn của Cha Vianney về Thánh Thể, Dennis J. Billy, CSSR

03 Tháng Tám 20177:14 SA(Xem: 3343)
xt1Giáo Huấn của Cha Vianney về Thánh Thể

Giáo huấn của cha Vianney về Thánh Thể phải được nhìn từ nhiều nhãn giới. Trước hết, ngài tin tưởng vào sự hiện diện đích thực bằng trọn vẹn tâm hồn mình: “Đức Giêsu Kitô hiện diện trong Thánh Thể bằng mình, máu, linh hồn và thần tính của Người”. Ngoài ra, tình yêu mà Đức Giêsu diễn tả cho chúng ta qua bí tích Thánh Thể xứng đáng được chúng ta đáp lại: “Người là Đấng yêu thương chúng ta rất nhiều; tại sao chúng ta không yêu mến Người để đáp lại?”

Vì thế, với tư cách là cha giải tội và linh hướng, cha Vianney nhận thấy vai trò của mình chủ yếu như người hòa giải những người khác với Thiên Chúa, sao cho họ có thể xứng đáng đón rước Thánh Thể. Ngài khuyến khích mọi người tham dự thánh lễ hằng ngày, đón rước Đức Giêsu bằng cách rước lễ thiêng liêng khi họ không thể đón rước Người qua bí tích, và cũng nên thường xuyên đến viếng Người trong bí tích Cực Thánh. Ngài cũng dạy họ cách cầu nguyện trước Thánh Thể theo một cách thức thật đơn giản, chân thành: “Mỗi khi cầu nguyện, anh chị em không cần phải nhiều lời. Trong đức tin, chúng ta tin rằng Thiên Chúa tốt lành và nhân từ đang ngự trong nhà tạm. Chúng ta cứ cởi mở tâm hồn với Người và cảm thấy hạnh phúc là Người cho phép chúng ta đến trước mặt Người. Đây là cách thức tốt nhất để cầu nguyện”.

Người ta kể câu chuyện về một nông dân đơn sơ, khi được cha xứ Ars hỏi về việc cầu nguyện trước nhà tạm, ông ấy đã đáp lại: “Con nhìn Chúa và Chúa nhìn con”. Cha Vianney khuyến khích cách nhìn chăm chú chiêm niệm như vậy trước bí tích Cực Thánh, và ngài phấn khởi khi nhận thấy việc này được một trong các giáo dân của mình thực hiện một cách rất trung thành.

Cha Vianney cũng tin rằng vô số ơn lành phát xuất từ việc dành thời gian để cầu nguyện thinh lặng trước bí tích Cực Thánh. Linh mục nào bừng cháy ngọn lửa yêu mến Đức Kitô khi chịu trách nhiệm việc mục vụ thì đều quan tâm đến việc này. Linh hồn họ được nuôi dưỡng bằng ân huệ của Chúa Thánh Thần, Đấng ban sức mạnh cho họ, để đặt lợi ích của những người khác trước lợi ích riêng của mình. Lòng tận tụy chân thành như vậy lại hiếm khi được nhận thấy. Cha Vianney tin rằng lòng tận tụy của các linh mục với Thánh Thể có tác động rất mạnh đến cuộc sống của giáo dân trong xứ. Khi họ nhìn thấy các linh mục ngồi hoặc quỳ gối trước bí tích Cực Thánh, thì chính họ thường được truyền cảm hứng, hầu dành ra một số thời gian trong ngày để viếng Thánh Thể. Vì thế, cha Vianney tin rằng một trong những cách thức quan trọng mà linh mục có thể chứng tỏ sự quan tâm mục vụ sâu xa của mình đối với tín hữu, đó là lòng yêu mến sâu xa tận tụy với sự hiện diện của Đức Giêsu trong bí tích Cực Thánh.

