28 Tháng Ba 202412:51 CH(Xem: 3)
Ngày 26/3/2024 vừa qua, vợ chồng tôi đã tham dự buổi cầu nguyện cho linh hồn cụ Giuse, ba của cô Kim Anh. Cô Kim Anh lúc trước là xướng ngôn viên của Radio Giờ Của Mẹ. Cụ Giuse năm nay 89 tuổi. Một điều lạ lùng trong đời cụ là
28 Tháng Ba 202412:16 CH(Xem: 5)
Nguồn: Spiritdaily.com Khi Chúa Giêsu chết trên cây thánh giá thì trời đất bỗng trở nên tối đen. Đó là dấu hiệu Thiên Tính của Ngài. Tin Mừng Thánh Mattheu 27: 54 nói rằng:
26 Tháng Ba 20249:00 CH(Xem: 32)
Có một thanh niên trong giáo xứ đã chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống hôn nhân. Anh ngậm đắng nuốt cay vì người vợ của anh rất hay nóng giận và hung dữ. Chị luôn nói những lời nặng nề khi chị không hài lòng về một điều gì đó.
23 Tháng Ba 20249:13 CH(Xem: 55)
Nguồn: Spiritdaily.com Cô Yamilexis Fernandez chia sẻ cảm nghiệm là cô nhận được ơn lành tìm thấy Chúa và được Chúa giải thoát khỏi tà thuật.
22 Tháng Ba 20245:00 CH(Xem: 60)
https://mysticpost.com/vincent-claims-he-was-dead-and.../ Điều quan trọng nhất là hãy yêu thương. Ông Vincent nói rằng điều chính yếu nhất là cần yêu thương mọi người dù là ở trong bất cứ trường hợp nào. Trên hết mọi sự là hãy ở trong tình yêu Thiên Chúa.
22 Tháng Ba 20244:12 CH(Xem: 53)
https://mysticpost.com/vincent-claims-he-was-dead-and-was-told-what-was-about-to-hit-earth-put-your-phones-away/ Ông Vincent tuyên bố rằng ông ấy đã từng chết rồi. Ông được báo cho biết về tình hình của trái đất. Ông bảo: "Hãy đặt điện thoại của bạn xuống!"
22 Tháng Ba 202412:05 SA(Xem: 66)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. LỜI CẦU NGUYỆN DÂNG ĐỜI SỐNG Lạy Chúa Giêsu kính yêu, trước sự Hiện Diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, trước Nhan Thánh của Đức Mẹ Thiên Đàng và Triều Thần Thiên Quốc trên Trời, con xin dâng cuộc đời con theo như ý chỉ của Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẫu Tâm Vô Nhiễm Mẹ Rất Thánh Maria.
21 Tháng Ba 20246:41 CH(Xem: 74)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie dâng hiến cuộc đời và những lời hứa của Thiên Đàng Trong năm Thánh Mẫu (1983-1984) Đức Trinh Nữ Maria nói với tôi rằng:
21 Tháng Ba 20245:09 CH(Xem: 69)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie không được nhiều người trong Giáo Hội biết đến Nữ tu Natalie gửi những thông điệp cứng rắn đến cho Giáo Hội Công Giáo tại nước Hung Gia Lợi. Đó là những lời khuyên mọi người hãy rời khỏi những cung điện. Hãy làm việc thống hối. Hãy phân phát những của cải cho người...
21 Tháng Ba 20241:09 CH(Xem: 56)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie Nữ Tu Natalie Kovacsics (1901-1992) thuộc Dòng Chúa Chiên Lành Thánh Magdalene. Bà cũng được biết đến là Nữ Tu Natalia Magdolna. Bà sinh vào ngày 31/1/1901 tại gần vùng Pozsony mà nay thuộc về thành phố Bratislava, nước Slovakia. Đó là vùng thuộc về Đế Quốc...

Tác giả: Lm Phạm Quốc Hưng BA TUẦN CHUẨN BỊ TẬN HIẾN CHO MẸ Lm. JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR.

29 Tháng Tư 202111:31 CH(Xem: 1438)
mfaTác giả:  Lm Phạm Quốc Hưng

BA TUẦN CHUẨN BỊ TẬN HIẾN CHO MẸ

Lm. JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR.

       

Đây là tài liệu giúp tận hiến cho Đức Mẹ theo giáo huấn của Thánh Mongpho như đã được trình bày trong tài liệu “Tất Cho Mẹ”.

Việc tận hiến là một tác động của ý chí có thể trong giây lát là hoàn thành.  Tuy nhiên, để thêm sốt sắng và in sâu vào tâm hồn, người ta cần chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong cuốn “Thành Thực Sùng Kính”, Thánh Louis Maria Montfort dạy rằng việc bên ngoài đầu tiên những người tận hiến phải làm là phải có một Lễ Dâng Mình sau khi đã được chuẩn bị. Ngài dạy phải dùng ít nhất 33 ngày để chuẩn bị cho Lễ Dâng Mình này. 12 ngày đầu để tẩy não, gội sạch tinh thần thế tục vì nó trái ngược với tinh thần đức tin. tinh thần Chúa Kitô. Chúng ta có thể dùng 12 này theo đường lối linh thao, nhận biết thần loại để thêm quyết tâm từ bỏ tinh th ần thế tục và thuần tự nhiên để dốc lòng theo Chúa và thuộc trọn về Chúa, nhờ Mẹ và với Mẹ. Tiếp đến là ba tuần để “ghi sâu vào óc tinh thần của Chúa Kitô nhờ Mẹ Maria”.

 

Theo Thánh Montfort, tuần đầu tiên được dùng để xin ơn biết mình và sám hối. Tuần thứ hai được dùng để tìm hiểu Đức Mẹ để thêm hiểu biết, yêu mến, noi gương và nhờ Mẹ giúp ta yêu mến và thuộc trọn về Chúa Giêsu để được cứu độ và nên thánh. Tuần thứ ba là nhằm xin ơn hiểu biết, yêu mến và thuộc trọn về Chúa Giêsu. Ba tuần này để giúp ta hiểu biết và sống trọn đời tận hiến như được thể hiện trong lời nguyện trước mỗi sinh hoạt: “Cùng với Mẹ, con…để mến Chúa.”

 

Sau hơn 40 năm tận hiến cho Chúa Ba Ngôi nhờ Đức Mẹ theo giáo huấn Thánh Montfort, chúng tôi từng đọc và tìm hiểu một số tài liệu chuẩn bị cho việc tận hiến, nhưng vẫn cảm thấy tài liệu được in trong cuốn “Quyển Sách Vàng” do Legio Mariae Senatus Sài-gòn xuất bản năm 1968 có nội dung phong phú về tín lý và tu đức vững chắc đầy đủ hơn cả. Vì vậy, chúng tôi xin ghi lại ở đây với một số tu sửa rất ít để hoàn chỉnh hơn.

 

Đặc biệt, chúng tôi thêm vào lời nguyện mở đầu cho Kinh Triều Thiên Nhỏ để chúng ta có thể thêm sốt sắng khi đọc mỗi ngày. Kinh Triều Thiên Nhỏ hay còn gọi là Kinh Vòng Hoa là kinh nguyện rất đẹp lòng Đức Mẹ. Sau Lễ Dâng Mình, Thánh Montfort đặt việc đọc Kinh Vòng Hoa mỗi ngày là việc thứ hai người tận hiến phải làm. Ngài khuyên đọc mỗi ngày để kính 12 nhân đức Đức Mẹ, cũng như để ghi nhớ các đặc ân, quyền năng và tình thương Đức Mẹ.

           

            Vậy trong thời chuẩn bị, mỗi tuần suy niệm một điều; trong tuần mỗi ngày cùng với Mẹ làm mọi việc, để xin những ơn như sau:

Tuần I:  Xin ơn biết mình và sống theo tinh thần đức tin.

Tuần II:  Xin ơn hiểu biết và tùy thuộc Đức Mẹ, Đấng cộng tác cứu chuộc và Nữ tướng.

Tuần III:  Xin ơn hiểu biết và yêu mến Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu là nguồn sống và hạnh phúc của ta. 

            Nhận biết mình khốn nạn, hư hèn, bất lực, nên nhờ Đức Mẹ làm môi giới để đến với Chúa, đó là chương trình cứu chuộc và thánh hóa của Thiên Chúa.

 

TUẦN THỨ NHẤT: TÔI SỐNG ĐỘNG

         

Xin ơn biết mình và sống theo đức tin.

 

CẦU XIN (đọc mỗi ngày)

a.- Với Chúa:  Lạy Chúa, xin ban cho chúng con đang tòng quân dưới lá cờ Đức Bà Maria, được lòng tin Chúa, lòng cậy Đức Bà đầy đủ, như vậy chắc chắn sẽ thắng thế gian.  Xin ban cho chúng con đức tin mạnh mẽ, đức tin sống bởi đức mến, để chúng con có sức làm trọn mọi việc, chỉ vì mến Chúa, và hằng nhìn thấy cùng hầu hạ Chúa ngự trong mình anh chị em chúng con; đức tin vững vàng không lay chuyển tựa núi đá, để chúng con an tâm vững chí giữa những cơn đau khổ, những nỗi vất vả, những sự lừa dối ở đời; đức tin dũng cảm khiến chúng con đảm đương và tiến hành không nghi ngại những công cuộc lớn lao cho sáng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn; đức tin làm cột lửa dẫn đưa chúng con hằng hợp nhất và thẳng tiến, để đốt lửa kính mến khắp nơi, để soi   những người còn ngồi trong bóng tối sự chết, để đốt lòng những người nguội lạnh, để hoàn sinh những linh hồn chết chôn trong tội; đức tin hướng đạo, dẫn đưa chúng con trên đường bình an, để sau cuộc đời chiến đấu này, chúng con khỏi phải khóc than một chiến sĩ nào đã hư mất, chúng con hết thảy được hội họp trên nước mến yêu, nước vinh hiển Chúa.  Amen. 

 

b.- Với Đức Mẹ:  Kính mừng Maria, Mẹ là Nữ Vương con, con vâng phục Mẹ.  Mẹ là bà chủ con, con phục vụ Mẹ. Mẹ là tôn sư con, con nghe lời Mẹ. Mẹ là gương mẫu con, con phỏng theo Mẹ. Mẹ là cứu tinh con, con phụng sự Mẹ.  Mẹ là sức mạnh con, con chiến đấu bên Mẹ.  Mẹ là Mẹ con, con thuộc về Mẹ.  Mẹ chí ái của con ôi! tuy con cảm thấy mình hư hèn khốn nạn quá, nhưng con cũng thấy trong lòng Mẹ chỉ có từ bi thương xót, chứ không có công thẳng oai nghiêm; vì vậy, con triệt để tin cậy tận hiến bản thân và mọi sự thuộc về con cho Mẹ.  Nếu Mẹ thấy nơi con còn chút gì chưa thuộc về Mẹ, thì bây giờ con nài xin Mẹ lấy hết đi.  Nơi con tất cả cái gì về con người cũ và tinh thần thế tục, xin Mẹ tiêu hủy đi.  Tất cả những gì làm vui lòng Chúa, xin Mẹ phú cho con.  Sự sáng suốt đức tin Mẹ hãy đánh tan sự tối tăm của trí khôn con, để con luôn luôn, trong mọi việc, vẫn phản ứng theo đức tin.  Lòng khiêm nhường thẳm sâu Mẹ hãy thay thế vào tính kiêu ngạo thâm căn của con.  Lòng mến nóng nảy Mẹ hãy đốt nóng lòng nguội lạnh con.  Đức ái phổ quát Mẹ hãy biến đổi sự tự ái, ích kỷ con.  Sự trong sạch Mẹ hãy tẩy xóa sự dơ nhớp con.  Xin làm cho lòng con hòa nhịp với lòng Mẹ để mến Chúa, mến hết sức, mến đến hy sinh, mến đến quên mình, và yêu người, yêu như chính mình, yêu như Chúa yêu.  Sau hết, xin Mẹ cho con ơn là hằng giây phút lòng con hằng xin vâng, xin vâng tất cả mọi sự Chúa định về con.  Amen.

   

SUY NIỆM

 

NGÀY THỨ 1

Con người tự nhiên của tôi

 

            Lạy Chúa, cùng với thánh Augustinô, con nài Chúa:  Noverim me:  xin cho con biết rõ mình.

            Biết mình là việc tối hệ trong việc tu đức, nguyên sự sáng suốt của trí khôn ta không đủ biết rõ mình.  Nhờ đức tin, và ơn soi sáng ta biết rằng khi vừa dựng nên loài người, Thiên Chúa vì thương yêu, đã nâng lên bậc siêu nhiên, nghĩa là phú thánh sủng vào linh hồn.  Linh hồn trở nên sáng láng đẹp đẽ giống hệt Thiên Chúa, trong con người lòng thú phục lòng thần, toàn thể con người phục tùng Thiên Chúa luôn luôn yên hàn, hướng về sự lành:  nhân chi sơ, tính bản thiện.

 

            Chẳng may nguyên tổ phạm tội, con cháu sinh ra trong tình trạng không có thánh sủng, dục tình nổi dậy quấy nhiễu, người ta không chủ trị nổi, nên phạm nhiều tội, ra hư hèn xấu xa.  Vì thế, trí khôn kiêu căng, sai lầm; lòng chai đá, ác ý; linh hồn yếu đuối thay đổi, xác bê tha, và bệnh tật.  Ta để ý quan sát thì thấy tự nhiên ta kiêu ngạo, ham mê sự đời, hướng về những cái hư hèn, hay ghen tương, mê ăn uống, dễ tức giận, ươn lười, yểu điệu, thất thường, tự sức bất lực mọi việc lành, bất xứng mọi ơn, lúc nào cũng có thể ngã lòng, chỗ nào cũng có thể phạm tội, việc nào cũng dễ chêm pha tà ý.

 

            Thành thực nhận biết mình như thế và hạ mình xuống, vui chịu khinh chê, thì kéo Chúa xuống với mình mà ban ơn chứa chan, vì “Chúa ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pet. 5,5).   Linh hồn tự hạ như thế sẽ được nâng lên (Lc. 14, 11).  Và đó là đã đặt được nền móng vững chắc để xây ngôi nhà thiêng liêng.

 

NGÀY THỨ 2

Tinh thần thế tục

 

          Tôi sống, bạn sống, mọi người chung quanh chúng ta cũng sống.  Sống là gì?  Nghĩ, yêu, ghét, vui, buồn, nói, cười, chơi, học…đó là sống động.  Nói kiểu khác, sống động gồm mọi tư tưởng của trí khôn, mọi cảm tình của lòng muốn, mọi hành vi của tài năng.

 

            Động lực nào gây nên tư tưởng, cảm tình, hành vi đó?  Mọi vật hành động bao giờ cũng hành động vì mục đích nào.  Nếu một mục đích chi phối được hầu hết các hoạt động của một người; nghĩa là tư tưởng, cảm tình, ngôn ngữ, hành vi của họ hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp quy về mục đích đó thì mục đích đó là lý tưởng của họ; còn chí hướng khiến họ tư tưởng, cảm tình, ngôn ngữ, hành vi như vậy là tinh thần.  Lý tưởng là cái khách quan, tinh thần là cái chủ quan.  Thực ra, người ta vẫn sống động theo một tinh thần hoặc tự nhiên, hoặc thế tục, hoặc siêu nhiên cũng gọi là tinh thần đức tin.  Tinh thần thế tục bảo đi ngược với tinh thần đức tin, lôi cuốn người ta theo nó, tìm danh, lợi, thú.  Tinh thần tự nhiên chỉ là chí hướng đi ngoài hoặc đi dưới Phúc âm hay đức tin.  Tinh thần đức tin không kết án tinh thần tự nhiên.  Nếu để ý phân tách mọi hành vi lớn nhỏ của ta, đều thấy nó được phát động do một trong ba tinh thần đó.

 

            Anh X vất vả học ngày học đêm, để nên thông giỏi, để kiếm mảnh bằng bảo đảm đời sống, anh học vì danh, vị lợi.  Trong các bạn tôi, có anh tự nhiên tôi dễ thiện cảm, có anh không làm thể nào để tôi hết ác cảm.  Tôi tự hỏi tại sao, thì ra anh kia con người khôi ngô, cử chỉ nhã nhặn, anh nọ thì điệu bộ cứng cỏi, con người cục mịch, ăn nói thô lỗ.  

 

Cách đối xử của tôi với hai anh bạn, là theo tình cảm, đó là tinh thần tự nhiên phát động cách cư xử của tôi.  Phản ứng vì danh, lợi, thú, đó là phản ứng do tinh thần tục.  Một bà phú hộ từ Buenos Aires sang du lịch ở Paris, Bà vào một tiệm may, đặt làm một cái mũ, một bộ quân áo, theo mốt mới lạ, trên thế giới chưa ai có.  Rồi bà bỏ ra một số tiền to, mua lấy bản quyền cái mốt đó.  Bà về nước, khi nào muốn, lại gửi điện tín sang Paris bảo may.  Đọc trong báo cái tin này: Ông X 26 tuổi, gia đình thế phiệt, vô tín ngưỡng, con người cao nhã và đẹp trai, chắc rồi sẽ cưới được cô gái khuynh thành, con nhà trâm anh, tuổi độ 18, 20.  Đó là hai mẫu truyện sặc mùi thế tục:  chỉ cần thỏa mãn được ba thị hiếu danh, lợi, thú: mặc dầu tốn tiền, nhưng được để ý; mặc dầu vô tín ngưỡng, nhưng đẹp trai; mặc dầu không học thức, nhưng lắm của, mặc dầu tính nết làm sao, nhưng nhan sắc.

 

NGÀY THỨ 3

Khốn cho thế gian

 

          Thánh Gioan Tông Đồ nói: “Mọi sự ở thế gian thì là mê xác thịt, mê tiền tài và kiêu ngạo.”  Đó là tinh thần thế tục.  Thế gian hiểu như thế là cái mâu thuẫn với Chúa, nên Thánh Kinh nói: “Ai yêu thế tục thì trong nó không có tinh thần mến Chúa” (1 Jo. 2, 15).  “Phàm ai muốn tình nghĩa với thế gian, thì họ tự đặt mình làm thù địch với Chúa.” (Jac. 4,4).  Vì thế, Chúa Giêsu không cầu nguyện cho thế gian, mặc dầu đã cầu cho bọn lý hình, lại còn nguyền rủa: “Khốn cho thế gian.”  Tất nhiên thế gian đây hiểu theo nghĩa tinh thần thế tục.

 

            Cha Berthier nêu lên lý do ghét thế tục:

      “Trong thế gian, cái gì cũng nguy hại: sự mơn trớn nó quyến rũ, sự bắt bớ nó làm nao núng, thú vui nó làm hư hỏng, giải trí nó làm phân tâm, gương xấu nó đưa đến lầm lạc, dụ dỗ nó lôi cuốn mãnh liệt.

      “Trong thế gian, cái gì cũng bất công:  nó ca tụng nết xấu, chế diễu sự sạch tội, khinh chê nhân đức.  Nó yêu chuộng bọn tội ác và không chịu được người lương thiện.  Những người khôn ngoan thật, nó cho là ngu ngốc, những kẻ ngu ngốc như nó, nó kể là khôn ngoan. 

 

      “Trong thế gian, cái gì cũng giả trá.  Đừng tin vào những phù hoa hào nhoáng của nó, chỉ là hư danh; đừng tin vào cái vỏ nhân đức của nó, chỉ là giả hình; đừng tin vào những săn sóc phục vụ của nó; chỉ là vụ lợi; đừng tin vào những hứa hẹn của nó, chỉ là lường gạt.

 

            “Trong thế gian, cái gì cũng lừa dối.  Nó tuyên bố hoà bình, nhưng người ta chỉ thấy lo lắng; nó hứa cho vui sướng, nhưng người ta chỉ nếm được đắng cay; nó bảo hy vọng của cải, nhưng người ta chỉ được nghèo túng; nó hứa tự do để kích thích, nhưng chỉ gây nên bối rối; nó hứa vinh quang để dụ dỗ, nhưng chỉ đem lại nhục nhã.”

 

            Người môn đệ của Chúa Giêsu, không những không được yêu thế gian: “Anh em đừng yêu thế gian” (1 Jo. 2, 15): tinh thần thế gian; mà lại phải xa thế gian, vì: “Các con không thuộc về thế gian”; hơn nữa, còn phải chiến đấu với thế gian, phải công kích những tôn chỉ, thói tục của nó.  Chính đức tin của ta là cái thắng thế gian “(1 Jo. 5, 4).

 

NGÀY THỨ 4

Người công chính sống bởi đức tin

 

          Ở nội tâm mỗi người cũng như trong đời sống xã hội vẫn luôn luôn có cuộc tranh giành giữa hai đối phương: tinh thần thế tục và tinh thần đức tin.  Tinh thần thế tục nhằm thỏa mãn dục vọng, để thú tính hóa con người.  Tinh thần đức tin chú trọng việc chế ngự thị hiếu, để siêu nhiên hóa con người.  Người xấu nết là nạn nhân của tinh thần thế tục, người thánh thiện sống bởi tinh thần đức tin.  Thế gian có tôn chỉ, cách ngôn, thói tục quyến rũ người ta theo đuổi danh, lợi, dục.  Đức tin có chân lý, mẹo luật, mênh lệnh khuyến khích người ta yêu chuộng nhân đức. 

 

            Vậy thế nào là tinh thần đức tin?  Là chí hướng chủ động theo như tín ngưỡng, cũng là theo như Chúa đã dạy trong Thánh Kinh, nhất là Phúc Âm. 

 

            Thánh Phaolô nhắc đến tinh thần đó trong câu: “Đức tin hoạt động bởi yêu mến:  fides quae per charitatem operatur.”  Đức tin hoạt động là đức tin có việc làm, nghĩa là làm như mình tin, tin thế nào làm như vậy.  Mà tin đây là tin lời Chúa dạy, nên làm như Chúa dạy, đó là đức tin có việc làm.  Mà lời Chúa dạy thì ghi chép trong Thánh Kinh, nhất là phúc âm, nên có thể nói cách khác là Phúc âm dạy thế nào thì làm như vậy, đó là đức tin có việc làm.  Đức tin có việc làm mới đáng kể, Thánh Kinh đã chẳng nói ư: “Hỡi anh em, ai nói rằng mình có đức tin, mà họ không có việc làm thì ích lợi gì, đức tin đó có cứu rỗi được họ chăng?”  (Jac 2, 14)

 

            Nhưng phải hoạt động bởi đức mến, vì hồn của đức tin là đức ái, cho nên mọi giới răn và các giá trị đều tùy thuộc đức ái, ngoài ra là giả trá cả.  Thánh Phaolô đã nói: “Mặc dầu tôi có đức tin chuyển núi dời non, mà nếu không có đức ái, thì tôi chỉ là không.”  Bởi yêu mến, tức là vì tình với Cha Cả, cũng là ngoan ngoãn để vui lòng Người.

 

            Một người mà trong mọi sự chỉ làm như Chúa dạy, và làm thế để theo ý Chúa, để vui lòng Chúa, thì là người có tinh thần đức tin.  Người đó là người công chính.  “Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con.”

 

NGÀY THỨ 5

Người công chính sống bởi đức tin

 

       Cha Charles de Foucauld nói về ảnh hưởng của đức tin: 

         “Nơi họ (người sống tinh-thần đức tin) đức tin thay thế cho phần nhiều giác quan tự nhiên, nghĩa là đức tin biến cải sự vật đến nỗi giác quan hầu như không còn giúp ích cho linh hồn, vì giác quan chỉ cho linh hồn thấy những cái hào nhoáng giả dối bên ngoài, đức tin mới cho thấy cái thực tại.  Mắt cho linh hồn thấy người nghèo, đức tin làm nó nhận ra Chúa Giêsu.  Tai cho linh hồn nghe những lời xỉ nhục và bắt bớ, đức tin nhắc cho nó rằng: “Chúng con hãy vui mừng hớn hở”. Xúc giác làm cho linh hồn cảm thấy đau đớn, khi nhận lấy những hòn đá người ta ném vào mình, đức tin bảo rằng: “Hãy vui mừng vì đã được đáng chịu đau khổ vì danh Chúa.”  Vị giác có nếm một chút bánh không hơi men, đức tin cho biết rằng đó là Vị Cứu Thế Giêsu, vừa là người, vừa là Chúa, cả xác, cả hồn.  Khứu giác cho ta ngửi thấy mùi hương, đức tin bảo rằng hương thật là lời cầu nguyện của các thánh.

