SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY
CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM C (23/10/2022)
CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO
THIÊN CHÚA LẮNG NGHE TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI NGHÈO
[Hc 35,15b-17.20-22a; 2 Tm 4,6-8.16-18; Lc 18,9-14]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Trong xã hội loài người thì tiếng nói của người nghèo chẳng mấy khi đuợc lắng nghe. Vì thế mà người nghèo được xem là những người “không có tiếng nói”. Nhưng trước mặt Thiên Chúa thì hoàn toàn khác: tiếng nói của người nghèo lại luôn được Thiên Chúa lắng nghe và đáp ứng. Đó là kinh nghiệm của người xưa đuợc chép lại trong sách Huấn Ca. Đó cũng là quan điểm của Chúa Giê-su trong dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế lên Đền Thờ cầu nguyện: một người được lắng nghe (người thu thuế), một người không (người biệt phái).
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Hc 35,15b-17.20-22a): "Lời cầu nguyện của người khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây" Chúa là quan án, Người không xem sao vinh quang loài người. Chúa không vì nể kẻ nghịch với người nghèo khó, và Người nhậm lời kẻ bị áp bức kêu cầu. Người không khinh rẻ kẻ mồ côi khẩn nguyện, cũng không khinh rẻ người goá bụa, khi nó bày tỏ lời than van.
Nỗi hồn đắng cay, của lễ được nhận, và tiếng kêu oan kíp thấu tầng mây. Lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây: nó sẽ không yên lòng cho đến khi lời nguyện nó đến nơi, và nó chẳng rút lui cho đến khi Đấng Tối Cao đoái nhìn. Chúa sẽ không trì hoãn, Người sẽ xét đoán những người công chính và sẽ ra lời phán quyết.
2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (2 Tm 4,6-8.16-8): "Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha" Con thân mến, phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Đấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy; nhưng không phải cho cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện.
Lần đầu tiên cha đứng ra biện hộ cho cha, thì chẳng ai bênh đỡ cha, trái lại mọi người đều bỏ mặc cha: xin chớ chấp tội họ. Nhưng Chúa đã phù hộ cha và ban sức mạnh cho cha, để nhờ cha mà lời rao giảng được hoàn tất, và tất cả các Dân ngoại được nghe: vậy cha đã thoát khỏi miệng sư tử. Chúa đã giải thoát cha khỏi mọi sự dữ và cứu lấy cha để đưa vào nước Người trên trời. Nguyện chúc Người được vinh quang muôn đời! Amen.
2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 18,9-14): "Người thu thuế ra về được khỏi tội" Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: 'Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi'. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: 'Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội'. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh
3.1.1 Bài đọc 1 (Hc 35,15b-17.20-22a) là đúc kết một kinh nghiệm tôn giáo và tâm linh của dân riêng của Thiên Chúa đã được ông Giê-su, con ông Xi-ra (Hc 50,7), một người giầu có, học thức và từng trải ghi chép lại. Nếu trong xã hội các dân tộc khác, người nghèo bị thua thiệt trăm bề, thì trong dân riêng của Chúa, người nghèo được Thiên Chúa đối xử một cách ưu ái, yêu thương, vì nỗi khổ của họ được Thiên Chúa cảm thông và chia sớt. Lời cầu của họ được Thiên Chúa lắng nghe và nhận lời.
Nhờ đoạn của Sách Huấn Ca trên, một lần nữa chúng ta thấy Thiên Chúa luôn ở bên và như đứng về phía người nghèo, người bị áp bức, mồ côi, góa bụa. Tất cả những hạng ngườì này đểu bị thua thiệt về mặt kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị. Phẩm giá của họ thường bị tổn thương, tiếng nói của họ chẳng được mấy ai quan tâm, cứu xét, bênh vực. Họ chỉ biết dựa vào một mình Thiên Chúa mà thôi.
3.1.2 Bài đọc 2 (2 Tm 4,6-8.16-8) là những lời chia sẻ rất riêng tư, thầm kín của Thánh Phao-lô với ông Ti-mô-thê là người con thiêng liêng, là môn đệ tín trung và cộng sự viên đắc lực của ngài. Thánh Phao-lô cho biết ngài đã kiên cường chiến đấu cho đức tin, cho đời sống tâm linh và ngài vững lòng trông cậy vào Chúa Giê-su, vào Thiên Chúa, là Đấng thấu suốt mọi sự, an tâm chờ đợi ngày gặp gỡ vào cuối đời.