Tuy nhiên, đối với cha Vianney, việc cử hành hy tế Thánh Thể cũng quan trọng như việc chầu Thánh Thể. Ngài luôn luôn cử hành thánh lễ với lòng tôn kính và yêu mến sâu xa. Dành nhiều thời gian để chuẩn bị cử hành các mầu nhiệm cao cả, và sau đó, dâng lời cảm tạ về ân huệ lớn lao của Thánh Thể. Nhiều linh mục ngày nay bận rộn chuyện bên ngoài quá, cập rập đến sát giờ vội vã mặc áo ra làm lễ, không có thời gian tĩnh lặng chuẩn bị tâm hồn, sau đó cũng lại hấp tấp ra về không có giây phút tạ ơn sau thánh lễ. Toàn bộ sứ vụ của cha Vianney đều hướng tới việc cử hành thánh lễ. Đây là điều đã thổi bùng lên lòng nhiệt thành mục vụ của ngài đối với các linh hồn, và thúc đẩy ngài dành rất nhiều thời gian để giảng dạy các chân lý đức tin Công giáo, cam chịu những giờ giải tội lâu dài, chuẩn bị kỹ lưỡng để có những bài giảng thật xúc động, tác động đến tâm hồn giáo dân. Đời sống mục vụ là sự tiếp nối đời sống nội tâm của ngài, tất cả mọi khía cạnh được nói lên và thực hiện, đều hoàn toàn thuộc về Thánh Thể. Khi nhìn dưới ánh sáng này, thì lòng nhiệt thành mục vụ của cha Vianney dành cho các linh hồn liên quan mật thiết đến niềm khao khát về sự thánh thiện, vốn triệt để hướng tới lòng yêu mến sâu xa của ngài đối với Thánh Thể. Cha Vianney có khả năng trở thành một người sống cho những người khác, đầu tiên và trước hết, do chủ yếu ngài là một người sống cho Thiên Chúa. Khi đặt Thiên Chúa trước tất cả mọi việc, thì ngài hiểu rằng điều này có nghĩa là phải vác thập giá mình mỗi ngày và đi theo con đường của Chúa Giêsu.

Có thể tóm tắt giáo huấn của cha xứ Ars về Thánh Thể như sau: Bí tích Cực Thánh chứa đựng sự hiện diện đích thực của Đức Giêsu. Tự thân thánh lễ vừa là một hy tế đền bù các tội lỗi của chúng ta, vừa là một bữa tiệc cung cấp lương thực cho linh hồn chúng ta. Thánh Thể liên kết chúng ta với Đức Giêsu Kitô bằng cách gia tăng ơn thánh hóa nơi chúng ta, do đó, mang lại cho chúng ta bảo chứng về sự sống đời đời, và vun trồng nơi chúng ta hạt giống của sự sống lại vinh quang. Đây là nguồn gốc của niềm vui vĩ đại, và nên được đón nhận với tâm tình thích đáng. Vì thế, chúng ta nên biết ơn sâu xa đối với bí tích Thánh Thể, và thường xuyên đến viếng Chúa Giêsu trong nhà tạm. Chúng ta cố gắng thường xuyên tham dự thánh lễ khi có thể được, dành nhiều thời gian cả trước lẫn sau để chuẩn bị cho mình cách thích đáng, hầu xứng đáng đón nhận bí tích Thánh Thể, và cảm tạ Thiên Chúa về các ân huệ đã nhận được.

Riêng các linh mục nên đặc biệt biết ơn về phẩm giá cao cả, mà Thiên Chúa đã ban cho mình qua việc truyền chức thánh. Họ mang Đức Kitô, Chúa của sự sống, đến cho những người khác, và theo đúng nghĩa, các linh mục vừa là bà mẹ nuôi dưỡng, vừa là người cha thiêng liêng đối với tín hữu. Cha Vianney được cho là đã nói rằng: “Thiên chức linh mục là tình yêu của trái tim Đức Giêsu”. Ngài có thể hoàn toàn dễ dàng nói rằng: “Thiên chức linh mục là tình yêu của Đức Kitô Thánh Thể”.