 

            Giác quan ghê sợ đau khổ, đức tin hoan hô nó như mũ triều hôn nhân nối kết linh hồn với Bạn chí ái, như nhịp bước đồng hành tay trong tay với Bạn cực thánh…Giác quan tò mò, đức tin không muốn biết gì, chỉ khát khao chôn vùi mình và mong được cả đời yên lặng ở chân nhà tạm…  Giác quan lo lắng về ngày hôm sau, hỏi ngày mai sẽ sống thế nào, đức tin không lo lắng gì, vì Chúa Giêsu đã bảo: “Chúng con đừng lo lắng, hãy xem hoa cỏ ngoài nội, hãy xem chim chóc, ta nuôi và mặc cho chúng… Chúng con còn trọng hơn chúng… Hãy tìm nước Đức Chúa Trời trước và sự công chính Ngài, còn các sự đó sẽ cho chúng con.”  Giác quan cố thủ ở lại gia đình và chiếm giữ của cải, đức tin mau mắn bỏ cả: “Kẻ nào bỏ cha mẹ, nhà cửa, ruộng nương vì Ta, sẽ được gấp trăm ngàn ở đời này và sống vĩnh cửu ở đời sau.” 

 

            Như thế đức tin giãi vào mọi sự một ánh sáng mới, khác với sự sáng của giác quan… Người sống bởi đức tin có một linh hồn đầy tư tưởng mới, ham thích mơi, phán đoán mới, đó là những nhãn giới mới mở ra trước mắt họ, nhãn giới kỳ diệu, sáng bằng ánh sáng trên trời, đẹp bằng vẻ đẹp Thiên Chúa.

 

 NGÀY THỨ 6

Mâu thuẫn giữa thế tục và đức tin

 

          Sách Gương Chúa Giêsu đối sánh hai tinh thần, ở quyển III đoạn 54, dưới mục đề: “Những phát động của ân sủng và tự nhiên”.  Tự nhiên đây hiểu là tinh thần tự nhiên hay thế tục; ân sủng là tinh thần siêu nhiên hay đức tin.  Đây trích dịch đại khái:—Thế gian xảo trá, quyến rũ, mưu mô, lừa gạt và bao giờ cũng đặt mình làm chủ đích; đức tin thành thực dù hình bóng sự tà ác cũng xa lánh, không bao giờ chủ trương lừa ai, và trong mọi sự cốt mưu vinh danh Chúa.—Thế gian không muốn chịu kiềm chế, thua thiệt, phục tùng, nặng nhọc; đức tin ưa hãm mình, tìm phục tùng, sợ được tự do, thích sống dưới kỷ luật, không ham điều khiển ai, ưa sống động và ở dưới cánh tay Chúa sẵn sàng khiêm nhường cúi đầu trước mọi người vì Chúa.—Thế gian thích hành động vì tư lợi, chỉ mong lợi dụng người khác; đức tin không xét cái lợi, cái tiện riêng; mà chỉ lo đến công ích.—Thế gian thích được danh dự và tôn trọng; đức tin trung thành qui mọi danh dự, mọi vinh hiển về Chúa.—Thế gian sợ xấu hổ và khinh chê; đức tin vui chịu nhục nhã vì danh Chúa.—Thế gian thích thư nhàn và dong dưỡng xác thịt, đức tin không ưa nhàn rỗi, lại thích làm việc luôn.—Thế gian thích cái đẹp mắt, tránh cái hèn hạ và thô sơ, đức tin sung sướng vì cái đơn sơ tầm thường, không ngại cái thô hèn, không thẹn phải mặc áo cũ.—Thế gian tham lam thích nhận hơn cho, chỉ yêu cái của mình; đức tin quảng đại và có tính cách cộng đồng, tránh cái tư riêng, và nghĩ cho đi thú hơn nhận lấy.—Thế gian thích được yên ủi bề ngoài, để nhờ đó thỏa mãn giác quan; đức tin chỉ tìm an ủi trong Chúa và chỉ vui mừng trong Chúa chí  thiện hơn mọi hữu hình.—Thế gian thích lắm bạn bè thân thuộc, tự hào là con dòng cháu giống, cười với người sang, nịnh kẻ giầu có; đức tin yêu cả kẻ thù ghét, không kiêu vì lắm bạn, coi thường giống trọng, dòng sang, có hãnh diện thì chỉ hãnh diện vì tổ tiên nhân đức.  Lạy Chúa, xin cứu con khỏi tinh thần thế tục.

 

NGÀY THỨ 7

Người tận hiến với tin, cậy, mến

 

          Đức Mẹ đâu có thua ta về lòng quảng đại!  Đối với linh hồn đã tận hiến, Ngài sẽ trả lại những của quí nhất, tức là ơn thánh và các nhân đức, nhất là ba đức tin, cậy, mến. 

  1. Đức tin.  Hiện nay Đức Mẹ đã mục kích Chúa rồi.  Ngài không còn đức tin, nhưng đức tin bao la của Mẹ xưa, âu là Mẹ muốn trối lại cho con cái.  Ngài sẽ tặng các người tận hiến một lòng tin mạnh mẽ sống động, để làm mọi việc chỉ vì mến Chúa;  một lòng tin vững vàng chắc chắn, giúp họ thản nhiên bền chí trong những cơn thử thách giông tố; một lòng tin tinh ròng, không cần nhờ cảm giác đánh động; một lòng tin can đảm, giúp họ kiên nhẫn trong những việc vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn; một lòng tin tinh tường sâu sắc giúp họ mau hiểu những sự siêu nhiên; một lòng tin hoạt động nóng nảy, để soi trí người tối tăm, đốt lòng kẻ nguội lạnh.

 

b)  Đức cậy.  Đức Mẹ làm cho họ đầy lòng trông cậy vì họ biết đến với Chúa lúc nào cũng có Mẹ hướng dẫn và bầu cử, chắc Chúa không xua đuổi từ chối.  Người tận hiến đã trở nên của riêng Đức Mẹ rồi, Đức Mẹ, kho tàng của Thiên Chúa, cũng là kho tàng của họ, vì Đức Mẹ không thua về lòng quảng đại.  Còn gì hy vọng bằng được kho tàng của Chúa làm của mình.  Với lòng tin cậy ấy, dù có sa ngã phạm tội, họ cũng không lo lắng bối rối, chỉ hạ mình, ăn năn, rồi cứ tin cẩn chạy đến với Chúa.  Thánh Theresa Hài Đồng Giêsu đã được lòng tin cậy này nên nói: “Dầu tôi thấy lương tâm tôi đen đủi, xấu xa vì hết mọi tội người ta có thể phạm ở đời này, tôi cũng không ngã lòng, nhưng chỉ ăn năn, rồi lại ném mình vào tay Đấng Cứu Chuộc tôi.” 

 

  1. Đức mến.  Giáo Hội vẫn gọi Đức Mẹ là Mẹ sinh ra lòng yêu mến tinh ròng, chắc chắn Đức Mẹ sẽ sinh ra lòng yêu mến đó trong linh hồn con cái Ngài.

Lòng yêu mến Chúa vô lợi, quên hẳn mình của Đức Mẹ, được biểu lộ trong lời tận hiến vắn tắt: “Này đây nữ nô lệ của Chúa Tể, tôi xin vâng lời ông.”  Đức Hồng Y Suenens nói: “Tất cả tâm hồn Đức Mẹ ở trong câu đó.”  Nghĩa là mọi tư tưởng, tâm tình, ngôn ngữ, hành vi Đức Mẹ chỉ là để thực hiện ý muốn Chúa, nơi Đức Mẹ không còn tác động nào ngoài ý muốn Chúa.  “Xin Vâng” không nguyên chỉ là một lời nói để phát biểu sự ưng thuận đề nghị của Sứ Thần lúc truyền tin, nhưng là tất cả một đời sống, luôn luôn trong mọi sự chỉ nghĩ, chỉ muốn, chỉ làm nguyên và mọi sự Chúa muốn. Đức Cha Gay rằng: “Lời đó Đức Mẹ không nguyên đã nói, mà đã sống.”  Lòng yêu mến tinh ròng đó của Đức Mẹ được dần dần thấm nhuần vào tâm hồn những con cái tận hiến của Ngài. 

 

TUẦN THỨ HAI: CÙNG VỚI MẸ

 

Xin ơn hiểu biết mình và tùy thuộc Mẹ.

CẦU XIN (đọc mỗi ngày)

 

a.- Với Chúa Ba Ngôi.  Lạy Cha toàn năng chí ái, Chúa đã dùng Đức Mẹ mà ban cho nhân loại Con Một Yêu Dấu của Chúa để cứu chuộc chúng con cùng với Đức Mẹ để cảm tạ, yêu mến Chúa.  Con ước ao cùng với Chúa Giêsu để hiểu biết Chúa, cùng với Chúa Thánh Thần để yêu mến Chúa, cùng với Đức Mẹ để tận hiến cho Chúa.  Xin Chúa cho con hiểu biết, yêu mến và tùy thuộc Đức Mẹ; xin cho con làm gì cũng cùng Đức Mẹ.

 

            Lạy Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người, để cứu chuộc chúng con, để là nguồn sống chúng con, Chúa đã nhờ Đức Mẹ để sinh ra cho chúng con, Chúa muốn chúng con nhờ Đức Mẹ mà đến với Chúa.  Con cùng Đức Mẹ để tận hiến cho Chúa, con cùng với Chúa để yêu mến Đức Mẹ.  Con muốn nhập hàng ngũ Đức Mẹ để cùng Người đặt quyền thống trị công bình và thương yêu của Chúa trên thế giới duy vật này; xin Chúa cho con một lòng tin không lay chuyển và một lòng cậy trông không bờ bến vào Mẹ quyền năng của Chúa.

 

            Lạy Chúa Thánh Thần, Chúa đã cùng với Đức Mẹ làm cho Ngôi Hai làm người để cứu chuộc nhân loại; ngày nay Chúa cũng vẫn cùng với Đức Mẹ mà Kitô hóa chúng con.  Thánh Mongpho nói: “Chúa càng thấy Đức Mẹ, bạn chí ái của Chúa ở trong linh hồn nào, Chúa càng hoạt động để thành hình Chúa Kitô trong linh hồn ấy và biến linh hồn ấy nên giống Chúa Kitô.”  Điều đó rất an ủi con, con cùng với Đức Mẹ để cảm tạ Chúa và lạy Chúa, từ nay con cố luôn luôn kết hợp với Đức Mẹ, xin Chúa nhắc cho con không làm gì mà không cùng với Đức Mẹ.

 

b.- Với Đức MẹKinh Triều Thiên Nhỏ.

 

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Mẹ Maria là Nữ Vương và là Mẹ con; toàn thân con thuộc về Mẹ, mọi sự của con là của Mẹ. Giờ đây, con xin dâng lên Mẹ kinh Triều Thiên Nhỏ, để cùng với các thiên thần, các thánh, cùng toàn thể Hội Thánh và nhân loại, cũng như tất cả tạo vật đẹp lòng Chúa mà nhìn nhận, ca ngợi, chúc tụng, kính mến, tôn vinh và cảm tạ Mẹ là Nữ Vương rất khả kính khả ái của tất cả chúng con.

            Lạy Chúa Giêsu, con xin hiệp cùng Chúa để xứng đáng ngợi khen Mẹ thánh Chúa, để nhờ Người, với Người và trong Người mà ngợi khen Chúa cách hoàn hảo hơn.

            Xin Mẹ dùng những đặc ân, quyền năng và tình thương Chúa ban cho Mẹ giúp con sống như một tôi trung, con thảo và chiến sĩ tận hiến của Mẹ, để làm vui lòng Chúa, đem lại vinh quang Chúa và phần rỗi các linh hồn. Và sau cuộc hành trình dương thế, xin Mẹ đưa chúng con về Thiên Đàng để cùng Mẹ muôn đời ca ngợi, chúc tụng, thờ lạy, tôn vinh và cảm tạ Chúa Ba Ngôi Chí Thánh và trở nên một viên ngọc trong muôn vàn viên ngọc nơi triều thiên Mẹ muôn đời. Amen.

       

I.- Ca tụng siêu phẩm Đức Mẹ

  • Lạy Cha …
  • Kính mừng 1- (chào mừng chức Thiên Chúa Thánh Mẫu)
  • XĐ: Lạy Trinh Nữ Chí Thánh, xin nhận lời con ca tụng Mẹ - Xin ban cho con đủ sức để chiến thắng kẻ thù của Mẹ (Đọc sau mỗi kinh kính mừng).

      Thân lạy Trinh Mẫu Maria, Mẹ có phúc, vì đã cưu mang Chúa Tể là Đấng tạo thành vũ trụ; Mẹ đã sinh ra Đấng dựng nên Mẹ, mà vẫn còn trọn đời đồng trinh.

  • Hô:  Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ hãy hỉ hoan.
  • Ứng:  Muôn đời hỉ hoan, hoan hỉ luôn mãi.

 

  • Kính mừng 2 - (chào mừng Đức đồng trinh) XĐ: Lạy Trinh Nữ…

Ôi Đồng Trinh Thánh Đức Tinh Tuyết, con dùng lời nào mà tán dương Mẹ được, vì Mẹ đã cưu mang trong lòng Đấng mà các tầng trời không chứa đựng hết!

  • Hô:  Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ hãy hỉ hoan.
  • Ứng:  Muôn đời hỉ hoan, hoan hỉ luôn mãi.

 

  • Kính mừng 3 - (chào mừng sự tinh dòng) XĐ: Lạy Trinh Nữ…

Thân lạy Trinh Nữ Maria, Mẹ là toàn mỹ, không vết nhơ nào vương đến Mẹ.

  • Hô:  Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ hãy hỉ hoan.
  • Ứng:  Muôn đời hỉ hoan, hoan hỉ luôn mãi.

 

  • Kính mừng 4 - (chào mừng các nhân đức) XĐ: Lạy Trinh Nữ…

Thân lạy Trinh Nữ Chí Thánh.  Trời có bao nhiêu tinh tú, Mẹ có bấy nhiêu nhân đức!

  • Hô:  Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ hãy hỉ hoan.
  • Ứng:  Muôn đời hỉ hoan, hoan hỉ luôn mãi.
  • Sáng Danh….

 

II.- Ca tụng quyền năng Đức Mẹ

  • Lạy Cha …
  • Kính mừng 5 - (chào mừng vương quyền Mẹ) XĐ: Lạy Trinh Nữ…

Thân lạy Nữ Vương trời đất, vinh quang cho Mẹ, xin đưa chúng con về hưởng khoái lạc trên trời với Mẹ.

  • Hô:  Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ hãy hỉ hoan.
  • Ứng:  Muôn đời hỉ hoan, hoan hỉ luôn mãi.

 

  • Kính mừng 6 - (chào mừng sự phú túc) XĐ: Lạy Trinh Nữ…

Thân lạy Đấng giữ kho ơn Chúa, vinh quang cho Mẹ, xin cho chúng con được thông phần kho tàng của Mẹ.

  • Hô:  Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ hãy hỉ hoan.
  • Ứng:  Muôn đời hỉ hoan, hoan hỉ luôn mãi.

 

  • Kính mừng 7- (chào mừng tước hiệu Trung gian) XĐ: Lạy Trinh Nữ…

Thân lạy Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, vinh quang cho Mẹ, xin Mẹ nài Chúa toàn năng ủng hộ chúng con.

  • Hô:  Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ hãy hỉ hoan.
  • Ứng:  Muôn đời hỉ hoan, hoan hỉ luôn mãi.

 

  • Kính mừng 8 - (chào mừng uy lực thống trị) XĐ: Lạy Trinh Nữ…

Thân lạy Đấng diệt trừ bè rối và ma quỉ, vinh quang cho Mẹ.  Xin Mẹ hướng dẫn chúng con với lòng từ bi

  • Hô:  Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ hãy hỉ hoan.
  • Ứng:  Muôn đời hỉ hoan, hoan hỉ luôn mãi.
  • Sáng Danh….

 

III.- Ca tụng ái tuất Đức Mẹ

  • Lạy Cha …
  • Kính mừng 9 - (chào mừng lòng ái tuất với tội nhân) XĐ: Lạy Trinh Nữ Maria

Hoan hô Mẹ, là nơi náu ẩn của tội nhân!  Xin Mẹ bào chữa chúng con nơi tòa Chúa.

  • Hô:  Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ hãy hỉ hoan.
  • Ứng:  Muôn đời hỉ hoan, hoan hỉ luôn mãi.

 

  • Kính mừng 10 - (chào mừng lòng ái tuất với những người côi quả) XĐ: Lạy Trinh Nữ…

Hoan hô Mẹ, là Mẹ những người côi quả!  Xin Mẹ cầu Chúa toàn năng phù hộ chúng con.  

  • Hô:  Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ hãy hỉ hoan.
  • Ứng:  Muôn đời hỉ hoan, hoan hỉ luôn mãi.

 

  • Kính mừng 11- (chào mừng lòng ái tuất với kẻ công chính) XĐ: Lạy Trinh Nữ…

Hoan hô Mẹ, là nguồn an vui cho người công chính! Xin Mẹ đưa chúng con hưởng khoái lạc thiên đàng với Mẹ.

  • Hô:  Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ hãy hỉ hoan.
  • Ứng:  Muôn đời hỉ hoan, hoan hỉ luôn mãi.

 

  • Kính mừng 12- (chào mừng lòng ái tuất với người hấp hối) XĐ: Lạy Trinh Nữ…

Hoan hô Mẹ, là Đấng Trung Thành Cứu Giúp khi sống và lúc chết!  Xin Mẹ đưa chúng con về hưởng Nước Trời với Mẹ.

  • Hô:  Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ hãy hỉ hoan.
  • Ứng:  Muôn đời hỉ hoan, hoan hỉ luôn mãi.
  • Sáng Danh….

 

Lời nguyện kết:

            Kính Mừng Maria, Con Đức Chúa Cha.  Kính Mừng Maria, Mẹ Đức Chúa Con.  Kính Mừng Maria, Bạn Chúa Thánh Thần.  Kính Mừng Maria, Đền Thờ Chúa Ba Ngôi cực thánh.  Kính Mừng Maria, bà chủ con, thiện hảo của con, chí thiết của con, nữ vương lòng con, hiền mẫu con, nguồn sống con, sự ngọt ngào của con, hy vọng yêu quý của con; hơn nữa là trái tim con, là linh hồn con:  toàn thân con thuộc về Mẹ, mọi sự của con là của Mẹ.  Ôi, Trinh Nữ có khác hơn mọi loài!  Linh hồn Mẹ hãy ở trong con để ngợi khen Chúa.  Tâm trí Mẹ hãy ở trong con để vui mừng trong Chúa.  Lạy Trinh Mẫu Chí Trung, xin Mẹ đặt mình vào trái tim con làm ấn tín, để con luôn luôn trong Mẹ, nhờ Mẹ, trung thành với Chúa.  Ôi, Mẹ từ bi, xin thương nhận con vào sô những kẻ Mẹ yêu, Mẹ dạy, Mẹ dẫn, Mẹ nuôi dưỡng, Mẹ phù hộ như con Mẹ.  Xin Mẹ làm cho con, vì yêu mến Mẹ, mà rẻ rúng mọi sự an ủi ở đời, mà chăm chỉ hăm hở những sự vui vẻ trên trời, để Chúa Thánh Thần, bạn chí tín của Mẹ, và Mẹ bạn chí trung của Người, làm Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ, thành hình trong con, để vinh danh Chúa Cha.  Amen.

 

 

SUY NIỆM

 

NGÀY THỨ 1

Đức Mẹ trong chương trình cứu chuộc

 

          Sau khi nguyên tổ ta phạm tội, Chúa bỏ ta như thần dữ không cứu vớt cũng được, nhưng Chúa bởi lòng từ ái đã định cứu chuộc ta, ta biết làm gì để cảm tạ ơn vĩ đại này!  Cứu bằng cách tha bổng cũng được, nhưng sự công bằng đòi phải đền tội, kẻo ta coi nhẹ tội lỗi mà rồi dễ tái phạm.  Một khi nhận giải pháp bắt đền tội, Chúa có thể cử một người trong nhân loại-A-dong chẳng hạn, đứng ra đền tội cũng được; nhưng Chúa muốn một sự đền tội cân xứng.  Muốn thế không phải vì theo tính thù oán, nhưng vì yêu trật tự và công bình.  Nếu phải đền cân xứng, thì chỉ có Thiên Chúa mới đền được, vì tội phạm đến Thiên Chúa nặng vô cùng thì phải có viẹc đền tội giá trị vô-cùng.  Nhưng phải là việc của loài người để đền tội loài người mới hợp lý.  Phải là việc loài người, mà có giá trị vô cùng, thì phải do một Vị vừa là người vừa là Chúa.  Ngôi Hai Thiên Chúa đã tình nguyện làm người.  Chúa Cha bằng lòng ban Con Một Ngài.  Ôi, yêu sách đền tội cân xứng là yêu sách để tỏ lòng thương ta vô cùng; đòi nhiều để ban rộng:  Giá Chúa tha bổng, đâu ta có được Chúa Con làm bạn, đâu có bí tích yêu đương, đâu có Đức Mẹ làm từ mẫu…  Để làm người, Ngôi Hai có thể dựng nên một xác một hồn rồi cho hợp với mình và xuất hiên ở thế gian cũng được.  Nhưng thế đâu có phải một người trong nhân loại bởi A-dong, để đền tội cho nhân loại ấy.  Để làm một người bởi dòng giống A-dong, phải sinh ra bởi một người trong con cháu A-dong.  Người được chọn để sinh ra Chúa Giêsu-Ngôi Hai làm người- là Đức Maria.  Vậy Đức Mẹ có ở trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa.

 

NGÀY THỨ 2

Đức Mẹ thực hiện cộng tác cứu chuộc

         

          Đức Mẹ cộng tác vào viêc cứu chuộc cách nào?

       -Ưng nhận làm Mẹ Chúa Cứu Thế và đã hy sinh con chịu chết, lại chia sẻ đau khổ với con để cứu chuộc.

 

  1.  Ưng nhận làm Mẹ Chúa Cứu Thế

Muốn làm người, Chúa có muôn vàn cách, nhưng có một cách Chúa thích hơn cả là dùng Đức Mẹ.  Khi định dùng Đức Mẹ, Chúa có thể dùng như một khí cụ mà không cần hiểu biết những huyền diệu của công việc, như đã dùng Thánh Anna sinh ra Đức Mẹ.  Nhưng Chúa muốn có sự ý thức rõ rệt và tự do ưng thuận của Đức Mẹ.  Vì thế, Ngài sai Sứ Thần Gabriel xuống báo tin cho Đức Mẹ: “Này Bà sẽ chịu thai và sinh con, hãy đặt tên là Giêsu.  Người sẽ nên cao cả và được gọi là con Đấng Chí Cao.”  Đức Mẹ hỏi: “Việc ấy xảy ra cách nào, vì tôi không biết việc chồng con?”  Sứ thần đáp: “Chúa Thánh Thần sẽ xuống với Bà, quyền phép Đấng Chí cao như bóng phủ Bà.”  Đọc sách các Tiên Tri, Đức Mẹ đã biết người Nữ làm Mẹ Thiên Chúa thì cũng là Mẹ Chúa Cứu Thế.  Vả nữa, Sứ Thần cũng nhắc cho Người: “Bà sẽ chịu thai và sinh con, hãy gọi là Giêsu,” nghĩa là Cứu Thế; rồi mới nói thêm:  Người là Con Đấng Chí Cao.”  Ý thức rõ rệt như vậy, Đức Mẹ đáp: “Tôi đây là tôi tá Chúa, xin vâng như lời ông.”  Tức khắc, Ngôi Hai bẩm thai trong lòng Đức Mẹ, để làm Đấng Cứu Thế. 

            Lạ lùng!  Chương trình Thiên Chúa ấn định từ thuở đời đời, mà chưa thi hành được.  Chúa còn sai đại sứ chuyển đạt ý định cho Đức Mẹ, nghe Người vấn nạn, giải thích thắc mắc, đợi Đức Mẹ ưng thuận, rồi mới thi hành.  Cha Blastier kêu lên rằng: “Ôi, tiếng ‘xin vâng’, tiếng tạo thành một thế giới mới, thế giới các linh hồn sinh bởi Chúa Giêsu.  Ôi! lời Đức Mẹ, lời đã ban cho chúng ta Ngôi Lời của Thiên Chúa.”

 

  1.  Đức Mẹ hy sinh con chịu tử nạn và chia sẻ đau khổ với con để cứu chuộc ta.

Trên núi Sọ, Chúa Cha muốn con mình chịu tử nạn để chuộc lại chức làm con Thiên Chúa cho ta.  Chúa Con tự hiến mạng làm giá cứu chuộc. Đức Mẹ vui lòng hy sinh con theo ý Chúa Cha và chia sẻ đau khổ với Con.  Như vậy trong việc cứu chuộc nhân loại, Đức Mẹ có một phần đặc biệt không thánh nào có được, nhất là trong hai điểm nầy: 

  1. Đức Mẹ đồng thời chia sẻ chính nhhững đau khổ của Con; cùng những đau thương một trật làm khổ cả con lẫn mẹ.  Ta chịu đau khổ đến đâu, cũng vẫn không phải là chia sẻ chính những đau khổ của Chúa và đồng thời với Chúa.
  2. Đức Mẹ dâng mình chịu đau khổ ở nơi Chúa Giêsu, vì là một phần của Mẹ chia sẻ

      ra.  Ta không bao giờ được hồng phúc đó.

