Ở Việt Nam có rất nhiều nghịch lý như:
+ Có rất nhiều tiến sỹ nhưng không mấy ai có bằng sáng chế.
+ Báo cáo chương trình thì hay nhưng không báo cáo kết quả.
+ Thích thành tích nên chỉ chú trọng vào các công trình đồ sộ nguy nga, hoành tráng nhưng xa rời thực tế gây nên lãng phí.
Chuyện đời, chuyện đạo đều như vậy. Họ chỉ chú trọng bằng cấp, chú trọng công trình nguy nga, hoành tráng để lấy oai với đời.
Điều này ta cũng thấy trong mỗi dịp khánh nhật truyền giáo lại được nghe những báo cáo về những khoá huấn luyện cho nhân sự truyền giáo từ linh mục, tu sỹ đến giáo dân? Hàng năm có hàng trăm buổi tham luận về truyền gíao để kể cho nhau nghe chương trình vĩ mô của mình để học hỏi lẫn nhau? Hàng năm đã bỏ ra bao nhiêu tỉ đồng vào những lễ hội truyền giáo? Với con số hàng trăm ngàn người đào tạo và được đào tạo truyền giáo thì có mấy ai đã ra đi gặp gỡ để nói về Chúa cho dân ngoại?
Chắc chắn sự thao thức và nỗ lực truyền giáo của mọi thành phần dân Chúa là luôn hăng say, luôn nhiệt thành. Những công việc mà chúng ta đã làm đều thể hiện sự khao khát cho việc truyền giáo. Điều chúng ta cần nhìn lại là hiệu quả truyền giáo tại sao không đáng kể? Con số tân tòng hàng năm có bao nhiêu phần trăm theo đạo nhờ truyền giáo hay chỉ là theo vì lấy vợ lấy chồng?
Chúng ta thử nhìn lại con số tín hữu Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử để thấy giai đoạn nào thực sự truyền giáo hiệu quả?
“Năm 1960, số tín hữu Công Giáo là 2,43 triệu người, số dân cả nước là 35 triệu người, tỷ lệ người Công Giáo trên dân số cả nước là 7%.
Và năm 2022 số giáo dân lên tới 7,2 triệu người đạt tỉ lệ 7,21%
Nhìn vào tỉ lệ người Công Giáo hơn 60 năm qua dường như vẫn dậm chân tại chỗ.
Tôi nhớ hồi còn nhỏ chúng tôi luôn được học trong các trường Công Giáo. Các xứ đạo luôn có trường học dành cho bậc tiểu học, và mỗi vùng miền có một, hai trường trung học. Rồi các cơ sở y tế, từ thiện có mặt ở khắp nơi với tên gọi là Caritas. . .. Thậm chí có cả Giám mục, linh mục đạp xích lô như bao người thợ trong xã hội.
Hình ảnh các linh mục, tu sỹ nam nữ dấn thân trong xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường truyền giáo. Do đó con số tín hữu trước 1975 chỉ sau hơn 20 năm đã tăng thêm 2 triệu tín hữu chủ yếu ở Miền Nam. Sau 1975 với lý do thời cuộc, đạo Công giáo ít nhiều cũng bị hạn chế, thế nhưng bây giờ xã hội đã cởi mở hơn và cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn, nhưng đáng tiếc là chúng ta dường như đã có thói quen đổ thừa cho hoàn cảnh để rồi quên đi sứ vụ “Ra Đi” của mình nên con số trên dưới 7 triệu tín hữu đã dừng lại cả gần chục năm nay!
Phải chăng chúng ta đã thiếu bước chân “Ra đi” như Thầy Chí Thánh Giê-su. Thầy Chí Thánh đã “ra đi” theo thánh ý Chúa Cha. Ngài đã ra khỏi ngai trời mà đến cư ngụ giữa chúng ta. Ngài đi gieo tin mừng. Ngài đã gieo giữa lòng thế giới tin mừng cứu rỗi, tin mừng của yêu thương tới mọi phận người nhất là người bé mọn bị bỏ rơi. Người đến để băng bó những tâm hồn tan nát, chữa lành người đau yếu phần hồn và phần xác.
Chúa Giê-su trước khi về trời cũng sai các tông đồ “ra đi”. Do đó, các tông đồ là người luôn trong tư thế “đi” chứ không phải là người chỉ “ngồi” một chỗ để phán. Chúa Giê-su cũng không kêu gọi phải xây những cơ sở nguy nga tráng lệ. Chúa muốn kiến thiết đền thờ tâm hồn hơn là đền thờ vật chất mau hư hoại.
Tuy nhiên, trong khi Thầy muốn chúng ta “đi”, thì nhiều khi chúng ta lại chỉ muốn… “ngồi” ở nhà xứ, hay ở văn phòng. . . Thầy nói chúng ta đến với con chiên lạc và người tội lỗi, nhưng chúng ta lại chỉ muốn co ro mình trong nhà xứ, trong hội đoàn, và tìm đến những con chiên béo để xin tiền xây dựng đền đài?
Hôm nay chúng ta đang thừa hưởng những thành quả mà các thừa sai đã đánh đổi bằng hy sinh gian khổ, bằng bắt bớ nhục hình, bằng máu đào đổ xuống để Giáo Hội Việt Nam hôm nay phồn vinh cả tinh thần lẫn vật chất. Nhưng có bao giờ chúng ta cảm thấy mình “mắc nợ” các vị thừa sai đã mang Tin Mừng, đã ra đi gieo cây đức tin để chúng ta gặt hái hôm nay?
“Món nợ đức tin” ấy mỗi người chúng ta có lẽ đều phải trả trước mặt Chúa. Chúng ta đã làm gì sinh lời cho Nước Chúa? Chúng ta đã làm gì để danh Chúa được cả sáng? Chúng ta đã làm gì để bảo vệ đức tin và giới thiệu niềm tin ấy cho anh em?
Mời bạn và tôi cùng đấm ngực như thánh Phaolo để nói lên rằng: “Khốn thân tôi vì {nếu } tôi không rao giảng Tin Mừng!”
Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo 2023
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
https://www.youtube.com/watch?v=TxyN0ycvr_k