Những Nhận Xét

Phần trình bày trên đây chỉ cung cấp những đường nét chính trong giáo huấn của cha Vianney về Thánh Thể, không nói lên toàn bộ phẩm chất và những thấu hiểu về chiều sâu của Thánh Thể. Những nhận xét sau đây tìm cách làm sáng tỏ thêm giáo huấn của ngài, và cho thấy giáo huấn này vẫn còn phù hợp đối với con người ngày nay.

1. Mở đầu, linh đạo của cha Vianney hoàn toàn mang tính Thánh Thể. Đời sống nội tâm của ngài liên kết mật thiết với mục vụ chăm sóc các linh hồn – và ngược lại. Có một sự liên tục thuộc về bản chất, giữa đời sống nội tâm và bên ngoài, cả hai đều được gắn bó với nhau nhờ Thánh Thể. Ngài tận tụy với Thánh Thể không chỉ vì Thánh Thể biểu thị phương tiện chủ yếu đối với con đường nên thánh của mình, nhưng cũng vì Thánh Thể là chủ yếu đối với sự thánh thiện của các linh hồn dưới sự chăm sóc của ngài.

Cha Vianney coi toàn bộ sứ vụ của mình như là mang Đức Kitô đến cho những người khác, và Thánh Thể là cách thức cụ thể và rõ rệt nhất để có thể thực hiện việc này. Sứ vụ của ngài, với tư cách là thầy dạy, người rao giảng và cha linh hướng, không thể tách rời khỏi đường hướng cơ bản về Thánh Thể trong cuộc đời ngài. Nếu không có Thánh Thể, chúng ta không thể hoàn toàn hiểu được nguyên nhân của lối sống khổ hạnh, và niềm khao khát sâu xa suốt đời ngài, là trở thành một linh mục tốt lành và thánh thiện.

2. Điều quan trọng cũng cần đề cập đến, đó là cha Vianney nhận thấy mối liên kết mật thiết giữa việc viếng Đức Giêsu trong bí tích Cực Thánh với việc cử hành thánh lễ. Trong khi nhận ra việc tham dự thánh lễ như cách thức chủ yếu, mà qua đó, Kitô hữu (và đặc biệt các linh mục) diễn tả chiều kích Thánh Thể trong lời cầu nguyện của mình, ngài đã xác nhận tầm quan trọng của việc tôn thờ Chúa Giêsu trước nhà tạm. Ngài không nhận thấy việc chầu trước bí tích Cực Thánh là điều gì đó trái ngược với việc cử hành thánh lễ, nhưng thực sự đưa đến một mong ước sâu xa hơn, để tham dự thánh lễ và đón rước Đức Giêsu bằng cách rước lễ sốt sắng.

Trong khi thánh lễ nhấn mạnh vào chiều kích hy tế và bữa tiệc của bí tích, thì việc tôn thờ trước nhà tạm đặc biệt nhấn mạnh vào sự hiện diện của Đức Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Cha Vianney hiểu rằng cần phải nhấn mạnh vào cả ba chiều kích đó, với sự hiểu biết thích đáng về giáo huấn công giáo. Như đã được chứng tỏ trong những năm gần đây, tình trạng thiếu lòng yêu mến thiết tha đối với sự hiện diện của Đức Giêsu trong bí tích Cực Thánh có thể dễ dàng đưa đến sự sao lãng về chiều kích rất quan trọng này của đức tin công giáo.