 

NGÀY THỨ 3

Loài người cần nhờ Đức Mẹ mới được cứu rỗi

           

Nói rằng ta cần nhờ Đức Mẹ mới được cứu rỗi và nên thánh, thì vẫn hiểu không phải là cần tuyệt đối, nhưng là cần giả thiết; nghĩa là nếu Thiên Chúa có định dùng Đức Mẹ, thì Đức Mẹ mới cần.

 

Vậy sự thực Thiên Chúa đã quyết định dùng Đức Mẹ, nên vẫn nói được rằng Đức Mẹ can. Thiên Chúa định như vậy rất hữu lý, vì:

  1. Thánh Thomas tiến sĩ ra lẽ rằng: “Việc Ngôi Hai mặc tính nhân loại cần phải có sự ưng thuận của Rất Thánh Trinh Nữ, là cốt để việc cứu chuộc nhân loại cũng bắt nguồn do sự một người nữ ưng thuận đề nghị của sứ thần đại diện Thiên Chúa đến chào mình, y như sự làm hư nhân loại đã phát tích bởi một người nữ ưng theo quyến dũ của thần dữ đến cám dỗ mình.” 
  2. Các Thánh tiến sĩ viện một lẽ nữa:  Ngôi Hai mặc tính nhân loại, tức là giao hôn với bản tính loài người.  Phàm giao hôn vẫn phải có sự ưng thuận của đôi bên.  Cho nên Thiên Chúa đã dùng Đức Mẹ đại diện nhân loại để tỏ sự ưng thuận. Quả thực, chỉ sau khi Đức Mẹ ưng thuận, bản tính nhân loại mới được hợp với Ngôi Hai.  Đó là một việc lịch sử Thánh Luca đã kể lại.
  3. Còn một lẽ là để biểu dương khôn ngoan và nhân hậu của Chúa.

​​​​​​​

—Khôn ngoan, vì dùng chính kế hoạch đánh đổ loài người để nâng đỡ loài người: một người nữ làm hư loài người, bởi nghe ma quỉ xui giục, thì dùng một người nữ khác cứu vãn loài người vì nghe Sứ Thần đề nghị.

 

—Nhân hậu, vì khi mặc tính loài người bởi Đức Mẹ, thì Chúa muốn làm vinh danh cho cả phái nam, phái nữ.  Vinh danh phái nam, vì Người lấy hình người nam, vinh danh nữ giới, vì Người chọn Mẹ là một người nữ.  Như thế tỏ ra Chúa xuống cứu cả hai giới. Thánh Augustinô nói:  “Hỡi đàn ông chớ khinh mình, vì con Đức Chúa Trời đã làm người nam;  Hỡi đàn bà chớ khinh mình, vì con Đức Chúa Trời đã sinh ra bởi người nữ.” 

 

NGÀY THỨ 4

Bào thai trong lòng Đức Mẹ

         

Phàm người giáo hữu vẫn tự hào được làm con Đức Mẹ.  Sự thực là Đức Mẹ là Mẹ thiêng liêng của mọi người được chuộc bằng máu Chúa Kitô, dân ngoại là đàn con lạc.

 

Bất kỳ ở tuổi nào, người ta cũng vẫn là con của mẹ mình.  Tuy nhiên, càng thêm tuổi, càng thêm tự lập và càng bớt tùy thuộc mẹ mình, đó là trong sự sống tự nhiên.  Làm con thiêng liêng của Đức Mẹ có theo định luật đó không?  Không.  Vậy ta tùy thuộc Đức Mẹ như thế nào?  Kìa đứa bé một vài tháng còn bú mớm nâng niu.  Có phải ta cũng tùy thuộc Đức Mẹ như vậy không?  Chưa phải; đứa bé có thể sống, mặc dầu mẹ nó đã chết đi, không có mẹ nó, nó cũng có thể hô hấp cử động chân tay:  nó đã có phần nào tự lập.  Đứa con tùy thuộc mẹ triệt để hơn hết là khi nó còn là bào thai trong lòng mẹ, nó sống bằng sự sống của mẹ, nó nhờ mẹ mà thở, rời khỏi mẹ là chết, mẹ nó chết, nó cũng chết theo.  Đó mới là hình ảnh đúng về sự giáo hữu tùy thuộc Đức Mẹ trong sự sống siêu nhiên.

 

            Lý do là trong đời sống siêu nhiên bao lâu còn ở đời này giáo hữu vẫn còn ở tình trạng ân sủng, chứ chưa được ở hiển phúc.  Mà ân sủng là hạt giống của hiển phúc:  gratia semen gloriae.  Hạt giống thì còn đang nảy nở; đang phát triển, chứ chưa thành cây.  Con người bao lâu đang nảy nở, đang phát triển như hạt giống thì còn là bào thai, chứ chưa thành nhân.  Bao lâu còn là bào thai, thì còn ở trong lòng mẹ mà tùy thuộc mẹ triệt để.  Vậy về sự sống siêu nhiên chúng ta còn đang nảy nở, đang phát triển cho tới giờ chết mới thành nhân, nghĩa là còn bào thai ở trong lòng Đức Mẹ.  Vì thế, Đức Hồng Y Suenens nói: “Tất cả những kẻ được chọn lên thiên đàng đều thành hình trong Đức Mẹ và vẫn ẩn ở trong lòng Đức Mẹ suốt thời gian thành hình, nghĩa là suốt đời sống của họ ở thế gian.”

 

            Giáo hữu tùy thuộc Đức Mẹ như bào thai tùy thuộc mẹ nó, sự kiện đó ta biết hay không nó vẫn có, vì đó là ý định của Thiên Chúa.  Nhưng nếu người giáo hữu ý thức để tùy phục Đức Mẹ, thì sẽ thêm muôn phần hữu ích cho họ.  Chỉ khi nào người ta sống đầy đủ tinh thần tận hiến, người ta mới thực hiện sự tùy thuộc Đức Mẹ như bào thai trong lòng mẹ.  Việc gì cũng với Mẹ mà làm để mến Chúa, đó là tận hiến hoàn toàn đầy đủ.

 

NGÀY THỨ 5

Rập khuôn Đức Mẹ

 

Người thợ tượng muốn làm một pho tượng thì có 2 cách: hoặc làm như nhà điêu khắc dùng tài khéo, gân tay, dụng cụ mà đục đẽo, gọt giũa, chạm trổ một khối chất vô hình thành tượng; hoặc dùng khuôn mà đúc.

 

      Cách thứ nhất tốn công, lâu la, vất vả, mà hay lỡ, mạnh tay một tý rất có thể sứt mẻ.  Cách thứ hai nhàn hạ, mau lẹ, dễ dàng, không hay lỡ, miễn là khuôn đó hoàn toàn và chất dùng mềm, lỏng, ăn khuôn.

 

      Nên người Kitô-hữu hoàn toàn, tức là nên giống Chúa Kitô (cũng là nên thánh) cũng có thể thực hiện hai cách tương tự: a) Hoặc cứ ý riêng, không theo ý Chúa muốn ta rập cái khuôn Người dạy phải cứ, không nhờ bàn tay Người dạy phải nhờ (như các bậc đạo đức bên Thệ phản), tức là Đức Mẹ.  b) Hoặc rập vào khuôn Cha Cả đã làm để đúc nên Chúa Kitô và đúc cách thiêng liêng các chi thể Chúa Kitô, khuôn ấy là Đức Mẹ.  Thánh Augustinô gọi Đức Mẹ là: “Khuôn đúc nên Chúa” (Kitô): forma Dei—Khuôn ấy thần tình tinh xảo, và tay khéo như tay Thiên Mẫu mới đặt vào và lấy ra được mà không thiếu nét tinh vi, mặc dầu mau chóng.

 

      Nên thánh cách thứ nhất thì giống như nhà điêu khắc không dùng khuôn.  Cách thứ hai, nếu linh hồn có điều kiện của chất mềm, lỏng, ăn khuôn, tức là nếu việc gì cũng với Đức Mẹ, cũng để Đức Mẹ hoàn toàn hướng dẫn, thì thánh Mongpho nói sau khi kinh nghiệm rằng: “Cách ấy dễ dàng, vắn tắt, chắc chắn, và hoàn toàn.”

 

            Dễ dàng, vì là chính lối Chúa Kitô đã qua mà xuống với ta, để ta lại qua mà lên với Chúa.  Lối này rất êm dịu, vì có gặp trắc trở vất vả đã có Đức Mẹ nâng đỡ, dẫn dắt.  Lối này vừa sức yếu đuối ta, vì Chúa, tuy cao sang vô cùng, nhưng khi xuống thai trong Đức Mẹ, Ngài hóa dễ dãi, gần gũi, cao bằng thấp vừa, hợp với tầm sức của ta.  —Vắn tắt, vì đi đường này không sợ lạc lối, lại vui chân tiến mau.  Có người nghĩ qua Đức Mẹ mà đến với Chúa là lối quanh, thành chậm trễ.  Không thế đâu, trong Đức Mẹ không còn là Đức Mẹ sống, nhưng là Chúa Giêsu sống dồi dào.  Linh hồn giao mình cho Đức Mẹ là gặp Chúa ngay, chính Đức Mẹ đưa họ vào kết hợp với Chúa.  —Chắc chắn, vì đường này không có lầm lạc bối rối, lầm lạc là do ma quỷ gieo rắc, vậy đối với Đức Mẹ mà quỷ không có quyền gì, lại còn kinh-sợ xa lánh.—Hoàn toàn, vì Đức Mẹ không mắc nguyên tội, không vương tì ố, lại tinh tuyết huy hoàng, vì Ngài đầy thánh sủng, không tạo vật nào, dù là Cherubim hay Seraphim, dù thiên đàng, được đầy Chúa bằng Đức Mẹ.  Thánh Mongpho nói: “Cho dù người ta tìm được con đường mới mẻ để đến với Chúa Giêsu, mặc dầu đường ấy lát bằng mọi công nghiệp các thánh, trau dồi bằng mọi nhân đức các vị anh hùng, soi sáng bởi sự huy hoàng mỹ diệu các Thánh Thiên Thần, lại có mọi thần thánh ở đấy mà hướng dẫn, bảo vệ, nâng đỡ những kẻ đi đường đó, thì tôi cũng bạo dạn tuyên bố đúng sự thật rằng:  “Đường tốt lành ấy không sánh được với đường tinh tuyết của Đức Mẹ, đường không tì vết, không bợn nhơ, không vương tội tổ, không lu bóng đen.”

 

NGÀY THỨ 6

Nữ tướng toàn thắng

 

          Trong vườn địa đàng, Thiên Chúa tuyên bố với con rắn hỏa ngục: “Ta sẽ đặt những mối thù giữa mày và người nữ, giữa dòng giống mày và dòng giống người nữ, Người ấy sẽ đạp nát đầu mày.”  Đó, một lời tiên tri tuyên chiến, tỏ ra rằng sẽ có cuộc giao tranh kịch liệt liên miên, không thể giải hòa được, giữa hai đối phương Đức Mẹ và con cái Người với Satan và tôi tá nó.  Đồng thời cũng là tuyên thắng về phe Đức Mẹ.

 

            Quả thực, lịch sử Giáo Hội cho ta biết cuộc giao tranh đó đã bắt đầu từ khi có loài người và cứ tiếp diễn luôn trải qua các thời đại ngày nay vẫn chưa ngừng, mà lại ác liệt thâm hiểm nhất từ trước tới nay.

 

            Mặc dầu bên Satan thu hết tài sức, tăng gấp lực lượng, lập những mưu thâm chước độc để tấn công, nhưng kết quả Đức Mẹ với Chúa Giêsu sẽ đạp nát đầu nó.  Ở Fatima Đức Mẹ có nhắc: “Trái Tim Mẹ sẽ thắng.”

 

            Phải chăng sự ác liệt cực độ của kẻ dữ chỉ là cái giẫy chết của Satan dưới gót chân vô nhiễm Đức Mẹ.  Tin như vậy không phải là vô bằng, vì Chúa đã nói: “Người ấy sẽ đạp nát đầu mày.”  Danh từ “Người ấy” theo các nhà giải nghĩa Thánh Kinh ngày nay hiểu là Chúa Giêsu.  Theo kế truyền hiểu về Đức Mẹ.  Hiểu đàng nào cũng có nghĩa, vì Đức Mẹ với Chúa Giêsu chỉ là một khối duy nhất toàn thắng Satan.

 

            Theo Thánh Mongpho giải nghĩa, thì nọc độc con rắn để ở đầu, đạp nát đầu hay nghiền tán đầu nó, nghĩa là làm nó hoàn toàn thất bại, không còn làm hại được nữa.  Quả thực đối với Chúa Giêsu, Đức Mẹ và những tôi trung con thảo của Ngài, ma quỷ đã hoàn toàn chiến bại.  Tuy nhiên trong nhân loại chỉ ai muốn theo ma quỷ thì mới bị thua.  Nhưng ngày thế chung sẽ là ngày khởi hoàn của Chúa Kitô, đồng thời là cuộc đại bại của Satan.

 

            Đức Mẹ vẫn là rạng đông báo hiệu mặt trời sẽ đến.  Chúa Giêsu, mặt trời công chính, xuống thế hai lần, lần trước để cứu chuộc, lần sau để phán xét.  Lần nào cũng có Đức Mẹ đến trước.  Lần sau Chúa sẽ đến trong uy quyền và toàn thắng, thì Đức Mẹ cũng đến trong vinh quang và chiến thắng.  Vì thế, ở Fatima, Đức Mẹ đã nói: “Trái tim Mẹ sẽ thắng” liền sau câu: “Chiến tranh ‘thế chiến thứ nhất’ sắp kết liễu, nhưng nếu loài người không trở lại với Thiên Chúa, thì nước Nga sẽ đem những điều lầm lạc tuyên truyền khắp thế giới, gây nên chiến tranh, nhiều dân tộc bị hủy diệt, nhiều người chết đói và Giáo Hội bị bách hại.”

            Chúng ta sống trong hy vọng, hy vọng toàn thắng của Nữ tướng yêu quý của chúng ta.

 

NGÀY THỨ 7

Cùng làm tông đồ với Mẹ

 

          Tôn sùng Đức Mẹ đúng nghĩa và đầy đủ vẫn gồm việc tông đồ.  Lý do là vì Đức Mẹ đã sinh ra Chúa Kitô thực nhân, Người vẫn còn sinh ra các chi thể của Chúa Kitô cách thiêng liêng.  Làm tông đồ tức là làm mẹ thiêng liêng, nghĩa là sinh ra hay làm lớn lên Chúa Kitô trong các tâm hồn.  Như vậy thì làm tông đồ chỉ là nối tiếp việc Đức Mẹ, chỉ là dự phần vào sứ mệnh tông đồ của Đức Mẹ.

 

            Đức Mẹ đã lĩnh nơi Chúa một sứ mệnh tông đồ phổ quát và thủ lĩnh, khi nhận chức cộng tác cứu chuộc.  Đã cộng tác cứu chuộc, thì bao lâu việc cứu chuộc của Chúa Kitô còn tiếp tục, bấy lâu Đức Mẹ vẫn còn cộng tác, nghĩa là ta khởi sự đến hoàn thành.  Như vậy Đức Mẹ vẫn chỉ huy sứ mệnh tông đồ Chúa Cứu Thế giao cho Giáo Hội cho đến khi hoàn tất.

 

            Theo đạo cứu thế, làm chi thể Chúa Cưú Thế, làm con của Mẹ Chúa Cứu Thế và làm quân của Nữ tướng đạo binh Cứu Thế, mà không làm việc cứu thế tức là việc tông đồ, thì là hữu danh vô thực, là thiếu tinh thần của đạo, của Chúa, của Mẹ.

 

            Người theo đạo Chúa Cứu Thế mà không tôn sùng Mẹ Chúa Cứu Thế, thì là người cứu thế giáo không đầy đủ.  Cũng thế, tôn sùng Đức Mẹ mà không làm tông đồ thì là tôn sùng không đầy đủ, không chính quy.  Rẽ rời việc tôn sùng Đức Mẹ ra khỏi hoạt động tông đồ, đó là một cứu thế giáo thiếu sót, sai lạc.

            Kết luận, nếu ta muốn là giáo hữu chân chính đầy đủ, phải làm tông đồ và làm tông đồ với Đức Mẹ.  Càng kết hợp với Đức Mẹ, việc tông đồ càng thành công.

 

TUẦN THỨ BA: ĐỂ MẾN CHÚA

Xin ơn hiểu biết và yêu mến Chúa

 

 

 

CẦU XIN (đọc mỗi ngày)

a.- Với Chúa: Xin mến Chúa yêu người.

            “Lạy Cha, con phó mình con cho Cha.  Xin Cha hãy làm nơi con mọi sự đẹp ý Cha, Cha làm chi mặc lòng, con cũng cám ơn Cha.  Con sẵn sàng luôn luôn, con nhận lãnh tất cả, miễn ý Cha được làm trọn trong con, trong tất cả loài Cha tạo dựng; con chẳng ước mong chi khác nữa.  Lạy Cha, là Chúa Trời con, con phó thác linh hồn con cho Cha, lạy Cha, với tất cả tình yêu của lòng con vì con mến Cha và vì mến Cha, nên con thấy cần phải hiến thân con, phó trót mình con trong tay Cha, không do dự đắn đo, song vô cùng tin cậy, vì Cha là Cha của con.”  (của Cha Charles de Foucauld)

 

“Lạy Chúa khoan nhân, xin dạy con nhận biết yêu thương và phụng sự Chúa trong mọi người, chẳng trừ ai.  Lạy Chúa, xin hãy dùng con làm khí cụ bình an Chúa, để con đem yêu thương vào nơi thù oán, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi bất thuận, đem sự thật vào chốn lỗi lầm, đem đức tin vào nơi nghi hoặc, đem cậy trông vào nơi tuyệt vọng, đem ánh sáng vào chốn tối tăm, đem yên nghỉ vào nơi sầu thẳm.  Lạy Chúa, hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người an ủi, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết.  Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính lúc hiến thân là lúc lãnh nhận, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc tha thứ là lúc được thứ tha, chính lúc chết đi là lúc sống lại cuộc đời bất diệt.  Hỡi Thần Linh Thánh Ái, hãy mở rộng cõi lòng con và ban xuống trần gian bình an Chúa cho hết mọi người thiện chí.  Amen (Kinh Hòa Bình)

 

b.- Với Đức Me. 

“Lạy Mẹ Maria, con đã hiểu Mẹ là thụ tạo cao trọng nhất, linh thiêng nhất, tinh ròng nhất, mỹ hảo nhất, nhân hậu nhất, thánh thiện nhất, vì thế đáng yêu mến nhất.  Chớ gì mọi người hiểu biết và yêu mến Mẹ như Mẹ đáng được!  Điều an ủi lòng con biết bao là biết bao linh hồn trên trời dưới đất say mê yêu mến Mẹ, vì Mẹ thiện hảo và mỹ duyệt.  Con còn sung sướng hơn nữa vì thấy Thiên Chúa thương yêu một mình Mẹ hơn thương yêu toàn thể nhân loại và thiên thần.  Mẹ ơi, Mẹ đáng mến của con ơi, con đây tuy là một tội nhân khốn nạn, con cũng yêu Mẹ; nhưng con yêu ít quá!  Con khát khao yêu Mẹ bằng một lòng yêu sâu xa và âu yếm hơn nhiều, và Mẹ có thể xin cho con được lòng yêu ấy.  Con biết yêu mến Mẹ là một dấu được tiền định, là một bảo đảm ơn cứu rỗi.

 

            Thưa Mẹ, con thấy Chúa đáng yêu mến vô cùng, con biết điều ước nguyện duy nhất của Mẹ là thấy Chúa được yêu mến.  Mến Chúa, mến đến tận hiến là ơn con ước mong Mẹ ban cho con.  Con không xin Mẹ danh vọng, của cải, thú vui, con chỉ xin cái mà Mẹ ước ao nhất là mến Chúa.  Xin Mẹ ban cho con cùng với lòng yêu mến Mẹ mà mến Chúa Ba Ngôi toàn ái và mến Chúa Giêsu con Mẹ (Thánh Anphong Liguori).

 

NGÀY THỨ 1

Thiên Chúa là tình yêu

         

“Thiên Chúa là tình yêu” (I Jo. 4, 16), đó là một mặc khải vĩ đại của Tân ước.  Lạy Chúa, suốt ngày hôm nay, cả tuần này, đến hết đời con và đời đời, con ghi lòng tạc dạ cái chân lý cảm động:  Chúa là tình yêu, Chúa yêu đời đời.

 

            Chúa là Tình yêu.  Có yêu và là yêu, hai câu ý-nghĩa khác xa.  Thiên Chúa chẳng phải chỉ có tình yêu như là một ưu phẩm, nhưng toàn thân Chúa là chính khối tình.  Khối tình đó mông-mênh, bát-ngát, là nguồn mạch mọi tình yêu nơi thụ tạo trên trời dưới đất, từ muôn xưa đến nay và mãi mãi.  Cái tình yêu ấy bởi mãnh liệt nóng nảy quá đến như không kìm hãm nổi trong lòng Chúa nữa, đã phải tràn ra ngoài nơi tạo vật:  bởi yêu, Chúa đã dựng nên mọi vật.  Cũng bởi yêu mãnh liệt vô cùng, Đức Chúa Cha hằng hữu đã ban Con một Ngài, để chịu chết mà cứu chuộc ta; như thế Ngài chưa thỏa mãn, Ngài còn muốn ban cho ta Chúa Thánh Thần, để ở trong ta mà nhóm và nuôi lửa yêu nóng nảy ấy.  Chúa Giêsu đã tuyên bố Ngài xuống thế gian để đem lửa đến và ước vọng độc nhất của Ngài là lửa ấy cháy lên trong lòng người ta.

 

            Yêu từ muôn thuở.  Chúa không bắt đầu yêu ta trong thời gian.  Trước khi có ta, trước khi có vũ trụ, Chúa đã yêu ta.  Nếu có thể nói được rằng từ khi có Chúa, Chúa đã yêu ta từ lúc ấy.  Nhưng sự thực Chúa không có lúc bắt đầu, không có từ khi, vì Chúa không lệ thuộc vào thời gian, nơi Chúa chỉ là hiện tại và trong hiện tại vô thủy vô chung ấy Chúa vẫn tưởng nghĩ đến ta, vẫn yêu thương ta.  Quả thật Chúa yêu ta đời đời.

 

NGÀY THỨ 2

Chúa Giêsu là tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại

 

          Nghĩ đến số phận thảm thương của đám người bị phong hủi, phải đầy đọa trong thiếu thốn và buồn tủi ở đảo Molokai, Cha Đa-miêng, một linh mục trẻ tuổi và tráng kiện, trong lúc động lòng trắc ẩn, đã tự nguyện hiến trót cuộc đời còn lại để phục vụ họ.  Người đích thân đến giữa họ, làm một người bạn thân, một người mẹ hiền, để băng bó các chốc lếch phần xác và xoa dịu những vết thương tâm hồn.  Kết cuộc, Người chia sẻ cả bệnh cùi với họ, và cùng họ để cho trùng hủi kết liễu cuộc đời.

 

            Câu chuyện Cha Đa-miêng mô tả được phần nào tấm lòng xót thương của Chúa Giêsu đối với nhân loại.  Tội lỗi là phong hủi của linh hồn; trước mặt Chúa, tội lỗi còn muôn phần ghê tởm và khốc hại hơn bệnh cùi thể xác.  Thế nhưng Chúa Giêsu, Con Vua Trời cao cả, đã động lòng thương xót, tự nguyện làm người, sống giữa nhân loại tội lỗi, mang lấy vào mình tất cả mọi hậu quả khốc hại của tội lỗi, trong đó có cái chết đau thương và ô nhục, để chứng tỏ lòng Ngài yêu ta đến tột độ:  không có cái yêu nào hơn là thí mạng vì kẻ mình yêu.

 

            Nơi Chúa Giêsu không nguyên cái chết khổ nhục chứng tỏ lòng yêu mến tận cùng, mà cái gì cũng biểu lộ lòng yêu đó:  nhập thể, giáng sinh, đời sống ẩn dật, Thánh Thể và các bí tích khác, Phúc âm và Giáo Hội chẳng là tang chứng, là kế hoạch của tình yêu vô hạn đó ư?

 

            Có thể nói Ngôi Hai làm người, mệnh danh là Giêsu, là Thiên ư ngã:  Emmanuel, là Thiên Chúa riêng của nhân loại.  Chính vì thương xót nhân loại mà Ngài cứu chuộc họ.  Nói kiểu khác, Ngài là tình yêu vô cùng mặc lốt nhân loại, đau khổ vì nhân loại, tha thứ cho nhân loại tội lỗi, nói tắt, Ngài là tình yêu cứu thế.  Tình yêu đó Chúa dành riêng cho nhân loại, vì Chúa không mặc tính loài nào khác, cũng chẳng đau khổ để cứu vớt loài nào khác.  Quả thật, nhân loại được độc quyền hưởng thụ tình yêu cứu thế ấy.

