Nuối tiếc, than trách, xúc động, thương nhớ
(27.10.2022 – Thứ Năm tuần XXX Thường Niên)
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 13, 31-35)
31 Cũng vào giờ ấy, có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông! “32 Người bảo họ: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: “Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất.33 Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được.
34 “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.35 Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! “
Nuối tiếc, than trách, xúc động, thương nhớ
Tiếp những lời giáo huấn của Chúa Giêsu với các môn đệ và dân chúng, hôm nay Chúa Giêsu đã lên tiếng:
– Người giận dữ với vua Hêrôđê, người đang trị vì đất nước: Bởi trước danh tiếng nổi lên của Chúa Giêsu mà vua Hêrôđê đã run sợ. Ông sợ rằng sự có mặt của Chúa sẽ làm cho ngôi vị của ông bị đe doạ chăng? Ông ta muốn loại trừ Chúa ra khỏi vùng đất mình đang cai trị. Vì thế có lẽ ông đã dùng mấy người Pharisêu đến thưa với Đức Giêsu rằng: “Xin ông ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang tìm giết ông”. Chúa thản nhiên trước câu nói ấy. Vì Người là Đấng Thiên Chúa quyền năng, Người muốn làm gì thì làm, ai có thể ngăn cản, cấm cách chống đối Người được?
Chúa đã thẳng thắn, chủ động công bố với Hêrôđê, chương trình hoạt động của Người, và giận dữ gọi vị vua là con cáo, nghĩa là một con người quỷ quyệt: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất”. Chương trình của Người chỉ có làm lương thiện, cứu nhân độ thế, mà vị vua kia và bất cứ ai cũng chẳng thể đem lại cho dân được.
Một cách dán tiếp, Chúa tỏ mình là ngôn sứ và Người còn phải hành trình. Có lẽ khi ấy Người đang ở xa thành Giêrusalem. Các nhà chú giải cho là đang ở Pêrêa phía đông sông Giođan. Vì đỉnh cao công cuộc cứu chuộc nhân loại của Người là chịu chết trên đồi Canvê, cạnh thành Giêrusalem mà Người hằng mong mỏi: “Hôm nay, ngày mai và ngày mốt tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được”.
Cuối cùng khi nhắc đến Giêrusalem, Chúa bùi ngùi…
– Xúc động – thương nhớ: vì bao ngôn sứ được Thiên Chúa gửi đến cho họ vì yêu thương họ, nhưng đều bị họ từ chối mà còn giết đi.
– Nuối tiếc và than trách: vì bao lần Thiên Chúa tỏ tình mời gọi qua miệng các ngôn sứ, các bậc tổ phụ và cuối cùng là chính Ngôi Hai Thiên Chúa được đến với họ nhưng đều bị họ chống đối làm ngơ. Để rồi họ phải lãnh án công thẳng của Thiên Chúa. Họ sẽ phải xa Chúa ngay từ chốn trần gian này, nước mất nhà tan, làm tôi khắp thiên hạ: “Giêrusalem! Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi!
Đã bao lần ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Thì này, nhà các ngươi bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa”.
Giờ đây mỗi người, ta có biết sống hiên ngang, mạnh dạn, vui tươi thực thi Lời Chúa hay lại sợ sệt, lẩn trốn vì những thế lực đen tối cản trở?
Đã bao giờ ta đồng loã với những thế lực gây tội ác để rồi làm con cháu ta bị liên luỵ xấu hổ, bị người đời lên án?
Phát xít Đức – Hitle, một đồ tể tội ác của nhân loại hồi thế chiến thứ hai. Mấy bà con của ông hiện vẫn còn. Vì tủi nhục, xấu hổ, cho dòng tộc, họ tự sống chui lủi giữa những khu rừng vắng bên Mỹ, không muốn để ai biết đến mình. Cho dù họ là thế hệ sau không trực tiếp gây tội ác. Thật thương thay cho họ!
Lạy Chúa! Xin cho con biết tránh xa những vết xe lỗi lầm của bao con người lịch sử ở thế gian này, để con, gia tộc con không bị Chúa than trách mà luôn được Chúa yêu thương ở đời này và mãi mãi đời sau. Amen.
Giuse Ngọc Năng