21 Tháng Giêng, Thánh Agnes (c. 291 – c.304)
Hầu như chúng ta không biết gì nhiều về vị thánh nữ nổi tiếng này, ngoại trừ ngài rất trẻ — khoảng 12 hay 13 tuổi khi ngài chịu tử đạo vào hậu bán thế kỷ thứ ba. Nhiều giả thuyết được đưa ra về cái chết của ngài như bị chém đầu, bị thiêu hoặc bị xiết cổ.
Truyền thuyết nói rằng Thánh Agnes là một thiếu nữ xinh đẹp mà nhiều thanh niên muốn kết hôn. Trong những người bị khước từ lời cầu hôn, có một người đã đi tố cáo ngài là Kitô hữu với nhà chức trách. Ngài bị bắt và bị giam trong nhà gái điếm.
Truyền thuyết kể rằng có một người bị mù vì đã nhìn ngài với ước muốn dâm dục, và sau khi được ngài cầu nguyện cho, họ đã sáng mắt. Ngài bị kết án, bị xử tử và được chôn gần Rôma, trong một hang toại đạo mà sau này được mang tên của thánh nữ.
Vào thế kỷ thứ tư, Constantia, con gái của hoàng đế Constantine đã xây một đền thờ để tôn kính thánh nữ. Huy hiệu của ngài trong các tranh ảnh là hình con chiên, vì tên của ngài gần giống như chữ Latinh, agnus, có nghĩa là con chiên.
Lời Bàn
Cũng giống như Thánh Maria Goretti trong thế kỷ gần đây, sự tử đạo của các thiếu nữ đồng trinh là một ấn tượng mạnh mẽ đối với xã hội ngày nay đang nô lệ cho chủ nghĩa duy vật. Như Thánh Agatha, là người đã chết trong hoàn cảnh tương tự, Thánh Agnes tiêu biểu cho sự thánh thiện mà không lệ thuộc vào tuổi tác, tài năng hay sự cố gắng cá nhân. Đó là món quà mà Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người.
Lời Trích
“Đây là ngày sinh nhật của một trinh nữ; chúng ta hãy noi gương khiết tịnh của ngài. Đây là ngày sinh nhật của một vị tử đạo; chúng ta hãy dâng lên những hy sinh; đây là ngày sinh nhật của Thánh Agnes: Các ông hãy cảm phục, các thiếu niên hãy hy vọng, các bà hãy kính sợ và các thiếu nữ hãy ganh đua. Đối với tôi, người thiếu nữ này, dường như sự thánh thiện và sự can đảm vượt lên trên bản tính con người, được đặt tên là Agnes (Hy Lạp: tinh tuyền) không phải do trần thế quyết định, mà là một mặc khải từ Thiên Chúa về con người của thánh nữ” (Bài giảng của Thánh Ambrôsiô về vấn đề đồng trinh).
http://hddmvn.net/tusach/tusach/hanhcacthanh/theovetchannguoi.htm