 

NGÀY THỨ 3

Chúa Kitô nguồn sống của tôi

 

          Thánh Phaolô, người được chọn để tỏ các mầu nhiệm cao cả cho nhân loại, đã nói: “Thiên Chúa đã chọn ta trong Người (Chúa Kitô) ngay trước khi sáng tạo vũ trụ, để ta nên thánh thiện và tinh tuyết trước nhan Ngài nhờ đức ái.  Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử qua Chúa Giêsu Kitô và nhập vào Người” (Eph.1, 4-6). Đó là chương trình thánh hóa nhân loại của Thiên Chúa; chương trình ấy có 3 điểm: 

  1. Thiên Chúa, vì thương ta, muốn ta nên thánh, nghĩa là thông dự vào sự sống của Ngài.
  2. Nên thánh như vậy sẽ được là nghĩa tử Ngài.
  3. Hóa ta nên nghĩa tử là việc của Chúa Giêsu Kitô, nói rõ hơn là việc của Thần Linh Thánh Ái của Ngài (Son Esprit d’Amour et de Sanctification).

Việc hóa ta nên nghĩa tử Thiên Chúa thực hiện thế nào?    Ngay khi dựng nên nguyên tổ loài người, Thiên Chúa đã cho làm nghĩa tử Ngài.  Chẳng may, Adong và Evà phạm tội, hai ông bà mất phúc làm con Thiên Chúa, con cháu cũng không được phúc đó.  Nhưng Đức Chúa Con đã làm người (Chúa Kitô) để hóa ta thành con của Đức Chúa Cha, giông giống như Người.  Hóa thành thế nào?  Cho tham dự vào hiếu tử tính của Người, nghĩa là cho thông công tình con thảo của Người đối với Chúa Cha.  Làm cách nào để ta được thông công?  Nhờ Chúa Thánh Linh, là tinh thần của Chúa Con, cũng là Thần Linh Thánh Ái, tự tỏa ra khắp cả thân ta, nhuộm ta đẵm mầu thảo mến như lời Thánh Kinh: “Sự thảo mến Thiên Chúa được tràn lan trong tâm hồn ta nhờ Chúa Thánh Linh, chính Ngài cũng đã được ban cho ta.”  (Rom.5,5).  Nhờ đó ta thành loài mới (Nova creatura Gal. 6,15), tuy chẳng được là con sinh tự ngọc thể Chúa Cha, nhưng cũng là con bởi tham dự vào tình con thảo, là tình thảo mến (in caritate) của Chúa Con, đến nỗi trong trí Chúa Cha, Chúa Giêsu “là con đầu lòng trong nhiều em” là chúng ta (Rom. 8, 29).

 

Vậy Chúa Giêsu là nguồn mạch sự thánh của ta.  Tất cả sự thánh mà Thiên Chúa định ban cho các linh hồn, đều lưu trữ nơi nhân tính Chúa Giêsu, ngoài Chúa Giêsu ra, ta không tìm đâu được mảy may sự thánh.  Chúa Giêsu lại đã sống một đời thánh thiện để làm mô phạm cho ta.  Người còn chịu chết lập công để ta được sự thánh đó.

 

Vì sự thánh là thông dự vào sự sống của Thiên Chúa lưu trữ nơi Chúa Giêsu, nên quả thực Chúa Giêsu là nguồn sống của linh hồn ta. 

 

 

NGÀY THỨ 4

Để Chúa Kitô sống động trong mình

 

Kìa một người bị thôi miên.  Người thôi miên nhìn họ, rồi sai khiến họ hành động hoàn toàn theo ý mình.  Thánh Theresa Hài Đồng Giêsu có lần vì muốn tỏ lòng yêu mến thần phục Chúa, nên xin Chúa tự do thôi miên mình.  Cái bút ở trong tay người viết, nó làm gì?  Nó chỉ biết vâng lời, người viết muốn viết gì thì viết.

 

Hai tỉ dụ đó là hình ảnh một linh hồn đã để Chúa hoàn toàn sống động trong mình.  Chính Chúa là động cơ phát động những tưởng nghĩ, cảm tình, ngôn ngữ, hành vi của họ, họ chỉ còn biết vâng lời.  Lúc đó họ nói được như thánh Phaolô: “Tôi sống, mà không còn là tôi, nhưng là Chúa Kitô sống bên trong tôi.”

 

Được Chúa sống trong mình như vậy, người ấy sẽ là nhân chứng của Chúa, sẽ là tông đồ đắc lực.  Người ta gặp thấy, tiếp xúc với người ấy, thì như là gặp thấy, tiếp xúc với Chúa Kitô.  Ý Chúa Kitô là muốn dùng các người giáo hữu, để làm chứng nhân của Người và rải đi khắp không gian và thời gian, để họ diễn lại đời sống dương thế của Ngài. Nhờ đó, người ta nhận thấy Ngài ở nơi tín hữu Ngài, họ là Kitô khác.

 

Điều kiện để trở nên Kitô khác, là tận hiến và sống đầy đủ tinh thần tận hiến, nghĩa là đừng lấy lại những cái đã dâng, lại để cho Chúa và Đức Mẹ hoàn toàn xử dụng.  Chúa và Đức Mẹ chỉ dùng ta để nối tiếp đời sống Chúa và Mẹ ở dương thế ngày xưa.

 

            Một người mà bất cứ việc gì cũng để mến Chúa, cũng phù hợp ý Chúa đúng như câu: “Cùng với Mẹ, con làm, để mến Chúa” thì sẽ được Chúa sống động trong mình, sẽ trở nên Kitô khác.

 

NGÀY THỨ 5

Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ Kitô-hóa tôi

         

Tôn giáo là dây nối buộc nhân loại với Chúa Tể, mà là dây tình ái, nghĩa là Chúa Tể thì hạ cố, giúp đỡ, cứu vớt, nhân loại thì dâng lên Chúa Tể những tâm tình tôn thờ, biết ơn, tin cậy, yêu mến.  Đó là tình ái tương giao.

 

Đạo Cứu Thế hay Kitô Giáo cũng là đạo thân giao giữa nhân loại với Chúa Tể, nhưng có Chúa Kitô ở giữa làm môi giới.  Chúa Kitô là nơi gặp nhau, là chỗ nối 2 tình ái.  Tình ái của Thiên Chúa xuống gặp nhân loại là Chúa Thánh Thần; tình ái nhân loại lên tiếp Thiên Chúa là Đức Mẹ, đại diện nhân loại.  Hai tình ái ấy gặp nhau, kết hiệp với nhau nơi Chúa Kitô.  Quả vậy, mặc khải cho biết Ngôi Hai Nhập Thể để làm trung gian đưa nhân loại về với Thiên Chúa, mà việc nhập thể đó do Chúa Thánh Thần chủ động và Đức Mẹ hợp tác.

 

Việc Chúa Thánh Thần cùng với Đức Mẹ làm cho Ngôi Hai Nhập Thể và sinh ra là việc nhất thời, nghĩa là chỉ thực hiện một lần ở nước Do-thái cách đây hai ngàn năm, hay là một định luật vẫn thi hành mọi đời trong sự sống siêu nhiên của thế giới tinh hồn? 

 

Cùng với Giáo Hội ta tin đó là một định luật muôn đời, nghĩa là luôn mãi cho đến thế mạt, hễ lần nào Chúa Kitô sinh ra cách thiêng liêng trong bất cứ linh hồn nào, để thánh hóa họ, nghĩa là để kết hợp họ với Ngài, thì vẫn sinh ra bởi phép Chúa Thánh Thần và có Đức Mẹ cộng tác.  Bởi vậy, mỗi lần ta được ơn thánh do công nghiệp Chúa Giêsu, thì vẫn do Chúa Thánh Thần hoạt động và có Đức Mẹ cùng hoạt động với Chúa Thánh Thần. 

 

Thánh Mongpho giới thiệu sự kết hợp với Đức Mẹ, để Chúa Thánh Thần hoạt động mãnh liệt trong ta.  Ngài nói: “Chúa Thánh Thần càng thấy Đức Mẹ, Bạn chí ái, bất ly của Ngài trong một linh hồn, Ngài càng hoạt động mãnh liệt để thành hình Chúa Kitô trong linh hồn ày và biến linh hồn ấy nên giống Chúa Kitô.”  Hễ có Đức Mẹ ở với ta, là Chúa Thánh Thần Kitô-hóa ta.

 

Đức Mẹ ở trong ta cách nào?  Đức tin cho ta biết rằng các thánh trên trời nhờ chiêm vọng Thiên Chúa, mà xem thấy ta với các nhu cầu của ta, nghe được các điều ta ước nguyện và có thể bầu cử ơn Chúa cho ta.  Cách đó gọi là hiện diện gián tiếp.  Đức Mẹ cũng hiện diện nơi ta cách đó.  Hơn thế nữa, theo ý kiến phần đông các nhà thần học, Đức Mẹ còn hiện diện với ta cách trực tiếp và vật thể nữa, sở dĩ được như thế là vì xác Đức Mẹ đã được hưởng những đặc tính của xác sống lại.

Hãy luôn luôn tưởng nhớ yêu mến với Đức Mẹ, để luôn luôn được Chúa Thánh Thần Kitô hóa ta.

 

NGÀY THỨ 6

Công việc thánh hóa của Chúa Thánh Thần

 

Trước khi nói đến công việc của Chúa Thánh Thần, có một điều cần lưu ý.  Công việc thánh hóa cũng như mọi việc khác Thiên Chúa hành động ra ngoài mình, vẫn là việc chung của Ba Ngôi.  Nhưng thần học cũng như thánh kinh quen dùng cách nói biệt qui, nghĩa là việc nào biểu lộ được đặc tính Ngôi nào, thì quen nói là việc của Ngôi ấy.  Tỉ dụ, việc thánh hóa nhân loại là việc yêu thương, thì quen nói là việc Chúa Thánh Thần, vì Ngài là Ngôi Yêu Mến.

 

            Trong chương trình cứu chuộc và thánh hóa nhân loại, việc nào cũng do Chúa Thánh Thần chủ động và có Đức Mẹ phụ tá.  Nơi Chúa Cứu Thế, từ việc vĩ đại Ngôi Hai Nhập Thể, cho đến những hành vi nhân linh của Chúa Giêsu, như lên rừng chịu cám dỗ, trở lại Galilêa sau thời gian ở trên rừng, và việc kết liễu đời sống làm hi tế trên thánh giá, thì Thánh Kinh đều nói là do Chúa Thánh Thần chỉ huy.

 

            Trong Giáo Hội, Chúa Thánh Thần khai sinh Giáo Hội trong ngày linh giáng.  Và từ đó cho tới ngày chung thẩm Chúa Thánh Thần vẫn giúp đỡ Giáo hội, trong khi thi hành quyền giáo huấn, cai tri và thánh hóa.

 

            Đối với các linh hồn, Chúa Thánh Thần làm họ nên con Thiên Chúa trong lúc chịu phép thánh tẩy và nên chiến sĩ do phép thêm sức.  Để giúp họ sinh hoạt siêu nhiên, nghĩa là thi hành nhân đức, lên các bậc suy nguyện cao sâu, Chúa Thánh Thần ban bảy ơn, gọi là bảy ơn Chúa Thánh Thần.

 

            Ơn Kinh-úy—Kính sợ (Fear of the Lord) làm ta tôn trọng uy quyền Chúa, và hối hận mỗi khi phạm đến uy quyền đó, vì thế quyết tâm lánh tội và vui chịu khổ đền tội.

 

Ơn Cương dũng—Sức mạnh (Fortitude) cho ta can đảm bất chấp trở lực, biết chịu đựng kiên nhẫn, dám đảm đương những việc lớn lao, vì triệt để tin cậy vào Chúa, lại trung thành trong những điều nhỏ mọn.

 

            Ơn Sùng hiếu—Đạo đức (Piety) sinh ra hiếu để thiêng liêng, nghĩa là làm ta cảm thấy Chúa là Cha chí từ, nên thảo mến kính phục; lại yêu mến Đức Mẹ, các thánh, Giáo Hội, các vị Bề trên, vì là con cái Chúa.  Ơn này còn làm ta hy sinh xả kỷ cho đồng loại.

 

            Ơn Siêu kiến—Biết lo liệu (Counsel) làm ta biết dung hòa những sự xem ra mâu thuẫn như nghiêm thẳng với nhân từ, âu yếm các linh hồn với lòng trong sạch, giúp ta giải quyết, đối phó mau chóng trong những trường hợp khó khăn.

 

            Ơn Minh luận (Knowledge) làm ta nhờ tạo vật mà lên Chúa, vì thấy tạo vật thì thấy ngay nó bởi Chúa, nó có gì hoàn mỹ cũng là do Chúa cho; đồng thời thấy ngay bên cạnh những mỹ hảo đó có cái hư hèn, giả trá, nguy hiểm, nên dễ siêu thoát tạo vật. 

 

            Ơn Minh đạt (Understanding) củng cố đức tin, vì ơn này làm ta tin các chân lý mặc khải, thấy các chân lý đó ăn nhịp với nhau, mặc dầu chưa hiểu bản tính các chân lý đó, nhưng không nghi ngờ và thấy tin như vậy là phải lẽ.

 

            Ơn Trí ái—Khôn ngoan (Wisdom) làm ta hiểu rõ Chúa và cảm thấy êm ái ngọt ngào, nên sống thân mật với Chúa, đi sâu vào những huyền diệu của Chúa Ba Ngôi, cảm thấy Chúa là mọi sự, nên tận dụng sở năng để mưu vinh danh Chúa, việc gì cũng là bằng chứng trung thành và yêu mến Chúa.

 

NGÀY THỨ 7

Mến Chúa là hạnh phúc của ta

 

          “Thiên Chúa là Tình yêu”.  Tất nhiên ta là con phải đáp mến.  Thánh Theresa Hài Đồng Giêsu nghĩ muốn đáp mến, thì có một cách tốt hơn cả là hiến thân cho Tình Yêu Chúa, để yêu Chúa bằng chính Tình Yêu của Chúa đã phú cho người hiến thân; thánh nữ cầu xin rằng: “Lạy Chúa toàn ái, xin chính Chúa hãy đến mà yêu Chúa ở trong con, như Chúa muốn và bằng mực Chúa muốn.”

 

            Mến Chúa là hạnh phúc của ta.  Mỗi vạt Chúa dựng nên đều có mục đích riêng, như mắt để xem, tai để nghe.  Khi tới mục đích đó nó mới thỏa mãn, nghĩa là mới có hạnh phúc.  Trong con người có hai tài năng cao trọng nhất, đứng chỉ huy các tài năng khác.  Hai tài năng đó là trí khôn và lòng muốn.  Mục đích của trí khôn là hiểu biết, của lòng muốn là yêu mến.  Đối tượng của trí khôn là chân lý, của lòng muốn là sự thiện.  Biết chân lý, yêu sự thiện, con người mới thỏa mãn. Muốn có hạnh phúc hoàn toàn đầy đủ, thì trí khôn phải biết chân lý tuyệt đối, lòng muốn phải yêu sự thiện vô cùng.  Chân lý tuyệt đối là Thiên Chúa.  Sự thiện vô cùng cũng là Thiên Chúa. Vì thế chỉ khi nào hiểu biết và yêu mến Chúa, ta mới được hưởng hạnh phúc thật.  Hiểu biết Chúa để yêu Chúa, nên nói tắt rằng mến Chúa là hạnh phúc.

 

            Ở thiên đàng không có tin, cậy, chỉ còn yêu mến, mà yêu mến không bao giờ tắt chỉ, và đó là hạnh phúc của ta.  Quả thật như thánh Augustinô nói: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con để hướng về Chúa, lòng con khắc khoải không yên cho đến khi được nghỉ trong Chúa mới thôi.”  Lạy Chúa, Chúa ra lệnh cho con mến Chúa, chẳng qua là truyền cho con hưởng hạnh phúc, Chúa nhân ái dường nào!  “Mọi sự đều giả trá, trừ sự mến Chúa.”  Mến Chúa là hạnh phúc của ta, nên việc gì không đưa tới cùng đích, đều là giả trá và dại dột, trái lại việc nào đưa tới hạnh phúc, mới có giá trị và khôn ngoan.  Một người mà việc nào cũng: “Cùng với Mẹ, con làm để mến Chúa” thật là người khôn ngoan.  Đời sống người ấy là bài tình ca.  Nhìn người ấy Chúa được thỏa mãn.  Đời sống tận hiến đúng nghĩa là bài tình ca vậy.

 

CHÍNH NGÀY TẬN HIẾN

 

          Việc tận hiến cốt yếu là một động tác của ý chí nên không cần diễn tả bằng lời nói, chỉ có ý muốn là hoàn thành.  Tuy nhiên, để hợp với bản tính con người, người ta vẫn nói ra ngoài miệng cái ý chí tận hiến.  Cũng không buộc theo định thức nào, người ta có thể tự đặt lấy kinh tận hiến. Tuy nhiên có thể dùng các kinh tận hiến đã có, như kinh tận hiến của Thánh Mongpho, đã in ở nhiều sách, hay kinh tận hiến làm lễ toàn thiêu cho Chúa toàn ái của Thánh nữ Theresa Hài Đồng Giêsu.  Đây xin giới thiệu một kinh “tận hiến cho Chúa toàn ái nhờ Đức Mẹ.”

            Việc tận hiến có thể làm riêng làm chung; làm lúc nào cũng được; tuy nhiên, nên làm khi chầu Thánh Thể hay sau lúc rước lễ: không bó buộc theo lễ nghi nào.

 

Nhưng đây xin giới thiệu một lễ nghi

 

LỄ NGHI NÀY GỒM:

 

  1. Kinh cầu Chúa Thánh Thần
  2. Diễn giảng ý nghĩa tận hiến
  3. Triều thiên nhỏ
  4. Mấy câu hỏi
  5. Hai phút suy nghĩ
  6. Kinh tận hiến
  7. Hai phút suy nghĩ
  8. Hát bài tận hiến hay Magnificat
  9. Phép lành linh mục chứng kiến (nếu có)

 

LỄ NGHI TẬN HIẾN

(Sau khi rước lễ, hay trước chầu Thánh Thể)

 

1—Kinh Cầu Chúa Thánh Thần

            Xin Chúa thương xót chúng con.

            Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

            Xin Chúa thương xót chúng con.

            Chúa Kitô nghe cho chúng con.

            Chúa Kitô nhậm lời chúng con.

Đức Chúa Cha ngự trên trời là Đức Chúa Trời thật.

Thương xót chúng con (lặp lại sau mỗi câu sau này)

Đức Chúa Con chuộc tội cứu thế là Đức Chúa Trời thật.

Đức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Trời thật.

Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Thánh Thần (ĐCTT) bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra.

ĐC TT đã bay liệng trên mặt nước, khi tạo thành vũ trụ và ban cho nó sản lực dồi dào.

ĐC TT đã soi sáng các thánh nhân nói về Thiên Chúa.

ĐC TT dạy dỗ thấm nhuần chúng con.

ĐC TT làm chứng về Chúa Giêsu Kitô.

ĐC TT là thầy chân lý hằng dạy dỗ chúng con mọi điều.

ĐC TT đã xuống ngự nơi Đức Mẹ.

ĐC TT đã tràn đầy mặt đất.

ĐC TT ngự trị trong lòng chúng con.

ĐC TT ban ơn trí ái và minh đạt.

ĐC TT ban ơn siêu kiến và cương dũng.

ĐC TT ban ơn minh luận và sùng hiếu.

ĐC TT ban ơn kinh úy Thiên Chúa.

ĐC TT ban ân sủng và lân tuất.

ĐC TT ban can đảm, mến yêu và tiết độ.

ĐC TT ban đức tin, cậy, mến, và bình an.

ĐC TT ban lòng khiêm nhường và sạch sẽ.

ĐC TT ban sự từ bi và hiền hậu.

ĐC TT là mạch mọi ơn phúc.

ĐC TT thấu suốt mọi điều bí nhiệm của Thiên Chúa.

ĐC TT hằng bênh hộ chúng con bằng những lời thống thiết khó tả.

ĐC TT đã lấy hình bồ câu ngự xuống nơi Chúa Kitô.

ĐC TT đã tái sinh chúng con.

ĐC TT đã đổ đầy tình thảo mến vào lòng chúng con.

ĐC TT đã hóa chúng con nên nghĩa tử Thiên Chúa.

ĐC TT đã lấy hình lưỡi lửa ngự xuống trên các môn đệ.

ĐC TT đổ ơn đầy lòng các thánh Tông Đồ.

ĐC TT ban ơn cho mỗi người, tùy ý Ngài sở định.

 

Ta hãy cầu nguyện

            Lạy Chúa, Chúa đã dùng quyền năng Thánh Thần Chúa mà phù giúp chúng con, chúng con van nài Chúa để Thánh Thần Chúa lại xót thương rửa sạch vết nhơ tâm hồn chúng con, và gìn giữ chúng con khỏi mọi sự dữ.  Amen.

 

2—Diễn Giảng Ý Nghĩa Tận Hiến. (Không quá 10 phút)

3—Triều Thiên Nhỏ (Như trong phần cầu xin ở Tuần Thứ Hai)

4—Mấy Câu Hỏi

 

  1. Vì sao (anh chị em hay chúng con) tận hiến cho Chúa toàn ái nhờ Đức Mẹ?
  1.  Vì con muốn phục vụ Chúa triệt để và làm chiến sĩ dưới sự lãnh đạo của Đức Mẹ.
  1.  Cốt yếu việc tận hiến ở tại gì?
  1.  Ở tại yêu mến Chúa tận tình, và lòng yêu mến được cụ thể hóa bằng triệt để tuân phục ý Chúa.
  1.  Yêu là cho, và cho thật thì không lấy lại, vậy ____có cam đoan không bao giờ chủ tâm lấy lại những cái đã dâng không?
  1.  Con quyết không bao giờ chủ tâm lấy lại.
  1.  Khi nào thì lấy lại?
  1.  Mỗi khi dùng trái ý Chúa cái gì đã dâng, đó là lấy lại.
  1.  Không lấy lại, nhưng có phải để Chúa tự do xử dụng, vậy___ có hứa để Chúa tự do xử dụng không?
  1.  Con hứa.
  1.  Làm thế nào để Chúa tự do xử dụng?
  1.  Dùng những cái đã dâng như ý Chúa, đó là để Chúa xử dụng.
  1.  Vậy__ có muốn tận hiến với tất cả ý nghĩa như thế không?
  1.  Con muốn.

5—Hai Phút Im Lặng Suy Nghĩ

 

6—Kinh Tận Hiến

            Lạy Chúa Ba Ngôi, Toàn Ái, Toàn Thiện, Toàn Mỹ, lòng con tràn ngập an ủi và cậy trông, khi miệng con được thưa Chúa rằng:  Cha toàn năng của con.  Lạy Cha, Ngôi Lời của Cha đã làm người để thi thố tình yêu đến tận cùng.  Cũng vì yêu vô hạn, Thánh Linh Cha đã cùng Đức Mẹ làm cho Ngôi Hai nhập thể, để cứu chuộc nhân loại, và còn luôn luôn giúp đỡ Giáo Hội, thánh hóa các linh hồn.  Lạy Cha, bản thể Cha là yêu, công việc Cha là yêu, lòng yêu của Cha không thể đo lường, Cha đáng mến vô cùng.

 

            Để đáp mến Cha bằng đời sống yêu mến hoàn toàn, con xin nhờ Mẹ Maria tinh tuyết mà tận hiến cho Cha toàn thể hồn xác với mọi tài năng, mọi chi thể, mọi của tự nhiên và siêu nhiên, nghĩa là hết mọi sự con có thể dâng.

 

            Xin Cha nhận con vào sổ các linh hồn tận hiến mà không bao giờ lấy lại những cái gì đã dâng.  Xin Cha biến con nên khí cụ triệt để thuận phục trong tay Cha và Mẹ Maria, để mưu vinh danh Cha và cứu các linh hồn.  Xin Cha chiếm lấy con, sống động trong con, dùng con làm gì tùy ý Cha.  Xin cho đời sống con trở thành bài tình ca dâng tiến Cha.  Xin cho con hòa trộn vào Cha để yêu mến Cha, và chỉ muốn sự Cha muốn.  Lạy Cha, mọi sự nơi Cha chỉ là yêu con, chớ gì mọi sự nơi con cũng là chỉ yêu Cha.  Mến Cha là sức sống của con, mến Cha là khát vọng của con, mến Cha là hạnh phúc của con.

