28 Tháng Ba 20241:20 CH(Xem: 2)
Sáng nay là Thứ Năm Tuần Thánh, tôi nhận được một cú điện thoại viễn liên của cô Agnes. Cô Agnes xin tôi cho cô địa chỉ một Dòng tu nào đó để cô xin 30 lễ cầu nguyện cho linh hồn Giuse là ba của cô vừa qua đời.
28 Tháng Ba 202412:51 CH(Xem: 4)
Ngày 26/3/2024 vừa qua, vợ chồng tôi đã tham dự buổi cầu nguyện cho linh hồn cụ Giuse, ba của cô Kim Anh. Cô Kim Anh lúc trước là xướng ngôn viên của Radio Giờ Của Mẹ. Cụ Giuse năm nay 89 tuổi. Một điều lạ lùng trong đời cụ là
28 Tháng Ba 202412:16 CH(Xem: 5)
Nguồn: Spiritdaily.com Khi Chúa Giêsu chết trên cây thánh giá thì trời đất bỗng trở nên tối đen. Đó là dấu hiệu Thiên Tính của Ngài. Tin Mừng Thánh Mattheu 27: 54 nói rằng:
26 Tháng Ba 20249:00 CH(Xem: 32)
Có một thanh niên trong giáo xứ đã chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống hôn nhân. Anh ngậm đắng nuốt cay vì người vợ của anh rất hay nóng giận và hung dữ. Chị luôn nói những lời nặng nề khi chị không hài lòng về một điều gì đó.
23 Tháng Ba 20249:13 CH(Xem: 55)
Nguồn: Spiritdaily.com Cô Yamilexis Fernandez chia sẻ cảm nghiệm là cô nhận được ơn lành tìm thấy Chúa và được Chúa giải thoát khỏi tà thuật.
22 Tháng Ba 20245:00 CH(Xem: 60)
https://mysticpost.com/vincent-claims-he-was-dead-and.../ Điều quan trọng nhất là hãy yêu thương. Ông Vincent nói rằng điều chính yếu nhất là cần yêu thương mọi người dù là ở trong bất cứ trường hợp nào. Trên hết mọi sự là hãy ở trong tình yêu Thiên Chúa.
22 Tháng Ba 20244:12 CH(Xem: 53)
https://mysticpost.com/vincent-claims-he-was-dead-and-was-told-what-was-about-to-hit-earth-put-your-phones-away/ Ông Vincent tuyên bố rằng ông ấy đã từng chết rồi. Ông được báo cho biết về tình hình của trái đất. Ông bảo: "Hãy đặt điện thoại của bạn xuống!"
22 Tháng Ba 202412:05 SA(Xem: 66)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. LỜI CẦU NGUYỆN DÂNG ĐỜI SỐNG Lạy Chúa Giêsu kính yêu, trước sự Hiện Diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, trước Nhan Thánh của Đức Mẹ Thiên Đàng và Triều Thần Thiên Quốc trên Trời, con xin dâng cuộc đời con theo như ý chỉ của Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẫu Tâm Vô Nhiễm Mẹ Rất Thánh Maria.
21 Tháng Ba 20246:41 CH(Xem: 74)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie dâng hiến cuộc đời và những lời hứa của Thiên Đàng Trong năm Thánh Mẫu (1983-1984) Đức Trinh Nữ Maria nói với tôi rằng:
21 Tháng Ba 20245:09 CH(Xem: 69)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie không được nhiều người trong Giáo Hội biết đến Nữ tu Natalie gửi những thông điệp cứng rắn đến cho Giáo Hội Công Giáo tại nước Hung Gia Lợi. Đó là những lời khuyên mọi người hãy rời khỏi những cung điện. Hãy làm việc thống hối. Hãy phân phát những của cải cho người...

Thần lực của Thiên Chúa, Lễ Hiện Xuống

19 Tháng Năm 20218:01 CH(Xem: 597)

holys1Thần lực của Thiên Chúa, Lễ Hiện Xuống

Đức Hồng Y Carlo Martini nói: “Kinh nghiệm của Lễ Hiện Xuống (Cv 2,3-13), chính là Tin Mừng truyền thông”. Truyền thông là làm cho con người có khả năng để nghe để hiểu, có khả năng để loan báo và có khả năng để chuyển thông một sứ điệp. Trong ngày Lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần đã khai thông mọi tương giao, phá vỡ bức tường đã bị đóng kín từ sự kiện tháp Babel. Tin Mừng được các Tông đồ truyền thông, mang tin vui đến cho mọi người.