3. Cha Vianney cũng nhận thấy mối quan hệ đặc biệt giữa Thánh Thể và sứ vụ của mình, với tư cách là cha giải tội và cha linh hướng. Giống như một bác sĩ đối với các linh hồn, ngài hiểu rằng chữa lành linh hồn không chỉ là tha thứ, nhưng cũng là mang lại sức khỏe cho linh hồn, qua việc chăm sóc thích đáng và nuôi dưỡng về mặt thiêng liêng. Với tư cách là cha giải tội và cha linh hướng, ngài coi vai trò của mình như người dẫn dắt mọi người đến với Thánh Thể. Ngài tin rằng kinh nguyện Thánh Thể – cả trong thánh lễ lẫn khi tôn thờ trước bí tích Cực Thánh – đều là cách diễn tả đầy đủ nhất của việc cầu nguyện cá nhân. Vì kinh nguyện Thánh Thể là lời cầu nguyện của giáo hội, nhiệm thể Đức Kitô, nên kinh này chủ yếu dành cho việc phục hồi sức khỏe cá nhân, và sự biến đổi tối hậu nhờ ân huệ, thành con người mà Thiên Chúa đã hình dung từ muôn thuở. Vì thế, đối với cha Vianney, Thánh Thể vừa có sức mạnh chữa lành, vừa có sức mạnh biến đổi. Giáo huấn của ngài nhắc nhở chúng ta rằng bí tích Thánh Thể hứa hẹn thỏa mãn tất cả những nhu cầu của chúng ta, và nâng chúng ta lên tới một sự hiện hữu siêu nhiên.

4. Cha Vianney nhận ra là chúng ta có thể cầu nguyện trước Thánh Thể bằng nhiều cách thức: Chúng ta có thể nói lớn với Thiên Chúa, qua các câu xướng đáp trong thánh lễ, hoặc bằng một tiếng nói trước nhà tạm (khẩu nguyện). Chúng ta có thể nâng tâm trí lên với Thiên Chúa và nói với Người trong sự tĩnh lặng của tâm hồn (suy gẫm). Chúng ta cũng có thể chỉ ngồi thinh lặng trước nhà tạm, và đơn giản nghỉ ngơi trước sự hiện diện của Người, trong một lời cầu nguyện tĩnh lặng, không thành tiếng (chiêm niệm).

Cha Vianney cũng rất ý thức rằng toàn bộ hữu thể của chúng ta đều được tham dự vào lời cầu nguyện, do đó, ngài nhấn mạnh vào việc tuân theo những động tác thích đáng trong thánh lễ, và tự đặt mình vào tư thế tôn kính trước nhà tạm, bằng cách ngồi hoặc quỳ. Đối với cha Vianney, cầu nguyện đầu tiên và trước hết là một cách thức đáp lại tác động của ân huệ trong cuộc đời chúng ta. Ngài rất ý thức rằng việc cầu nguyện đòi hỏi đức tin, vì thế, không thể không có ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Ngài dạy cho các giáo dân của mình cách cầu nguyện với Thiên Chúa, theo cách thức nào phù hợp nhất với họ, và khuyến khích họ quan tâm đến những thôi thúc của Chúa Thánh Thần, khi tác động vào họ bằng bất cứ cách thức nào, để nâng trí óc và tâm hồn họ lên với Thiên Chúa.

5. Cuối cùng, lòng yêu mến thiết tha và lòng tận tụy của cha Vianney với Thánh Thể còn phản ánh qua ý thức sâu xa của ngài về phẩm giá cao cả của thiên chức linh mục. Chỉ riêng linh mục được giao phó quyền năng biến đổi bánh và rượu thành Mình Máu Thánh Đức Kitô. Linh mục là cột trụ đối với đức tin Kitô hữu, và là một người cha đích thực về mặt thiêng liêng. Linh mục nên luôn luôn nhắc nhở về Đức Giêsu và dẫn dắt chúng ta đến với Người. Nếu không có linh mục, thì ánh sáng đức tin trong cộng đoàn tín hữu sẽ trở nên lu mờ, và thậm chí còn có thể bị dập tắt nữa.