 

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Vô Nhiễm, Mẹ Đồng Trinh, Mẹ đầy ơn, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ nhân loại, Mẹ của con, còn gì sung sướng bằng làm con thảo và chiến sĩ của Mẹ!  Mẹ là trung gian thế lực nơi Chúa Giêsu; Chúa toàn ái đã dùng Mẹ, để mẫu hóa tình yêu vô cùng của Ngài, cho chúng con được hưởng tình Mẹ vô hậu.  Lòng thương Mẹ cũng vô biên như quyền phép Mẹ.

 

            Vì tin cậy, con muốn triệt để tùy thuộc Mẹ, để Mẹ tự do xử dụng con.  Để phú thác, con giao phó cho Mẹ mọi sự dĩ vãng và tương lai của con, con chỉ chăm mến Chúa yêu Mẹ trong hiện tại.  Bởi mến phục, con muốn là của riêng Mẹ, để Mẹ tiến dâng Chúa.

 

            Xin Mẹ giúp con trung thành tận hiến đến cùng.  Xin Mẹ biến con nên nô lệ tình yêu của Mẹ như Thánh Mongpho, nên của lễ toàn thiêu của Chúa toàn ái như thánh Theresa Hài Đồng Giêsu, nên tâm hồn mến yêu liên lỉ như Consolata.  Xin Mẹ làm cho chiến sĩ tận hiến chóng đủ số, để Trái Tim Mẹ thắng.  Những điều ấy con cậy vào lòng từ mẫu Mẹ mà nài xin, Mẹ đừng nói Mẹ không phải cho, vì Mẹ là Mẹ con; Mẹ đừng nói Mẹ không thể cho, vì Chúa đã giao mọi ơn để Mẹ muốn phát cho người nào, bằng nào, lúc nào, cách nào, tùy Mẹ.  Mẹ ơi!  Mẹ là kho tàng Thiên Chúa, Mẹ là từ mẫu con triệt để trông cậy vào Mẹ. Amen.

 

7—Hai Phút Im Lặng Suy Nghĩ

8—Hát Bài Ý Nghĩa Tận Hiến hay Magnificat

9—Phép Lành Linh Mục chứng kiến (nếu có)

Tác giả: 
 Lm Phạm Quốc Hưng

BA TUẦN CHUẨN BỊ TẬN HIẾN CHO MẸ

Lm. JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR.

       

Đây là tài liệu giúp tận hiến cho Đức Mẹ theo giáo huấn của Thánh Mongpho như đã được trình bày trong tài liệu “Tất Cho Mẹ”.

Việc tận hiến là một tác động của ý chí có thể trong giây lát là hoàn thành.  Tuy nhiên, để thêm sốt sắng và in sâu vào tâm hồn, người ta cần chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong cuốn “Thành Thực Sùng Kính”, Thánh Louis Maria Montfort dạy rằng việc bên ngoài đầu tiên những người tận hiến phải làm là phải có một Lễ Dâng Mình sau khi đã được chuẩn bị. Ngài dạy phải dùng ít nhất 33 ngày để chuẩn bị cho Lễ Dâng Mình này. 12 ngày đầu để tẩy não, gội sạch tinh thần thế tục vì nó trái ngược với tinh thần đức tin. tinh thần Chúa Kitô. Chúng ta có thể dùng 12 này theo đường lối linh thao, nhận biết thần loại để thêm quyết tâm từ bỏ tinh th ần thế tục và thuần tự nhiên để dốc lòng theo Chúa và thuộc trọn về Chúa, nhờ Mẹ và với Mẹ. Tiếp đến là ba tuần để “ghi sâu vào óc tinh thần của Chúa Kitô nhờ Mẹ Maria”.

 

Theo Thánh Montfort, tuần đầu tiên được dùng để xin ơn biết mình và sám hối. Tuần thứ hai được dùng để tìm hiểu Đức Mẹ để thêm hiểu biết, yêu mến, noi gương và nhờ Mẹ giúp ta yêu mến và thuộc trọn về Chúa Giêsu để được cứu độ và nên thánh. Tuần thứ ba là nhằm xin ơn hiểu biết, yêu mến và thuộc trọn về Chúa Giêsu. Ba tuần này để giúp ta hiểu biết và sống trọn đời tận hiến như được thể hiện trong lời nguyện trước mỗi sinh hoạt: “Cùng với Mẹ, con…để mến Chúa.”

 

Sau hơn 40 năm tận hiến cho Chúa Ba Ngôi nhờ Đức Mẹ theo giáo huấn Thánh Montfort, chúng tôi từng đọc và tìm hiểu một số tài liệu chuẩn bị cho việc tận hiến, nhưng vẫn cảm thấy tài liệu được in trong cuốn “Quyển Sách Vàng” do Legio Mariae Senatus Sài-gòn xuất bản năm 1968 có nội dung phong phú về tín lý và tu đức vững chắc đầy đủ hơn cả. Vì vậy, chúng tôi xin ghi lại ở đây với một số tu sửa rất ít để hoàn chỉnh hơn.

 

Đặc biệt, chúng tôi thêm vào lời nguyện mở đầu cho Kinh Triều Thiên Nhỏ để chúng ta có thể thêm sốt sắng khi đọc mỗi ngày. Kinh Triều Thiên Nhỏ hay còn gọi là Kinh Vòng Hoa là kinh nguyện rất đẹp lòng Đức Mẹ. Sau Lễ Dâng Mình, Thánh Montfort đặt việc đọc Kinh Vòng Hoa mỗi ngày là việc thứ hai người tận hiến phải làm. Ngài khuyên đọc mỗi ngày để kính 12 nhân đức Đức Mẹ, cũng như để ghi nhớ các đặc ân, quyền năng và tình thương Đức Mẹ.

           

            Vậy trong thời chuẩn bị, mỗi tuần suy niệm một điều; trong tuần mỗi ngày cùng với Mẹ làm mọi việc, để xin những ơn như sau:

Tuần I:  Xin ơn biết mình và sống theo tinh thần đức tin.

Tuần II:  Xin ơn hiểu biết và tùy thuộc Đức Mẹ, Đấng cộng tác cứu chuộc và Nữ tướng.

Tuần III:  Xin ơn hiểu biết và yêu mến Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu là nguồn sống và hạnh phúc của ta. 

            Nhận biết mình khốn nạn, hư hèn, bất lực, nên nhờ Đức Mẹ làm môi giới để đến với Chúa, đó là chương trình cứu chuộc và thánh hóa của Thiên Chúa.

 

TUẦN THỨ NHẤT: TÔI SỐNG ĐỘNG

         

Xin ơn biết mình và sống theo đức tin.

 

CẦU XIN (đọc mỗi ngày)

a.- Với Chúa:  Lạy Chúa, xin ban cho chúng con đang tòng quân dưới lá cờ Đức Bà Maria, được lòng tin Chúa, lòng cậy Đức Bà đầy đủ, như vậy chắc chắn sẽ thắng thế gian.  Xin ban cho chúng con đức tin mạnh mẽ, đức tin sống bởi đức mến, để chúng con có sức làm trọn mọi việc, chỉ vì mến Chúa, và hằng nhìn thấy cùng hầu hạ Chúa ngự trong mình anh chị em chúng con; đức tin vững vàng không lay chuyển tựa núi đá, để chúng con an tâm vững chí giữa những cơn đau khổ, những nỗi vất vả, những sự lừa dối ở đời; đức tin dũng cảm khiến chúng con đảm đương và tiến hành không nghi ngại những công cuộc lớn lao cho sáng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn; đức tin làm cột lửa dẫn đưa chúng con hằng hợp nhất và thẳng tiến, để đốt lửa kính mến khắp nơi, để soi   những người còn ngồi trong bóng tối sự chết, để đốt lòng những người nguội lạnh, để hoàn sinh những linh hồn chết chôn trong tội; đức tin hướng đạo, dẫn đưa chúng con trên đường bình an, để sau cuộc đời chiến đấu này, chúng con khỏi phải khóc than một chiến sĩ nào đã hư mất, chúng con hết thảy được hội họp trên nước mến yêu, nước vinh hiển Chúa.  Amen. 

 

b.- Với Đức Mẹ:  Kính mừng Maria, Mẹ là Nữ Vương con, con vâng phục Mẹ.  Mẹ là bà chủ con, con phục vụ Mẹ. Mẹ là tôn sư con, con nghe lời Mẹ. Mẹ là gương mẫu con, con phỏng theo Mẹ. Mẹ là cứu tinh con, con phụng sự Mẹ.  Mẹ là sức mạnh con, con chiến đấu bên Mẹ.  Mẹ là Mẹ con, con thuộc về Mẹ.  Mẹ chí ái của con ôi! tuy con cảm thấy mình hư hèn khốn nạn quá, nhưng con cũng thấy trong lòng Mẹ chỉ có từ bi thương xót, chứ không có công thẳng oai nghiêm; vì vậy, con triệt để tin cậy tận hiến bản thân và mọi sự thuộc về con cho Mẹ.  Nếu Mẹ thấy nơi con còn chút gì chưa thuộc về Mẹ, thì bây giờ con nài xin Mẹ lấy hết đi.  Nơi con tất cả cái gì về con người cũ và tinh thần thế tục, xin Mẹ tiêu hủy đi.  Tất cả những gì làm vui lòng Chúa, xin Mẹ phú cho con.  Sự sáng suốt đức tin Mẹ hãy đánh tan sự tối tăm của trí khôn con, để con luôn luôn, trong mọi việc, vẫn phản ứng theo đức tin.  Lòng khiêm nhường thẳm sâu Mẹ hãy thay thế vào tính kiêu ngạo thâm căn của con.  Lòng mến nóng nảy Mẹ hãy đốt nóng lòng nguội lạnh con.  Đức ái phổ quát Mẹ hãy biến đổi sự tự ái, ích kỷ con.  Sự trong sạch Mẹ hãy tẩy xóa sự dơ nhớp con.  Xin làm cho lòng con hòa nhịp với lòng Mẹ để mến Chúa, mến hết sức, mến đến hy sinh, mến đến quên mình, và yêu người, yêu như chính mình, yêu như Chúa yêu.  Sau hết, xin Mẹ cho con ơn là hằng giây phút lòng con hằng xin vâng, xin vâng tất cả mọi sự Chúa định về con.  Amen.

   

SUY NIỆM

 

NGÀY THỨ 1

Con người tự nhiên của tôi

 

            Lạy Chúa, cùng với thánh Augustinô, con nài Chúa:  Noverim me:  xin cho con biết rõ mình.

            Biết mình là việc tối hệ trong việc tu đức, nguyên sự sáng suốt của trí khôn ta không đủ biết rõ mình.  Nhờ đức tin, và ơn soi sáng ta biết rằng khi vừa dựng nên loài người, Thiên Chúa vì thương yêu, đã nâng lên bậc siêu nhiên, nghĩa là phú thánh sủng vào linh hồn.  Linh hồn trở nên sáng láng đẹp đẽ giống hệt Thiên Chúa, trong con người lòng thú phục lòng thần, toàn thể con người phục tùng Thiên Chúa luôn luôn yên hàn, hướng về sự lành:  nhân chi sơ, tính bản thiện.

 

            Chẳng may nguyên tổ phạm tội, con cháu sinh ra trong tình trạng không có thánh sủng, dục tình nổi dậy quấy nhiễu, người ta không chủ trị nổi, nên phạm nhiều tội, ra hư hèn xấu xa.  Vì thế, trí khôn kiêu căng, sai lầm; lòng chai đá, ác ý; linh hồn yếu đuối thay đổi, xác bê tha, và bệnh tật.  Ta để ý quan sát thì thấy tự nhiên ta kiêu ngạo, ham mê sự đời, hướng về những cái hư hèn, hay ghen tương, mê ăn uống, dễ tức giận, ươn lười, yểu điệu, thất thường, tự sức bất lực mọi việc lành, bất xứng mọi ơn, lúc nào cũng có thể ngã lòng, chỗ nào cũng có thể phạm tội, việc nào cũng dễ chêm pha tà ý.

 

            Thành thực nhận biết mình như thế và hạ mình xuống, vui chịu khinh chê, thì kéo Chúa xuống với mình mà ban ơn chứa chan, vì “Chúa ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pet. 5,5).   Linh hồn tự hạ như thế sẽ được nâng lên (Lc. 14, 11).  Và đó là đã đặt được nền móng vững chắc để xây ngôi nhà thiêng liêng.

 

NGÀY THỨ 2

Tinh thần thế tục

 

          Tôi sống, bạn sống, mọi người chung quanh chúng ta cũng sống.  Sống là gì?  Nghĩ, yêu, ghét, vui, buồn, nói, cười, chơi, học…đó là sống động.  Nói kiểu khác, sống động gồm mọi tư tưởng của trí khôn, mọi cảm tình của lòng muốn, mọi hành vi của tài năng.

 

            Động lực nào gây nên tư tưởng, cảm tình, hành vi đó?  Mọi vật hành động bao giờ cũng hành động vì mục đích nào.  Nếu một mục đích chi phối được hầu hết các hoạt động của một người; nghĩa là tư tưởng, cảm tình, ngôn ngữ, hành vi của họ hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp quy về mục đích đó thì mục đích đó là lý tưởng của họ; còn chí hướng khiến họ tư tưởng, cảm tình, ngôn ngữ, hành vi như vậy là tinh thần.  Lý tưởng là cái khách quan, tinh thần là cái chủ quan.  Thực ra, người ta vẫn sống động theo một tinh thần hoặc tự nhiên, hoặc thế tục, hoặc siêu nhiên cũng gọi là tinh thần đức tin.  Tinh thần thế tục bảo đi ngược với tinh thần đức tin, lôi cuốn người ta theo nó, tìm danh, lợi, thú.  Tinh thần tự nhiên chỉ là chí hướng đi ngoài hoặc đi dưới Phúc âm hay đức tin.  Tinh thần đức tin không kết án tinh thần tự nhiên.  Nếu để ý phân tách mọi hành vi lớn nhỏ của ta, đều thấy nó được phát động do một trong ba tinh thần đó.

 

            Anh X vất vả học ngày học đêm, để nên thông giỏi, để kiếm mảnh bằng bảo đảm đời sống, anh học vì danh, vị lợi.  Trong các bạn tôi, có anh tự nhiên tôi dễ thiện cảm, có anh không làm thể nào để tôi hết ác cảm.  Tôi tự hỏi tại sao, thì ra anh kia con người khôi ngô, cử chỉ nhã nhặn, anh nọ thì điệu bộ cứng cỏi, con người cục mịch, ăn nói thô lỗ.  

 

Cách đối xử của tôi với hai anh bạn, là theo tình cảm, đó là tinh thần tự nhiên phát động cách cư xử của tôi.  Phản ứng vì danh, lợi, thú, đó là phản ứng do tinh thần tục.  Một bà phú hộ từ Buenos Aires sang du lịch ở Paris, Bà vào một tiệm may, đặt làm một cái mũ, một bộ quân áo, theo mốt mới lạ, trên thế giới chưa ai có.  Rồi bà bỏ ra một số tiền to, mua lấy bản quyền cái mốt đó.  Bà về nước, khi nào muốn, lại gửi điện tín sang Paris bảo may.  Đọc trong báo cái tin này: Ông X 26 tuổi, gia đình thế phiệt, vô tín ngưỡng, con người cao nhã và đẹp trai, chắc rồi sẽ cưới được cô gái khuynh thành, con nhà trâm anh, tuổi độ 18, 20.  Đó là hai mẫu truyện sặc mùi thế tục:  chỉ cần thỏa mãn được ba thị hiếu danh, lợi, thú: mặc dầu tốn tiền, nhưng được để ý; mặc dầu vô tín ngưỡng, nhưng đẹp trai; mặc dầu không học thức, nhưng lắm của, mặc dầu tính nết làm sao, nhưng nhan sắc.

 

NGÀY THỨ 3

Khốn cho thế gian

 

          Thánh Gioan Tông Đồ nói: “Mọi sự ở thế gian thì là mê xác thịt, mê tiền tài và kiêu ngạo.”  Đó là tinh thần thế tục.  Thế gian hiểu như thế là cái mâu thuẫn với Chúa, nên Thánh Kinh nói: “Ai yêu thế tục thì trong nó không có tinh thần mến Chúa” (1 Jo. 2, 15).  “Phàm ai muốn tình nghĩa với thế gian, thì họ tự đặt mình làm thù địch với Chúa.” (Jac. 4,4).  Vì thế, Chúa Giêsu không cầu nguyện cho thế gian, mặc dầu đã cầu cho bọn lý hình, lại còn nguyền rủa: “Khốn cho thế gian.”  Tất nhiên thế gian đây hiểu theo nghĩa tinh thần thế tục.

 

            Cha Berthier nêu lên lý do ghét thế tục:

      “Trong thế gian, cái gì cũng nguy hại: sự mơn trớn nó quyến rũ, sự bắt bớ nó làm nao núng, thú vui nó làm hư hỏng, giải trí nó làm phân tâm, gương xấu nó đưa đến lầm lạc, dụ dỗ nó lôi cuốn mãnh liệt.

      “Trong thế gian, cái gì cũng bất công:  nó ca tụng nết xấu, chế diễu sự sạch tội, khinh chê nhân đức.  Nó yêu chuộng bọn tội ác và không chịu được người lương thiện.  Những người khôn ngoan thật, nó cho là ngu ngốc, những kẻ ngu ngốc như nó, nó kể là khôn ngoan. 

 

      “Trong thế gian, cái gì cũng giả trá.  Đừng tin vào những phù hoa hào nhoáng của nó, chỉ là hư danh; đừng tin vào cái vỏ nhân đức của nó, chỉ là giả hình; đừng tin vào những săn sóc phục vụ của nó; chỉ là vụ lợi; đừng tin vào những hứa hẹn của nó, chỉ là lường gạt.

 

            “Trong thế gian, cái gì cũng lừa dối.  Nó tuyên bố hoà bình, nhưng người ta chỉ thấy lo lắng; nó hứa cho vui sướng, nhưng người ta chỉ nếm được đắng cay; nó bảo hy vọng của cải, nhưng người ta chỉ được nghèo túng; nó hứa tự do để kích thích, nhưng chỉ gây nên bối rối; nó hứa vinh quang để dụ dỗ, nhưng chỉ đem lại nhục nhã.”

 

            Người môn đệ của Chúa Giêsu, không những không được yêu thế gian: “Anh em đừng yêu thế gian” (1 Jo. 2, 15): tinh thần thế gian; mà lại phải xa thế gian, vì: “Các con không thuộc về thế gian”; hơn nữa, còn phải chiến đấu với thế gian, phải công kích những tôn chỉ, thói tục của nó.  Chính đức tin của ta là cái thắng thế gian “(1 Jo. 5, 4).

 

NGÀY THỨ 4

Người công chính sống bởi đức tin

 

          Ở nội tâm mỗi người cũng như trong đời sống xã hội vẫn luôn luôn có cuộc tranh giành giữa hai đối phương: tinh thần thế tục và tinh thần đức tin.  Tinh thần thế tục nhằm thỏa mãn dục vọng, để thú tính hóa con người.  Tinh thần đức tin chú trọng việc chế ngự thị hiếu, để siêu nhiên hóa con người.  Người xấu nết là nạn nhân của tinh thần thế tục, người thánh thiện sống bởi tinh thần đức tin.  Thế gian có tôn chỉ, cách ngôn, thói tục quyến rũ người ta theo đuổi danh, lợi, dục.  Đức tin có chân lý, mẹo luật, mênh lệnh khuyến khích người ta yêu chuộng nhân đức. 

 

            Vậy thế nào là tinh thần đức tin?  Là chí hướng chủ động theo như tín ngưỡng, cũng là theo như Chúa đã dạy trong Thánh Kinh, nhất là Phúc Âm. 

 

            Thánh Phaolô nhắc đến tinh thần đó trong câu: “Đức tin hoạt động bởi yêu mến:  fides quae per charitatem operatur.”  Đức tin hoạt động là đức tin có việc làm, nghĩa là làm như mình tin, tin thế nào làm như vậy.  Mà tin đây là tin lời Chúa dạy, nên làm như Chúa dạy, đó là đức tin có việc làm.  Mà lời Chúa dạy thì ghi chép trong Thánh Kinh, nhất là phúc âm, nên có thể nói cách khác là Phúc âm dạy thế nào thì làm như vậy, đó là đức tin có việc làm.  Đức tin có việc làm mới đáng kể, Thánh Kinh đã chẳng nói ư: “Hỡi anh em, ai nói rằng mình có đức tin, mà họ không có việc làm thì ích lợi gì, đức tin đó có cứu rỗi được họ chăng?”  (Jac 2, 14)

 

            Nhưng phải hoạt động bởi đức mến, vì hồn của đức tin là đức ái, cho nên mọi giới răn và các giá trị đều tùy thuộc đức ái, ngoài ra là giả trá cả.  Thánh Phaolô đã nói: “Mặc dầu tôi có đức tin chuyển núi dời non, mà nếu không có đức ái, thì tôi chỉ là không.”  Bởi yêu mến, tức là vì tình với Cha Cả, cũng là ngoan ngoãn để vui lòng Người.

 

            Một người mà trong mọi sự chỉ làm như Chúa dạy, và làm thế để theo ý Chúa, để vui lòng Chúa, thì là người có tinh thần đức tin.  Người đó là người công chính.  “Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con.”

 

NGÀY THỨ 5

Người công chính sống bởi đức tin

 

       Cha Charles de Foucauld nói về ảnh hưởng của đức tin: 

         “Nơi họ (người sống tinh-thần đức tin) đức tin thay thế cho phần nhiều giác quan tự nhiên, nghĩa là đức tin biến cải sự vật đến nỗi giác quan hầu như không còn giúp ích cho linh hồn, vì giác quan chỉ cho linh hồn thấy những cái hào nhoáng giả dối bên ngoài, đức tin mới cho thấy cái thực tại.  Mắt cho linh hồn thấy người nghèo, đức tin làm nó nhận ra Chúa Giêsu.  Tai cho linh hồn nghe những lời xỉ nhục và bắt bớ, đức tin nhắc cho nó rằng: “Chúng con hãy vui mừng hớn hở”. Xúc giác làm cho linh hồn cảm thấy đau đớn, khi nhận lấy những hòn đá người ta ném vào mình, đức tin bảo rằng: “Hãy vui mừng vì đã được đáng chịu đau khổ vì danh Chúa.”  Vị giác có nếm một chút bánh không hơi men, đức tin cho biết rằng đó là Vị Cứu Thế Giêsu, vừa là người, vừa là Chúa, cả xác, cả hồn.  Khứu giác cho ta ngửi thấy mùi hương, đức tin bảo rằng hương thật là lời cầu nguyện của các thánh.

 

            Giác quan ghê sợ đau khổ, đức tin hoan hô nó như mũ triều hôn nhân nối kết linh hồn với Bạn chí ái, như nhịp bước đồng hành tay trong tay với Bạn cực thánh…Giác quan tò mò, đức tin không muốn biết gì, chỉ khát khao chôn vùi mình và mong được cả đời yên lặng ở chân nhà tạm…  Giác quan lo lắng về ngày hôm sau, hỏi ngày mai sẽ sống thế nào, đức tin không lo lắng gì, vì Chúa Giêsu đã bảo: “Chúng con đừng lo lắng, hãy xem hoa cỏ ngoài nội, hãy xem chim chóc, ta nuôi và mặc cho chúng… Chúng con còn trọng hơn chúng… Hãy tìm nước Đức Chúa Trời trước và sự công chính Ngài, còn các sự đó sẽ cho chúng con.”  Giác quan cố thủ ở lại gia đình và chiếm giữ của cải, đức tin mau mắn bỏ cả: “Kẻ nào bỏ cha mẹ, nhà cửa, ruộng nương vì Ta, sẽ được gấp trăm ngàn ở đời này và sống vĩnh cửu ở đời sau.” 

 

            Như thế đức tin giãi vào mọi sự một ánh sáng mới, khác với sự sáng của giác quan… Người sống bởi đức tin có một linh hồn đầy tư tưởng mới, ham thích mơi, phán đoán mới, đó là những nhãn giới mới mở ra trước mắt họ, nhãn giới kỳ diệu, sáng bằng ánh sáng trên trời, đẹp bằng vẻ đẹp Thiên Chúa.