Năm Thánh 2000, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận giảng tuần tĩnh tâm cho Giáo Triều Rôma, trong bài giảng “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần”, ngài kể về tác động của Chúa Thánh Thần như một ân ban chuyển thông ánh sáng và niềm tin cho anh chị em người Hmong.

“Chúa Thánh Thần sống và hoạt động trong trái tim những kẻ nghèo nàn và khiêm hạ, trong tâm hồn đạo đức bình dân, trong tình liên đới, trong đau khổ. Ngài ở đó như trạng sư và thông dịch các ứớc muốn và lời cầu xin của chúng ta.

Tôi còn nhớ câu chuyện này.
Một ngày nọ, một cha sở miền Bắc Việt Nam thấy có một nhóm người dân tộc thiểu số Hmong muốn đến gặp ngài. Cha hỏi họ:
-Anh chị em từ đâu đến?

-Chúng con từ Lai Châu, (nơi quân đội Pháp đã thua trận Điện Biên Phủ năm 1954). Chúng con đã vượt núi rừng đi bộ suốt 6 ngày nay.
-Lạy Chúa tôi! Để làm gì vậy?

-Chúng con muốn được rửa tội ngay bây giờ.

- Không thể được! Không có một linh mục hay giáo lý viên nào cả trong vùng của anh chị em, anh chị em không biết gì về đạo hay kinh nguyện, thì làm sao chịu phép Rửa tội được.

- Chúng con đã học tất cả từ một đài phát thanh phát đi từ Phi luật tân.

-Mà đài phát thanh nào? Đâu có đài phát thanh Công giáo nào có chương trình bằng thổ ngữ của anh chị em đâu!”
-Đó là đài phát thanh “Chân Lý”.

-Một đài phát thanh GH công Giáo, và bây giờ anh chị em lặn lội đến đây để xin trở thành Công giáo. Thật là điều lạ!

-Vị linh mục thật cảm kích bỗng thốt lên: Đây là một lễ Hiện Xuống mới. Đây chính là tác động của Chúa Thánh Thần!

Rồi cha lại hỏi nhóm người Hmong: Anh chị em có thể ở lại đây lâu hơn không?

-Thưa cha, không thể được. Chúng con chỉ đem theo 14 ngày cơm: 12 ngày đi đường và 2 ngày học hỏi và đọc kinh cầu nguyện.

Cả nhóm đã được rửa tội và chịu phép Thêm sức, rồi được dự Thánh lễ đầu tiên trong đời và được rước Mình Thánh Chúa.

-Anh chị em sẽ không có Thánh Lễ nào nữa, anh chị em không có nhà thờ. Anh chị em sẽ làm thế nào?

-Ban chiều tối, chúng con tụ họp nhau từng hai ba gia đình để nghe đài phát thanh và cầu nguyện chung và cùng nhau học hỏi về đạo. Ngày Chúa Nhật, chúng con ra ruộng cày cấy, nhưng đúng 9 giờ 30, chúng con ngưng làm việc thả trâu tự do ăn cỏ và chúng con dự Thánh Lễ qua đài phát thanh Chân Lý phát từ Manila. Một Lễ Hiện Xuống mới của thế kỷ XX.” (Chứng Nhân Hy Vọng, trang 235-237).

Hiến chế Tín lý về Mạc khải của CĐ Vaticanô II viết: “Mạc Khải là việc Thiên Chúa ‘Truyền Thông Chính Mình’ cho nhân loại” (DV 6). Với biến cố Hiện Xuống, việc truyền thông của Thiên Chúa được hoàn tất nơi Đức Kitô và tiếp tục được nối dài trong Giáo Hội nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Lễ Hiện Xuống khai mở những “kênh truyền thông” mới. Vì thế, “Giáo Hội Công Giáo nhận thấy mình có bổn phận dùng các phương tiện truyền thông xã hội để loan báo ơn cứu độ và dạy con người biết sử dụng chúng cho đúng đắn” (Inter Mirifica, số 3).

Giáo hội mời gọi các tín hữu hãy vận dụng những phương tiện truyền thông hiện đại để loan báo Tin Mừng cho con người ngày nay, làm cho họ trở thành môn đệ của Đức Giêsu Kitô, Đấng là đường, sự thật và sự sống. Chúa Thánh Thần là linh hồn Giáo Hội. Ngài tác động và canh tân Giáo Hội thực thi sứ vụ loan Tin Mừng: “Giáo Hội canh tân và thanh tẩy chính mình không bao giờ ngừng dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần” (Vui mừng và Hy vọng, 21). Sách Công Vụ Tông Đồ đã minh chứng hùng hồn về điều ấy.