Bắt nguồn từ lòng yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu, linh mục mở rộng mầu nhiệm cứu chuộc qua mọi thời. Nếu các linh mục đều hiểu được chiều sâu đích thực trong ơn gọi của mình, thì chẳng bao lâu sau, tình yêu cao cả mà ơn gọi đòi hỏi sẽ chế ngự họ. Vì thế, các linh mục sẽ chỉ hoàn toàn hiểu được bản thân mình trên thiên đàng, khi họ nhìn thấy Thiên Chúa diện-đối-diện. Chỉ khi đó, các linh mục mới hiểu được vai trò quan trọng mình nắm giữ trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Chỉ lúc này, các linh mục mới hiểu được đặc ân cao cả mà mình được ban, qua việc có thể cử hành thánh lễ.

Kết Luận

Cha Thánh Gioan Maria Vianney là một linh mục thánh thiện, đã hoàn toàn đồng nhất với sứ mạng mục vụ của mình. Việc ngài được cả thế giới nhìn nhận, dưới biệt danh “cha xứ Ars” – một danh xưng nhấn mạnh đến trách nhiệm của ngài, qua việc chăm sóc và chữa lành các linh hồn trong một khu vực đặc trưng về mặt địa lý – mang lại cho chúng ta dấu hiệu về một con người khiêm tốn của Thiên Chúa, yêu mến giáo dân của mình với sự chăm sóc, tại một giáo xứ nhỏ bé ở thôn quê, và đi những bước tiến, nhằm đảm bảo được sức khỏe và hạnh phúc thiêng liêng của họ.

Cha Vianney không để cho sức khỏe yếu đuối và trí tuệ kém cỏi của mình cản trở mong ước làm được những việc lớn lao cho Thiên Chúa. Chính việc cầu nguyện đã nâng đỡ và mang lại cho ngài năng lực để đặt nhu cầu của những người khác trên nhu cầu của mình. Điều này tạo khả năng cho ngài chịu được những buổi chay tịnh thật nghiêm ngặt, trải qua những giờ lâu dài trước bí tích Cực Thánh, và đón tiếp hàng dài các hối nhân như một người cha đầy lòng thương xót. Cuộc tìm kiếm sự thánh thiện liên kết chặt chẽ với ơn gọi và sứ vụ linh mục của ngài. Cốt lõi của sự đồng nhất này chính là thánh lễ và lòng yêu mến thiết tha mà ngài dành cho bí tích Cực Thánh.

Đối với cha Vianney, Thánh Thể là ân huệ cao cả nhất, vẫn luôn được ban cho chúng ta. Thánh Thể biểu thị mong ước của Thiên Chúa, để yêu thương gần gũi với chúng ta, bằng cách thổ lộ bản thân Người, qua những yếu tố đơn sơ của bánh và rượu, hầu trở thành chính lương thực và của ăn nuôi dưỡng chúng ta. Điều này cũng biểu thị chính cốt lõi của việc cầu nguyện. Trong tâm trí ngài, không gì có thể thay thế được việc đón rước Thánh Thể cách xứng đáng mỗi khi tham dự thánh lễ, hoặc đến viếng bí tích Cực Thánh, hầu cảm tạ sự hiện diện ẩn mình của Đức Giêsu ở giữa chúng ta. Đối với ngài, “bí tích tình yêu” cao cả này là phương tiện chủ yếu mà qua đó, Đức Kitô vẫn tiếp tục sứ vụ yêu thương của Người suốt mọi thời.

Nếu không có Thánh Thể, sẽ không có giáo hội, không có nhà tạm, không có cộng đoàn đức tin. Cha Thánh Gioan Maria Vianney suốt đời tận tụy phục vụ cộng đoàn này. Ngài làm như vậy bằng cách đưa Đức Giêsu đến với những người khác, thông qua Thánh Thể, sao cho họ có thể được biến đổi nhờ ân huệ, và cuối cùng, trở thành những người cùng chia sẻ vinh quang của Chúa Cha.

Dennis J. Billy, CSSR