 

 NGÀY THỨ 6

Mâu thuẫn giữa thế tục và đức tin

 

          Sách Gương Chúa Giêsu đối sánh hai tinh thần, ở quyển III đoạn 54, dưới mục đề: “Những phát động của ân sủng và tự nhiên”.  Tự nhiên đây hiểu là tinh thần tự nhiên hay thế tục; ân sủng là tinh thần siêu nhiên hay đức tin.  Đây trích dịch đại khái:—Thế gian xảo trá, quyến rũ, mưu mô, lừa gạt và bao giờ cũng đặt mình làm chủ đích; đức tin thành thực dù hình bóng sự tà ác cũng xa lánh, không bao giờ chủ trương lừa ai, và trong mọi sự cốt mưu vinh danh Chúa.—Thế gian không muốn chịu kiềm chế, thua thiệt, phục tùng, nặng nhọc; đức tin ưa hãm mình, tìm phục tùng, sợ được tự do, thích sống dưới kỷ luật, không ham điều khiển ai, ưa sống động và ở dưới cánh tay Chúa sẵn sàng khiêm nhường cúi đầu trước mọi người vì Chúa.—Thế gian thích hành động vì tư lợi, chỉ mong lợi dụng người khác; đức tin không xét cái lợi, cái tiện riêng; mà chỉ lo đến công ích.—Thế gian thích được danh dự và tôn trọng; đức tin trung thành qui mọi danh dự, mọi vinh hiển về Chúa.—Thế gian sợ xấu hổ và khinh chê; đức tin vui chịu nhục nhã vì danh Chúa.—Thế gian thích thư nhàn và dong dưỡng xác thịt, đức tin không ưa nhàn rỗi, lại thích làm việc luôn.—Thế gian thích cái đẹp mắt, tránh cái hèn hạ và thô sơ, đức tin sung sướng vì cái đơn sơ tầm thường, không ngại cái thô hèn, không thẹn phải mặc áo cũ.—Thế gian tham lam thích nhận hơn cho, chỉ yêu cái của mình; đức tin quảng đại và có tính cách cộng đồng, tránh cái tư riêng, và nghĩ cho đi thú hơn nhận lấy.—Thế gian thích được yên ủi bề ngoài, để nhờ đó thỏa mãn giác quan; đức tin chỉ tìm an ủi trong Chúa và chỉ vui mừng trong Chúa chí  thiện hơn mọi hữu hình.—Thế gian thích lắm bạn bè thân thuộc, tự hào là con dòng cháu giống, cười với người sang, nịnh kẻ giầu có; đức tin yêu cả kẻ thù ghét, không kiêu vì lắm bạn, coi thường giống trọng, dòng sang, có hãnh diện thì chỉ hãnh diện vì tổ tiên nhân đức.  Lạy Chúa, xin cứu con khỏi tinh thần thế tục.

 

NGÀY THỨ 7

Người tận hiến với tin, cậy, mến

 

          Đức Mẹ đâu có thua ta về lòng quảng đại!  Đối với linh hồn đã tận hiến, Ngài sẽ trả lại những của quí nhất, tức là ơn thánh và các nhân đức, nhất là ba đức tin, cậy, mến. 

  1. Đức tin.  Hiện nay Đức Mẹ đã mục kích Chúa rồi.  Ngài không còn đức tin, nhưng đức tin bao la của Mẹ xưa, âu là Mẹ muốn trối lại cho con cái.  Ngài sẽ tặng các người tận hiến một lòng tin mạnh mẽ sống động, để làm mọi việc chỉ vì mến Chúa;  một lòng tin vững vàng chắc chắn, giúp họ thản nhiên bền chí trong những cơn thử thách giông tố; một lòng tin tinh ròng, không cần nhờ cảm giác đánh động; một lòng tin can đảm, giúp họ kiên nhẫn trong những việc vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn; một lòng tin tinh tường sâu sắc giúp họ mau hiểu những sự siêu nhiên; một lòng tin hoạt động nóng nảy, để soi trí người tối tăm, đốt lòng kẻ nguội lạnh.

 

b)  Đức cậy.  Đức Mẹ làm cho họ đầy lòng trông cậy vì họ biết đến với Chúa lúc nào cũng có Mẹ hướng dẫn và bầu cử, chắc Chúa không xua đuổi từ chối.  Người tận hiến đã trở nên của riêng Đức Mẹ rồi, Đức Mẹ, kho tàng của Thiên Chúa, cũng là kho tàng của họ, vì Đức Mẹ không thua về lòng quảng đại.  Còn gì hy vọng bằng được kho tàng của Chúa làm của mình.  Với lòng tin cậy ấy, dù có sa ngã phạm tội, họ cũng không lo lắng bối rối, chỉ hạ mình, ăn năn, rồi cứ tin cẩn chạy đến với Chúa.  Thánh Theresa Hài Đồng Giêsu đã được lòng tin cậy này nên nói: “Dầu tôi thấy lương tâm tôi đen đủi, xấu xa vì hết mọi tội người ta có thể phạm ở đời này, tôi cũng không ngã lòng, nhưng chỉ ăn năn, rồi lại ném mình vào tay Đấng Cứu Chuộc tôi.” 

 

  1. Đức mến.  Giáo Hội vẫn gọi Đức Mẹ là Mẹ sinh ra lòng yêu mến tinh ròng, chắc chắn Đức Mẹ sẽ sinh ra lòng yêu mến đó trong linh hồn con cái Ngài.

Lòng yêu mến Chúa vô lợi, quên hẳn mình của Đức Mẹ, được biểu lộ trong lời tận hiến vắn tắt: “Này đây nữ nô lệ của Chúa Tể, tôi xin vâng lời ông.”  Đức Hồng Y Suenens nói: “Tất cả tâm hồn Đức Mẹ ở trong câu đó.”  Nghĩa là mọi tư tưởng, tâm tình, ngôn ngữ, hành vi Đức Mẹ chỉ là để thực hiện ý muốn Chúa, nơi Đức Mẹ không còn tác động nào ngoài ý muốn Chúa.  “Xin Vâng” không nguyên chỉ là một lời nói để phát biểu sự ưng thuận đề nghị của Sứ Thần lúc truyền tin, nhưng là tất cả một đời sống, luôn luôn trong mọi sự chỉ nghĩ, chỉ muốn, chỉ làm nguyên và mọi sự Chúa muốn. Đức Cha Gay rằng: “Lời đó Đức Mẹ không nguyên đã nói, mà đã sống.”  Lòng yêu mến tinh ròng đó của Đức Mẹ được dần dần thấm nhuần vào tâm hồn những con cái tận hiến của Ngài. 

 

TUẦN THỨ HAI: CÙNG VỚI MẸ

 

Xin ơn hiểu biết mình và tùy thuộc Mẹ.

CẦU XIN (đọc mỗi ngày)

 

a.- Với Chúa Ba Ngôi.  Lạy Cha toàn năng chí ái, Chúa đã dùng Đức Mẹ mà ban cho nhân loại Con Một Yêu Dấu của Chúa để cứu chuộc chúng con cùng với Đức Mẹ để cảm tạ, yêu mến Chúa.  Con ước ao cùng với Chúa Giêsu để hiểu biết Chúa, cùng với Chúa Thánh Thần để yêu mến Chúa, cùng với Đức Mẹ để tận hiến cho Chúa.  Xin Chúa cho con hiểu biết, yêu mến và tùy thuộc Đức Mẹ; xin cho con làm gì cũng cùng Đức Mẹ.

 

            Lạy Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người, để cứu chuộc chúng con, để là nguồn sống chúng con, Chúa đã nhờ Đức Mẹ để sinh ra cho chúng con, Chúa muốn chúng con nhờ Đức Mẹ mà đến với Chúa.  Con cùng Đức Mẹ để tận hiến cho Chúa, con cùng với Chúa để yêu mến Đức Mẹ.  Con muốn nhập hàng ngũ Đức Mẹ để cùng Người đặt quyền thống trị công bình và thương yêu của Chúa trên thế giới duy vật này; xin Chúa cho con một lòng tin không lay chuyển và một lòng cậy trông không bờ bến vào Mẹ quyền năng của Chúa.

 

            Lạy Chúa Thánh Thần, Chúa đã cùng với Đức Mẹ làm cho Ngôi Hai làm người để cứu chuộc nhân loại; ngày nay Chúa cũng vẫn cùng với Đức Mẹ mà Kitô hóa chúng con.  Thánh Mongpho nói: “Chúa càng thấy Đức Mẹ, bạn chí ái của Chúa ở trong linh hồn nào, Chúa càng hoạt động để thành hình Chúa Kitô trong linh hồn ấy và biến linh hồn ấy nên giống Chúa Kitô.”  Điều đó rất an ủi con, con cùng với Đức Mẹ để cảm tạ Chúa và lạy Chúa, từ nay con cố luôn luôn kết hợp với Đức Mẹ, xin Chúa nhắc cho con không làm gì mà không cùng với Đức Mẹ.

 

b.- Với Đức MẹKinh Triều Thiên Nhỏ.

 

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Mẹ Maria là Nữ Vương và là Mẹ con; toàn thân con thuộc về Mẹ, mọi sự của con là của Mẹ. Giờ đây, con xin dâng lên Mẹ kinh Triều Thiên Nhỏ, để cùng với các thiên thần, các thánh, cùng toàn thể Hội Thánh và nhân loại, cũng như tất cả tạo vật đẹp lòng Chúa mà nhìn nhận, ca ngợi, chúc tụng, kính mến, tôn vinh và cảm tạ Mẹ là Nữ Vương rất khả kính khả ái của tất cả chúng con.

            Lạy Chúa Giêsu, con xin hiệp cùng Chúa để xứng đáng ngợi khen Mẹ thánh Chúa, để nhờ Người, với Người và trong Người mà ngợi khen Chúa cách hoàn hảo hơn.

            Xin Mẹ dùng những đặc ân, quyền năng và tình thương Chúa ban cho Mẹ giúp con sống như một tôi trung, con thảo và chiến sĩ tận hiến của Mẹ, để làm vui lòng Chúa, đem lại vinh quang Chúa và phần rỗi các linh hồn. Và sau cuộc hành trình dương thế, xin Mẹ đưa chúng con về Thiên Đàng để cùng Mẹ muôn đời ca ngợi, chúc tụng, thờ lạy, tôn vinh và cảm tạ Chúa Ba Ngôi Chí Thánh và trở nên một viên ngọc trong muôn vàn viên ngọc nơi triều thiên Mẹ muôn đời. Amen.

       

I.- Ca tụng siêu phẩm Đức Mẹ

  • Lạy Cha …
  • Kính mừng 1- (chào mừng chức Thiên Chúa Thánh Mẫu)
  • XĐ: Lạy Trinh Nữ Chí Thánh, xin nhận lời con ca tụng Mẹ - Xin ban cho con đủ sức để chiến thắng kẻ thù của Mẹ (Đọc sau mỗi kinh kính mừng).

      Thân lạy Trinh Mẫu Maria, Mẹ có phúc, vì đã cưu mang Chúa Tể là Đấng tạo thành vũ trụ; Mẹ đã sinh ra Đấng dựng nên Mẹ, mà vẫn còn trọn đời đồng trinh.

  • Hô:  Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ hãy hỉ hoan.
  • Ứng:  Muôn đời hỉ hoan, hoan hỉ luôn mãi.

 

  • Kính mừng 2 - (chào mừng Đức đồng trinh) XĐ: Lạy Trinh Nữ…

Ôi Đồng Trinh Thánh Đức Tinh Tuyết, con dùng lời nào mà tán dương Mẹ được, vì Mẹ đã cưu mang trong lòng Đấng mà các tầng trời không chứa đựng hết!

  • Hô:  Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ hãy hỉ hoan.
  • Ứng:  Muôn đời hỉ hoan, hoan hỉ luôn mãi.

 

  • Kính mừng 3 - (chào mừng sự tinh dòng) XĐ: Lạy Trinh Nữ…

Thân lạy Trinh Nữ Maria, Mẹ là toàn mỹ, không vết nhơ nào vương đến Mẹ.

  • Hô:  Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ hãy hỉ hoan.
  • Ứng:  Muôn đời hỉ hoan, hoan hỉ luôn mãi.

 

  • Kính mừng 4 - (chào mừng các nhân đức) XĐ: Lạy Trinh Nữ…

Thân lạy Trinh Nữ Chí Thánh.  Trời có bao nhiêu tinh tú, Mẹ có bấy nhiêu nhân đức!

  • Hô:  Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ hãy hỉ hoan.
  • Ứng:  Muôn đời hỉ hoan, hoan hỉ luôn mãi.
  • Sáng Danh….

 

II.- Ca tụng quyền năng Đức Mẹ

  • Lạy Cha …
  • Kính mừng 5 - (chào mừng vương quyền Mẹ) XĐ: Lạy Trinh Nữ…

Thân lạy Nữ Vương trời đất, vinh quang cho Mẹ, xin đưa chúng con về hưởng khoái lạc trên trời với Mẹ.

  • Hô:  Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ hãy hỉ hoan.
  • Ứng:  Muôn đời hỉ hoan, hoan hỉ luôn mãi.

 

  • Kính mừng 6 - (chào mừng sự phú túc) XĐ: Lạy Trinh Nữ…

Thân lạy Đấng giữ kho ơn Chúa, vinh quang cho Mẹ, xin cho chúng con được thông phần kho tàng của Mẹ.

  • Hô:  Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ hãy hỉ hoan.
  • Ứng:  Muôn đời hỉ hoan, hoan hỉ luôn mãi.

 

  • Kính mừng 7- (chào mừng tước hiệu Trung gian) XĐ: Lạy Trinh Nữ…

Thân lạy Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, vinh quang cho Mẹ, xin Mẹ nài Chúa toàn năng ủng hộ chúng con.

  • Hô:  Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ hãy hỉ hoan.
  • Ứng:  Muôn đời hỉ hoan, hoan hỉ luôn mãi.

 

  • Kính mừng 8 - (chào mừng uy lực thống trị) XĐ: Lạy Trinh Nữ…

Thân lạy Đấng diệt trừ bè rối và ma quỉ, vinh quang cho Mẹ.  Xin Mẹ hướng dẫn chúng con với lòng từ bi

  • Hô:  Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ hãy hỉ hoan.
  • Ứng:  Muôn đời hỉ hoan, hoan hỉ luôn mãi.
  • Sáng Danh….

 

III.- Ca tụng ái tuất Đức Mẹ

  • Lạy Cha …
  • Kính mừng 9 - (chào mừng lòng ái tuất với tội nhân) XĐ: Lạy Trinh Nữ Maria

Hoan hô Mẹ, là nơi náu ẩn của tội nhân!  Xin Mẹ bào chữa chúng con nơi tòa Chúa.

  • Hô:  Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ hãy hỉ hoan.
  • Ứng:  Muôn đời hỉ hoan, hoan hỉ luôn mãi.

 

  • Kính mừng 10 - (chào mừng lòng ái tuất với những người côi quả) XĐ: Lạy Trinh Nữ…

Hoan hô Mẹ, là Mẹ những người côi quả!  Xin Mẹ cầu Chúa toàn năng phù hộ chúng con.  

  • Hô:  Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ hãy hỉ hoan.
  • Ứng:  Muôn đời hỉ hoan, hoan hỉ luôn mãi.

 

  • Kính mừng 11- (chào mừng lòng ái tuất với kẻ công chính) XĐ: Lạy Trinh Nữ…

Hoan hô Mẹ, là nguồn an vui cho người công chính! Xin Mẹ đưa chúng con hưởng khoái lạc thiên đàng với Mẹ.

  • Hô:  Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ hãy hỉ hoan.
  • Ứng:  Muôn đời hỉ hoan, hoan hỉ luôn mãi.

 

  • Kính mừng 12- (chào mừng lòng ái tuất với người hấp hối) XĐ: Lạy Trinh Nữ…

Hoan hô Mẹ, là Đấng Trung Thành Cứu Giúp khi sống và lúc chết!  Xin Mẹ đưa chúng con về hưởng Nước Trời với Mẹ.

  • Hô:  Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ hãy hỉ hoan.
  • Ứng:  Muôn đời hỉ hoan, hoan hỉ luôn mãi.
  • Sáng Danh….

 

Lời nguyện kết:

            Kính Mừng Maria, Con Đức Chúa Cha.  Kính Mừng Maria, Mẹ Đức Chúa Con.  Kính Mừng Maria, Bạn Chúa Thánh Thần.  Kính Mừng Maria, Đền Thờ Chúa Ba Ngôi cực thánh.  Kính Mừng Maria, bà chủ con, thiện hảo của con, chí thiết của con, nữ vương lòng con, hiền mẫu con, nguồn sống con, sự ngọt ngào của con, hy vọng yêu quý của con; hơn nữa là trái tim con, là linh hồn con:  toàn thân con thuộc về Mẹ, mọi sự của con là của Mẹ.  Ôi, Trinh Nữ có khác hơn mọi loài!  Linh hồn Mẹ hãy ở trong con để ngợi khen Chúa.  Tâm trí Mẹ hãy ở trong con để vui mừng trong Chúa.  Lạy Trinh Mẫu Chí Trung, xin Mẹ đặt mình vào trái tim con làm ấn tín, để con luôn luôn trong Mẹ, nhờ Mẹ, trung thành với Chúa.  Ôi, Mẹ từ bi, xin thương nhận con vào sô những kẻ Mẹ yêu, Mẹ dạy, Mẹ dẫn, Mẹ nuôi dưỡng, Mẹ phù hộ như con Mẹ.  Xin Mẹ làm cho con, vì yêu mến Mẹ, mà rẻ rúng mọi sự an ủi ở đời, mà chăm chỉ hăm hở những sự vui vẻ trên trời, để Chúa Thánh Thần, bạn chí tín của Mẹ, và Mẹ bạn chí trung của Người, làm Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ, thành hình trong con, để vinh danh Chúa Cha.  Amen.

 

 

SUY NIỆM

 

NGÀY THỨ 1

Đức Mẹ trong chương trình cứu chuộc

 

          Sau khi nguyên tổ ta phạm tội, Chúa bỏ ta như thần dữ không cứu vớt cũng được, nhưng Chúa bởi lòng từ ái đã định cứu chuộc ta, ta biết làm gì để cảm tạ ơn vĩ đại này!  Cứu bằng cách tha bổng cũng được, nhưng sự công bằng đòi phải đền tội, kẻo ta coi nhẹ tội lỗi mà rồi dễ tái phạm.  Một khi nhận giải pháp bắt đền tội, Chúa có thể cử một người trong nhân loại-A-dong chẳng hạn, đứng ra đền tội cũng được; nhưng Chúa muốn một sự đền tội cân xứng.  Muốn thế không phải vì theo tính thù oán, nhưng vì yêu trật tự và công bình.  Nếu phải đền cân xứng, thì chỉ có Thiên Chúa mới đền được, vì tội phạm đến Thiên Chúa nặng vô cùng thì phải có viẹc đền tội giá trị vô-cùng.  Nhưng phải là việc của loài người để đền tội loài người mới hợp lý.  Phải là việc loài người, mà có giá trị vô cùng, thì phải do một Vị vừa là người vừa là Chúa.  Ngôi Hai Thiên Chúa đã tình nguyện làm người.  Chúa Cha bằng lòng ban Con Một Ngài.  Ôi, yêu sách đền tội cân xứng là yêu sách để tỏ lòng thương ta vô cùng; đòi nhiều để ban rộng:  Giá Chúa tha bổng, đâu ta có được Chúa Con làm bạn, đâu có bí tích yêu đương, đâu có Đức Mẹ làm từ mẫu…  Để làm người, Ngôi Hai có thể dựng nên một xác một hồn rồi cho hợp với mình và xuất hiên ở thế gian cũng được.  Nhưng thế đâu có phải một người trong nhân loại bởi A-dong, để đền tội cho nhân loại ấy.  Để làm một người bởi dòng giống A-dong, phải sinh ra bởi một người trong con cháu A-dong.  Người được chọn để sinh ra Chúa Giêsu-Ngôi Hai làm người- là Đức Maria.  Vậy Đức Mẹ có ở trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa.

 

NGÀY THỨ 2

Đức Mẹ thực hiện cộng tác cứu chuộc

         

          Đức Mẹ cộng tác vào viêc cứu chuộc cách nào?

       -Ưng nhận làm Mẹ Chúa Cứu Thế và đã hy sinh con chịu chết, lại chia sẻ đau khổ với con để cứu chuộc.

 

  1.  Ưng nhận làm Mẹ Chúa Cứu Thế

Muốn làm người, Chúa có muôn vàn cách, nhưng có một cách Chúa thích hơn cả là dùng Đức Mẹ.  Khi định dùng Đức Mẹ, Chúa có thể dùng như một khí cụ mà không cần hiểu biết những huyền diệu của công việc, như đã dùng Thánh Anna sinh ra Đức Mẹ.  Nhưng Chúa muốn có sự ý thức rõ rệt và tự do ưng thuận của Đức Mẹ.  Vì thế, Ngài sai Sứ Thần Gabriel xuống báo tin cho Đức Mẹ: “Này Bà sẽ chịu thai và sinh con, hãy đặt tên là Giêsu.  Người sẽ nên cao cả và được gọi là con Đấng Chí Cao.”  Đức Mẹ hỏi: “Việc ấy xảy ra cách nào, vì tôi không biết việc chồng con?”  Sứ thần đáp: “Chúa Thánh Thần sẽ xuống với Bà, quyền phép Đấng Chí cao như bóng phủ Bà.”  Đọc sách các Tiên Tri, Đức Mẹ đã biết người Nữ làm Mẹ Thiên Chúa thì cũng là Mẹ Chúa Cứu Thế.  Vả nữa, Sứ Thần cũng nhắc cho Người: “Bà sẽ chịu thai và sinh con, hãy gọi là Giêsu,” nghĩa là Cứu Thế; rồi mới nói thêm:  Người là Con Đấng Chí Cao.”  Ý thức rõ rệt như vậy, Đức Mẹ đáp: “Tôi đây là tôi tá Chúa, xin vâng như lời ông.”  Tức khắc, Ngôi Hai bẩm thai trong lòng Đức Mẹ, để làm Đấng Cứu Thế. 

            Lạ lùng!  Chương trình Thiên Chúa ấn định từ thuở đời đời, mà chưa thi hành được.  Chúa còn sai đại sứ chuyển đạt ý định cho Đức Mẹ, nghe Người vấn nạn, giải thích thắc mắc, đợi Đức Mẹ ưng thuận, rồi mới thi hành.  Cha Blastier kêu lên rằng: “Ôi, tiếng ‘xin vâng’, tiếng tạo thành một thế giới mới, thế giới các linh hồn sinh bởi Chúa Giêsu.  Ôi! lời Đức Mẹ, lời đã ban cho chúng ta Ngôi Lời của Thiên Chúa.”

 

  1.  Đức Mẹ hy sinh con chịu tử nạn và chia sẻ đau khổ với con để cứu chuộc ta.

Trên núi Sọ, Chúa Cha muốn con mình chịu tử nạn để chuộc lại chức làm con Thiên Chúa cho ta.  Chúa Con tự hiến mạng làm giá cứu chuộc. Đức Mẹ vui lòng hy sinh con theo ý Chúa Cha và chia sẻ đau khổ với Con.  Như vậy trong việc cứu chuộc nhân loại, Đức Mẹ có một phần đặc biệt không thánh nào có được, nhất là trong hai điểm nầy: 

  1. Đức Mẹ đồng thời chia sẻ chính nhhững đau khổ của Con; cùng những đau thương một trật làm khổ cả con lẫn mẹ.  Ta chịu đau khổ đến đâu, cũng vẫn không phải là chia sẻ chính những đau khổ của Chúa và đồng thời với Chúa.
  2. Đức Mẹ dâng mình chịu đau khổ ở nơi Chúa Giêsu, vì là một phần của Mẹ chia sẻ

      ra.  Ta không bao giờ được hồng phúc đó.

 

NGÀY THỨ 3

Loài người cần nhờ Đức Mẹ mới được cứu rỗi

           

Nói rằng ta cần nhờ Đức Mẹ mới được cứu rỗi và nên thánh, thì vẫn hiểu không phải là cần tuyệt đối, nhưng là cần giả thiết; nghĩa là nếu Thiên Chúa có định dùng Đức Mẹ, thì Đức Mẹ mới cần.

 

Vậy sự thực Thiên Chúa đã quyết định dùng Đức Mẹ, nên vẫn nói được rằng Đức Mẹ can. Thiên Chúa định như vậy rất hữu lý, vì:

  1. Thánh Thomas tiến sĩ ra lẽ rằng: “Việc Ngôi Hai mặc tính nhân loại cần phải có sự ưng thuận của Rất Thánh Trinh Nữ, là cốt để việc cứu chuộc nhân loại cũng bắt nguồn do sự một người nữ ưng thuận đề nghị của sứ thần đại diện Thiên Chúa đến chào mình, y như sự làm hư nhân loại đã phát tích bởi một người nữ ưng theo quyến dũ của thần dữ đến cám dỗ mình.” 
  2. Các Thánh tiến sĩ viện một lẽ nữa:  Ngôi Hai mặc tính nhân loại, tức là giao hôn với bản tính loài người.  Phàm giao hôn vẫn phải có sự ưng thuận của đôi bên.  Cho nên Thiên Chúa đã dùng Đức Mẹ đại diện nhân loại để tỏ sự ưng thuận. Quả thực, chỉ sau khi Đức Mẹ ưng thuận, bản tính nhân loại mới được hợp với Ngôi Hai.  Đó là một việc lịch sử Thánh Luca đã kể lại.
  3. Còn một lẽ là để biểu dương khôn ngoan và nhân hậu của Chúa.