Suốt mùa Phục Sinh, các bài đọc 1 được trích trong sách Công Vụ Tông Đồ.

Một nhà chú giải Thánh Kinh đã gợi hứng đổi Công Vụ Tông Đồ thành Công Vụ của Chúa Thánh Thần. Bốn sách Tin Mừng là Phúc Âm của Chúa Giêsu, còn Công Vụ Tông Đồ chính là Phúc Âm của Chúa Thánh Thần.

Sách Công Vụ Tông Đồ là một trong những tài liệu lịch sử quý giá nhất của Thánh Kinh. Đó là lịch sử hiện hữu duy nhất của Kitô giáo được viết ra trước thế kỷ thứ III. Nhờ đó chúng ta biết rõ sự lớn dậy của Kitô giáo ở Palestina hay về công cuộc Truyền Giáo tại Syria, Tiểu Á, Hylạp và Rôma. Bình minh của một kỷ nguyên mới bắt đầu ló dạng.

Giáo Hội đã sống tuổi thanh xuân của mình giữa lòng Đế quốc Rôma. Giáo Hội đối diện với ba thách đố lớn là Do thái giáo, chính trị Rôma và triết học Hy lạp. Giáo Hội phải bung ra khỏi Do thái giáo, hội nhập vào triết học Hylạp để lan rộng trên toàn đế quốc Rôma. Chỉ với những người dân chài Galilê ít học, chỉ với một Phaolô nhiệt thành, thế mà Giáo Hội lớn mạnh không ngừng trước bao thử thách thời đại.

Chính Chúa Thánh Thần đã không ngừng dẫn dắt Giáo Hội. Đúng như lời Thánh Irênê đã nói:

"Ở đâu có Thánh Linh của Đức Kitô ở đó có Hội Thánh. Ở đâu có Hội Thánh ở đó có Thánh linh và ân sủng".

Sách Công Vụ Tông Đồ trình bày lịch sử dưới ánh sáng đức tin. Sau khi Phó tế Stêphanô bị ném đá thì khởi đầu cuộc bắt bớ rộng lớn chống Giáo Hội ở Giêrusalem. Cộng đoàn Kitô hữu ở đây bị phân tán, nhiều tín hữu thoát khỏi đô thị đi tìm nơi ẩn náu. Họ đi tới đâu là rao giảng Tin Mừng tại đó. Chính đây là lúc câu nói thời danh của văn hào Tertuliano được ứng nghiệm "Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống làm nảy sinh các Kitô hữu". Các cộng đoàn Diaspora được thành lập. Họ hội nhập vào văn hoá địa phương để rao giảng Tin Mừng.

Kinh nghiệm sống đức tin của cộng đoàn tín hữu sơ khai là bài học quý giá cho chúng ta. Họ bị nhận chìm trong gian truân thử thách, nhưng chính lúc ấy họ cảm nhận sự hiện diện và hoạt động mãnh liệt của Chúa Thánh Thần. Như ngọn gió cuốn bay những hạt giống để rồi hạt giống lại gieo mầm sống mới ở nơi khác, ngọn gió Chúa Thánh Thần qua những cơn bách hại cũng mang lại những hiệu qủa lạ lùng. Càng bị bách hại Giáo Hội càng lớn mạnh không ngừng.

Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam; sau sắc dụ cấm đạo của vua Cảnh Thịnh, các cuộc bắt đạo gay gắt khiến cho những người tín hữu ở các vùng Quảng Trị, Cổ Vưu, Thạch Hãn, Hạnh Hoa chạy vào rừng núi La Vang để trốn tránh. Đức Mẹ đã hiện ra an ủi, trợ giúp. La Vang đã trở thành trung tâm hành hương của Giáo Hội Việt Nam. Các chỉ dụ cấm đạo dưới thời vua Minh Mạng, Tự Đức đã phân tán các cộng đoàn Kitô hữu. Họ xuôi vào Nam trốn tránh, đến vùng đất mới, rừng thiêng nước độc. Họ khai khẩn điền địa và lập nên những cộng đoàn mới. Nhờ đó, khi các vị Thừa Sai đến Truyền Giáo, hạt giống Đức Tin được nảy mầm và phát triển nhanh chóng.