Trong đoạn thư thứ 2 của Thánh Phao-lô gửi ông Ti-mô-thê (4,6-8.16-8), chúng ta được thánh nhân cho biết: Thiên Chúa là vị Thẩm Phán Chí Công, là Đấng sẽ tưởng thưởng cho những hy sinh, cố gắng của tất cả những ai đã tin tưởng và nỗ lực sống theo giáo huấn của Người.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 18,9-14) là dụ ngôn Chúa Giê-su kể với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: hai người, một Pha-ri-sêu, một thu thuế, lên Đền Thờ cầu nguyện, nhưng khi ra về thì người thu thuế (bị coi là người tội lội) trở nên công chính còn người Pha-ri-sêu (được xem và tự coi mình là người đạo đức) thì không. Lý do là người thu thuế khiêm nhường tự hạ, nhìn nhận mình tội lỗi mà cầu xin Thiên Chúa thứ tha; còn người Pha-ri-sêu thì tự kiêu về những việc đạo đức của mình mà khinh chê người khác, cụ thể là người thu thuế cũng lên Đền Thờ cầu nguyện vào lúc ấy.
Trong đoạn Phúc âm Lc 18,9-14 này chúng ta khám ra Thiên Chúa là Đấng có những phẩm chất tuyệt vời như (a) thấu suốt mọi tâm hồn, (b) phán xử công minh (c) yêu chuộng sự thật (d) quý trọng người khiêm nhu, tự hạ và tha thứ cho những tội lỗi thiếu sót của những người ấy.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay chính là lời công bố của Chúa Giê-su cũng là câu kết của dụ ngôn:
“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống;
còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm hồn, phán xử công minh, yêu chuộng sự thật, quý trọng người khiêm nhu, tự hạ và tha thứ cho những tội lỗi thiếu sót của những người ấy.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống khiêm nhường, tự hạ chẳng những trước mặt Thiên Chúa mà còn trước mặt người đời nữa. Không phải là sống khiêm nhường, tự hạ một cách giả hình, bề ngoài mà là sống khiêm nhường, tự hạ một cách chân thật, tự đáy lòng.
Muốn sống đuợc như thế, chúng ta cần được Thiên Chúa mở mắt, mở lòng để chúng ta nhận ra rằng: tất cả những gì chúng ta hiện có - sức khoẻ, thời gian, tài năng, của cải, hoàn cảnh và địa vị xã hội, chức vụ và trách nhiệm trong Giáo hội, đời sống tâm linh và các nhân đức - đều là ân huệ mà Thiên Chúa ‘cho không’ chúng ta, để chúng ta lo cho phần rỗi của mình và giúp đỡ những người chung quanh.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
5.1 «Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên» Cùng với Đức Mẹ Mân Côi và các Thánh, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các dân tộc trên thế giới, nhất là cho các dân tộc giầu mạnh về kinh tế và quân sự để họ đối xử cách khiêm nhường và bác ái với các dân tộc khác.
Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm ti» Cùng với Đức Mẹ Mân Côi và các Thánh chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế để các ngài cố gắng hết sức mình trên con đường đi theo Chúa Ki-tô.
Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Kẻ phục vụ Đức Chúa theo ý Người sẽ được Người chấp nhận» Cùng với Đức Mẹ Mân Côi và các Thánh, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các giáo xứ khác, được ơn kiên trì phục vụ Chúa và anh chị em trong cộng đoàn và xã hội, nhất là những người kém may mắn và bị thiệt thòi.
Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4 «Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm» Cùng với Đức Mẹ Mân Côi và các Thánh, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người nghèo trong thế giới và nhất là trong xã hội Việt Nam hôm nay, để những người ấy được toại nguyện trong các ước vọng chính đáng và được chính Thiên Chúa lắng nghe và đón nhận lời cầu xin của họ.
Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Sàigòn ngày 19/10/2022
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.