​​​​​​​

—Khôn ngoan, vì dùng chính kế hoạch đánh đổ loài người để nâng đỡ loài người: một người nữ làm hư loài người, bởi nghe ma quỉ xui giục, thì dùng một người nữ khác cứu vãn loài người vì nghe Sứ Thần đề nghị.

 

—Nhân hậu, vì khi mặc tính loài người bởi Đức Mẹ, thì Chúa muốn làm vinh danh cho cả phái nam, phái nữ.  Vinh danh phái nam, vì Người lấy hình người nam, vinh danh nữ giới, vì Người chọn Mẹ là một người nữ.  Như thế tỏ ra Chúa xuống cứu cả hai giới. Thánh Augustinô nói:  “Hỡi đàn ông chớ khinh mình, vì con Đức Chúa Trời đã làm người nam;  Hỡi đàn bà chớ khinh mình, vì con Đức Chúa Trời đã sinh ra bởi người nữ.” 

 

NGÀY THỨ 4

Bào thai trong lòng Đức Mẹ

         

Phàm người giáo hữu vẫn tự hào được làm con Đức Mẹ.  Sự thực là Đức Mẹ là Mẹ thiêng liêng của mọi người được chuộc bằng máu Chúa Kitô, dân ngoại là đàn con lạc.

 

Bất kỳ ở tuổi nào, người ta cũng vẫn là con của mẹ mình.  Tuy nhiên, càng thêm tuổi, càng thêm tự lập và càng bớt tùy thuộc mẹ mình, đó là trong sự sống tự nhiên.  Làm con thiêng liêng của Đức Mẹ có theo định luật đó không?  Không.  Vậy ta tùy thuộc Đức Mẹ như thế nào?  Kìa đứa bé một vài tháng còn bú mớm nâng niu.  Có phải ta cũng tùy thuộc Đức Mẹ như vậy không?  Chưa phải; đứa bé có thể sống, mặc dầu mẹ nó đã chết đi, không có mẹ nó, nó cũng có thể hô hấp cử động chân tay:  nó đã có phần nào tự lập.  Đứa con tùy thuộc mẹ triệt để hơn hết là khi nó còn là bào thai trong lòng mẹ, nó sống bằng sự sống của mẹ, nó nhờ mẹ mà thở, rời khỏi mẹ là chết, mẹ nó chết, nó cũng chết theo.  Đó mới là hình ảnh đúng về sự giáo hữu tùy thuộc Đức Mẹ trong sự sống siêu nhiên.

 

            Lý do là trong đời sống siêu nhiên bao lâu còn ở đời này giáo hữu vẫn còn ở tình trạng ân sủng, chứ chưa được ở hiển phúc.  Mà ân sủng là hạt giống của hiển phúc:  gratia semen gloriae.  Hạt giống thì còn đang nảy nở; đang phát triển, chứ chưa thành cây.  Con người bao lâu đang nảy nở, đang phát triển như hạt giống thì còn là bào thai, chứ chưa thành nhân.  Bao lâu còn là bào thai, thì còn ở trong lòng mẹ mà tùy thuộc mẹ triệt để.  Vậy về sự sống siêu nhiên chúng ta còn đang nảy nở, đang phát triển cho tới giờ chết mới thành nhân, nghĩa là còn bào thai ở trong lòng Đức Mẹ.  Vì thế, Đức Hồng Y Suenens nói: “Tất cả những kẻ được chọn lên thiên đàng đều thành hình trong Đức Mẹ và vẫn ẩn ở trong lòng Đức Mẹ suốt thời gian thành hình, nghĩa là suốt đời sống của họ ở thế gian.”

 

            Giáo hữu tùy thuộc Đức Mẹ như bào thai tùy thuộc mẹ nó, sự kiện đó ta biết hay không nó vẫn có, vì đó là ý định của Thiên Chúa.  Nhưng nếu người giáo hữu ý thức để tùy phục Đức Mẹ, thì sẽ thêm muôn phần hữu ích cho họ.  Chỉ khi nào người ta sống đầy đủ tinh thần tận hiến, người ta mới thực hiện sự tùy thuộc Đức Mẹ như bào thai trong lòng mẹ.  Việc gì cũng với Mẹ mà làm để mến Chúa, đó là tận hiến hoàn toàn đầy đủ.

 

NGÀY THỨ 5

Rập khuôn Đức Mẹ

 

Người thợ tượng muốn làm một pho tượng thì có 2 cách: hoặc làm như nhà điêu khắc dùng tài khéo, gân tay, dụng cụ mà đục đẽo, gọt giũa, chạm trổ một khối chất vô hình thành tượng; hoặc dùng khuôn mà đúc.

 

      Cách thứ nhất tốn công, lâu la, vất vả, mà hay lỡ, mạnh tay một tý rất có thể sứt mẻ.  Cách thứ hai nhàn hạ, mau lẹ, dễ dàng, không hay lỡ, miễn là khuôn đó hoàn toàn và chất dùng mềm, lỏng, ăn khuôn.

 

      Nên người Kitô-hữu hoàn toàn, tức là nên giống Chúa Kitô (cũng là nên thánh) cũng có thể thực hiện hai cách tương tự: a) Hoặc cứ ý riêng, không theo ý Chúa muốn ta rập cái khuôn Người dạy phải cứ, không nhờ bàn tay Người dạy phải nhờ (như các bậc đạo đức bên Thệ phản), tức là Đức Mẹ.  b) Hoặc rập vào khuôn Cha Cả đã làm để đúc nên Chúa Kitô và đúc cách thiêng liêng các chi thể Chúa Kitô, khuôn ấy là Đức Mẹ.  Thánh Augustinô gọi Đức Mẹ là: “Khuôn đúc nên Chúa” (Kitô): forma Dei—Khuôn ấy thần tình tinh xảo, và tay khéo như tay Thiên Mẫu mới đặt vào và lấy ra được mà không thiếu nét tinh vi, mặc dầu mau chóng.

 

      Nên thánh cách thứ nhất thì giống như nhà điêu khắc không dùng khuôn.  Cách thứ hai, nếu linh hồn có điều kiện của chất mềm, lỏng, ăn khuôn, tức là nếu việc gì cũng với Đức Mẹ, cũng để Đức Mẹ hoàn toàn hướng dẫn, thì thánh Mongpho nói sau khi kinh nghiệm rằng: “Cách ấy dễ dàng, vắn tắt, chắc chắn, và hoàn toàn.”

 

            Dễ dàng, vì là chính lối Chúa Kitô đã qua mà xuống với ta, để ta lại qua mà lên với Chúa.  Lối này rất êm dịu, vì có gặp trắc trở vất vả đã có Đức Mẹ nâng đỡ, dẫn dắt.  Lối này vừa sức yếu đuối ta, vì Chúa, tuy cao sang vô cùng, nhưng khi xuống thai trong Đức Mẹ, Ngài hóa dễ dãi, gần gũi, cao bằng thấp vừa, hợp với tầm sức của ta.  —Vắn tắt, vì đi đường này không sợ lạc lối, lại vui chân tiến mau.  Có người nghĩ qua Đức Mẹ mà đến với Chúa là lối quanh, thành chậm trễ.  Không thế đâu, trong Đức Mẹ không còn là Đức Mẹ sống, nhưng là Chúa Giêsu sống dồi dào.  Linh hồn giao mình cho Đức Mẹ là gặp Chúa ngay, chính Đức Mẹ đưa họ vào kết hợp với Chúa.  —Chắc chắn, vì đường này không có lầm lạc bối rối, lầm lạc là do ma quỷ gieo rắc, vậy đối với Đức Mẹ mà quỷ không có quyền gì, lại còn kinh-sợ xa lánh.—Hoàn toàn, vì Đức Mẹ không mắc nguyên tội, không vương tì ố, lại tinh tuyết huy hoàng, vì Ngài đầy thánh sủng, không tạo vật nào, dù là Cherubim hay Seraphim, dù thiên đàng, được đầy Chúa bằng Đức Mẹ.  Thánh Mongpho nói: “Cho dù người ta tìm được con đường mới mẻ để đến với Chúa Giêsu, mặc dầu đường ấy lát bằng mọi công nghiệp các thánh, trau dồi bằng mọi nhân đức các vị anh hùng, soi sáng bởi sự huy hoàng mỹ diệu các Thánh Thiên Thần, lại có mọi thần thánh ở đấy mà hướng dẫn, bảo vệ, nâng đỡ những kẻ đi đường đó, thì tôi cũng bạo dạn tuyên bố đúng sự thật rằng:  “Đường tốt lành ấy không sánh được với đường tinh tuyết của Đức Mẹ, đường không tì vết, không bợn nhơ, không vương tội tổ, không lu bóng đen.”

 

NGÀY THỨ 6

Nữ tướng toàn thắng

 

          Trong vườn địa đàng, Thiên Chúa tuyên bố với con rắn hỏa ngục: “Ta sẽ đặt những mối thù giữa mày và người nữ, giữa dòng giống mày và dòng giống người nữ, Người ấy sẽ đạp nát đầu mày.”  Đó, một lời tiên tri tuyên chiến, tỏ ra rằng sẽ có cuộc giao tranh kịch liệt liên miên, không thể giải hòa được, giữa hai đối phương Đức Mẹ và con cái Người với Satan và tôi tá nó.  Đồng thời cũng là tuyên thắng về phe Đức Mẹ.

 

            Quả thực, lịch sử Giáo Hội cho ta biết cuộc giao tranh đó đã bắt đầu từ khi có loài người và cứ tiếp diễn luôn trải qua các thời đại ngày nay vẫn chưa ngừng, mà lại ác liệt thâm hiểm nhất từ trước tới nay.

 

            Mặc dầu bên Satan thu hết tài sức, tăng gấp lực lượng, lập những mưu thâm chước độc để tấn công, nhưng kết quả Đức Mẹ với Chúa Giêsu sẽ đạp nát đầu nó.  Ở Fatima Đức Mẹ có nhắc: “Trái Tim Mẹ sẽ thắng.”

 

            Phải chăng sự ác liệt cực độ của kẻ dữ chỉ là cái giẫy chết của Satan dưới gót chân vô nhiễm Đức Mẹ.  Tin như vậy không phải là vô bằng, vì Chúa đã nói: “Người ấy sẽ đạp nát đầu mày.”  Danh từ “Người ấy” theo các nhà giải nghĩa Thánh Kinh ngày nay hiểu là Chúa Giêsu.  Theo kế truyền hiểu về Đức Mẹ.  Hiểu đàng nào cũng có nghĩa, vì Đức Mẹ với Chúa Giêsu chỉ là một khối duy nhất toàn thắng Satan.

 

            Theo Thánh Mongpho giải nghĩa, thì nọc độc con rắn để ở đầu, đạp nát đầu hay nghiền tán đầu nó, nghĩa là làm nó hoàn toàn thất bại, không còn làm hại được nữa.  Quả thực đối với Chúa Giêsu, Đức Mẹ và những tôi trung con thảo của Ngài, ma quỷ đã hoàn toàn chiến bại.  Tuy nhiên trong nhân loại chỉ ai muốn theo ma quỷ thì mới bị thua.  Nhưng ngày thế chung sẽ là ngày khởi hoàn của Chúa Kitô, đồng thời là cuộc đại bại của Satan.

 

            Đức Mẹ vẫn là rạng đông báo hiệu mặt trời sẽ đến.  Chúa Giêsu, mặt trời công chính, xuống thế hai lần, lần trước để cứu chuộc, lần sau để phán xét.  Lần nào cũng có Đức Mẹ đến trước.  Lần sau Chúa sẽ đến trong uy quyền và toàn thắng, thì Đức Mẹ cũng đến trong vinh quang và chiến thắng.  Vì thế, ở Fatima, Đức Mẹ đã nói: “Trái tim Mẹ sẽ thắng” liền sau câu: “Chiến tranh ‘thế chiến thứ nhất’ sắp kết liễu, nhưng nếu loài người không trở lại với Thiên Chúa, thì nước Nga sẽ đem những điều lầm lạc tuyên truyền khắp thế giới, gây nên chiến tranh, nhiều dân tộc bị hủy diệt, nhiều người chết đói và Giáo Hội bị bách hại.”

            Chúng ta sống trong hy vọng, hy vọng toàn thắng của Nữ tướng yêu quý của chúng ta.

 

NGÀY THỨ 7

Cùng làm tông đồ với Mẹ

 

          Tôn sùng Đức Mẹ đúng nghĩa và đầy đủ vẫn gồm việc tông đồ.  Lý do là vì Đức Mẹ đã sinh ra Chúa Kitô thực nhân, Người vẫn còn sinh ra các chi thể của Chúa Kitô cách thiêng liêng.  Làm tông đồ tức là làm mẹ thiêng liêng, nghĩa là sinh ra hay làm lớn lên Chúa Kitô trong các tâm hồn.  Như vậy thì làm tông đồ chỉ là nối tiếp việc Đức Mẹ, chỉ là dự phần vào sứ mệnh tông đồ của Đức Mẹ.

 

            Đức Mẹ đã lĩnh nơi Chúa một sứ mệnh tông đồ phổ quát và thủ lĩnh, khi nhận chức cộng tác cứu chuộc.  Đã cộng tác cứu chuộc, thì bao lâu việc cứu chuộc của Chúa Kitô còn tiếp tục, bấy lâu Đức Mẹ vẫn còn cộng tác, nghĩa là ta khởi sự đến hoàn thành.  Như vậy Đức Mẹ vẫn chỉ huy sứ mệnh tông đồ Chúa Cứu Thế giao cho Giáo Hội cho đến khi hoàn tất.

 

            Theo đạo cứu thế, làm chi thể Chúa Cưú Thế, làm con của Mẹ Chúa Cứu Thế và làm quân của Nữ tướng đạo binh Cứu Thế, mà không làm việc cứu thế tức là việc tông đồ, thì là hữu danh vô thực, là thiếu tinh thần của đạo, của Chúa, của Mẹ.

 

            Người theo đạo Chúa Cứu Thế mà không tôn sùng Mẹ Chúa Cứu Thế, thì là người cứu thế giáo không đầy đủ.  Cũng thế, tôn sùng Đức Mẹ mà không làm tông đồ thì là tôn sùng không đầy đủ, không chính quy.  Rẽ rời việc tôn sùng Đức Mẹ ra khỏi hoạt động tông đồ, đó là một cứu thế giáo thiếu sót, sai lạc.

            Kết luận, nếu ta muốn là giáo hữu chân chính đầy đủ, phải làm tông đồ và làm tông đồ với Đức Mẹ.  Càng kết hợp với Đức Mẹ, việc tông đồ càng thành công.

 

TUẦN THỨ BA: ĐỂ MẾN CHÚA

Xin ơn hiểu biết và yêu mến Chúa

 

 

 

CẦU XIN (đọc mỗi ngày)

a.- Với Chúa: Xin mến Chúa yêu người.

            “Lạy Cha, con phó mình con cho Cha.  Xin Cha hãy làm nơi con mọi sự đẹp ý Cha, Cha làm chi mặc lòng, con cũng cám ơn Cha.  Con sẵn sàng luôn luôn, con nhận lãnh tất cả, miễn ý Cha được làm trọn trong con, trong tất cả loài Cha tạo dựng; con chẳng ước mong chi khác nữa.  Lạy Cha, là Chúa Trời con, con phó thác linh hồn con cho Cha, lạy Cha, với tất cả tình yêu của lòng con vì con mến Cha và vì mến Cha, nên con thấy cần phải hiến thân con, phó trót mình con trong tay Cha, không do dự đắn đo, song vô cùng tin cậy, vì Cha là Cha của con.”  (của Cha Charles de Foucauld)

 

“Lạy Chúa khoan nhân, xin dạy con nhận biết yêu thương và phụng sự Chúa trong mọi người, chẳng trừ ai.  Lạy Chúa, xin hãy dùng con làm khí cụ bình an Chúa, để con đem yêu thương vào nơi thù oán, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi bất thuận, đem sự thật vào chốn lỗi lầm, đem đức tin vào nơi nghi hoặc, đem cậy trông vào nơi tuyệt vọng, đem ánh sáng vào chốn tối tăm, đem yên nghỉ vào nơi sầu thẳm.  Lạy Chúa, hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người an ủi, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết.  Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính lúc hiến thân là lúc lãnh nhận, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc tha thứ là lúc được thứ tha, chính lúc chết đi là lúc sống lại cuộc đời bất diệt.  Hỡi Thần Linh Thánh Ái, hãy mở rộng cõi lòng con và ban xuống trần gian bình an Chúa cho hết mọi người thiện chí.  Amen (Kinh Hòa Bình)

 

b.- Với Đức Me. 

“Lạy Mẹ Maria, con đã hiểu Mẹ là thụ tạo cao trọng nhất, linh thiêng nhất, tinh ròng nhất, mỹ hảo nhất, nhân hậu nhất, thánh thiện nhất, vì thế đáng yêu mến nhất.  Chớ gì mọi người hiểu biết và yêu mến Mẹ như Mẹ đáng được!  Điều an ủi lòng con biết bao là biết bao linh hồn trên trời dưới đất say mê yêu mến Mẹ, vì Mẹ thiện hảo và mỹ duyệt.  Con còn sung sướng hơn nữa vì thấy Thiên Chúa thương yêu một mình Mẹ hơn thương yêu toàn thể nhân loại và thiên thần.  Mẹ ơi, Mẹ đáng mến của con ơi, con đây tuy là một tội nhân khốn nạn, con cũng yêu Mẹ; nhưng con yêu ít quá!  Con khát khao yêu Mẹ bằng một lòng yêu sâu xa và âu yếm hơn nhiều, và Mẹ có thể xin cho con được lòng yêu ấy.  Con biết yêu mến Mẹ là một dấu được tiền định, là một bảo đảm ơn cứu rỗi.

 

            Thưa Mẹ, con thấy Chúa đáng yêu mến vô cùng, con biết điều ước nguyện duy nhất của Mẹ là thấy Chúa được yêu mến.  Mến Chúa, mến đến tận hiến là ơn con ước mong Mẹ ban cho con.  Con không xin Mẹ danh vọng, của cải, thú vui, con chỉ xin cái mà Mẹ ước ao nhất là mến Chúa.  Xin Mẹ ban cho con cùng với lòng yêu mến Mẹ mà mến Chúa Ba Ngôi toàn ái và mến Chúa Giêsu con Mẹ (Thánh Anphong Liguori).

 

NGÀY THỨ 1

Thiên Chúa là tình yêu

         

“Thiên Chúa là tình yêu” (I Jo. 4, 16), đó là một mặc khải vĩ đại của Tân ước.  Lạy Chúa, suốt ngày hôm nay, cả tuần này, đến hết đời con và đời đời, con ghi lòng tạc dạ cái chân lý cảm động:  Chúa là tình yêu, Chúa yêu đời đời.

 

            Chúa là Tình yêu.  Có yêu và là yêu, hai câu ý-nghĩa khác xa.  Thiên Chúa chẳng phải chỉ có tình yêu như là một ưu phẩm, nhưng toàn thân Chúa là chính khối tình.  Khối tình đó mông-mênh, bát-ngát, là nguồn mạch mọi tình yêu nơi thụ tạo trên trời dưới đất, từ muôn xưa đến nay và mãi mãi.  Cái tình yêu ấy bởi mãnh liệt nóng nảy quá đến như không kìm hãm nổi trong lòng Chúa nữa, đã phải tràn ra ngoài nơi tạo vật:  bởi yêu, Chúa đã dựng nên mọi vật.  Cũng bởi yêu mãnh liệt vô cùng, Đức Chúa Cha hằng hữu đã ban Con một Ngài, để chịu chết mà cứu chuộc ta; như thế Ngài chưa thỏa mãn, Ngài còn muốn ban cho ta Chúa Thánh Thần, để ở trong ta mà nhóm và nuôi lửa yêu nóng nảy ấy.  Chúa Giêsu đã tuyên bố Ngài xuống thế gian để đem lửa đến và ước vọng độc nhất của Ngài là lửa ấy cháy lên trong lòng người ta.

 

            Yêu từ muôn thuở.  Chúa không bắt đầu yêu ta trong thời gian.  Trước khi có ta, trước khi có vũ trụ, Chúa đã yêu ta.  Nếu có thể nói được rằng từ khi có Chúa, Chúa đã yêu ta từ lúc ấy.  Nhưng sự thực Chúa không có lúc bắt đầu, không có từ khi, vì Chúa không lệ thuộc vào thời gian, nơi Chúa chỉ là hiện tại và trong hiện tại vô thủy vô chung ấy Chúa vẫn tưởng nghĩ đến ta, vẫn yêu thương ta.  Quả thật Chúa yêu ta đời đời.

 

NGÀY THỨ 2

Chúa Giêsu là tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại

 

          Nghĩ đến số phận thảm thương của đám người bị phong hủi, phải đầy đọa trong thiếu thốn và buồn tủi ở đảo Molokai, Cha Đa-miêng, một linh mục trẻ tuổi và tráng kiện, trong lúc động lòng trắc ẩn, đã tự nguyện hiến trót cuộc đời còn lại để phục vụ họ.  Người đích thân đến giữa họ, làm một người bạn thân, một người mẹ hiền, để băng bó các chốc lếch phần xác và xoa dịu những vết thương tâm hồn.  Kết cuộc, Người chia sẻ cả bệnh cùi với họ, và cùng họ để cho trùng hủi kết liễu cuộc đời.

 

            Câu chuyện Cha Đa-miêng mô tả được phần nào tấm lòng xót thương của Chúa Giêsu đối với nhân loại.  Tội lỗi là phong hủi của linh hồn; trước mặt Chúa, tội lỗi còn muôn phần ghê tởm và khốc hại hơn bệnh cùi thể xác.  Thế nhưng Chúa Giêsu, Con Vua Trời cao cả, đã động lòng thương xót, tự nguyện làm người, sống giữa nhân loại tội lỗi, mang lấy vào mình tất cả mọi hậu quả khốc hại của tội lỗi, trong đó có cái chết đau thương và ô nhục, để chứng tỏ lòng Ngài yêu ta đến tột độ:  không có cái yêu nào hơn là thí mạng vì kẻ mình yêu.

 

            Nơi Chúa Giêsu không nguyên cái chết khổ nhục chứng tỏ lòng yêu mến tận cùng, mà cái gì cũng biểu lộ lòng yêu đó:  nhập thể, giáng sinh, đời sống ẩn dật, Thánh Thể và các bí tích khác, Phúc âm và Giáo Hội chẳng là tang chứng, là kế hoạch của tình yêu vô hạn đó ư?

 

            Có thể nói Ngôi Hai làm người, mệnh danh là Giêsu, là Thiên ư ngã:  Emmanuel, là Thiên Chúa riêng của nhân loại.  Chính vì thương xót nhân loại mà Ngài cứu chuộc họ.  Nói kiểu khác, Ngài là tình yêu vô cùng mặc lốt nhân loại, đau khổ vì nhân loại, tha thứ cho nhân loại tội lỗi, nói tắt, Ngài là tình yêu cứu thế.  Tình yêu đó Chúa dành riêng cho nhân loại, vì Chúa không mặc tính loài nào khác, cũng chẳng đau khổ để cứu vớt loài nào khác.  Quả thật, nhân loại được độc quyền hưởng thụ tình yêu cứu thế ấy.

 

NGÀY THỨ 3

Chúa Kitô nguồn sống của tôi

 

          Thánh Phaolô, người được chọn để tỏ các mầu nhiệm cao cả cho nhân loại, đã nói: “Thiên Chúa đã chọn ta trong Người (Chúa Kitô) ngay trước khi sáng tạo vũ trụ, để ta nên thánh thiện và tinh tuyết trước nhan Ngài nhờ đức ái.  Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử qua Chúa Giêsu Kitô và nhập vào Người” (Eph.1, 4-6). Đó là chương trình thánh hóa nhân loại của Thiên Chúa; chương trình ấy có 3 điểm: 

  1. Thiên Chúa, vì thương ta, muốn ta nên thánh, nghĩa là thông dự vào sự sống của Ngài.
  2. Nên thánh như vậy sẽ được là nghĩa tử Ngài.
  3. Hóa ta nên nghĩa tử là việc của Chúa Giêsu Kitô, nói rõ hơn là việc của Thần Linh Thánh Ái của Ngài (Son Esprit d’Amour et de Sanctification).