Như hạt giống gieo xuống đất và chờ đợi, những cơn mưa đầu mùa tuôn đổ, hạt giống âm thầm đón nhận sức sống, nảy mầm, bén rễ, lớn nhanh. Những cộng đoàn tín hữu đang sống đức tin thầm lặng đã gặp được các chủ chăn nên lớn mạnh và nhiều giáo xứ đã được thành lập. Chỉ trong nhãn giới đức tin, chúng ta mới nhận ra sức tác động mãnh liệt Chúa Thánh Thần. Trong mọi thử thách, Giáo Hội luôn có Chúa Thánh Thần nâng đỡ. Trong mọi biến cố đau thương, Giáo Hội luôn có Chúa Thánh Thần an ủi dẫn dắt. Mỗi biến cố xảy đến trong cuộc đời đều là lời mời gọi, lời nhắn nhũ, lời cảnh báo. Đi tìm Thánh Ý Chúa, con người cần biết giải mã các biến cố ấy trong ánh sáng đức tin.

Ngày nay, có lẽ không còn những cơn bắt bớ và bách hại như xưa. Thế nhưng, những gian nan, những thử thách vẫn không thiếu trong đời sống đức tin. Thời đại hôm nay là thời đại xẻ núi lấp sông, vượt trùng dương, chinh phục không gian, xa lộ thông tin, kỹ thuật số, toàn cầu hoá...Nhưng xã hội hôm nay đang bị tục hoá với muôn ngàn cám dỗ ngọt ngào tinh vi của ma quỹ. Xã hội đang đánh mất chiều kích siêu hình, không còn cảm thức về tội lỗi. Giáo Hội phải đối diện với một xã hội mà như triết gia hiện sinh Jean Paul Sartre đã nói: "Thiên Chúa phải chết để cho con người được tự do". Người ta đang xây dựng một xã hội không có Thiên Chúa, tôn giáo bị tách ra khỏi xã hội. Con người mãi mê chạy theo lối sống hưởng thụ thực dụng, cá nhân chủ nghĩa. Như thế người Kitô hữu phải sống và diễn tả niềm tin của mình như thế nào đây?

Lời Chúa chiếu ánh sáng soi đường. Chúa Giêsu đã loan báo: "Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con" (Ga 14, 26). Khi được Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn thiêng trong đời, chúng ta sẽ yêu mến Chúa, được Chúa Cha và Chúa Giêsu ngự đến trong tâm hồn (Ga 14,21), được Chúa ban sự bình an tuyệt vời, bình an không như thế gian ban tặng (Ga 14,27). Chúa Thánh Thần chính là chìa khoá mở ra cuộc sống mới trong Đức Kitô. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta làm được mọi sự trong ân sủng Đức Kitô. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta sống Tin Mừng, vượt qua các thách đố thời đại như cộng đoàn tín hữu sơ khai đã vượt qua mọi trở ngại để loan báo và mở rộng Nước Chúa.

Chúa Thánh Thần luôn bảo đảm cho sự nguyên vẹn của mạc khải. Ngài dẫn dắt Giáo Hội ngay giữa những kênh truyền thông mới mẻ của thế giới kỹ thuật số hôm nay. Kitô hữu phải là con người biết lắng nghe, lắng nghe Thiên Chúa và lắng nghe con người để qua sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông, sứ điệp Tin mừng được lan xa. Các phương tiện truyền thông xã hội như sách báo, phim ảnh, thi ca, nghệ thuật, sân khấu, tuồng kịch, thánh nhạc, kiến trúc, hội họa, truyền thanh, truyền hình, internet…đều có tầm ảnh hưởng lớn đối với công cuộc truyền thông Tin Mừng trong thời đại hôm nay.

ĐTC Phanxicô ban hành Sứ điệp Ngày Quốc tế Truyền thông 2021 với chủ đề “Đến mà xem”.

ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã chia sẻ về sứ điệp này. Ngài nói: Từ góc độ của người làm truyền thông, “Đến mà xem” là lời mời gọi hoạt động truyền thông phải phản ánh đúng thực tại như nó là. Đức Giáo hoàng bày tỏ lòng biết ơn những nhà báo, người quay phim, người biên tập đã đến tận nơi để xem và kể lại những gì họ thấy, dù phải đối diện với nguy hiểm và có người phải hi sinh tính mạng. Nhờ họ và nhờ những bản tin như thế, cả thế giới thức tỉnh trước những nỗi đau của hằng triệu người nghèo, trước sự tàn khốc của chiến tranh và dịch bệnh, trước sự tàn phá của nạn buôn người…Đồng thời, trong thế giới kỹ thuật số ngày nay, chúng ta phải đối diện với vấn đề nhức nhối là nạn tin giả ở mọi mức độ và trong mọi lãnh vực.