Việc hóa ta nên nghĩa tử Thiên Chúa thực hiện thế nào?    Ngay khi dựng nên nguyên tổ loài người, Thiên Chúa đã cho làm nghĩa tử Ngài.  Chẳng may, Adong và Evà phạm tội, hai ông bà mất phúc làm con Thiên Chúa, con cháu cũng không được phúc đó.  Nhưng Đức Chúa Con đã làm người (Chúa Kitô) để hóa ta thành con của Đức Chúa Cha, giông giống như Người.  Hóa thành thế nào?  Cho tham dự vào hiếu tử tính của Người, nghĩa là cho thông công tình con thảo của Người đối với Chúa Cha.  Làm cách nào để ta được thông công?  Nhờ Chúa Thánh Linh, là tinh thần của Chúa Con, cũng là Thần Linh Thánh Ái, tự tỏa ra khắp cả thân ta, nhuộm ta đẵm mầu thảo mến như lời Thánh Kinh: “Sự thảo mến Thiên Chúa được tràn lan trong tâm hồn ta nhờ Chúa Thánh Linh, chính Ngài cũng đã được ban cho ta.”  (Rom.5,5).  Nhờ đó ta thành loài mới (Nova creatura Gal. 6,15), tuy chẳng được là con sinh tự ngọc thể Chúa Cha, nhưng cũng là con bởi tham dự vào tình con thảo, là tình thảo mến (in caritate) của Chúa Con, đến nỗi trong trí Chúa Cha, Chúa Giêsu “là con đầu lòng trong nhiều em” là chúng ta (Rom. 8, 29).

 

Vậy Chúa Giêsu là nguồn mạch sự thánh của ta.  Tất cả sự thánh mà Thiên Chúa định ban cho các linh hồn, đều lưu trữ nơi nhân tính Chúa Giêsu, ngoài Chúa Giêsu ra, ta không tìm đâu được mảy may sự thánh.  Chúa Giêsu lại đã sống một đời thánh thiện để làm mô phạm cho ta.  Người còn chịu chết lập công để ta được sự thánh đó.

 

Vì sự thánh là thông dự vào sự sống của Thiên Chúa lưu trữ nơi Chúa Giêsu, nên quả thực Chúa Giêsu là nguồn sống của linh hồn ta. 

 

 

NGÀY THỨ 4

Để Chúa Kitô sống động trong mình

 

Kìa một người bị thôi miên.  Người thôi miên nhìn họ, rồi sai khiến họ hành động hoàn toàn theo ý mình.  Thánh Theresa Hài Đồng Giêsu có lần vì muốn tỏ lòng yêu mến thần phục Chúa, nên xin Chúa tự do thôi miên mình.  Cái bút ở trong tay người viết, nó làm gì?  Nó chỉ biết vâng lời, người viết muốn viết gì thì viết.

 

Hai tỉ dụ đó là hình ảnh một linh hồn đã để Chúa hoàn toàn sống động trong mình.  Chính Chúa là động cơ phát động những tưởng nghĩ, cảm tình, ngôn ngữ, hành vi của họ, họ chỉ còn biết vâng lời.  Lúc đó họ nói được như thánh Phaolô: “Tôi sống, mà không còn là tôi, nhưng là Chúa Kitô sống bên trong tôi.”

 

Được Chúa sống trong mình như vậy, người ấy sẽ là nhân chứng của Chúa, sẽ là tông đồ đắc lực.  Người ta gặp thấy, tiếp xúc với người ấy, thì như là gặp thấy, tiếp xúc với Chúa Kitô.  Ý Chúa Kitô là muốn dùng các người giáo hữu, để làm chứng nhân của Người và rải đi khắp không gian và thời gian, để họ diễn lại đời sống dương thế của Ngài. Nhờ đó, người ta nhận thấy Ngài ở nơi tín hữu Ngài, họ là Kitô khác.

 

Điều kiện để trở nên Kitô khác, là tận hiến và sống đầy đủ tinh thần tận hiến, nghĩa là đừng lấy lại những cái đã dâng, lại để cho Chúa và Đức Mẹ hoàn toàn xử dụng.  Chúa và Đức Mẹ chỉ dùng ta để nối tiếp đời sống Chúa và Mẹ ở dương thế ngày xưa.

 

            Một người mà bất cứ việc gì cũng để mến Chúa, cũng phù hợp ý Chúa đúng như câu: “Cùng với Mẹ, con làm, để mến Chúa” thì sẽ được Chúa sống động trong mình, sẽ trở nên Kitô khác.

 

NGÀY THỨ 5

Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ Kitô-hóa tôi

         

Tôn giáo là dây nối buộc nhân loại với Chúa Tể, mà là dây tình ái, nghĩa là Chúa Tể thì hạ cố, giúp đỡ, cứu vớt, nhân loại thì dâng lên Chúa Tể những tâm tình tôn thờ, biết ơn, tin cậy, yêu mến.  Đó là tình ái tương giao.

 

Đạo Cứu Thế hay Kitô Giáo cũng là đạo thân giao giữa nhân loại với Chúa Tể, nhưng có Chúa Kitô ở giữa làm môi giới.  Chúa Kitô là nơi gặp nhau, là chỗ nối 2 tình ái.  Tình ái của Thiên Chúa xuống gặp nhân loại là Chúa Thánh Thần; tình ái nhân loại lên tiếp Thiên Chúa là Đức Mẹ, đại diện nhân loại.  Hai tình ái ấy gặp nhau, kết hiệp với nhau nơi Chúa Kitô.  Quả vậy, mặc khải cho biết Ngôi Hai Nhập Thể để làm trung gian đưa nhân loại về với Thiên Chúa, mà việc nhập thể đó do Chúa Thánh Thần chủ động và Đức Mẹ hợp tác.

 

Việc Chúa Thánh Thần cùng với Đức Mẹ làm cho Ngôi Hai Nhập Thể và sinh ra là việc nhất thời, nghĩa là chỉ thực hiện một lần ở nước Do-thái cách đây hai ngàn năm, hay là một định luật vẫn thi hành mọi đời trong sự sống siêu nhiên của thế giới tinh hồn? 

 

Cùng với Giáo Hội ta tin đó là một định luật muôn đời, nghĩa là luôn mãi cho đến thế mạt, hễ lần nào Chúa Kitô sinh ra cách thiêng liêng trong bất cứ linh hồn nào, để thánh hóa họ, nghĩa là để kết hợp họ với Ngài, thì vẫn sinh ra bởi phép Chúa Thánh Thần và có Đức Mẹ cộng tác.  Bởi vậy, mỗi lần ta được ơn thánh do công nghiệp Chúa Giêsu, thì vẫn do Chúa Thánh Thần hoạt động và có Đức Mẹ cùng hoạt động với Chúa Thánh Thần. 

 

Thánh Mongpho giới thiệu sự kết hợp với Đức Mẹ, để Chúa Thánh Thần hoạt động mãnh liệt trong ta.  Ngài nói: “Chúa Thánh Thần càng thấy Đức Mẹ, Bạn chí ái, bất ly của Ngài trong một linh hồn, Ngài càng hoạt động mãnh liệt để thành hình Chúa Kitô trong linh hồn ày và biến linh hồn ấy nên giống Chúa Kitô.”  Hễ có Đức Mẹ ở với ta, là Chúa Thánh Thần Kitô-hóa ta.

 

Đức Mẹ ở trong ta cách nào?  Đức tin cho ta biết rằng các thánh trên trời nhờ chiêm vọng Thiên Chúa, mà xem thấy ta với các nhu cầu của ta, nghe được các điều ta ước nguyện và có thể bầu cử ơn Chúa cho ta.  Cách đó gọi là hiện diện gián tiếp.  Đức Mẹ cũng hiện diện nơi ta cách đó.  Hơn thế nữa, theo ý kiến phần đông các nhà thần học, Đức Mẹ còn hiện diện với ta cách trực tiếp và vật thể nữa, sở dĩ được như thế là vì xác Đức Mẹ đã được hưởng những đặc tính của xác sống lại.

Hãy luôn luôn tưởng nhớ yêu mến với Đức Mẹ, để luôn luôn được Chúa Thánh Thần Kitô hóa ta.

 

NGÀY THỨ 6

Công việc thánh hóa của Chúa Thánh Thần

 

Trước khi nói đến công việc của Chúa Thánh Thần, có một điều cần lưu ý.  Công việc thánh hóa cũng như mọi việc khác Thiên Chúa hành động ra ngoài mình, vẫn là việc chung của Ba Ngôi.  Nhưng thần học cũng như thánh kinh quen dùng cách nói biệt qui, nghĩa là việc nào biểu lộ được đặc tính Ngôi nào, thì quen nói là việc của Ngôi ấy.  Tỉ dụ, việc thánh hóa nhân loại là việc yêu thương, thì quen nói là việc Chúa Thánh Thần, vì Ngài là Ngôi Yêu Mến.

 

            Trong chương trình cứu chuộc và thánh hóa nhân loại, việc nào cũng do Chúa Thánh Thần chủ động và có Đức Mẹ phụ tá.  Nơi Chúa Cứu Thế, từ việc vĩ đại Ngôi Hai Nhập Thể, cho đến những hành vi nhân linh của Chúa Giêsu, như lên rừng chịu cám dỗ, trở lại Galilêa sau thời gian ở trên rừng, và việc kết liễu đời sống làm hi tế trên thánh giá, thì Thánh Kinh đều nói là do Chúa Thánh Thần chỉ huy.

 

            Trong Giáo Hội, Chúa Thánh Thần khai sinh Giáo Hội trong ngày linh giáng.  Và từ đó cho tới ngày chung thẩm Chúa Thánh Thần vẫn giúp đỡ Giáo hội, trong khi thi hành quyền giáo huấn, cai tri và thánh hóa.

 

            Đối với các linh hồn, Chúa Thánh Thần làm họ nên con Thiên Chúa trong lúc chịu phép thánh tẩy và nên chiến sĩ do phép thêm sức.  Để giúp họ sinh hoạt siêu nhiên, nghĩa là thi hành nhân đức, lên các bậc suy nguyện cao sâu, Chúa Thánh Thần ban bảy ơn, gọi là bảy ơn Chúa Thánh Thần.

 

            Ơn Kinh-úy—Kính sợ (Fear of the Lord) làm ta tôn trọng uy quyền Chúa, và hối hận mỗi khi phạm đến uy quyền đó, vì thế quyết tâm lánh tội và vui chịu khổ đền tội.

 

Ơn Cương dũng—Sức mạnh (Fortitude) cho ta can đảm bất chấp trở lực, biết chịu đựng kiên nhẫn, dám đảm đương những việc lớn lao, vì triệt để tin cậy vào Chúa, lại trung thành trong những điều nhỏ mọn.

 

            Ơn Sùng hiếu—Đạo đức (Piety) sinh ra hiếu để thiêng liêng, nghĩa là làm ta cảm thấy Chúa là Cha chí từ, nên thảo mến kính phục; lại yêu mến Đức Mẹ, các thánh, Giáo Hội, các vị Bề trên, vì là con cái Chúa.  Ơn này còn làm ta hy sinh xả kỷ cho đồng loại.

 

            Ơn Siêu kiến—Biết lo liệu (Counsel) làm ta biết dung hòa những sự xem ra mâu thuẫn như nghiêm thẳng với nhân từ, âu yếm các linh hồn với lòng trong sạch, giúp ta giải quyết, đối phó mau chóng trong những trường hợp khó khăn.

 

            Ơn Minh luận (Knowledge) làm ta nhờ tạo vật mà lên Chúa, vì thấy tạo vật thì thấy ngay nó bởi Chúa, nó có gì hoàn mỹ cũng là do Chúa cho; đồng thời thấy ngay bên cạnh những mỹ hảo đó có cái hư hèn, giả trá, nguy hiểm, nên dễ siêu thoát tạo vật. 

 

            Ơn Minh đạt (Understanding) củng cố đức tin, vì ơn này làm ta tin các chân lý mặc khải, thấy các chân lý đó ăn nhịp với nhau, mặc dầu chưa hiểu bản tính các chân lý đó, nhưng không nghi ngờ và thấy tin như vậy là phải lẽ.

 

            Ơn Trí ái—Khôn ngoan (Wisdom) làm ta hiểu rõ Chúa và cảm thấy êm ái ngọt ngào, nên sống thân mật với Chúa, đi sâu vào những huyền diệu của Chúa Ba Ngôi, cảm thấy Chúa là mọi sự, nên tận dụng sở năng để mưu vinh danh Chúa, việc gì cũng là bằng chứng trung thành và yêu mến Chúa.

 

NGÀY THỨ 7

Mến Chúa là hạnh phúc của ta

 

          “Thiên Chúa là Tình yêu”.  Tất nhiên ta là con phải đáp mến.  Thánh Theresa Hài Đồng Giêsu nghĩ muốn đáp mến, thì có một cách tốt hơn cả là hiến thân cho Tình Yêu Chúa, để yêu Chúa bằng chính Tình Yêu của Chúa đã phú cho người hiến thân; thánh nữ cầu xin rằng: “Lạy Chúa toàn ái, xin chính Chúa hãy đến mà yêu Chúa ở trong con, như Chúa muốn và bằng mực Chúa muốn.”

 

            Mến Chúa là hạnh phúc của ta.  Mỗi vạt Chúa dựng nên đều có mục đích riêng, như mắt để xem, tai để nghe.  Khi tới mục đích đó nó mới thỏa mãn, nghĩa là mới có hạnh phúc.  Trong con người có hai tài năng cao trọng nhất, đứng chỉ huy các tài năng khác.  Hai tài năng đó là trí khôn và lòng muốn.  Mục đích của trí khôn là hiểu biết, của lòng muốn là yêu mến.  Đối tượng của trí khôn là chân lý, của lòng muốn là sự thiện.  Biết chân lý, yêu sự thiện, con người mới thỏa mãn. Muốn có hạnh phúc hoàn toàn đầy đủ, thì trí khôn phải biết chân lý tuyệt đối, lòng muốn phải yêu sự thiện vô cùng.  Chân lý tuyệt đối là Thiên Chúa.  Sự thiện vô cùng cũng là Thiên Chúa. Vì thế chỉ khi nào hiểu biết và yêu mến Chúa, ta mới được hưởng hạnh phúc thật.  Hiểu biết Chúa để yêu Chúa, nên nói tắt rằng mến Chúa là hạnh phúc.

 

            Ở thiên đàng không có tin, cậy, chỉ còn yêu mến, mà yêu mến không bao giờ tắt chỉ, và đó là hạnh phúc của ta.  Quả thật như thánh Augustinô nói: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con để hướng về Chúa, lòng con khắc khoải không yên cho đến khi được nghỉ trong Chúa mới thôi.”  Lạy Chúa, Chúa ra lệnh cho con mến Chúa, chẳng qua là truyền cho con hưởng hạnh phúc, Chúa nhân ái dường nào!  “Mọi sự đều giả trá, trừ sự mến Chúa.”  Mến Chúa là hạnh phúc của ta, nên việc gì không đưa tới cùng đích, đều là giả trá và dại dột, trái lại việc nào đưa tới hạnh phúc, mới có giá trị và khôn ngoan.  Một người mà việc nào cũng: “Cùng với Mẹ, con làm để mến Chúa” thật là người khôn ngoan.  Đời sống người ấy là bài tình ca.  Nhìn người ấy Chúa được thỏa mãn.  Đời sống tận hiến đúng nghĩa là bài tình ca vậy.

 

CHÍNH NGÀY TẬN HIẾN

 

          Việc tận hiến cốt yếu là một động tác của ý chí nên không cần diễn tả bằng lời nói, chỉ có ý muốn là hoàn thành.  Tuy nhiên, để hợp với bản tính con người, người ta vẫn nói ra ngoài miệng cái ý chí tận hiến.  Cũng không buộc theo định thức nào, người ta có thể tự đặt lấy kinh tận hiến. Tuy nhiên có thể dùng các kinh tận hiến đã có, như kinh tận hiến của Thánh Mongpho, đã in ở nhiều sách, hay kinh tận hiến làm lễ toàn thiêu cho Chúa toàn ái của Thánh nữ Theresa Hài Đồng Giêsu.  Đây xin giới thiệu một kinh “tận hiến cho Chúa toàn ái nhờ Đức Mẹ.”

            Việc tận hiến có thể làm riêng làm chung; làm lúc nào cũng được; tuy nhiên, nên làm khi chầu Thánh Thể hay sau lúc rước lễ: không bó buộc theo lễ nghi nào.

 

Nhưng đây xin giới thiệu một lễ nghi

 

LỄ NGHI NÀY GỒM:

 

  1. Kinh cầu Chúa Thánh Thần
  2. Diễn giảng ý nghĩa tận hiến
  3. Triều thiên nhỏ
  4. Mấy câu hỏi
  5. Hai phút suy nghĩ
  6. Kinh tận hiến
  7. Hai phút suy nghĩ
  8. Hát bài tận hiến hay Magnificat
  9. Phép lành linh mục chứng kiến (nếu có)

 

LỄ NGHI TẬN HIẾN

(Sau khi rước lễ, hay trước chầu Thánh Thể)

 

1—Kinh Cầu Chúa Thánh Thần

            Xin Chúa thương xót chúng con.

            Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

            Xin Chúa thương xót chúng con.

            Chúa Kitô nghe cho chúng con.

            Chúa Kitô nhậm lời chúng con.

Đức Chúa Cha ngự trên trời là Đức Chúa Trời thật.

Thương xót chúng con (lặp lại sau mỗi câu sau này)

Đức Chúa Con chuộc tội cứu thế là Đức Chúa Trời thật.

Đức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Trời thật.

Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Thánh Thần (ĐCTT) bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra.

ĐC TT đã bay liệng trên mặt nước, khi tạo thành vũ trụ và ban cho nó sản lực dồi dào.

ĐC TT đã soi sáng các thánh nhân nói về Thiên Chúa.

ĐC TT dạy dỗ thấm nhuần chúng con.

ĐC TT làm chứng về Chúa Giêsu Kitô.

ĐC TT là thầy chân lý hằng dạy dỗ chúng con mọi điều.

ĐC TT đã xuống ngự nơi Đức Mẹ.

ĐC TT đã tràn đầy mặt đất.

ĐC TT ngự trị trong lòng chúng con.

ĐC TT ban ơn trí ái và minh đạt.

ĐC TT ban ơn siêu kiến và cương dũng.

ĐC TT ban ơn minh luận và sùng hiếu.

ĐC TT ban ơn kinh úy Thiên Chúa.

ĐC TT ban ân sủng và lân tuất.

ĐC TT ban can đảm, mến yêu và tiết độ.

ĐC TT ban đức tin, cậy, mến, và bình an.

ĐC TT ban lòng khiêm nhường và sạch sẽ.

ĐC TT ban sự từ bi và hiền hậu.

ĐC TT là mạch mọi ơn phúc.

ĐC TT thấu suốt mọi điều bí nhiệm của Thiên Chúa.

ĐC TT hằng bênh hộ chúng con bằng những lời thống thiết khó tả.

ĐC TT đã lấy hình bồ câu ngự xuống nơi Chúa Kitô.

ĐC TT đã tái sinh chúng con.

ĐC TT đã đổ đầy tình thảo mến vào lòng chúng con.

ĐC TT đã hóa chúng con nên nghĩa tử Thiên Chúa.

ĐC TT đã lấy hình lưỡi lửa ngự xuống trên các môn đệ.

ĐC TT đổ ơn đầy lòng các thánh Tông Đồ.

ĐC TT ban ơn cho mỗi người, tùy ý Ngài sở định.

 

Ta hãy cầu nguyện

            Lạy Chúa, Chúa đã dùng quyền năng Thánh Thần Chúa mà phù giúp chúng con, chúng con van nài Chúa để Thánh Thần Chúa lại xót thương rửa sạch vết nhơ tâm hồn chúng con, và gìn giữ chúng con khỏi mọi sự dữ.  Amen.

 

2—Diễn Giảng Ý Nghĩa Tận Hiến. (Không quá 10 phút)

3—Triều Thiên Nhỏ (Như trong phần cầu xin ở Tuần Thứ Hai)

4—Mấy Câu Hỏi

 

  1. Vì sao (anh chị em hay chúng con) tận hiến cho Chúa toàn ái nhờ Đức Mẹ?
  1.  Vì con muốn phục vụ Chúa triệt để và làm chiến sĩ dưới sự lãnh đạo của Đức Mẹ.
  1.  Cốt yếu việc tận hiến ở tại gì?
  1.  Ở tại yêu mến Chúa tận tình, và lòng yêu mến được cụ thể hóa bằng triệt để tuân phục ý Chúa.
  1.  Yêu là cho, và cho thật thì không lấy lại, vậy ____có cam đoan không bao giờ chủ tâm lấy lại những cái đã dâng không?
  1.  Con quyết không bao giờ chủ tâm lấy lại.
  1.  Khi nào thì lấy lại?
  1.  Mỗi khi dùng trái ý Chúa cái gì đã dâng, đó là lấy lại.
  1.  Không lấy lại, nhưng có phải để Chúa tự do xử dụng, vậy___ có hứa để Chúa tự do xử dụng không?
  1.  Con hứa.
  1.  Làm thế nào để Chúa tự do xử dụng?
  1.  Dùng những cái đã dâng như ý Chúa, đó là để Chúa xử dụng.
  1.  Vậy__ có muốn tận hiến với tất cả ý nghĩa như thế không?
  1.  Con muốn.

5—Hai Phút Im Lặng Suy Nghĩ

 

6—Kinh Tận Hiến

            Lạy Chúa Ba Ngôi, Toàn Ái, Toàn Thiện, Toàn Mỹ, lòng con tràn ngập an ủi và cậy trông, khi miệng con được thưa Chúa rằng:  Cha toàn năng của con.  Lạy Cha, Ngôi Lời của Cha đã làm người để thi thố tình yêu đến tận cùng.  Cũng vì yêu vô hạn, Thánh Linh Cha đã cùng Đức Mẹ làm cho Ngôi Hai nhập thể, để cứu chuộc nhân loại, và còn luôn luôn giúp đỡ Giáo Hội, thánh hóa các linh hồn.  Lạy Cha, bản thể Cha là yêu, công việc Cha là yêu, lòng yêu của Cha không thể đo lường, Cha đáng mến vô cùng.

 

            Để đáp mến Cha bằng đời sống yêu mến hoàn toàn, con xin nhờ Mẹ Maria tinh tuyết mà tận hiến cho Cha toàn thể hồn xác với mọi tài năng, mọi chi thể, mọi của tự nhiên và siêu nhiên, nghĩa là hết mọi sự con có thể dâng.

 

            Xin Cha nhận con vào sổ các linh hồn tận hiến mà không bao giờ lấy lại những cái gì đã dâng.  Xin Cha biến con nên khí cụ triệt để thuận phục trong tay Cha và Mẹ Maria, để mưu vinh danh Cha và cứu các linh hồn.  Xin Cha chiếm lấy con, sống động trong con, dùng con làm gì tùy ý Cha.  Xin cho đời sống con trở thành bài tình ca dâng tiến Cha.  Xin cho con hòa trộn vào Cha để yêu mến Cha, và chỉ muốn sự Cha muốn.  Lạy Cha, mọi sự nơi Cha chỉ là yêu con, chớ gì mọi sự nơi con cũng là chỉ yêu Cha.  Mến Cha là sức sống của con, mến Cha là khát vọng của con, mến Cha là hạnh phúc của con.

 

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Vô Nhiễm, Mẹ Đồng Trinh, Mẹ đầy ơn, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ nhân loại, Mẹ của con, còn gì sung sướng bằng làm con thảo và chiến sĩ của Mẹ!  Mẹ là trung gian thế lực nơi Chúa Giêsu; Chúa toàn ái đã dùng Mẹ, để mẫu hóa tình yêu vô cùng của Ngài, cho chúng con được hưởng tình Mẹ vô hậu.  Lòng thương Mẹ cũng vô biên như quyền phép Mẹ.

 

            Vì tin cậy, con muốn triệt để tùy thuộc Mẹ, để Mẹ tự do xử dụng con.  Để phú thác, con giao phó cho Mẹ mọi sự dĩ vãng và tương lai của con, con chỉ chăm mến Chúa yêu Mẹ trong hiện tại.  Bởi mến phục, con muốn là của riêng Mẹ, để Mẹ tiến dâng Chúa.

 

            Xin Mẹ giúp con trung thành tận hiến đến cùng.  Xin Mẹ biến con nên nô lệ tình yêu của Mẹ như Thánh Mongpho, nên của lễ toàn thiêu của Chúa toàn ái như thánh Theresa Hài Đồng Giêsu, nên tâm hồn mến yêu liên lỉ như Consolata.  Xin Mẹ làm cho chiến sĩ tận hiến chóng đủ số, để Trái Tim Mẹ thắng.  Những điều ấy con cậy vào lòng từ mẫu Mẹ mà nài xin, Mẹ đừng nói Mẹ không phải cho, vì Mẹ là Mẹ con; Mẹ đừng nói Mẹ không thể cho, vì Chúa đã giao mọi ơn để Mẹ muốn phát cho người nào, bằng nào, lúc nào, cách nào, tùy Mẹ.  Mẹ ơi!  Mẹ là kho tàng Thiên Chúa, Mẹ là từ mẫu con triệt để trông cậy vào Mẹ. Amen.

 

7—Hai Phút Im Lặng Suy Nghĩ

8—Hát Bài Ý Nghĩa Tận Hiến hay Magnificat

9—Phép Lành Linh Mục chứng kiến (nếu có)