Đó là những bản tin được sáng chế trong phòng làm việc chứ không đến tận nơi, gặp gỡ những con người cụ thể để nắm bắt tình hình thực tế. Đó còn là những thông tin bị bóp méo và lèo lái theo chủ đích riêng của cá nhân hay phe nhóm. Nhận định này không nhằm mục đích lên án internet và mạng xã hội, nhưng để mời gọi mọi người phải trung thực và có tinh thần trách nhiệm trong công tác truyền thông. Vì thế Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm với việc truyền thông, với thông tin chúng ta chia sẻ, với sự kiểm soát tin giả (fake news) bằng cách phơi bày sự giả dối của nó. Tất cả chúng ta đều phải là chứng nhân của chân lý: đi, thấy, và chia sẻ”… “Đến mà xem” trở thành lời chất vấn chúng ta trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ngày nay, nếu người ta đến mà xem, họ sẽ thấy gì nơi mỗi chúng ta, nơi cộng đoàn Hội Thánh? Họ có thấy nơi chúng ta đời sống người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu không, hay ngược lại? Họ có thấy nơi Hội Thánh hình ảnh cộng đoàn yêu thương như Chúa dạy không, hay ngược lại? (x.hdgmvietnam.com)

Khởi đi từ Chúa Thánh Thần, cả một sức sống mới được khai mở và bừng lên trong Giáo hội. Các Tông đồ ra đi loan báo Tin Mừng. Trước ngày lễ Hiện Xuống, các môn đệ co cụm lại trong căn phòng then cài khóa ổ, nhưng một khi đã đón nhận Thánh Thần, các ông không thể sống như cũ được nữa: căn phòng được mở toang và môn đệ can đảm bước tới vùng ngoại biên là những vùng địa lý xa xôi, “đi, thấy và chia sẻ” đem Tin Mừng cứu rỗi cho mọi người. Đó chính là mùa Hiện Xuống đầu tiên làm nên sức sống mới lạ trong Giáo hội. Lễ Hiện Xuống thường được gọi là “ngày khai sinh của Giáo hội” tựa như lễ quốc khánh của một quốc gia. Chúa Thánh Thần đã làm cho sứ mệnh của Đức Kitô được hoàn thành và thời kỳ Tân Ước được thực hiện. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu, là Đấng ban sự sống, thánh hóa, hướng dẫn, soi sáng, phù trợ, hiệp nhất. Chúa Thánh Thần là ngọn gió thổi các cánh buồm của Giáo hội hướng đến đại dương của “những kênh truyền thông mới” trong thời đại hôm nay.

Mỗi người Kitô hữu được sinh ra nhờ phép rửa ở trong lòng Giáo hội và được xức dầu thánh một cách đặc biệt trong Bí tích Thêm sức, được lãnh nhận Chúa Thánh Thần để thông phần sứ mạng làm chứng của Giáo hội.Trong Bí tích Thêm Sức nhận lãnh, không những các ơn Chúa Thánh Thần, mà là chính Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta như một sức mạnh từ trên cao, như là “Thần lực của Thiên Chúa”. Đó là sức mạnh của Tình yêu mạnh hơn sự chết biểu lộ nơi Sự Sống lại của Chúa Giêsu, sức mạnh của Chân Lý và Sự Thật. Đó là sức mạnh cuốn hút của cái Đẹp không phai tàn của Thiên Chúa, của cái Đẹp thần linh tiềm ẩn trong mọi cái đẹp đích thực.

Mùa xuân làm cho vạn vật bừng dậy màu xanh sự sống, Thần Khí làm cho mọi tâm hồn tràn đầy sức sống mới. Gioan Tẩy Giả "nhảy mừng trong lòng mẹ". Đức Maria hát lên bài ca Magnificat. Các Mục đồng hớn hở đi Bêlem. Các Tông Đồ trở nên những con người mới. Các Thánh Tử Đạo hiên ngang tiến ra pháp trường. Và chúng ta cũng được trở nên con cái Thiên Chúa, sống chứng nhân tình yêu trong nền văn hóa của thời đại kỹ thuật số, can đảm loan báo Tin Mừng Phục Sinh trên mọi nẻo đường phục vụ.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An